Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 02 năm 2020

04/03/2020 00:00 355 lượt xem

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 26-02-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 265-KH/HU về Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện lịch sử quan trọng năm 2020 trên địa bàn huyện.

- Kế hoạch số 265-KH/HU được ban hành với mục đích nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

- Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm cần tổ thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, với quy mô, hình thức phù hợp bảo đảm đúng các quy định hiện hành; lồng ghép với việc tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng Đảng, các sự kiện chính trị của đất nước và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo được không khí phấn khởi trong xã hội và các tầng lớp nhân dân. Để từ đó, các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm mà Kế hoạch số 265-KH/HU đã đề ra trong thời gian tới.

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC        

TỪ THÁNG 02 NĂM 2020

* Điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng: Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ban hành ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác có hiệu lực từ ngày 01/02/2020.

Về giống cây trồng, Nghị định quy định chi tiết về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; chi tiết điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng và chi tiết quy định về ghi nhãn giống cây trồng...

* Dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải được thẩm định công nghệ: Có hiệu lực từ ngày 10/02/2020, Nghị định 95/2019/NĐ-CP ban hành ngày 16/12/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 29 yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng. Cụ thể, dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lựa chọn công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại đáp ứng các tiêu chí về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và được thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ.

* Bổ sung mức phạt vi phạm trong lĩnh vực thú y: Có hiệu lực thi hành từ ngày 18/2/2020, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Trong đó, bổ sung quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam khi mang theo sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế hoặc chế biến từ quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh động vật nguy hiểm trên loài động vật đó.

* Sửa quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Có hiệu lực từ ngày 20/02/2020, Nghị định 06/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/01/2020 sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

* 8 nội dung phải công khai trong thi hành tạm giam của lực lượng CAND: Theo Thông tư số 81/2019/TT-BCA về thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam của lực lượng Công an nhân dân (CAND) có hiệu lực từ ngày 12/2/2020, những nội dung phải công khai, gồm: Quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; nội quy cơ sở giam giữ; danh mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam; tình hình chấp hành nội quy cơ sở giam giữ, sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật; chế độ, tiêu chuẩn ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ; quy định về việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; các trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự;...

* Quy định mới về bằng đại học, bằng bác sĩ, kỹ sư: Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.

Nghị định này quy định về hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm:

- Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6;

- Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7; và  

- Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.

Cũng tại Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định văn bằng có trình độ tương đương gồm: Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.

Nếu người học đáp ứng các điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác, thì bằng bác sĩ, kỹ sư… có thể tương đương với bằng thạc sĩ.

Khi đó, bác sĩ, kỹ sư sẽ không còn phải học lên thạc sĩ nữa. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư trong năm 2020 để hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

* Thi giáo viên dạy giỏi chỉ còn được chuẩn bị trước 2 ngày: Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 22 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non và phổ thông. Thông tư này được áp dụng từ ngày 12/02/2020.

Theo đó, Thông tư quy định giáo viên chỉ được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong không quá 02 ngày trước thời điểm thi (Quy định trước đây là không quá 01 tuần trước thời điểm thi giảng).

Nội dung thi cũng được thay đổi. Thay vì thực hành và thi kiểm tra năng lực hiểu biết, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ… như trước, giáo viên tham dự hội thi sẽ phải thực hiện 02 nội dung: Thực hành dạy một tiết và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy trong thời gian không quá 30 phút.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần, Hội thi cấp tỉnh được tổ chức theo chu kỳ 04 năm một lần.

Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận. Với danh hiệu cấp tỉnh được bảo lưu trong thời hạn 03 năm tiếp theo của năm được công nhận.

* Giá nhân công xây dựng cao nhất 280.000 đồng/ngày: Nguyên tắc, nội dung, phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng được hướng dẫn tại Thông tư 15 năm 2019 của Bộ Xây dựng. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.

Thông tư đặt ra khung đơn giá cho công nhân xây dựng, lái xe, vận hành máy và thiết bị thi công, kỹ sư khảo sát xây dựng theo từng vùng như sau:

- Vùng I: Từ 213.000 - 280.000 đồng/ngày;

- Vùng II: Từ 195.000 - 260.000 đồng/ngày;

- Vùng III: Từ 180.000 - 246.000 đồng/ngày;

- Vùng IV: Từ 172.000 - 237.000 đồng/ngày.

Dựa trên khung đơn giá này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định đơn giá cho nhân công xây dựng trong tỉnh theo nguyên tắc: Phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc, điều kiện làm việc, đặc điểm, tính chất công việc; Phù hợp với mặt bằng giá nhân công xây dựng; Thời gian làm việc 08 giờ/ngày…

* Sửa quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Tại Nghị định 06 năm 2020, Chính phủ đã sửa đổi quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, bổ sung trong khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nội dung về dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bên cạnh các nội dung khác như:

- Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi;

- Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất;

- Dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất;

- Dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, từng loại vị trí…

Đồng thời, với trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì các nội dung trên phải gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2020. 

 

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

“TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC; XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH”

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

- Phương pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết, cần tuyên truyền, vận động nhân dân. Nội dung tuyên truyền phải đáp ứng đúng nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân và yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Tuyên truyền, vận động phải phù hợp với từng đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cương lĩnh tuyên truyền phải hết sức giản đơn, ai ai cũng hiểu được, nhớ được. Đoàn kết, đánh địch, cứu nước, chỉ 6 chữ ấy thôi là đủ rồi”.

 Thứ hai, phải chăm lo xây dựng và xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đảng cộng sản là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng phải đề ra được đường lối đúng đắn. Trong Đảng đoàn kết, thống nhất từ tư tưởng đến hành động; có kỷ luật, tự giác, nghiêm minh; thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Mỗi đảng viên phải thật sự là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Về Nhà nước: Đảng phải làm cho Nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân. Không ngừng cải cách bộ máy hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước quản lý bằng pháp luật. “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là: Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

 Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mặt trận và các đoàn thể phải có cương lĩnh, đường lối thiết thực, rõ ràng; hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng giai cấp, tầng lớp, các ngành, các giới, các dân tộc, tôn giáo… để toàn dân tộc có thể tham gia xây dựng và thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

*  Đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc và là đức tính cơ bản của người cách mạng

Coi đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, theo chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai không có khả năng tập hợp, đoàn kết  quần chúng và các đồng chí của mình thì không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: học tư tưởng, đạo đức đoàn kết Hồ Chí Minh là “Gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta”. Trước hết, cần trau dồi những phẩm chất đạo đức cần thiết cho đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về tư tưởng “Đoàn kết toàn dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan sơn muôn dặm một nhà/Vì trong bốn biển đều là anh em”. Người cho biết: “Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên và cho quần chúng nhân dân lòng yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Và, sẵn sàng “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Bởi vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cần có tinh thần quốc tế trong sáng.

Đối với toàn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”. Để đoàn kết nhất trí, cán bộ lãnh đạo phải cần, kiệm, liêm, chính; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí; hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Chính phủ và pháp luật của Nhà nước.

Đối với mỗi đảng viên, Người cho rằng, muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên…“Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết”.

Đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, Người kêu gọi “tất cả dân ta đều Thi đua: Cần, Kiệm, Liêm, Chính” và giải thích: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người. Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác - Ái…”

Song song với việc xây những đức tính tốt để đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, phải chống những cái xấu, những căn bệnh gây chia rẽ, mất đoàn kết.

Thứ nhất, phải chống bệnh hẹp hòi. “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, … đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”. Từ hẹp hòi mà sinh ra kéo bè kéo cánh, bè phái. “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí”.

Thứ hai, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Những người có tư tưởng này, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng, không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do chủ nghĩa cá nhân mà cán bộ, đảng viên sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, xa rời thực tế, quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền. Người chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.

Để thực hiện được chiến lược đại đoàn kết dân toàn dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mới thành công, Người khẳng định, “ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó” và giải thích: “mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”.

*  Phong Cách Hồ Chí Minh trong thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc

Hồ Chí Minh suốt đời kiên tâm thực hiện đại đoàn kết. Bản thân Người cũng chính là hình ảnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Bác, để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, thì toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần có phong cách lãnh đạo: “Kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”. Họ phải là: “Những người mà:

- Giàu sang không thể quyến rũ,

          - Nghèo khó không thể chuyển lay,

- Uy lực không thể khuất phục”. 

 Người khẳng định, Đảng ta với phong cách vì dân, vì nước nên: “không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề, nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân” để đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Bằng cách nào để toàn Đảng đoàn kết, nhất trí? Hồ Chí Minh chỉ ra biện pháp cơ bản là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Đối với cán bộ lãnh đạo, đảng viên, cần học và làm theo phong cách làm việc quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tập hợp, đoàn kết toàn dân. Chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, chăm lo đời sống của nhân dân. Tin vào dân, tôn trọng dân, chú ý lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu ý kiến dân phê bình và kịp thời sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót. Giáo dục, lãnh đạo nhân dân, đồng thời không ngừng học hỏi kinh nghiệm của nhân dân. Biết biến quyết tâm của Đảng, Nhà nước thành quyết tâm của nhân dân. “Phải làm đúng những điều đó mới xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ tốt của Đảng và Chính phủ”.

Đối với toàn thể nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào ta ai cũng cần có phong cách thân ái, khoan hồng độ lượng, thương yêu lẫn nhau, mới đoàn kết được toàn dân tộc. “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay”40. Tinh thần yêu nước, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân cần được thể hiện trong các phong trào thi đua ái quốc. Mỗi giới lại cần có phong cách làm việc thiết thực của chính mình:

“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua lao động sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,

         Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”. Như vậy thì kháng chiến, kiến quốc nhất định thành công.

Với đồng bào các tôn giáo, phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào ta không phân biệt lương, giáo, hãy làm theo gương của các bậc sáng lập Đạo mà đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, giữ gìn non sông Tổ quốc, mà cũng là để giữ gìn quyền tôn giáo tự do. Bác cũng khẳng định đạo đức tôn giáo có giá trị nhân văn, phù hợp với đạo đức của xã hội.

 “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. 

 Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi

Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa”.

Theo Người: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”.

Đối với đồng bào các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Các dân tộc đều bình đẳng và phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em”. Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ. Đồng bào tất cả các dân tộc đều cần có phong cách làm việc của người chủ nước nhà.

Trích nguồn dẫn Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

 THÁNG 03 NĂM 2020

 

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc bám sát nội dung định hướng công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong tháng 3-2020, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng theo kế hoạch của Tỉnh ủy, chú trọng tuyên truyền các hoạt động chuẩn bị cho đại hội, Quy chế bầu cử trong Đảng, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại…; kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu…Các văn bản mới của Bộ Chính trị, như: Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...

2. Tuyên truyền kết quả nổi bật phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020 của cả nước và của tỉnh, huyện nhấn mạnh việc Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của địa phương, cơ quan, đơn vị...Trong đó tuyên truyền đậm nét về công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nâng cao hoạt động của các hợp tác xã, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, hoạt động của các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp hiệu quả.

3. Tuyên truyền các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh diễn ra trong tháng 3/2020: Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2020); 110 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; 61 năm ngày Truyền thống Bộ đội biên phòng (03/3/1959-03/3/2020), 31 năm ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989-03/3/2020); 59 năm ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang (26/3/1961 - 26/3/2020)… Đối với kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: (1) Tuyên truyền ý nghĩa lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3; vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương, nhất là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (2) Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phụ nữ và trẻ em. (3) Biểu dương gương người tốt, việc tốt của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, giảm nghèo, hoạt động xã hội từ thiện, gương phụ nữ tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Nông thôn mới. Đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm 61 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959-03/3/2020), 31 năm ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989-03/3/2020): (1) Tập trung tuyên truyền sâu rộng nhằm giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang nhận thức sâu sắc về truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng; nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của ngày Biên phòng toàn dân. (2) Tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình hiện nay; kết quả công tác xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển của đất nước nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng. (3) Giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng, phát huy sức mạnh của toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam. (4) Biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân, mô hình điển hình trong phong trào bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Đối với tuyên truyền kỷ niệm 59 năm ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang (26/3/1961 - 26/3/2020): (1) Tuyên truyền về 02 bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Đại hội Đảng bộ và Đại hội sản xuất tỉnh Hà Giang (ngày 26/3/1961) và với nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang (ngày 27/3/1961); (2) kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; (3) tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo Bác; nhất là những điển hình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị trong xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

4. Tập trung tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó chú trọng thông tin tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ngành, đơn vị về phòng, chống dịch Covid-19; hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc, các cơ sở giáo dục, khu vực công cộng thường tập trung đông dân cư…, nhất là tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… đúng cách, đúng loại, đúng chỗ; thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh; tuyên truyền, biểu dương tinh thần, ý thức trách nhiệm của các đơn vị làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các cơ sở y tế, đội ngũ y, bác sỹ trực tiếp chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tại các địa phương. Đấu tranh với những biểu hiện chủ quan, coi thường dịch bệnh hoặc lo sợ thái quá dẫn tới mất niềm tin, những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, hành vi che dấu thông tin hoặc tung tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng…

5. Tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới, trọng tâm là các giải pháp đạt và giữ các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng Nông thôn mới; tuyên truyền bảo vệ thương hiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP.

6. Tuyên truyền việc gieo cấy các cây trồng vụ Xuân theo đúng khung thời vụ, vận động người dân sử dụng các loại giống mới, giống ngắn ngày có năng suất cao, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để hoàn thành chỉ tiêu nông sản lương thực và đảm bảo giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất trồng cây hàng năm.

7. Tuyên truyền công tác chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết; phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm (nhất là các chủng loại virus cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, dịch bệnh Tả lợn Châu Phi, tụ huyết trùng...), hướng dẫn người dân các biện pháp tái đàn chăn nuôi lợn hoặc chuyển đổi chăn nuôi; công tác kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh, huyện tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở và các chợ biên giới.

8. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông; tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội…; tuyên truyền Luật An ninh mạng: Thời gian vừa qua, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân đã vô tình hoặc cố ý chia sẻ, tung tin thất thiệt, gây nhiễu, hoang mang dư luận. Cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật An ninh mạng và các quy định pháp luật khác. Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các quy định của Luật An ninh mạng để mỗi người dân thấy được quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi sử dụng mạng xã hội, internet để đăng tải, chia sẻ thông thông tin.

Ngoài những nội dung trọng tâm nêu trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các cơ quan, địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn địa phương để lựa chọn, bổ sung các nội dung tuyên truyền cần thiết, phù hợp, đảm bảo có chất lượng và hiệu quả.

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Hoàng Tiến Chủ

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy – Trưởng ban biên tập.

 

* PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

Đ/c Trần Văn Hòa

Phó Trưởng ban TT Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

* BIÊN TẬP NỘI DUNG.

                   Đ/c Lý Mạnh Hồng – Chuyên viên.

   Đ/c Hoàng Thị Hằng – Chuyên viên.

         Đ/c Hoàng Xuân Trường – Chuyên viên


Tin khác

Liên kết website