Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 03 năm 2020

14/04/2020 00:00 420 lượt xem

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 30-3-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 273-KH/HU về Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Kế hoạch số 273-KH/HU được ban hành với mục đích nhằm giúp các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lóp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII; đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lân thứ XVII và đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và của huyện.

-   Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuât, phát triên kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

-   Nội dung các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ thể hiện những giá trị đặc trưng của các dân tộc trong huyện; phản ánh sinh động quá trình 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020), kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII; Đại hội đại biểu Đảng bộ tinh Hà Giang lần thứ XVI và Đại hội đại biêu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu.

-   Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII và đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phải đảm bảo ý nghĩa, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng quần chúng nhân dân; tránh phô trương, lãng phí, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời việc sử dụng các biểu tượng: Quốc ca, Quốc thiều, Quốc kỳ, Đảng kỳ, chân dung Chủ tịch Hồ chí Minh trong các ngày lễ, lễ kỷ niệm phải đảm bảo sự nghiêm trang, thực hiện theo đúng Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL, ngày 02/10/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch. Để từ đó, các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm mà Kế hoạch số 273-KH/HU đã đề ra trong thời gian tới.

             * Ngày 28-3-2020, Thường trực Huyện ủy đã ban hành Công văn số 2899-CV/HU về việc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

             - Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Thường trực Huyện ủy yêu cầu:

             1. Ủy ban nhân dân huyện

-     Chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông báo Kết luận số 172- TB/TW ngày 21/3/2020 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; công văn số 902/UBND-VHXH ngày 27/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

-     Xây dựng phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị vật tư và nhân lực để phòng chống dịch trong tình huống dịch bùng phát; có chính sách động viên, hỗ trợ kịp thời những người tham gia phòng chống dịch.

-     Tuyên truyền, thông tin kịp thời, minh bạch tới người dân về tình hình dịch bệnh, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh.

-     Động viên nhân dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội, cùng tham gia phòng, chống dịch, ủng hộ các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

-     Tiếp tục chỉ đạo phát triến kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân.

-     Chỉ đạo thực hiện công tác quản lý biên giới, quản lý công dân xuất cảnh lao động. Thực hiện việc khai báo y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định của Bộ Y tế.

-      Giao nhiệm vụ cho người đứng đầu cơ quan đơn vị, UBND xã, thị trấn trong việc nắm, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chợ phiên, chợ gia súc, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự, đám hiếu, đám hỷ...

2. Các Chi, Đảng bộ trực thuộc

-     Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng. Tăng cường công tác nắm tình hình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và chính quyền các xã, thị trấn triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

-     Tạm hoãn việc tổ chức đại hội Chi, Đảng bộ cơ sở cho đến khi có chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng các hoạt động hội họp, hội nghị tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, không tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tập trung đông người. Thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh tại cơ quan theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

-     Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt nội dung đại hội Chi, Đảng bộ cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 cuả Bộ Chính trị. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, chào mừng đại hội Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

UBND huyện, các Chi, Đảng bộ trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện. Báo cáo Thường trực Huyện ủy các vấn đề phát sinh để cho chủ trương giải quyết kịp thời.

 

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC        

TỪ THÁNG 3 NĂM 2020

* Trợ cấp đối với nhà giáo chưa có phụ cấp thâm niên trong lương hưu: Đây là quy định mới tại Nghị định 14/2020/NĐ-CP, quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương . 

Những đối tượng áp dụng là những nhà giáo nghỉ hưu được quy định tại Điều 2 Nghị định này sẽ được hưởng thêm trợ cấp khi chưa được hưởng phụ cấp thâm niên.

Để được hưởng trợ cấp, Nghị định quy định những nhà giáo trên được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện: trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 5 năm trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1994 đến ngày 31-5-2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1-1-2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu. 

Mức trợ cấp được quy thành tiền và tính theo công thức: Số tiền trợ cấp = (Mức lương hưu tháng x 10%) x Số năm được tính trợ cấp.

Trường hợp giáo viên đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được hưởng trợ cấp mà từ trần từ 1-1-2012 trở về sau thì vợ, chồng, bố, mẹ, hoặc con có thể làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định.   

Quy định này có hiệu lực từ ngày 15/3/2020.

* Nghiêm cấm có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch: Đây là một trong điểm mới tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

Luật quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 78/2009/NĐ-CP đều không có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quốc tịch, do đó, không có cơ sở pháp lý để xử lý khi phát sinh trên thực tế. Vì vậy, tại Điều 6 Nghị định số 16/2009/NĐ-CP đã bổ sung quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi:

(1) Dùng giấy tờ giả, giấy tờ bị sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung; khai báo không trung thực, có hành vi gian dối để làm thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch.

 (2) Dùng giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam.

 (3) Lợi dụng thẩm quyền được giao để cấp giấy tờ về quốc tịch Việt Nam, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam trái quy định của pháp luật; xác nhận không có cơ sở, không đúng sự thật về người xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

(4) Lợi dụng việc nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam để xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi nêu trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; giấy tờ quy định tại (2), giấy tờ được cấp trong các trường hợp (1) và (3) không có giá trị pháp lý, phải bị thu hồi hủy bỏ….

Nghị định 16/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20/03/2020.

* Sửa đổi, bổ sung một số điều kiện về kinh doanh rượu: Theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Chính phủ đã bổ sung một chương quy định về kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.

Cụ thể, điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm: Một là, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Hai là, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Ba là, đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

Nghị định cũng quy định cụ thể về điều kiện nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ. 

Nghị định số 17/2020/NĐ-CP nêu rõ, điều kiện bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/3/2020.

* Buộc thôi việc công chức vòi tiền người vi phạm: Đây là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2020 của Chính phủ.

Theo đó, các cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc nếu vi phạm một trong các hành vi sau đây:

Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; Chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định có hiệu lực từ 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

 

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

“TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC; XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH”

“Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”

* Xây dựng Đảng Cộng Sản cầm quyền trong sạch, vững mạnh làm hạt nhân lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị

Về vai trò, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản cầm quyền, Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mệnh trước hết “phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Đây là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa MácLênin của Hồ Chí Minh trong quá trình chuẩn bị và thành lập Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng lãnh đạo nhân dân thông qua hệ thống chính quyền, Mặt trận dân tộc thống nhất và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiệm vụ của Đảng “có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta: ĐỘC LẬP - THỐNG NHẤT - DÂN CHỦ - PHÚ CƯỜNG”.

Về bản chất của Đảng Cộng sản cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ, có đầy đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo thực hiện những mục tiêu cách mạng. Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành được chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền, nhưng là quyền do nhân dân ủy nhiệm, nhân dân mới thực sự là chủ. Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân. “Đảng phải thật sự là đội tiên phong dũng cảm và bộ   tham mưu sáng suốt của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc”.

 Về phương thức lãnh đạo của Đảng, Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết, bằng công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và bằng sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Để hoàn thành sứ mệnh của đảng cộng sản cầm quyền, cần tập trung xây dựng Đảng trên các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu tất yếu, khách quan. Bởi xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc.

Với chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên.

Công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh gồm: Xây dựng Đảng về chính trị; xây dựng Đảng về tư tưởng; xây dựng Đảng về tổ chức; xây dựng Đảng về đạo đức.

(1) Xây dựng Đảng về chính trị và xây dựng Đảng về tư tưởng: Phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị và tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý: việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin phải luôn phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Đảng phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong quá trình lãnh đạo. Việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng sẽ làm sáng tỏ những vấn đề mới trong thực tiễn, làm cho đường lối của Đảng ngày càng hoàn thiện.

Nội dung xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng bao gồm: đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị… Trong đó, đường lối chính trị là một vấn đề cốt tử trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng cần phải thường xuyên giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, thông tin   thời sự cho cán bộ, đảng viên để họ luôn luôn kiên định lập trường, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi hoàn cảnh.

(2) Xây dựng Đảng về tổ chức:

Về hệ thống tổ chức đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thực chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau; mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng. Trong hệ thống đó, chi bộ đóng vai trò là hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và giám sát đảng viên; có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

Về công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài. Người nhận thức rõ vị trí, vai trò của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng. “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Theo Người, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Vì vậy, Người yêu cầu: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy có xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại”.

(3) Xây dựng Đảng về đạo đức: Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch, vững mạnh. Trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài”. Không như vậy, Đảng sẽ rơi vào thoái hóa, biến dạng, tha hóa, xa dân, tự đánh mất sức mạnh tự bảo vệ. Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt là phải vừa có đức, vừa có tài, Người nhấn mạnh, trong đó, đạo đức là gốc: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. 

Do vậy, để xây dựng Đảng thực sự đạo đức, văn minh, cần nắm rõ 3 nguyên tắc:

Một là, những chuẩn mực đạo đức cần có của tổ chức Đảng: Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sáng tạo, chống giáo điều và xa rời nguyên tắc. Trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân, dân tộc Việt Nam và của loài người. Đảng gắn bó với dân, là người lãnh đạo đồng thời là người đày tớ trung thành của nhân dân.

Hai là, những phẩm chất đạo đức cách mạng cần có của cán bộ, đảng viên: Trung với nước hiếu với dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; yêu thương, quý trọng con người; có tinh thần quốc tế trong sáng.

Ba là, những nguyên tắc, biện pháp xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng: Nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức; tu dưỡng đạo đức suốt đời; xây dựng đạo đức đi đôi với chống lại những hiện tượng phi đạo đức. Các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng gồm 5 nguyên tắc: Nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác; nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng.

(1) Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng Đảng, thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa “tập trung” và “dân chủ”. Hồ Chí Minh khẳng định: tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung, là cơ sở của tập trung. Nếu không có sự gắn bó và thống nhất với nhau thì sẽ dẫn tới độc đoán, chuyên quyền và tự do vô tổ chức, vô kỷ luật.

(2) Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo hay chế chế độ lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc này có hai mặt gắn bó mật thiết với nhau, tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là dân chủ tập trung. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”. Cá nhân phụ trách là trên cơ sở bàn bạc kỹ lưỡng của tập thể, định kế hoạch rõ ràng, giao cho một người hoặc một nhóm người phụ trách kế hoạch mà thi hành để xác định rõ nhiệm vụ và phát huy vai trò của mỗi cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô 16 chính phủ. Kết quả cũng hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.

(3) Nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Ý nghĩa của nguyên tắc này ở chỗ Đảng cũng từ trong xã hội mà ra nên có những căn bệnh trong xã hội lây ngấm. Cán bộ, đảng viên cũng là con người, cũng có cái tốt, xấu, thiện, ác trong lòng. Vì vậy, tự phê bình và phê bình giống như việc rửa mặt hàng ngày, làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở, phần xấu mất dần đi. Tự phê bình và phê bình là thuốc đắng nhưng giã tật. Nếu không tự phê bình và phê bình sẽ như người có bệnh mà không uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Tự phê bình và phê bình nhằm làm cho Đảng vững mạnh, cán bộ, đảng viên tiến bộ. Đó cũng là một trong những cách tốt nhất để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, giữ vững và củng cố uy tín của Đảng. Trong phê bình và tự phê bình, phải thật thà, thẳng thắn, không nể nang, giấu giếm, không thêm bớt khuyết điểm. Cán bộ chủ chốt, lãnh đạo càng phải gương mẫu tự phê bình, phê bình. Tuyệt đối chống các biểu hiện như: thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của bản thân, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, hoặc lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác.

(4) Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Đảng ta là một tổ chức gồm những người tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cho nên tự giác là một yêu cầu tự thân đối với mọi tổ chức đảng và đảng viên. Tính nghiêm minh, tự giác đòi hỏi ở đảng viên phải gương mẫu trong cuộc sống, công tác. Uy tín của Đảng bắt nguồn từ sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc tự giác tuân thủ kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể nhân dân. Sức mạnh của một tổ chức đảng và của mỗi đảng viên bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng đòi hỏi tất cả mọi tổ chức đảng, tất cả mọi đảng viên đều phải bình đẳng trước Điều lệ Đảng, trước pháp luật của Nhà nước, trước mọi quyết định của Đảng.

(5) Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đoàn kết thống nhất phải dựa trên cơ sở lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin; Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; đường lối, quan điểm của Đảng; nghị quyết của tổ chức đảng các cấp.

Bác căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Có đoàn kết   tốt thì mới tạo ra cơ sở vững chắc để thống nhất ý chí và hành động, làm cho “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”. Vì vậy, muốn đoàn kết thống nhất, phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác.

* Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng

2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền là nhà nước của dân, nhà nước do dân và nhà nước vì dân, được thể hiện ở những nội dung như sau:

Nhà nước của dân là tất cả mọi quyền lực nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Nhân dân lao động làm chủ nhà nước tất yếu dẫn đến hệ quả là nhân dân có quyền kiểm soát nhà nước. Cử tri bầu ra các đại biểu, ủy quyền cho các đại biểu đó bàn và quyết định những vấn đề quốc kế dân sinh.

Nhà nước do dân là nhà nước do dân tạo ra và nhân dân tham gia quản lý. Hồ Chí Minh khẳng định: Việc nước là việc chung, mỗi người đều phải có trách nhiệm “ghé vai gánh vác một phần”.

Nhà nước vì dân là nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu. Tất cả đều vì lợi ích của nhân dân; ngoài ra, không có bất cứ một lợi ích nào khác. Một nhà nước vì dân là từ Chủ tịch nước đến công chức bình thường đều phải làm công bộc, làm đày tớ cho nhân dân. Mọi công chức, từ nhân viên đến Chủ tịch nước đều do dân ủy thác cho và phải phục vụ nhân dân.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước Việt Nam mới thể hiện ở các đặc điểm sau: (1) Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. (2) Nhà nước bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước. (3) Nguyên tác tổ chức và hoạt động cơ bản là tập trung dân chủ.

Xây dựng Nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ: Hoạt động quản lý nhà nước phải bằng Hiến pháp, pháp luật và chú trọng đưa pháp luật vào cuộc sống. Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước dân chủ Việt Nam không thể thiếu pháp luật vì pháp luật là “bà đỡ” cho dân chủ. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương, phép nước. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế.

Người cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa bảo đảm việc thực thi quyền lực của nhân dân, trong đó, khẳng định vai trò của pháp luật là: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”55. Người thường chỉ rõ những tiêu cực và nhắc nhở mọi người đề phòng, khắc phục những tệ nạn trong bộ máy nhà nước: đặc quyền, đặc lợi; tham ô, lãng phí, quan liêu; tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp. Xây  dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức và tài bao gồm những yêu cầu sau: (1) Tuyệt đối trung thành với cách mạng. (2) Hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. (3) Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. (4) Cán bộ, công chức phải là những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn, “thắng không kiêu, bại không nản”. Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, luôn luôn có ý thức và hành động vì sự lớn mạnh, trong sạch của Nhà nước.

2.2. Xây dựng Mặt trận dân tộc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh để bảo đảm dân chủ trong xã hội

Quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là có bảo đảm và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới bảo đảm được dân chủ của toàn xã hội. Quyền lãnh đạo của Đảng được xuất phát từ sự ủy quyền của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân. Đảng trở thành hạt nhân chính trị của toàn xã hội là nhân tố tiên quyết để bảo đảm tính chất dân chủ của xã hội. Dân chủ trong Đảng trở thành yếu tố quyết định tới trình độ dân chủ của toàn xã hội. Quan điểm này được Người thể hiện rõ: “Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”.

Đối với xây dựng Mặt trận dân tộc, Hồ Chí Minh quan niệm, trong việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, cần chú trọng việc xây dựng Mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi khác của nhân dân. Mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết lực lượng toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bởi “Mục đích phấn đấu của Mặt trận dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Mặt trận dân tộc thống nhất là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Theo đó, Cương lĩnh của Mặt trận dân tộc thống nhất phải là Cương lĩnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận tập hợp, đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội, đảng phái, xu hướng chính trị, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo...

Đối với các đoàn thể chính trị - xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định:

“- Đoàn Thanh niên Lao động phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục thế hệ thanh niên và nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.  

- Công đoàn phải thật sự trở thành trường học quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và văn hóa của giai cấp công nhân nước ta.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ phải là lực lượng mạnh mẽ giúp Đảng động viên, tổ chức và lãnh đạo phụ nữ tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

- Hội Nông dân có nhiệm vụ: “Làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình, làm cho nông dân vào Hội nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc”.

Trích nguồn dẫn Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương

 

GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

“Em Triệu Mùi Nhệ - Gương sáng đoàn viên”

Sáng ngày 16/03/2020 trên đường đến trường em Triệu Mùi Nhệ - Thôn Nậm Phang, xã Khuôn Lùng đã nhặt được 01 ví da, bên trong ví gồm nhiều giấy tờ quan trọng: Thẻ bảo hiểm, Chứng Minh nhânh dân, Giấy phép lái xe, giấy đăng ký và gần 6 triệu đồng. Là một đoàn viên tích cực, thật thà và thường xuyên tham gia vào các hoạt động Đoàn tại trường và địa phương, luôn giúp đỡ người khác. Sau khi nhặt được của rơi em Nhệ đã nhanh chóng đến nhờ thầy cô giáo liên lạc trả lại người bị mất. Cảm phục trước hành động của em, sau khi nhận được đầy đủ tiền và giấy tờ, Anh Nông Văn Đoán – Chủ nhân của chiếc ví đã vui mừng cảm ơn và trích lại một số tiền để thưởng cho em, nhưng Nhệ đã không nhận.

Em Triệu Mùi Nhệ trao trả lại chiếc ví bị rơi cho anh Nông Văn Đoán

Em Triệu Mùi Nhệ hiện đang là học sinh lớp 12 tại trường THCS&THPT Nà Chì  huyện Xín Mần, trong học tập và rèn luyện em luôn gương mẫu, tích cực và được thầy cô, bạn bè yêu mến. Việc làm của em Triệu Mùi Nhệ là hành động cao đẹp, đáng được khen ngợi và biểu dương.

Đồng thời, đây là tấm gương sáng cho các bạn đoàn viên thanh niên học tập, noi theo, để lại ấn tượng đẹp và lan tỏa về hình ảnh người Đoàn viên trong những ngày tháng 3 - Tháng Thanh niên 2020.

Trích tin từ Đoàn trường THCS và THPT xã Nà Chì

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

 THÁNG 4 NĂM 2020

 

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc bám sát nội dung định hướng công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong tháng 4-2020, cụ thể như sau:

1. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về đại hội đảng các cấp nội dung theo Kế hoạch số 493-KH/TU, ngày 07/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền trực quan, trang trí khánh tiết theo Công văn số 8141- CV/BTGTW, ngày 24/02/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I, phương hướng, nhiệm vụ quý II năm 2020 của tỉnh, huyện trong đó chú trọng thông tin, tuyên truyền việc Chính phủ, tỉnh Hà Giang chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

3. Tuyên truyền sâu rộng nội dung Kế hoạch số 234/KH-UBND, ngày 09/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang lần thứ VI; chú trọng tuyên truyền, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015- 2020 của địa phương, ngành.

4. Tuyên truyền các nội dung trọng tâm của Hướng dẫn số 125-HD/BTGTW, ngày 18/3/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương “Về kỷ niệm năm chẵn, năm tròn ngày truyền thống các ban và cơ quan của Đảng”, trong đó nêu rõ: Các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh không tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Truyền thống của ngành, tập trung tổ chức tốt các hoạt động như:

- Tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học.

- Tổ chức gặp mặt các thế hệ cán bộ của ban, cơ quan qua các thời kỳ.

- Tổ chức biên soạn ấn phẩm tuyên truyền về truyền thống của ban, cơ quan; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao...(tùy vào tình hình thực tế tổ chức các hoạt động cho phù hợp).

5. Tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nội dung cốt lõi Công văn số 7102- CV/TU, ngày 26/3/2020 của Tỉnh ủy Hà Giang “Về chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19); Thư kêu gọi Chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Văn bản số 902/UBND-VHXH, ngày 27/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh “V/v triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid- 19; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 43-CT/TU, ngày 31/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19…; thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh; tuyên truyền, biểu dương tinh thần, ý thức trách nhiệm của các đơn vị làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các cơ sở y tế, đội ngũ y, bác sỹ, các lực lượng Công an, Biên phòng tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; đấu tranh với những biểu hiện chủ quan, coi thường dịch bệnh hoặc lo sợ thái quá dẫn tới mất niềm tin, những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân, hành vi che dấu thông tin hoặc tung tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng…

6. Tiếp tục tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, huyện; tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới; tuyên truyền bảo vệ thương hiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương

7. Thông tin kịp thời về thời tiết nông vụ gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng trong gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2020

8. Tuyên truyền công tác chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết; phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

9. Tuyên truyền về thể lệ các cuộc thi, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc thi như: Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại hội kết toàn dân tộc” lần thứ 4 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức; Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi- thiếu nhi với Bác Hồ” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức; Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu 90 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; Cuộc thi viết “Biển, đảo Tổ quốc và truyền thống 65 năm Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng” do Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức …

10. Tuyên truyền các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh diễn ra trong tháng 4/2020, nửa đầu tháng 5/2020 trong cả nước và trên địa bàn tỉnh, như: Kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2020); 134 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2020); 150 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020); 202 năm ngày sinh C.Mác (05/5/1818 - 05/5/2020)...

* Đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020): (1) Khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. (2) Tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo, quả cảm, vượt mọi gian khổ, hy sinh, quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc của quân và dân ta; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ quý báu của các nước và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. (3) Tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh tính mạng, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ và của cải làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975; nêu bật những thành tựu của đất nước sau 45 năm thống nhất, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. (4) Đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và công lao, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

* Đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm 66 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2020): (1) Tuyên truyền tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ; khẳng định tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. (2) Tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. (3) Tuyên truyền những thành tựu to lớn của đất nước, của các tỉnh vùng Tây Bắc trong 66 năm qua; phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, quyết tâm xây dựng các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng và của đất nước nói chung ngày càng giàu đẹp và văn minh.

* Đối với tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2020) (Có Kế hoạch tuyên truyền cụ thể riêng)

Ngoài những nội dung trọng tâm nêu trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các cơ quan, địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn địa phương để lựa chọn, bổ sung các nội dung tuyên truyền cần thiết, phù hợp, đảm bảo có chất lượng và hiệu quả.

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

* CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Hoàng Tiến Chủ

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy – Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện – Trưởng ban biên tập.

 

* PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

Đ/c Trần Văn Hòa

Phó Trưởng ban TT Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

* BIÊN TẬP NỘI DUNG

                   Đ/c Hoàng Xuân Trường – Chuyên viên.

  Đ/c Hoàng Thị Hằng – Chuyên viên.

Đ/c Lý Mạnh Hồng – Chuyên viên


Tin khác

Liên kết website