Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 04 năm 2020

05/05/2020 00:00 465 lượt xem

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 14-4-2020, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới huyện đã ban hành Kế hoạch số 10-KH/BCĐ về triển khai, thực hiện xã Bản Ngò đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020

- Kế hoạch số 10-KH/BCĐ được ban hành với mục đích nhằm thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới tại xã Bản Ngò đến hết tháng 10/2020 và đề nghị tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

- Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới huyện yêu cầu khi thực hiện phải đảm bảo tiêu chí và tổ chức thẩm định các tiêu chí của xã Bản Ngò theo đúng quy định và kế hoạch ban hành; Phân công trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình để triển khai thực hiện mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Đồng thời thực hiện các tiêu chí chưa đạt thông qua việc lồng ghép đề án, phương án hỗ trợ xi măng; chương trình 135; 30a; vốn sự nghiệp và huy động nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác để thực hiện. Để từ đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Đảng bộ xã Bản Ngò tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ trọng tâm mà Kế hoạch số 10-KH/BCĐ đã đề ra trong thời gian tới.

             * Ngày 24-4-2020, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND về tổ chức triển khai văn bản pháp luật mới ban hành

             - Kế hoạch số 78/KH-UBND được ban hành với mục đích nhằm kịp thời tuyên truyền phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của văn bản pháp luật mới ban hành trong năm 2019 có hiệu lực từ năm 2020 đến mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động đảm bảo theo đúng quy định của Luật phổ biến giáo dục pháp luật và Luật Tiếp cận thông tin.

             Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới phải tiến hành kịp thời, thường xuyên, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng, ban ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan và chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức các hoạt động triển khai tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành; lồng ghép với việc triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật mới ban hành; lồng ghép với việc triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại các chương trình, đề án về phổ biến giáo dục pháp luật đã được ban hành trong năm. Để từ đó, các phòng, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương trong huyện tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung mà Kế hoạch số 78/KH-UBND đã đề ra trong thời gian tới.

            

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC        

TỪ THÁNG 4 NĂM 2020

* Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Có hiệu lực từ ngày 01/04/2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17/01/2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe.

Về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, Nghị định nêu rõ: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải được dán cố định cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe. Bên cạnh đó, được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn trên nóc xe thì không phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe.

Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.

Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nghị định cũng quy định rõ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Theo đó, trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

* Tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội bị phạt đến 20 triệu đồng: Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15/04/2020, trong đó, quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống.

* Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ phạt đến 100 triệu đồng: Nghị định số 18/2020/NĐ-CP ban hành ngày 11/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ ngày 01/04/2020.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

* Bỏ quy định xử phạt một số hành vi tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP: Có hiệu lực từ 01/04/2020, Nghị định 21/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Trong đó, bãi bỏ quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; bãi bỏ quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức hoạt động xây dựng có một trong các hành vi: không có hợp đồng lao động đối với những cá nhân đảm nhận những chức danh chủ chốt theo quy định; những chức danh chủ chốt không có chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực đặc thù của dự án theo quy định....

* Cấm khai thác cát, sỏi tại khu vực bờ sông có nguy cơ sạt, lở: Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông có hiệu lực từ ngày 10/04/2020.

Theo Nghị định, việc khoanh định khu vực cấm hoạt động khai thác, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản; các quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông thủy nội địa, quy định của pháp luật khác liên quan.

Căn cứ đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông và thực trạng, diễn biến tình hình xói, lở, bờ, bãi sông, các khu vực sau được khoanh định là khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông: a - Khu vực đang bị sạt, lở; b - Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; c - Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở; d - Khu vực khác có tầm quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của bờ sông; khu vực có công trình quốc phòng an ninh, khu đô thị, khu dân cư, khu vực có công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước, quan trắc, giám sát và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông có thể làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông do UBND cấp tỉnh quyết định.

* Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động bị phạt đến 150 triệu đồng: Nghị định 28/2020/NĐ-CP ban hành ngày 01/03/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Theo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động. Phạt tiền từ 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định nêu rõ: Các mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

* Tiêu chí kinh tế trang trại: Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT về việc quy định tiêu chí kinh tế trang trại có hiệu lực từ ngày 14/4/2020.

Theo đó, trang trại bao gồm 2 loại là trang trại chuyên ngành và trang trại tổng hợp.

Trang trại chuyên ngành được xác định theo lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp và tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Trang trại chuyên ngành được phân loại như sau: Trang trại trồng trọt; trang trại chăn nuôi; trang trại lâm nghiệp; trang trại nuôi trồng thủy sản; trang trại sản xuất muối.

Tiêu chí kinh tế trang trại chuyên ngành được quy định cụ thể như sau: Trang trại trồng trọt, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên; trang trại nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên; trang trại chăn nuôi, giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn; trang trại lâm nghiệp, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 10,0 ha trở lên; trang trại sản xuất muối, giá trị sản xuất bình quân đạt 0,35 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Trang trại tổng hợp là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Theo Thông tư, giá trị sản xuất bình quân của trang trại tổng hợp phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

* Quy định mới về quyết toán dự án sử dụng vốn nhà nước: Từ ngày 10/4/2020, việc quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

 

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

“TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC; XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH”

“Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”

* Đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng

Hồ Chí Minh suốt một đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, quan tâm rèn luyện Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong quá trình chuẩn bị các điều kiện thành lập Đảng, Người không chỉ quan tâm đến việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn rất quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ nòng cốt của Đảng về đạo đức, tư cách người cách mạng. Từ năm 1927, trong 23 điểm nêu trong cuốn Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiều phẩm chất đạo đức cần có đối với người cách mạng, như: Cần kiệm; Hòa mà không tư; Cả quyết sửa lỗi mình; Cẩn thận mà không nhút nhát; Nhẫn nại (chịu khó); Vị công vong tư; Không hiểu danh, không kiêu ngạo; Nói thì phải làm; Hy sinh; Ít lòng tham muốn về vật chất; Khoan thứ; Có lòng bày vẽ cho người; Trực mà không táo bạo; Quyết đoán; Dũng cảm...

Xác định đúng đắn đường lối chiến lược giải phóng dân tộc để Đảng hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, trong giai đoạn 1930-1945, Người đã kiên định thực hiện đường lối chiến lược đó, mang lại thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Sau khi thành lập chính quyền dân chủ nhân dân, với cương vị người đứng đầu, Người cùng với Đảng chèo lái con thuyền cách mạng trong điều kiện cực kỳ khó khăn, phức tạp những năm 1945-1946, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Với đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, “thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo nhân dân đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong phạm vi cả nước; cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ đó, có lúc Đảng gặp sai lầm, Hồ Chí Minh đã nhận trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Người đặt mình trong tập thể, nguyện trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng “cả khi phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào nơi tù tội không bao giờ xa rời mục tiêu đó”, “nguyện đi cùng với đồng bào, dù phải hy sinh tính mạng cũng không nề”... 

Tấm gương mẫu mực của Người về phẩm chất, tư cách, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng được thể hiện nổi bật ở các điểm sau:

Một là, tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Là người thành lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu, trung thực, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, coi kỷ luật Đảng là kỷ luật nghiêm minh và tự giác, quan tâm đến việc thực hành dân chủ trong Đảng. Người xác định rõ trách nhiệm cá nhân, nêu cao tinh thần “phụ trách” trước Đảng, trước dân tộc và nhân dân.

Hai là, tấm gương luôn tự rèn luyện, trau dồi phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống, tác phong của một đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ vững, rèn luyện ý chí, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”; trách nhiệm trung thành với Đảng, Nhà nước, hiếu với nhân dân.

Khổ luyện, tiếp thu các giá trị văn hóa, tự hoàn thiện nhân cách, không ngừng học tập để có tri thức, nâng cao tầm trí tuệ, Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Rèn luyện, giữ vững đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tấm lòng nhân ái, thủy chung, son sắt; lối sống giản dị, thiết thực, hòa đồng, làm chủ bản thân và luôn hướng tới những chuẩn mực của chân, thiện, mỹ.

Rèn luyện để có tác phong gần dân, hiểu dân, vì dân; gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày.

Chăm lo xây dựng Đảng ta thành một Đảng đạo đức, văn minh với những chuẩn mực được xây dựng từ mỗi tổ chức đảng cho đến từng cán bộ, đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố quyết định hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là Đảng Cộng sản cầm quyền phải trong sạch, vững mạnh. “Đảng không phải chỉ đại biểu lợi ích của đảng viên, mà đại biểu lợi ích của toàn giai cấp công nhân, toàn thể dân tộc và loài người”. Đảng phải kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin. Cán bộ, đảng viên phải học tập lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình. Người căn dặn, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, “Đảng ta là một đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Người cũng nêu rõ, chuẩn mực đạo đức đầu tiên cần có của cán bộ, đảng viên là trung với Đảng, với Nước, hiếu với Dân. “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất... Đặt lợi ích của Đảng và của nhân   dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”. Điểm cốt lõi trong đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. “Quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”.

Cán bộ, đảng viên cũng cần có phẩm chất yêu thương, quý trọng con người, phát huy truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc, sống có tình có nghĩa, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”.

Để các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện được các phẩm chất đạo đức cách mạng nói trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh định ra 3 nguyên tắc:

Một là, xây đi đôi với chống. Xây cái tốt, nâng cao đạo đức cách mạng. Chống cái xấu, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. “Xây tốt thì chống mới tốt. Chống tốt thì xây mới tốt”.

Hai là, nói đi đôi với làm, gương mẫu đạo đức. Từ mỗi tổ chức đảng cho đến mỗi cán bộ, đảng viên đều cần đã nói thì phải làm. “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí”.

Ba là, tu dưỡng đạo đức hàng ngày, suốt đời. “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

* Đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống chính trị

Kết hợp đạo đức với pháp luật xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính phục vụ Tổ quốc và nhân dân có hiệu quả  Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cách mạng đã xóa bỏ kiểu chính phủ cai trị dân của đế quốc, phong kiến. Nay Đảng phải xây dựng chính phủ kiểu mới hoạt động theo pháp luật và trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức cách mạng. “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

 Chính phủ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì phải liêm chính, biết làm việc. Được Quốc hội giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tuy trong quyết định không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết. Theo lời quyết nghị của Quốc  hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”.

Để xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động có hiệu quả, Người nêu rõ: “Cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân. “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Nhà nước cần biết cách làm cho người dân thực sự có quyền lực, mở rộng dân chủ để dân tham gia hoạch định chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Hiến pháp nước ta cần có nội dung: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước”.

Để bộ máy nhà nước trong sạch, thật sự phục vụ nhân dân, mỗi công dân cần phải kiên quyết đấu tranh chống tham ô, lãng phí và nâng cao cảnh giác đề phòng địch phá hoại. “Các cơ quan phụ trách cần phải nghiêm khắc ngăn ngừa tham ô, lãng phí và kịp thời thi hành kỷ luật đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi”.

Định hướng xây dựng đạo đức trong Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể chính trị - xã hội  Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ định hướng phấn đấu của các cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong Mặt trận và các đoàn thể, đó là: Cán bộ, đảng viên của Mặt trận phải thông suốt và thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời phải giải thích cho mọi người hiểu thật thấu và làm cho đúng. Phải đi đường lối nhân dân, không được quan liêu, mệnh lệnh và gò ép nhân dân.

“Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng… công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”.

Hội Nông dân thì phải tổ chức nông dân thật chặt chẽ. Đoàn kết nông dân thật khăng khít. Huấn luyện nông dân thật giác ngộ. “Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc”.

 Đoàn Thanh niên cần làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Phải thực hiện khẩu hiệu “Đâu Đảng cần thì thanh niên có, việc gì khó  thì thanh niên làm”. “Nhiệm vụ của thanh niên là ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội”77. “Đoàn Thanh niên Lao động cần phải phụ trách: Việc tổ chức và giáo dục cho tốt các cháu nhi đồng, chuẩn bị cho các cháu ấy mai sau trở nên những đoàn viên tốt. Việc đẩy mạnh phong trào đời sống mới một cách thiết thực và liên tục, từ việc nhỏ đến việc to”.

Hội Phụ nữ thực hiện các nhiệm vụ là: (1) Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới. (2) Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. (3) Hăng hái tham gia chính quyền. (4) Giúp đỡ bộ đội. (5) Bảo vệ nhi đồng.

* Phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh

Để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng và phong cách lãnh đạo nêu gương cho cán bộ, đảng viên.

Về phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng, Người chỉ rõ: “Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái” ba điều này có mối quan hệ gắn bó với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Cán bộ lãnh đạo không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới và nhân dân. Phong cách lãnh đạo dân chủ, quần chúng là khiến cho cấp dưới và nhân dân cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên muốn đoàn kết, phục vụ nhân dân phải gần dân, được lòng dân, nghe theo dân. Lãnh đạo là dìu dắt nhân dân. Xa nhân dân thì không đoàn kết, lãnh đạo được nhân dân.

Về phong cách lãnh đạo nêu gương cho cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là một phong cách lãnh đạo nhân văn và hiệu quả. Là tấm gương sáng nhất, Người chỉ dẫn: Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. “Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo. Mà muốn cho quần chúng nghe theo lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục,   dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ”.

Để làm cho bộ máy Nhà nước Việt Nam thật sự phục vụ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng phong cách tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phong cách ứng xử chân thành cho cán bộ, đảng viên. Về phong cách tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đây là phong cách lãnh đạo cơ bản nhất của chính quyền dân chủ. Việc xây dựng phong cách này nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng. Mỗi cá nhân, tập thể đều phải nêu cao nguyên tắc, xây dựng phong cách tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, mọi việc đều đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên, có như vậy mới phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về phong cách ứng xử chân thành cho cán bộ, đảng viên, đây là phong cách để phát huy tinh thần đoàn kết, cán bộ, công chức nhà nước. Theo đó, mỗi cá nhân cần phải học và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh: Khiêm tốn, nhã nhặn, tôn trọng nhân dân. Chân tình, nồng hậu, tự nhiên với nhân dân như trong một đại gia đình. Xóa đi bức tường ngăn cách giữa cán bộ lãnh đạo với nhân dân. Từ đó, mới đoàn kết được toàn Đảng, toàn dân.

Toàn bộ hệ thống chính trị: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm công tác tham mưu, thực hiện dân vận khéo, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, công tác dân vận bao gồm những nội dung sau:

Trước hết, là phải tìm mọi cách giải thích cho người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kì được.

Thứ hai, là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, đôn đốc, khuyến khích dân. Thi hành xong, phải cùng dân kiểm tra lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Cán bộ chính quyền, đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, phân chia công việc rõ rệt, giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân lên kế hoạch tổ chức, sắp xếp việc làm, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Hội viên của các đoàn thể phải xung phong thi đua, làm mẫu cho dân, giúp dân làm theo.

 Hồ Chí Minh khẳng định, phong cách dân vận khéo có vai trò quyết định thành công trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người nhấn mạnh: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc…Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, quần chúng nhân dân đóng vai trò quan trọng. Nói về mối quan hệ giữa Đảng ta với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng. Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân ta. Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình. Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng”.

Thực tế, ở nơi nào niềm tin của người dân vào chính quyền, cấp ủy đảng mạnh mẽ thì ở đó vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong xây dựng Đảng được phát huy cao độ. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Thực hiện hiệu quả Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư khóa XII về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên.

Trích nguồn dẫn Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

“Nữ bác sỹ tận tâm trong cuộc chiến chống Covid-19”

 

Bác sỹ chuyên khoa I truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Hoàng Thị Hương, sinh năm 1989, dân tộc Tày, xã Xuân Giang (Quang Bình), được đồng nghiệp nhận xét là người không quản ngại vất vả, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân ở khu cách ly người nghi nhiễm Covid-19. Chị Hương, chia sẻ: “Khi được phân làm Tổ trưởng Tổ điều trị cách ly, một kíp gồm 1 bác sỹ và 2 điều dưỡng; tôi là người chịu trách nhiệm chính thăm khám, theo dõi, điều trị cho bệnh nhân trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm với Covid-19. Hàng ngày, chúng tôi đều thăm khám cho bệnh nhân 3-4 lần, phòng trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu bất thường phải xử lý ngay”.

Đến nay, khu cách ly của bệnh viện đã tiếp nhận 21 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, cả kíp làm việc phải ở lại bệnh viện trực 24h/ngày cho đến khi hết thời gian cách ly và bệnh nhân có kết quả âm tính với Covid-19 mới được về nhà. Trong thời gian mới nhập viện, phải cách ly, tâm lý các bệnh nhân không ổn định, các y, bác sỹ phải trấn an tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị. Rất may, cả 21 trường hợp cách ly đều không có diễn biến đặc biệt, mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều cho kết quả âm tính với Covid-19.

Chị Hương tâm sự: “Trong các trường hợp bệnh nhân bị cách ly, tôi nhớ nhất là một du khách quốc tịch Đức. Du khách đã đi một số nước Đông Nam Á trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, đến Hà Giang thì được chủ hmestay phát hiện bị sốt nên đưa vào bệnh viện để điều trị. Bệnh nhân rất chủ quan vì đã sốt 9 ngày vẫn không đi khám bệnh. Đây là trường hợp nặng, có biểu hiện ho, sốt, bội nhiễm vi khuẩn, chúng tôi phải điều trị, thăm khám nhiều lần trong ngày, đến khi bệnh nhân hết các triệu chứng lâm sàng, khi có kết quả âm tính với Covid-19 thì mới cho xuất viện. Làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, mới đầu bản thân tôi cũng khá lo lắng, nhưng với tinh thần trách nhiệm của một bác sỹ truyền nhiễm, tôi vẫn cố gắng làm việc hết mình, với mong muốn bệnh nhân chóng khỏi bệnh”.

Bác sỹ Vũ Hùng Vương, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Hương là bác sỹ trẻ được đào tạo bài bản, trong quá trình công tác luôn tận tâm với nghề. Mặc dù còn trẻ, song với lòng yêu nghề, Bác sỹ Hương đã tình nguyện tham gia tổ điều trị cách ly, phải ở lại bệnh viện một thời gian dài để chăm sóc các bệnh nhân. Với tinh thần trách nhiệm trong công việc, nhất là trong đợt dịch bệnh Covid-19, Bác sỹ Hương được Bệnh viện Đa khoa tỉnh ghi nhận, khen thưởng đột xuất. 

Bài, ảnh: Lê Hải

Trích tin từ Trang thông tin điện tử huyện

 

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

 THÁNG 5 NĂM 2020

 

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong tháng 5-2020, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục tuyên truyền nội dung Kế hoạch số 493-KH/TU, ngày 07/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tuyên truyền đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Các Chi, Đảng bộ, cơ quan bám sát Hướng dẫn số 132-HD/BTGTW, ngày 10/4/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Hướng dẫn báo chí tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” để bổ sung nội dung vào kế hoạch tuyên truyền cho phù hợp, hiệu quả.

          2. Đẩy mạnh tuyên truyền theo Kế hoạch số 234/KH-UBND, ngày 09/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang lần thứ VI”, trong đó chú trọng tuyên truyền, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

3.  Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 4/2020, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 5/2020 của cả nước nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng. Tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới huyện Xín Mần năm 2020, trong đó quan tâm tuyên truyền các nội dung: Mục đích của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; vai trò nòng cốt, chủ thể trong xây dựng Nông thôn mới; trách nhiệm và nội dung tham gia của người dân đối với Nông thôn mới; phản ánh các phong trào xây dựng Nông thôn mới, những tấm gương sáng, tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng Nông thôn mới; kết quả việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nông thôn mới (như: Làm đường bê tông giao thông nông thôn; phát triển sản xuất gắn với tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu kinh ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn; phát triển các sản phẩm OCOP, bảo vệ môi trường...). Bên cạnh đó, thông tin nội dung cốt lõi, việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 52/KH-UBND, ngày 20/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Thực hiện chỉ tiêu tăng tiêu chí Nông thôn mới năm 2020” và Kế hoạch số 37/KH-UBND, ngày 10/02/2020 của UBND tỉnh về “Triển khai thực hiện Đề án mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) năm 2020”.

4. Tập trung tuyên truyền nội dung cốt lõi các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (Chỉ thị số 15-CT/TTg, ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; Công điện số 1208/CĐ-CTUBND, ngày 22/4/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19).

Chú trọng tuyên truyền Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Kế hoạch số 90/KH-UBND, ngày 20/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó chú trọng tuyên truyền việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ đúng các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn để chủ động phòng, chống dịch Covid-19; thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch bệnh; tuyên truyền, biểu dương tinh thần, ý thức trách nhiệm của các đơn vị làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các cơ sở y tế, đội ngũ y, bác sỹ trực tiếp chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19; nhấn mạnh những nỗ lực kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá cao; phê phán những biểu hiện chủ quan với dịch bệnh, những thông tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang, dư luận bức xúc trong cộng đồng về việc phòng, chống dịch Covid-19…

5. Tiếp tục tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, huyện.

 

6. Tăng cường tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng các cuộc thi như: Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng xã hội VCNET do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần III do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học - Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức (Ban tổ chức hội thi quyết định kéo dài thời gian nhận bài dự thi đến hết tháng 8/2020); Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi- thiếu nhi với Bác Hồ” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức; tiếp tục hưởng ứng Giải báo chí về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), lần thứ V- năm 2020.

7. Thông tin kịp thời về thời tiết nông vụ gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng trong gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2020. Tuyên truyền công tác chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết như dông lốc, mưa đá, lũ ống, lũ quét; phòng, chống đuối nước; phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phòng, chống sâu keo mùa thu; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

8. Tiếp tục tuyên truyền Nghị định số 100/2019, ngày 31/12/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông; tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chú trọng tuyên truyền kết quả đấu tranh phòng, chống hiệu quả đối với các loại tội phạm, tuyên truyền đấu tranh ngăn chặn hoạt động “Tín dụng đen”, cảnh giác với các thủ đoạn hình thức kinh doanh đa cấp nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân…

9. Tiếp tục tuyên truyền Kế hoạch 540-KH/TU, ngày 20/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tuyên truyền biển, đảo Việt Nam năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang”,chú trọng tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ những hành vi vi phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông và âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, sự ủng hộ của dư luận Quốc tế đối với việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, thông tin không chính xác về biển, đảo Việt Nam, gắn với tuyên truyền bảo vệ biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.  

10. Tuyên truyền các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh diễn ra trong tháng 5/2020, Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020); 134 năm ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2020); 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2020)...

* Đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)

Thực hiện theo Công văn số 362-CV/BTGTU, ngày 28/4/2020 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy về “Tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020)”.

 

 

* Đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm 66 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2020): (1) Tuyên truyền tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ; khẳng định tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân tố quyết định làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. (2) Tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. (3) Tuyên truyền những thành tựu to lớn của đất nước, của các tỉnh vùng Tây Bắc trong 66 năm qua; phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, quyết tâm xây dựng các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng và của đất nước nói chung ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Ngoài những nội dung trọng tâm nêu trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các cơ quan, địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn địa phương để lựa chọn, bổ sung các nội dung tuyên truyền cần thiết, phù hợp, đảm bảo có chất lượng và hiệu quả.

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

* CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Hoàng Tiến Chủ

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy – Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện – Trưởng ban biên tập.

 

 

* PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

Đ/c Trần Văn Hòa

Phó Trưởng ban TT Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

 

* BIÊN TẬP NỘI DUNG

                   Đ/c Hoàng Xuân Trường – Chuyên viên.

  Đ/c Hoàng Thị Hằng – Chuyên viên.

Đ/c Lý Mạnh Hồng – Chuyên viên 


Tin khác

Liên kết website