Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 6 năm 2020

24/07/2020 00:00 483 lượt xem

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 5/6/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 281-KH/HU thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020 trên địa bàn huyện Xín Mần

- Kế hoạch số 281-KH/HU được ban hành với mục đích nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong huyện đủ pham chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Đồng thời thông qua tuyên truyền, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin và sự gắn bó mật thiết của nhân dân đối với Đảng; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và chống phá công tác tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu công tác tuyên truyền phải được tiến hành bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả, gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung giới thiệu những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc triển khai học tập, quán triệt và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; phát hiện, biều duơng những cán bộ, đảng viên gương mẫu; đồng thời, phản ánh kết quả và những nỗ lực trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, đơn vị, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành các nhiệm vụ phát triền kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

- Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, tạo không khí phấn khởi, thi đua chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng của đất nước, kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tô chức xây dựng Đảng, ngành Tuyên giáo, công tác Dân vận, Văn phòng cấp ủy. Để từ đó các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ triển khai thực hiện tốt các nội dung trọng tâm mà Kế hoạch số 281-KH/HU đã đề ra trong thời gian tới.

* Ngày 12/6/2020, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình và tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

- Kế hoạch số 107/KH-UBND được ban hành với mục đích nhằm triển khai kịp thời, đầy đủ các nội dung tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình và Chỉ thị 44-CT/TU ngày 21/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh úy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị và nhân dân trong việc thực hiện công tác gia đình và nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện công tác gia đình và nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

- Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu phải phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước ở tỉnh, huyện, xã đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện của việc triển khai thực hiện công tác gia đình và nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, phải đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc triển khai thi hành nhiệm vụ chuyên môn. Các biện pháp tuyên truyền, tổ chức thực hiện công tác gia đình; nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình phải thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng địa phương, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm của tố chức, cá nhân trong thực thi chính sách, pháp luật về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Để từ đó các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn huyện căn cứ triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp mà Kế hoạch số 107/KH-UBND đã đề ra trong thời gian tới.

  

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC

TỪ THÁNG 6 NĂM 2020

* Có hiệu lực từ ngày 1/5/2020, Nghị định 31/2020/NĐ-CP ban hành ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

- Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật, tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.

- Thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động, lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động.

- Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh.

- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

- Khi có Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, nếu có dấu hiệu cho thấy pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi tẩu tán hoặc làm hư hại tài sản thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương nơi pháp nhân thương mại bị cưỡng chế đóng trụ sở hoặc nơi có tài sản thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản.

* Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm: Ngày 08/4/2020,Chính phủ ban hành Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa

- Theo đó, khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không  được vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100 m trở lên. Ngoài ra, người (người tham gia giao thông hoặc hành khách) cùng phương tiện (đã được cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm) đang thực hiện vận chuyển các loại hàng hóa này cũng không được vận chuyển đồng thời trên cùng một chuyến phà.

- Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.

- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6.

* Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề: Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật. Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành.

- Nghị định cũng quy định trong khoảng thời gian 2 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân. Việc tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

- Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6.

* Không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm: Có hiệu lực từ ngày 22/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tại Thông tư  09/2020/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non áp dụng chung cho mọi hình thức đào tạo.

- Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư này là việc không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm. Theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tối thiểu phải từ cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non.

- Do vậy,để triển khai quy định này, Quy chế đã ghi nhận từ năm 2020, các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng trở lên với ngành giáo dục mầm non.

- Thông tư đã bổ sung thêm đối tượng đã tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông (THPT) của nước được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam ở nước ngoài hoặc ở nước ngoài được tham gia dự tuyển đại học, cao đẳng ở Việt Nam./.

* Tự ý cho thuê ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng: Thông tư số 29/2020/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công được Bộ Tài chính ban hành ngày 17/4/2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 02/6/2020. Theo đó, khoản 1 Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP. Đồng thời quy định, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 05 - 10 triệu đồng.

* Chính thức bãi bỏ Thông tư 01 về thể thức trình bày văn bản: Thông tư số 01/2020/TT-BNV được Bộ Nội vụ ban hành ngày 16/4/2020 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6/2020 đã bãi bỏ Thông tư 01/2011/TT-BNV hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Hiện nay, thể thức và cách trình bày văn bản phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/3/2020.

- Thông tư số 01/2020/TT-BNV  cũng bãi bỏ Thông tư 07/2012/TT-BNV hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; Thông tư 01/2019/TT-BNV vụ quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức.

 

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH

HỒ CHÍ MINH

Bồi dưỡng đạo đức cách mạng theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một trong những yêu cầu cấp thiết hàng đầu hiện nay

 

 

Nghiên cứu, thấm nhuần và nghiêm túc thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là về bồi dưỡng đạo đức cách mạng luôn là yêu cầu cấp thiết hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại và vô cùng kính yêu của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc ta, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang Việt Nam - vĩnh biệt chúng ta cách đây đã 50 năm. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ. Bản Di chúc lịch sử đó là lời căn dặn của Người đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các thế hệ mai sau. Đây là một tài sản vô giá, là một văn kiện lịch sử phản ánh tập trung nhất tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, kết tinh những giá trị tư tưởng, những tình cảm thắm thiết và niềm tin vững chắc của Người, thể hiện tinh thần trách nhiệm lớn lao, lo lắng mọi bề đến tương lai của dân tộc ta, của chế độ xã hội chủ nghĩa và loài người. Đó là những tình cảm thắm thiết và niềm tin vững chắc của Người đối với nhân loại tiến bộ, mà trước hết là với Đảng ta, nhân dân ta và các thế hệ mai sau.

Cuộc đời và nhân cách đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động nhất về tinh thần cách mạng triệt để, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tận tụy phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, toàn tâm, toàn ý phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đức độ cao quý của Người là trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, khiêm tốn, giản dị, thương yêu tha thiết con người, gần gũi và tin tưởng mãnh liệt vào khả năng và sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đạo đức và tác phong của Người là một mẫu mực về cuộc sống và chiến đấu của một người chiến sĩ cách mạng chân chính; là tấm gương sáng mãi cho mỗi cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện và noi theo.

Nội dung bao trùm quan trọng nhất của Di chúc đã làm nên giá trị cách mạng, giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc chính là tư tưởng về xây dựng Đảng và bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.

Năm mươi năm đã đi qua nhưng những lời di huấn về đạo đức cách mạng của Người vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Thực tiễn đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước. Trong đó, có nội dung bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền. Và để thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng: Lời di huấn quý giá đó là sự tổng kết kinh nghiệm gần 60 năm hoạt động cách mạng của Người vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Sinh thời, Người luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời, phát triển của nền đạo đức cách mạng Việt Nam. Cùng với quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài nói và viết về đạo đức cách mạng - từ những bài viết đầu tiên về V. I. Lê-nin năm 1923 đến bản Di chúc thiêng liêng năm 1969, Người luôn nhấn mạnh vai trò nền tảng, là “gốc” của đạo đức cách mạng trong tư cách của người cách mạng.

Nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng đối với người cách mạng, Người cho rằng người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân và người cán bộ cách mạng phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính... Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Chính vì vậy, trong Di chúc Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. “Thật sự” nghĩa là phải nắm vững nội dung thực chất của đạo đức cách mạng; là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Đó chính là tiêu chuẩn số một của người cách mạng. Hơn nữa, thấm nhuần đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải biến nhận thức thành lẽ sống, niềm tin, hành động tự giác. Đạo đức cách mạng gắn với hoạt động tự giác của mỗi người, trong ba phương diện cơ bản: với người, với việc, với tự mình. Chính vì vậy, Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng.

Thứ hai, phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Trong cách mạng nước ta, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, điều đó cũng có nghĩa là cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng. Do vậy, Người đặc biệt chú trọng tới giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng - cần kiệm liêm chính, chí công vô tư - cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, coi đây là nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng ở mỗi cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền..

Người yêu cầu mỗi cán bộ và đảng viên phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; phải “thật sự” thì mới không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không xâm hại tới lợi ích của tập thể, của nhân dân; người cán bộ, đảng viên phải vừa thực hiện vừa tuyên truyền, giáo dục quần chúng cùng thực hiện. Người nhắc nhở, quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức, do vậy, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; cần làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân tin, dân phục, dân yêu. Hơn nữa, với cán bộ, đảng viên, Người luôn yêu cầu phải “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong bản Di chúc, Người đã yêu cầu tập trung giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa, con người đó phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Với niềm tin vững chắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi, đất nước sẽ độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, Người đã sớm cảnh báo nguy cơ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên của Đảng, của bộ máy nhà nước trong điều kiện mới khi Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền. Quan liêu, tham nhũng vốn là căn bệnh trầm kha của chế độ xã hội cũ di chứng lại sẽ còn gây hại trong chế độ xã hội mới, nhất là với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người đã từng cảnh báo có những cán bộ, đảng viên trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch và có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, từ đó biến thành người có tội với cách mạng.

Để khắc phục những thói hư tật xấu ấy, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao đạo đức cách mạng. Người đã sớm nêu lên những yêu cầu, nội dung mới của đạo đức cách mạng để mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện - đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên có tác động mạnh mẽ tới quần chúng nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi những giá trị đạo đức truyền thống, như tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa tập thể, tinh thần sống hết mình vì mọi người, trọng danh dự, tình đồng chí, đồng đội “đồng cam cộng khổ”, sẵn sàng nhận khó khăn về mình; tích cực đấu tranh với những biểu hiện chạy theo lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, coi vật chất, lợi ích cá nhân, cục bộ nặng hơn danh dự, nhân cách con người; chú trọng xây dựng tình đoàn kết thương yêu, sống chân thành, cởi mở, gắn bó, tôn trọng, quý mến lẫn nhau, luôn tận tình giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, trưởng thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục và rèn luyện Đảng ta về đạo đức cách mạng, mà Người còn là tấm gương mẫu mực về thực hành những phẩm chất đạo đức trong sáng đó.

Thứ ba, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài, mà phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Muốn vậy, mỗi tổ chức và đảng viên của Đảng phải vững mạnh, gương mẫu để làm tròn vai trò “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; phải xây dựng Đảng vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên có đầy đủ cả đức và tài, trong đó đức phải là “gốc”. Muốn vậy, cần nhận rõ phận sự của đảng viên và cán bộ phải trọng lợi ích của Đảng hơn hết, phải đặt lợi ích của Đảng lên trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”.

Theo Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống mà do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Vì vậy, phải thường xuyên coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực trí tuệ của Đảng, đó là xây dựng cái “gốc” vững chắc của Đảng. Người từng nói rằng, đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.

Người luôn căn dặn thực hành đạo đức cách mạng không tách rời với kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân là một thứ “vi trùng” rất độc, do nó mà sinh ra các thứ “bệnh” rất nguy hiểm, như bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ... Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Người đã từng chỉ rõ, có học tập lý luận Mác - Lê-nin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác mà Đảng giao phó cho mình. Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Đảng viên phải bám sát quần chúng, khéo tổ chức và lãnh đạo quần chúng, hòa mình với quần chúng thành một khối; lời nói đi đôi với việc làm, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu; khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình để giúp nhau cùng phát huy ưu điểm, khắc phục sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ mãi.

Hiện nay, để góp phần quán triệt sâu sắc lời di huấn về đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới mỗi cán bộ, đảng viên cần biết khơi dậy nhiệt tình cách mạng, tích cực hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn tích cực rèn đức, luyện tài, hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi tổ chức và cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Lựa chọn các nội dung và hình thức phong phú, phù hợp để làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng để từ đó mỗi cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện bản thân. Xây dựng phong trào tự giác thi đua học tập, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ cấp chiến lược để tạo sự chuyển biến căn bản trong nâng cao đạo đức cách mạng; phát triển các giá trị đạo đức cách mạng trong điều kiện mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua có tính quần chúng rộng rãi, kế thừa và phát huy truyền thống của Đảng, truyền thống dân tộc lên tầm cao mới.

Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hiểu rằng, đối với mỗi cán bộ, đảng viên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cách mạng, nếu chỉ có nhận thức và nhiệt tình thì chưa đủ, mà cần phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đạo đức đó phải phục vụ mục tiêu chính trị và lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đạo đức cách mạng chính là biểu hiện sức mạnh, sự tiến bộ về chính trị tinh thần của mỗi tập thể cũng như của mỗi người. Việc học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân của cán bộ, đảng viên phải trở thành vấn đề cơ bản, cấp bách trong tình hình hiện nay. Đó là động lực và sức mạnh tinh thần to lớn giúp mọi cán bộ, đảng viên vượt qua cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân và mọi thử thách để phấn đấu cho lợi ích của Đảng, của nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trích nguồn tạp chí Đảng Cộng sản Việt Nam

 

 

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

 THÁNG 6 NĂM 2020

 

 

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong tháng 7/2020, cụ thể như sau:

1. Tuyên truyền một số kết quả chủ yếu Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; diễn biến và kết quả kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 và kỳ họp thứ 13 HĐND huyện Xín Mần khóa XIX, nhiệm kỳ 2016-2021.

2. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Đại hội đảng các cấp (theo Kế hoạch số 240-KH/HU, ngày 30/10/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tuyên truyền đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Xín Mần lần thứ XVIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”), trong đó tập trung tuyên truyền các nội dung trọng tâm: Những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong nhiệm kỳ qua và phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới; những bài học kinh nghiệm, nhân tố mới trong công tác xây dựng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cải cách hành chính, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…; Quy chế bầu cử trong Đảng; tiêu chuẩn cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên; kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức đại hội điểm tiến tới thành công đại hội đảng bộ cấp huyện; việc tổ chức đại hội và kết quả đại hội…

3. Tiếp tục tuyên truyền đại hội thi đua và hội nghị điển hình tiên tiến các cấp của huyện (theo Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 14/11//2019 của UBND huyện về tổ chức Hội nghị điển hình, tiên tiến cấp xã, thị trấn. Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn huyện lần thứ V năm 2020) trong đó chú trọng phát hiện, biểu dương những điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước.

4. Tập trung thông tin tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của tỉnh và của huyện trong 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Tuyên truyền về những kết quả nổi bật trong Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020, các nhiệm vụ cần phải tập trung triển khai để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới. Tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vẻ đẹp thiên nhiên của huyện Xín Mần như: Thác tiên đèo gió, di tích khảo cổ Bãi đá cổ xã Nấm Dẩn; hang Thiên Thủy xã Nàn Ma; suối khoáng Quảng Nguyên để phát triển du lịch và thu hút đầu tư; quảng bá tiềm năng thế mạnh, cơ chế, chính sách của huyện nhằm thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đến Xín Mần.

5. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tuyên truyền phòng, chống bệnh Bạch hầu, đặc biệt, gần đây bệnh Bạch hầu đã xuất hiện tại một vài địa phương trong cả nước. Một trong những nguyên nhân bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại là do tỷ lệ đi tiêm chủng của nhân dân giảm sút, không đúng thời gian quy định. Do đó, cần chú trọng tuyên truyền người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng thời điểm các loại vắc –xin phòng bệnh, tuyên truyền cách nhận biết, chủ động phòng, chống một số loại bệnh dịch thường diễn ra vào mùa hè như: Bệnh chân tay miệng, viêm não Nhật bản…

6. Tuyên truyền công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020; những quy định, điểm mới của kỳ thi, gắn với tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh, người lao động.

7. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay đã tái phát trên địa bàn một số xã huyện Vị Xuyên (theo nội dung Công văn số 369-CV/BTGHU, ngày 30/6/2020 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy). Đồng thời chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi có đủ điều kiện thực hiện các biện pháp đảm bảo tái đàn lợn thành công, không để dịch bệnh tái phát; tuyên truyền công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, vận chuyển kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch. Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, cây trồng...

8. Tuyên truyền thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; công tác phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với trẻ em, học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh các biện pháp phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước; tuyên truyền các hoạt động an sinh xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

9. Tuyên truyền đậm nét kỷ niệm một số ngày lễ, sự kiện quan trọng khác diễn ra trong tháng 7, đầu tháng 8/2020 như: Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2020); 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020); 90 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020); hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7; ngày Truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2020); ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát Nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2020)…

Đối với kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2020), cần chú trọng tuyên truyền các nội dung trọng tâm là: Vị trí, vai trò, nhiệm vụ to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam trong tiến trình cách mạng Việt Nam; các hoạt động kỷ niệm…

Đối với kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2020), cần chú trọng các nội dung trọng tâm là: Tuyên truyền về sự ra đời, ý nghĩa của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 và những hoạt động thể hiện lòng tôn kính, biết ơn, tri ân của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với các liệt sỹ, gia đình thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng; những đóng góp, hy sinh của các anh hùng, thương binh liệt sỹ đối với Tổ quốc; phản ánh gương thương binh, bệnh binh trong thời bình vẫn phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nỗ lực, cố gắng lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tiếp tục đóng góp công sức xây dựng và bảo vệ quê hương, Tổ quốc; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm lo đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; hoạt động tri ân, động viên, thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công của cấp uỷ, chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân.

Đối với tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020), thực hiện theo Kế hoạch số 551-KH/TU, ngày 03/3/2020 của Tỉnh ủy về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo, ngành tổ chức xây dựng Đảng, công tác Dân vận và Văn phòng cấp ủy, trong đó chú trọng tuyên truyền các nội dung trọng tâm là: Truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của công tác tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng qua các thời kỳ; những thành tựu và bài học kinh nghiệm qua 90 năm xây dựng và phát triển của Ngành; các hoạt động kỷ niệm, các phong trào thi đua yêu nước lập thành tích chào mừng 90 năm ngày Truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.

Ngoài những nội dung trọng tâm nêu trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các cơ quan, địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn địa phương để lựa chọn, bổ sung các nội dung tuyên truyền cần thiết, phù hợp, đảm bảo có chất lượng và hiệu quả.

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

 

* CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Hoàng Tiến Chủ

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy – Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện – Trưởng ban biên tập.

 

 

* PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

Đ/c Trần Văn Hòa

Phó Trưởng ban TT Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

 

* BIÊN TẬP NỘI DUNG

             Đ/c Hoàng Xuân Trường – Chuyên viên.

  Đ/c Hoàng Thị Hằng – Chuyên viên.

Đ/c Lý Mạnh Hồng – Chuyên viên 


Tin khác

Liên kết website