Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 2 năm 2021

25/03/2021 02:24 112 lượt xem

Bản tin thông báo nội bộ tháng 2 năm 2021

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

 

* Ngày 03/02/2021, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/HU về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Huyện ủy với nhân dân trên địa bàn huyện Xín Mần năm 2021

Mục đích:

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giải quyết kịp thời những kiến nghị, các vấn đề bức xúc được nhân dân quan tâm.

Đảm bảo thực hiện tốt chức năng giám sát của nhân dân và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, trong quản lý, điều hành của chính quyền để tạo sự đồng thuận của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất tư tưởng chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Yêu cầu:

Đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, xã.

Tổ chức đối thoại với phương châm dân chủ, công khai, thiết thực và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân được bình đẳng, tham gia đóng góp ý kiến, phát biểu và nêu các kiến nghị đề xuất trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị hoặc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách nhiệm vụ ở địa phương.

* Ngày 04/02/2021, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 35-KH/HU, Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện lịch sử quan trọng năm 2021 trên địa bàn huyện

Mục đích:

Tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa dân tộc; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc; góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân các dân tộc vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Yêu cầu:

Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, có trọng tâm, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm đúng các quy định của Đảng, Nhà nước; lồng ghép với việc tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo được không khí phấn khởi, hưởng ứng tích cực trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC

TỪ THÁNG 02 NĂM 2021

 

1. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021) quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Nghị định này quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.

Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam bỏ quy định cấm tổ chức, cá nhân biểu diễn sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn.

2. Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ. Theo đó lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.

3. Nghị định 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 08/02/2021.

Cụ thể, các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý được giao đất, cho thuê đất phải đáp ứng các tiêu chí sau:

+ Thuộc quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đất chưa giao, đất chưa cho thuê hoặc đất đang giao quản lý theo quy định.

+ Có diện tích, hình dạng không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh.

+ Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Không thuộc khu vực đất thực hiện các dự án, công trình đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai.

+ Đất dự kiến giao, cho thuê không có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm hoặc có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm nhưng đã có văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ 15/02/2021.

Nghị định quy định lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau: Thực hiện hợp đồng lao động; di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; chào bán dịch vụ; làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; tình nguyện viên; người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam; thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA

  * Văn hoá vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng

Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy, hành động của con người và của các dân tộc bị áp bức, bị tha hoá đến vương quốc của con người phát triển tự do và toàn diện. Ngay từ năm 1921, Người đã nói đến “luồng gió từ nước Nga thợ thuyền... đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương”; rằng, “những người xã hội chủ nghĩa nếu lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ... cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng… Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”  .

Hồ Chí Minh từng nói đến “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ” , phải “xúc tiến công tác  văn hoá  để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc” .

Văn hoá như một động lực thúc đẩy các dân tộc đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Với nhận thức như vậy, bằng sự nỗ lực hoạt động không mệt mỏi trên mặt trận văn hoá thông qua sách, báo, văn thơ... Hồ Chí Minh làm cho các dân tộc hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa và con đường cách mạng chân chính cần phải thực hiện. Trong Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công nói: “Văn hoá là sợi dây có khả năng nối liền nhân dân các nước và các dân tộc… Sự hiểu biết lẫn nhau, sự học tập và tôn trọng nhau xưa nay đều thể hiện sâu sắc qua văn hoá, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của con người” .

Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Văn hoá tạo sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn” .  Kinh tế nâng cao đời sống vật chất, còn văn hoá có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Nếu hiểu “văn hoá là tất cả những gì không phải thiên nhiên, nghĩa là tất cả những gì do con người, ở trong con người và liên quan trực tiếp nhất đến con người” thì khi chúng ta bàn tới con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là thể hiện rõ rệt nhất cả khái niệm văn hoá, cả bản chất của văn hoá theo ý nghĩa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” . “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”… Con người có đạo đức, trí tuệ, văn hoá, sức khoẻ vừa là động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.

* Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại

Hồ Chí Minh có ý thức rõ ràng về giá trị văn hoá dân tộc, văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất. Người cho rằng, “càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Người ca ngợi truyền thống yêu nước, thương người, tinh thần dân chủ, tinh thần quốc tế, đoàn kết, yêu đời, lạc quan, ngợi ca các anh hùng và danh nhân Việt Nam. Người giáo dục: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hồ Chí Minh đòi hỏi phải “phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc”, tức là khôi phục cái gì tốt, cái gì không tốt thì phải loại dần ra, tránh tình trạng khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh. Người khẳng định truyền thống “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa”.

Hồ Chí Minh sớm có sắc lệnh về bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam (Sắc lệnh 65, ký ngày 23-11-1945 quy định nhiệm vụ và quyền lợi của Đông Phương Bác Cổ học viện) . Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến di sản văn hoá của dân tộc. Nói chuyện với nghệ sĩ sáo Đình Thìn, Người tâm sự: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”. Tiếp chuyện nhà văn Đức Irênê Phabe, người đã dịch truyện Kiều trong bảy năm, Hồ Chí Minh nói: “Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi... những người cộng sản chúng ta rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó”. Người nhấn mạnh với Erích Giôhanxôn: “Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật” . Người trân trọng, yêu thích những câu hò xứ Nghệ, xứ Huế và các làn điệu dân ca Việt Nam.

Bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc đồng thời cần triệt để tẩy trừ mọi di hại thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc, tôn trọng phong tục tập quán, văn hoá các dân tộc ít người.

Nói đến văn hoá dân tộc và để văn hoá dân tộc có điều kiện phát triển, Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hoá Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại (...). Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để phải tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ” .

Hồ Chí Minh là người am hiểu các trào lưu nghệ thuật Âu, Á. Người có thể thảo luận một cách tinh tế về các tác phẩm, những nghệ sĩ đã mạnh dạn phơi trần sự thật xã hội thực dân phong kiến, kêu gọi đấu tranh. Chính vì vậy mà Người từng phát biểu cần phải học hỏi những cái hay của bất kỳ nước nào ở Âu, Mỹ. Người nói với một nhà văn Liên Xô: “Có điều các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng, chúng tôi cần phải dứt bỏ văn hoá nào đó, dù là văn hoá Pháp đi nữa. Ngược lại, tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hoá Xôviết - chúng tôi thiếu - nhưng đồng thời phải tránh nguy cơ trở thành kẻ bắt chước... Văn hoá của các dân tộc khác cần phải được nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình”.

Hồ Chí Minh thường nhắc đến tấm gương các danh nhân thế giới và Người khâm phục nền văn hoá nghệ thuật tốt đẹp cổ truyền của các nước, các dân tộc như Trung Quốc, Inđônêxia, Ấn Độ,...

Một nhà báo Mỹ đã viết: “Cụ Hồ không phải là người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, mà Cụ là một người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ trong khi Mỹ phá hoại đất nước Cụ”.

Theo quy luật hình thành, phát triển của các nền văn hoá, chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là sản phẩm riêng của phương Tây, mà có nguồn gốc trong toàn bộ lịch sử văn hoá nhân loại. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một luận chứng khoa học, một đỉnh cao của văn hoá loài người về sự giải phóng nhân cách và hình thành một xã hội mới, trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Vì vậy, với Hồ Chí Minh, trong tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, cần đặc biệt coi trọng việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhưng văn hoá trước hết là sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng dân cư bền vững. Yếu tố dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hoá. Dựa trên cơ sở gốc là văn hoá dân tộc, lấy đó là điều kiện, cơ sở để tiếp thu văn hoá nhân loại.

 

* Về mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá

Tư tưởng về mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá ở Hồ Chí Minh được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX tiếp tục phát triển qua các giai đoạn cách mạng.

Trước hết, Hồ Chí Minh quan niệm rằng: “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá” . Như vậy, văn hoá là một bộ phận hợp thành toàn bộ đời sống xã hội; thiếu nó, cơ chế xã hội không thể phát triển hoàn thiện được. Nhưng sự phát triển của văn hoá, với tính chất “là một kiến trúc thượng tầng”, không phải “đơn thương độc mã”, mà “những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hoá mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được” .

Mối quan hệ giữa văn hoá, văn nghệ với kinh tế và chính trị được Hồ Chí Minh xác định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” . Ý nghĩa và bản chất của mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá chính là ở chỗ đó. Nghĩa là: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có  nhiệm vụ  nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”.

Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật còn có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.

Mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá còn mang nội dung “cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Dưới chế độ thực dân Pháp có thứ “văn chương nịnh Tây” và “văn chương cách mạng”. Theo Hồ Chí Minh, khi “dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Trong thời kỳ quá độ, “văn nghệ cần phải phê bình rất nghiêm khắc những thói xấu như tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu…và cũng phải ca tụng chân thật những người mới, việc mới để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay và giáo dục con cháu ta đời sau”.

Hồ Chí Minh tự nhận là “một người yêu chuộng văn nghệ chứ không phải là một nhà văn nghệ”. Nhưng Người nhận xét về vai trò của văn nghệ thật sâu sắc. Người đã phát biểu cảm tưởng bằng thơ khi đọc tập thơ chọn lọc Đường, Tống của “nghìn nhà thơ”:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Ngày 3-2-1962 (tối 29 tết âm lịch), trong buổi chúc tết các nhà khoa học - kỹ thuật, văn nghệ sĩ, Anh hùng lao động, Anh hùng quân đội, nhân sĩ..., Người “ra câu đối để các cụ, các đồng chí đối lại:

Muốn cho xã hội đều xuân

Nhân sĩ phải là chiến sĩ” .

Đó chính là tinh thần của “kháng chiến văn hoá và văn hoá kháng chiến”. Tinh thần này thật sự độc đáo và sâu sắc ở chỗ, nó có ý nghĩa đối với toàn thể nhân loại, sống mãi với thời gian. Người quan niệm nhà văn, nhà báo của mọi dân tộc vừa “góp phần quý báu trong việc trao đổi văn hoá giữa các dân tộc”... vừa “góp phần xứng đáng trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, đoàn kết các dân tộc để đấu tranh cho độc lập, hoà bình, dân chủ và hạnh phúc cho cả loài người trên thế giới”.

* Văn hoá phục vụ quần chúng nhân dân

Văn hoá phụng sự nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở là một quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chi Minh về văn hoá.

Trước hết văn hoá phải trở về với sinh hoạt thực tại của con người; phải miêu tả cho hay, cho thật, cho hùng hồn. Muốn vậy phải có cách viết hợp trình độ đại đa số đồng bào. Khi cầm bút viết phải tự đặt ra: Viết cho ai? Mục đích viết? Lấy tài liệu đâu mà viết? Viết phải thiết thực, tránh cái lối viết rau muống mà ham dùng chữ... Nói cũng vậy: “Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn, thì quần chúng thích hơn”.

Ngày 7-10-1945, trong buổi khai mạc Phòng triển lãm văn hoá, Người nói đại ý: các hoạ sĩ của ta đã cố gắng tìm mọi con đường đi. Nhưng tiếc rằng không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời: chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít. Thật là một thế giới tiên. Người trần lên tiên có lẽ cũng thích thật. Nhưng nhìn mãi cái đẹp không thay đổi rồi cũng nhàm chán, nhạt nhẽo và mới biết rằng: muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người”.

Khi bàn làm sách  Người tốt việc tốt  (6-1968), Hồ Chí Minh đưa cho mọi người xem một tờ báo có hình vẽ ba cô gái du kích Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nói: Nếu các chú không tin, các chú thử đem hỏi mấy cháu gái đó xem. Các cháu sẽ nói: các chú vẽ ai, chứ các cháu cầm súng đánh giặc, không bao giờ lại ăn mặc như thế. Người kết luận “nghệ thuật phải gần với cuộc sống, người vẽ không thể tùy ý muốn tưởng tượng ra thế nào cũng được, rồi quần chúng phê bình lại bảo người ta dốt” .

Để văn hoá thực sự phục vụ quần chúng nhân dân ngoài việc đi vào quần chúng cổ động, biểu dương sự nghiệp cách mạng của nhân dân, anh chị em văn hoá và trí thức còn phải đánh giá, nhìn nhận đúng nhân dân. Theo Người, quần chúng là những người không phải chỉ sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà còn là những người sáng tác nữa. Tục ngữ, vè, ca dao... là “những hòn ngọc quý”, vừa rất hay, lại rất ngắn chứ không “trường thiên đại hải”, dây cà ra dây muống. Quần chúng còn là đối tượng phản ánh. Công cuộc kháng chiến và xây dựng của quần chúng là “một kho nguyên liệu vô tận cho những tác phẩm xuất bản”. Khi nêu vấn đề: “Lấy tài liệu đâu mà viết?”, Hồ Chí Minh nói: “Muốn có tài liệu phải nghe đồng bào, chiến sĩ, hỏi nhân dân; phải thấy, xem, ghi chép...”. Người khẳng định: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó - nhân dân cũng sẽ quên anh ta”. Quần chúng còn là những người kiểm nghiệm sản phẩm. Vì vậy, viết xong đọc đi, sửa lại bốn, năm lần chưa đủ, mà “phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngoắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải sửa lại . Cuối cùng phải thấy rằng, đồng bào đang chờ đợi và phải được hưởng thụ các sản phẩm văn hoá.

Với tinh thần đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v…của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép:  Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” .  Người căn dặn: Phải học cách nói của quần chúng. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. Làm thế nào cho ai cũng hiểu... Trước khi nói phải nghĩ cho chín. Nhớ tục ngữ “Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”. Người nhắc nhở các nhà văn hoá phải chú ý đến nhi đồng, tôn trọng phong tục, văn hoá các dân tộc thiểu số, làm cho vườn hoa văn hoá dân tộc màu sắc, muôn hương.

* Xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam

Những lãnh tụ của giai cấp vô sản, trong khi thiết kế xây dựng xã hội tương lai đã nhấn mạnh tới việc cần thiết xây dựng nền văn hoá mới.

Hồ Chí Minh quan tâm tới việc xây dựng một xã hội mới vững chắc, lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cuộc cách mạng trên lĩnh vực văn hoá.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh, trong khi tố cáo nền giáo dục thực dân, chính sách ngu dân của Pháp ở Việt Nam, đã quan tâm tới việc xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Trong  Chánh cương vắn tắt  (1930), Người nêu phương diện xã hội lên hàng đầu, trong đó đề cập “nam nữ bình quyền”, “phổ thông giáo dục theo công nông hoá”. Năm 1943, Người đã có dự định xây dựng nền văn hoá dân tộc gồm 5 điểm lớn.  Xây dựng tâm lý:  tinh thần độc lập tự cường.  Xây dựng luân lý:  biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.  Xây dựng xã hội:  mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.  Xây dựng chính trị:  dân quyền.  Xây dựng kinh tế.

Sau Cách mạng Tháng tám, ngay trong khi đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Người xác định rõ vai trò của văn hoá, kết hợp chặt chẽ văn hoá với kháng chiến “văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá”, kết hợp kháng chiến với kiến quốc. Trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá mới, Người lưu ý đến ba nội dung với ý nghĩa là tính chất của nền văn hoá mới: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Người chủ trương xây dựng nền văn hoá mới có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam có sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Người quan tâm từ sớm, khi đang tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Người chủ trương xây dựng nền văn hoá toàn diện, bao gồm văn hoá, chính trị, kinh tế, xã hội. Đặc biệt Người nhấn mạnh những nét đặc sắc trong đạo đức của nền văn hoá phương Đông. Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hoá Việt Nam có 3 mặt thống nhất với nhau.  Thứ nhất,  đó là củng cố, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá dân tộc.  Thứ hai,  là khắc phục những thiếu hụt của văn hoá truyền thống.  Cuối cùng,  là tạo ra những giá trị của nền văn hoá tương lai, hoàn thiện nhân cách, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

Tấm gương người đảng viên, hội viên làm kinh tế giỏi

          Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa của tỉnh Hà Giang. Những năm qua xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần xuất hiện nhiều tấm gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, trong đó nổi bật là Chị Hoàng Thị Quảng - Hội viên chi hội phụ nữ Thôn Nà Ràng được biết đến là một tấm gương sáng cho những hội viên khác học tập và noi theo. Bằng sự sáng tạo, nhạy bén, chị đã phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. 

Xuất thân từ nông nghiệp, tạo dựng cơ ngơi hoàn toàn từ hai bàn tay trắng. Những năm đầu mới xây dựng gia đình cuộc sống rất khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ bề, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy thửa ruộng mà vẫn không đủ ăn. Cái đói cái nghèo thôi thúc, nhận thấy nếu không thay đổi tư duy, cách làm ăn thì sẽ không cải thiện được đời sống, không đủ điều kiện để chăm sóc cho con cái ăn học đầy đủ.Năm 2015, chị đã bàn bạc với chồng mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư nuôi lợn rừng sinh sản, cũng từ đây cuộc sống gia đình có sự thay đổi trong thu nhập, trung bình mỗi năm gia đình chị nuôi từ 50 - 60 con lợn rừng (10 - 15 con lợn nái sinh sản, 30 - 45 con lợn thịt); ngoài ra gia đình chị còn nuôi gà, vịt, tổng đàn gia cầm là 150 con; thu nhập của gia đình sau khi trừ chi phí ban đầu, lợi nhuận thu được 150 triệu đồng/năm; con cái được học hành đầy đủ, gia đình dần vươn lên thoát nghèo.

          Với bản tính cần cù, chịu khó, cũng trong năm 2015 chị đã bàn bạc với chồng đầu tư nuôi thêm trâu, bò cái sinh sản và trâu, bò vỗ béo, sau năm đầu khó khăn, những năm sau đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trong chuồng của gia đình chị thường xuyên có từ 10 con trâu, bò. Trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi từ nuôi trâu bò khoảng 70 triệu đồng/năm. Theo nhận định của chị Quảng: “Nuôi trâu, bò nhốt chuồng tuy vốn đầu tư để mua con giống ban đầu lớn (từ 20 – 35 triệu đồng/con) nhưng ít rủi ro, trâu ít bị bệnh dịch, khi mua về là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, cung cấp đủ thức ăn cho trâu bò, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho trâu bò vào mùa rét, đặc biệt trâu bò bán ra thị trường được lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác nên khả năng thu hồi lại vốn cao”. Đặc biệt, với việc nuôi nhốt như hiện nay, một mình chị có thể chăm sóc tốt cho đàn trâu, bò mà vẫn còn thời gian làm thêm công việc khác. Để cung cấp đủ lượng thức ăn cho đàn gia súc, chị còn tận dụng đất nương dốc của gia đình để trồng cỏ voi, mua thêm rơm rạ của người dân địa phương tích trữ vào kho làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc. Hàng ngày chị đều vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, theo dõi sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ.

Tận dụng ao cá, nguồn thức ăn có sẵn tại gia đình như lá chuối, sắn, cỏ... chị Quảng còn đầu tư chăm sóc ao cá, gồm các loại cá bỗng, rô phi, trắm cỏ… với tổng diện tích ao là 150m2; đàn cá lớn nhanh, tăng trưởng tốt, mỗi lứa thu hoạch từ 6 - 8 tạ, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 30 triệu động/năm.

        Năm 2017, chị Quảng mạnh dạn chuyển đổi diện tích 0,3 ha đất nương vườn tạp sang trồng cây cam Vinh, chị học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc trên sách, báo, internet. Dự kiến năm 2021 sẽ cho thu nhập.

Ngoài việc phát triển kinh tế, chị và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sống trung thực, sinh hoạt lành mạnh, giản dị, yêu thương gia đình, cởi mở, hòa đồng với mọi người, luôn nỗ lực và cố gắng học hỏi nâng cao năng lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con tốt. Là Đảng viên, Hội viên phụ nữ, chị Quảng luôn tham gia sinh hoạt chi bộ, đóng đảng phí đầy đủ, tích cực tham gia các hoạt động do Hội phụ nữ phát động, như: Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… thường xuyên vận động những hội viên trong thôn cùng tham gia sinh hoạt Hội,  đóng Hội phí đầy đủ, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao do địa phương tổ chức; cùng nhau xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả. Bản thân chị luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn hiệu quả cho các chị em khác trong thôn bản, đồng thời học hỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất. Nhiều năm liền, gia đình chị Quảng luôn đạt gia đình văn hoá; bản thân chị nhiều năm được Hội LHPN các cấp biểu dương là gương điển hình về phát triển kinh tế giỏi.

          Nhận xét về người Đảng viên, Hội viên gương mẫu, đảm đang, luôn hết mình với phong trào, công tác Hội, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Hoàng Thị Dưa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khuôn Lùng cho biết: “Chị Quảng là hội viên Chi hội phụ nữ thôn Nà Ràng xã Khuôn Lùng, luôn nhiệt tình, năng động trong các hoạt động, phong trào công tác Hội. Chị còn là một tấm gương đi đầu trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; chị vận động chị em thực hiện tiết kiệm, chị giúp đỡ, hỗ trợ hội viên còn khó khăn con giống, kỹ thuật về chăm sóc, nuôi trâu, bò, lợn rừng, gà, vịt, cá. Bên cạnh đó, chị cũng là một tấm gương điển hình về công tác tuyên truyền vận động tập hợp các chị em cùng tham gia Hội, nhiều năm chị được Hội Phụ nữ xã, Hội LHPN huyện biểu dương khen thưởng về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phong trào công tác Hội”.

          Có thể nói, chị Hoàng Thị Quảng là điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương. Chị được mọi người trong thôn, xã quý mến, tin yêu, được Hội LHPN các cấp ghi nhận. Chị còn là một tấm gương tiêu biểu để nhiều chị em học tập, làm theo.

                            Người viết bài 

                           Nguyễn Thị Liên                                                                                          Hội liên hiệp phụ nữ huyện Xín Mần

 

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

THÁNG 3 NĂM 2021

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong tháng 03/2021, cụ thể như sau:

1. Tập trung tuyên truyền việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Tăng cường tuyên truyền Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó trọng tâm vào các nội dung: Ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về lãnh đạo, tổ chức Cuộc bầu cử; các quy định của pháp luật liên quan đến bầu cử, nhất là Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2015 (được bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được bổ sung một sổ điều theo Luật số 47/2019/QH14), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; các hội nghị hiệp thương; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tuyên truyền việc phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua chào mừng Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền về những thành tựu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp qua các thời kỳ…

3. Tuyên truyền kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2021, nhiệm vụ những tháng tiếp theo của đất nước, của tỉnh, huyện và các địa phương, đơn vị trong huyện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, huyện thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Chú trọng tuyên truyền nội dung cốt lõi, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững (nội dung thực hiện theo Công văn số 126-CV/BTGTU, ngày 18/01/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy); Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển bền vững cây Cam sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

4. Tuyên truyền thực hiện các giải pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; công tác phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm…

 5. Tuyên truyền về thuế và chính sách, pháp luật thuế; việc thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và của tỉnh... Tiếp tục tuyên truyền các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra; triển khai hỗ trợ khách hàng với các gói tín dụng.

6. Đẩy mạnh tuyên truyền về gương điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo của tập thể, cá nhân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc học tập và làm theo 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Đặc biệt, tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang (26/3/1961-26/3/2021) và Hội thảo khoa học 60 năm Hà Giang thực hiện 8 lời căn dặn của Bác Hồ (26/3/1961-26/3/2021).

7. Tiếp tục tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện; tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới, trọng tâm là các giải pháp đạt và giữ các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng Nông thôn mới.

8. Tuyên truyền quảng bá hình ảnh Hà Giang với những nét văn hóa dân tộc độc đáo, vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền tạo điểm nhấn về du lịch tại địa phương trong huyện nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Giang nói chung và huyện Xín Mần nói riêng.

9. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 28/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 354-CV/TU, ngày 31/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang “Về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19”; Công văn số 379/UBND-VHXH ngày 04/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về việc tiếp tục triển khai ngay nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19”; Công văn số 157-CV/BTGTU ngày 08/02/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19”; chú trọng thông tin kịp thời, chính xác diễn biến của dịch bệnh Covid-19, nêu gương điển hình thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; phê phán các hành vi không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thực hiện tốt khai báo y tế…

10. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý thức trách nhiệm của toàn dân, của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới về công tác bảo vệ, quản lý đường biên giới, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới, gắn với tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam với những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

11. Tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021).  

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

 

 

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Nguyễn Ngọc Khuyên

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy,

Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện - Trưởng ban biên tập.

 

PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

1. Đ/c Trần Văn Hòa

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện,

Phó Trưởng ban TTr Ban Tuyên giáo Huyện ủy

2. Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

BIÊN TẬP NỘI DUNG

1/ Đ/c Lý Mạnh Hồng - Chuyên viên BTG

2/ Đ/c Hoàng Thị Hằng - Chuyên viên BTG

3/ Đ/c Hoàng Văn Phong - Chuyên viên BTG

 

 


Tin khác

Liên kết website