Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 6 năm 2021

06/07/2021 01:09 1447 lượt xem

Bản tin thông báo nội bộ tháng 6 năm 2021

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 06/6/2021, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 50-KH/HU về tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” giai đoạn 2021 - 2025

Kế hoạch ban hành nhằm mục đích tiếp tục đổi mới công tác Dân vận của hệ thống chính trị; đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát huy vai trò, hiệu quả của mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” góp phần bài trừ các hủ tục lạc hậu; bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Triển khai hoạt động mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” tại các xã, thị trấn trong toàn huyện phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

* Ngày 15/6/2021, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/HU về tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2021

Thông qua việc tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, là dịp để Bí thư các chi bộ trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi lẫn nhau về lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Là cơ sở để cấp ủy cấp trên đánh giá năng lực, kỹ năng xử lý tình huống của đội ngũ Bí thư chi bộ và chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng. Trên cơ sở đó có giải pháp tổ chức, củng cố nhằm nâng cao chất lượng của chi bộ, Bí thư chi bộ và cấp ủy cơ sở. Đồng thời là dịp để tuyên truyền, phổ biến các quy định, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Hội thi Bí thư chi bộ giỏi phải được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chỉ đạo chặt chẽ; tổ chức nghiêm túc từ cơ sở đến huyện, đảm bảo chất lượng, tránh hình thức; tạo nên phong trào thi đua trong toàn Đảng bộ huyện, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng.

* Ngày 21/6/2021, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 52-KH/HU về Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VI - năm 2021 trên địa bàn huyện Xín Mần

Kế hoạch ban hành nhằm mục đích tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng thông qua các tác phẩm báo chí; thu hút sự quan tâm hơn nữa của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và sự quan tâm của toàn xã hội trong việc viết, sáng tác các tác phẩm về xây dựng Đảng.

Động viên, khuyến khích ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, từ đó tạo động lực thúc đẩy, nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tham gia phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh chống âm mưu, hoạt động chống phá, quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ huyện đã đề ra, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có các nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng.

Tổ chức phát động và thực hiện tốt Giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021 trên địa bàn huyện.

Lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc đảm bảo theo Thể lệ của Giải, các cấp ủy tiêu biểu có nhiều đóng góp trong tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hưởng ứng Giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021 gửi tỉnh thẩm định để Ban Tổ chức xem xét trao giải, tôn vinh tác giả, tác phẩm và tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Gắn việc triển khai hưởng ứng Giải Búa liềm vàng lần thứ VI - năm 2021 với thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”; coi đây là việc làm thiết thực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

* Ngày 04/6/2021, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2021

Kế hoạch được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ), góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao tinh thần tự giác, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn huyện.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, chấp hành pháp luật và công tác giữ gìn an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai thực hiện chủ yếu ở cấp cơ sở thôn, tổ dân phố, xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp gắn với các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2021), các hoạt động chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; 76 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 02/9.

* Ngày 08/6/2021, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND về tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” giai đoạn 2021 - 2025

Kế hoạch ban hành nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và quần chúng Nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phong trào phải được đặt dưới sự lãnh chỉ đạo tập trung thống nhất và xuyên suôt của cấp ủy Đảng và sự điều hành của chính quyền địa phương; xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia phải được triển khai thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại nhân dân ở địa phương.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện phong trào, đảm bảo phù hợp với từng điều kiện cụ thể của từng xã, từng địa bàn biên giới. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC

TỪ THÁNG 6 NĂM 2021

1. Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 01/6/2021).

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

2. Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (có hiệu lực từ ngày 01/6/2021).

Nghị định này quy định về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.

Theo đó người dân, cơ quan, tổ chức có thể tra cứu thông tin cơ bản của cá nhân, như họ tên khai sinh, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân, dân tộc, quốc tịch, quê quán, thông tin của cha mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; thông tin liên hệ của công dân; thông tin về hộ gia đình, gồm mã hộ gia đình, địa chỉ, danh sách thành viên trong hộ.

Người dân cũng có thể tra cứu nhóm bảo hiểm xã hội mà người đó tham gia (phương thức đóng, quá trình đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mã số thuế); nhóm bảo hiểm y tế (như mã mức hưởng, nhóm tham gia, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thời điểm hết hạn, quá trình đóng hưởng); bảo hiểm thất nghiệp (quá trình đóng, hưởng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp)...

Cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn khai thác thông tin về bảo hiểm có thể tra cứu qua cổng dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam.

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,

ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH  VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH,

HẠNH PHÚC

* Sự hình thành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

- Vấn đề độc lập cho dân tộc và khát vọng tự do cho nhân dân là xuất phát điểm, là nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, được nuôi dưỡng bởi những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, có sự tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại.

- Sinh thời trong cảnh nước nhà bị nô dịch, lầm than, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã sớm thức tỉnh, đau đáu nỗi niềm cứu nước, cứu dân. Người chọn hướng đi sang các nước tư bản phương Tây tìm hiểu sự thật đằng sau khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”, xem người ta làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào mình. Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Người bắt đầu chuyến hành trình trên con tàu Amiral Latouche Tresville, mang theo khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Điều này sớm đã thể hiện tư tưởng, ý chí tự lực, tự cường và một khát vọng lớn, mang tầm nhìn thời đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

- Sinh sống và làm việc tại nhiều nước tư bản phương Tây đã giúp Nguyễn Tất Thành nhận thức và vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản: Ở đâu đâu đế quốc tư bản thực dân cũng dã man, tàn bạo, cũng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính; ở đâu đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau, họ phải được tập hợp lại, đứng lên đấu tranh giải phóng.

- Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Luận cương của Lênin đã giúp Người giải đáp những vấn đề cơ bản về con đường giải phóng dân tộc mà Người tìm kiếm bấy lâu. Người khẳng định:“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Tháng 12/1920,  Người đã gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong tư tưởng của Người từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản.

- Sau khi xác định con đường cứu nước theo cách mạng vô sản, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước. Người đã mang đến một luồng gió mới về đấu tranh cách mạng đối với nhân dân Việt  Nam,  nhân  dân các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc, khơi dậy trong họ tinh thần đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh theo khuynh hướng cách mạng vô sản ở nước ta trong những năm 30 của thế kỷ XX, đưa tới sự ra đời của chính đảng vô sản Việt Nam, mở ra thời đại rực rỡ của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, với những dấu ấn lịch sử và tầm vóc thời đại.

Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng về quyền sống chân chính của dân tộc đã bồi đắp tư tưởng, sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và lan tỏa trong mọi giai tầng xã hội Việt Nam. Nói cách khác, chính chủ nghĩa yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước “đàng hoàng”, “to đẹp” đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đặt nền móng cho sự phát triển tư tưởng mácxít ở Việt Nam, tạo ra những điều kiện căn bản, tiên quyết đưa đến những thành công của cách mạng nước nhà.

* Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

Ý chí tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế.

- Hầu hết các đảng cộng sản ở Châu Âu đều có quan điểm rằng, cách mạng ở các  thuộc  địa  phụ  thuộc  vào  cách  mạng  ở  các  nước  tư  bản  (chính  quốc),  cách mạng ở các nước thuộc địa không thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi. Nguyễn Ái Quốc không tán thành quan điểm đó. Người cho rằng, với ý chí, khát vọng đấu tranh mãnh liệt, bất khuất vì độc lập, tự do, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không.

- Người cũng chỉ rõ mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng ở thuộc địa và cách  mạng  ở  chính  quốc.  Người ví  mối  quan  hệ đó  như  hai  cánh  của  một  con chim. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, vạch trần bản chất của chủ nghĩa tư bản thực dân giống con đỉa có hai vòi, một vòi bám vào giai cấp vô sản ở các nước tư bản, vòi kia hút máu các dân tộc thuộc địa, Người khẳng định muốn tiêu diệt nó, phải cắt cả hai cái vòi, muốn vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc.

- Hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc luôn chú trọng đưa ra đề nghị Quốc tế Cộng sản đặt đúng vị trí, vai trò của cách mạng thuộc địa trong phong trào cách mạng vô sản thế giới, tích cực giúp đỡ cách mạng thuộc địa về lý luận và phương pháp đấu tranh, đào tạo cán bộ cho các dân tộc thuộc địa, cổ vũ và hướng dẫn phong trào cách mạng thuộc địa phát triển đúng hướng, có khả năng tự giải phóng mình.

- Thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc theo con đường chủ nghĩa Mác-Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nêu rõ quyết tâm, ý chí, phương pháp cách mạng, thể hiện sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường trong đấu tranh cách mạng: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.

Ý chí tự lực, tự cường là phải nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

- Ý chí tự lực, tự cường trong tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã giúp Người thấy rõ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính, bao gồm chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn của các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên chống đế quốc, thực dân. Từ thực tế xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Người viết: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người culi biết phản đối, nó làm cho những người “nhà quê” phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối... nó đã thúc giục thanh niên bãi khoá, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản, làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa”

- Theo Người, nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc  chính  là  sức  mạnh  của  toàn  dân  tộc.  Trong  tác  phẩm  Đường  Kách  mệnh (1927), Người viết: “chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”. Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”. Người nhấn mạnh vấn đề có tính nguyên tắc: “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”.

- Ở một nước thuộc địa như Việt Nam, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trở thành vấn đề sống còn, ngọn cờ giải phóng dân tộc phải giương cao hơn hết thảy. Trong cuộc đấu tranh đó, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc được coi là nền tảng căn bản, có thể huy động, tập hợp được hết thảy các giai tầng xã hội đoàn kết trên một mặt trận, đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như bảo vệ vững chắc nền độc lập đó. “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”.

- Hội nghị Trung  ương Đảng lần  thứ 6 (11/1939),  Đảng ta khẳng định chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, liên hiệp tất cả các dân tộc, giai cấp, đảng phái, giành độc lập dân tộc, xây dựng hình thức Nhà nước cộng hòa, dân chủ “Chính phủ chung cho tất cả các tầng lớp dân chúng”. Nghị quyết Trung ương nêu rõ: “Công nông phải đưa cao cây cờ dân tộc lên, vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc mà sẵn sàng bắt tay với tiểu tư sản và những tầng lớp tư sản bổn xứ, trung tiểu địa chủ”.

- Ngay sau khi trở về nước, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (1941). Ngoài những chủ trương lớn về giải phóng dân tộc, nhiệm vụ cách mạng chủ yếu, Hội nghị còn chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, tập hợp đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc với các tổ chức, đoàn thể cứu quốc, thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng, toàn nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc.

- Cách  mạng Tháng Tám  năm 1945 thành công, nước Việt  Nam  Dân  chủ Cộng hòa ra đời là minh chứng sống động nhất về sức mạnh dân tộc, mà chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, kết hợp chủ nghĩa quốc tế trong sáng là nhân tố quy tụ, thúc đẩy, hòa quyện, kết tinh mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài, sức mạnh của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam, kiên cường đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Ý chí tự lực, tự cường là sự chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng

- Điều kiện trước hết là phải có một Đảng cách mệnh, “để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

- Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Người soạn thảo. Cương lĩnh ngắn gọn, rõ ràng và thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, nhấn mạnh đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc thực dân và chế độ phong kiến đã suy tàn, thực hiện mục tiêu chiến lược: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Sự ra đời của Đảng đánh dấu bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong tiến trình cách mạng dân tộc, trở thành nhân tố tiên quyết, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dẫn dắt, tập hợp và lãnh đạo nhân dân từng bước đấu tranh, chuẩn bị các điều kiện mọi mặt, đưa tới sự thành công của cách mạng.

- Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 8, Người cùng Trung ương Đảng quyết định những vấn đề lớn của cách mạng như hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xử lý đúng đắn đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, quyết tâm giành cho được độc lập dân tộc.

- Người chỉ ra các nhiệm vụ quan trọng, cần kíp về việc chuẩn bị các điều kiện đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng, như: xây dựng lực lượng cách mạng (bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang); căn cứ địa cách mạng; tập dượt cho quần chúng đấu tranh, xác định phương pháp đấu tranh khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền; chuẩn bị bộ máy tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi và dự kiến các công việc sau khi giành được chính quyền.

- Nhờ có sự chủ động, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, chỉ trong vòng 15 ngày Cách mạng tháng Tám (1945) diễn ra mau lẹ, ít đổ máu, giành thắng lợi hoàn toàn trên cả nước, đập tan chế độ thực dân thống trị nước ta hơn 80 nghìn năm, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót nghìn năm, khai sinh nền dân chủ cộng hòa, mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này thể hiện việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin ở một nước thuộc địa, khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, tinh thần, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc theo tư tưởng của Bác. Tư tưởng tự lực, tự cường, chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện cách mạng tiếp tục được phát triển và khẳng định trong các giai đoạn cách mạng sau, đưa tới thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954), kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước (1975- nay), đặc biệt trong 35 năm đổi mới (1986- nay).

Ý chí tự lực, tự cường là đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân

- Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân nhưng không phải ở đâu và bất cứ lúc nào quần chúng nhân dân cũng làm được cách mạng.  Muốn làm được cách mạng, quần chúng nhân dân phải được vận động, rèn luyện và tổ chức nhằm huy động, tập hợp, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến thành sức mạnh của quần chúng thành sức mạnh cách mạng.

- Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Nhân dân” là phạm trù cao quý nhất. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người khẳng định, dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”.

- Trong giai đoạn vận động giải phóng dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh phải động viên lực lượng của toàn dân, có dân là có tất cả. Khi thời cơ cách mạng chín muồi (8/1945), Người đã gửi Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa trong cả nước. Người nêu rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Sức mạnh toàn dân được huy động và hiện diện to lớn, tạo nên thành công vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.

- Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), trong hoàn cảnh thực dân Pháp rắp tâm xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thôi thúc nhân dân ta đứng lên đấu tranh, quy tụ sức mạnh toàn dân trong thế trận chiến tranh nhân dân, chống thực dân Pháp nhằm giữ vững nền độc lập dân tộc: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có  súng  dùng  súng.  Ai  có  gươm  dùng  gươm,  không  có  gươm  thì  dùng  cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

- Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), đương đầu với kẻ thù có sức mạnh số một thế giới về kinh tế và quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

- Vai trò và sức mạnh của nhân dân luôn được Đảng ta trân trọng, phát huy cao độ trong công cuộc trường kỳ kháng chiến, cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước kể từ khi hòa bình lập lại đến nay, tạo nên những thành tựu vô cùng quan trọng trên các phương diện đời sống xã hội, đem lại những giá trị kinh tế – xã hội, những thay đổi lớn lao về diện mạo đất nước trong tiến trình thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như Bác Hồ hằng mong ước.

Ý chí tự lực, tự cường là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc

 - Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyết tâm bảo vệ và giữ vững độc lập dân tộc, “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, thể hiện rất rõ khi Tổ quốc bị lâm nguy, khi dân tộc phải đương đầu với những kẻ thù có sức mạnh kinh tế - quân sự vào hàng cường quốc thế giới, chống lại âm mưu áp đặt chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân.

- Ngay sau khi nền độc lập ra đời, đất nước ta đã phải chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm  cướp  nước  ta  lần  nữa!  Không!  Chúng  ta  thà  hy  sinh tất  cả,  chứ  nhất  định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nhờ phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, quyết tâm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chúng ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, làm nên chiến thắng Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chiến thắng của ý chí, khát vọng độc lập và khí phách Việt Nam.

- Lịch sử tiếp tục chứng kiến những thách thức cám gỗ về ý chí và khát vọng độc lập dân tộc qua cuộc đối đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Mỹ. Trước một cuộc chiến tranh khốc liệt, trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao quyết tâm trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Người nói: “Phải giành thắng lợi quyết định trong một thời gian, ta không nói mấy năm, mấy tháng, mấy ngày, nhưng trong một thời gian càng ngắn càng tốt”.

- Khích lệ, thôi thúc ý chí đấu tranh đến ngày đất nước toàn thắng, thống nhất trong mỗi người dân, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.

- Tin tưởng vào sự tất thắng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong bản Di chúc, Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân  dân ta  dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất  định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

- Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một lần nữa khẳng định ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục được Đảng ta phát huy trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sau giải phóng đến nay.

                    Trích nguồn dẫn Ban Tuyên giáo Trung ương

          MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

       THÁNG 7 NĂM 2021

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình, tập trung tuyên truyền tốt một số nội dung trọng tâm trong tháng 7/2021, cụ thể:

1. Tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, nghị quyết của các địa phương, cơ quan, đơn vị để triển khai, thực hiện.

2. Tuyên truyền về kết quả Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

3. Tuyên  truyền  việc  quán  triệt  và  triển  khai  thực  hiện Kết  luận  số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tuyên truyền, giới thiệu chuyên đề năm 2021 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Tuyên  truyền  khẳng  định:  Tư  tưởng  Hồ  Chí  Minh  cùng  với  chủ nghĩa  Mác -Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên về bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05, nhất là những ý kiến chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo Bác, trong đó chú trọng quán triệt, tập trung làm tốt ba vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.

4. Tập trung tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trọng tâm là: Công tác quản lý, tổ chức cách ly tập trung, theo dõi cách ly tại nhà, thực hiện các biện pháp kiểm tra y tế  đối  với  người  lao  động  từ  Bắc  Giang  trở  về  địa  phương  đảm  bảo đúng  chủ trương của tỉnh.

Thông  tin  sự  quyết  tâm,  nỗ  lực  của  cả  hệ  thống  chính  trị  trong công  tác phòng, chống dịch và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là thông điệp, các nhóm nhiệm vụ được đưa ra trong Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội; chiến lược phòng, chống Covid-19 của Việt Nam trong giai đoạn mới, công thức “5K+vắc xin”; thông tin về chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn huyện; phổ biến, tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin; tuyên truyền nêu bật ý nghĩa của việc thành lập Quỹ vắc xin là nhằm bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc xin, bảo đảm cuộc sống của nhân dân, đồng thời kêu gọi, vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp Quỹ vắc xin trên cơ sở tự nguyện; đấu tranh phản bác với những thông tin sai lệch, xuyên tạc liên quan đến Quỹ vắc xin cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam.

5. Tập trung thông tin tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế  -  xã  hội  của  cả  nước, của  tỉnh,  địa  phương  trong  6  tháng  đầu  năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021. Tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện; tuyên truyền về những kết quả nổi bật trong Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2021.

Tuyên truyền hiệu  quả  việc  triển  khai  thực  hiện  Nghị  quyết  số 05-NQ/TU, ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững…

6. Tuyên truyền thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; công tác phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với trẻ em, học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh các biện pháp phòng, tránh tai nạn thương tích và đuối nước; tuyên truyền các hoạt động an sinh xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

7. Tuyên truyền công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021; nắm bắt kịp thời, chính xác dư luận về Kỳ thi và phản ánh những vấn đề dư luận băn khoăn để kịp thời xử lý theo đúng quy định pháp luật.

8. Tuyên truyền về thuế và chính sách, pháp luật thuế; việc thực hiện các chương  trình,  chính  sách  tín  dụng  của  Chính  phủ  và  của  tỉnh...Tiếp  tục tuyên truyền các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lại, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid- 19 gây ra; triển khai hỗ trợ khách hàng với các gói tín dụng.

9. Tuyên truyền đậm nét kỷ niệm một số ngày lễ, sự kiện quan trọng khác diễn ra trong tháng 7, đầu tháng 8/2021 như: Ngày truyền thống Du lịch Việt Nam (09/7/1960); Ngày Dân số thế giới (11/7/1987);  ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946); ngày  truyền thống  lực  lượng  thanh  niên  xung  phong  (15/7/1950);  ngày truyền  thống  lực  lượng  Cảnh  sát  nhân  dân  (20/7/1962); ngày ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954); ngày  Thương  binh  liệt  sĩ  (27/7/1947);  ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929); ngày Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (28/7/1995); ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng  (01/8/1930); 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (08/8/1921-08/8/2021)…

 

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Nguyễn Ngọc Khuyên

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy,

Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện - Trưởng ban biên tập.

PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

1. Đ/c Trần Văn Hòa

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện,

Phó Trưởng ban TTr Ban Tuyên giáo Huyện ủy

                                                                         2. Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

BIÊN TẬP NỘI DUNG

                                                                          1/ Đ/c Lý Mạnh Hồng - Chuyên viên BTG

                                                                          2/ Đ/c Hoàng Thị Hằng - Chuyên viên BTG

                                                                          3/ Đ/c Hoàng Văn Phong - Chuyên viên BTG


Tin khác

Liên kết website