Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 7 năm 2020

05/08/2020 08:50 54 lượt xem

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 3/8/2020, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Công văn số 3158-CV/HU về việc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chổng dịch Covid-19 và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Công văn số 3158-CV/HU được ban hành với mục đích nhằm triển khai kịp thời các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện, trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19, chiều ngày 02/8/2020. Thường trực Huyện ủy chỉ đạo như sau:

1. Các chi, Đảng bộ trực thuộc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người đều nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch Covid-19 gây ra và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: rửa tay bàng xà phòng, nước sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người...

2. Bí thư Đảng uỷ các xã, thị trấn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn, đơn vị mình phụ trách. Kịp thời báo cáo Thường trực, Ban thường vụ Huyện ủy những vấn đề phát sinh vưọt quá thẩm quyền và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Thường trực, Ban Thường vụ Huyện uỷ khi để xảy ra các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19.

3. UBND huyện chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 và tuân thủ các quy định của pháp luật. Bám sát những chỉ đạo của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT của tỉnh, tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương để dự phòng các phương án, giải pháp tổ chức kỳ thi.

4. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện chỉ đạo tổ chức phun khử trùng và trang bị các dụng cụ y tế cần thiết cho đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch. Dự phòng các điểm cách ly, quản lý tốt số công dân được cách ly tại nhà và các điếm cách ly tập trung.

5. Đảng ủy các đơn vị: Biên phòng của khẩu Xín Mần, Công an, Quân sự huyện làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh. Có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Nhận được công văn này. Thường trực Huyện ủy yêu cầu UBND huyện, Các chi, Đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai, thực hiện.

* Ngày 15/7/2020, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Chương trình số 127/CTr-UBND về phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020 – 2025.

- Chương trình số 127/CTr-UBND được ban hành với mục đích nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020, đưa phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng trong tầng lớp Nhân dân, góp phần xây dựng địa phương phát triển nhanh và bền vững. Toàn huyện tiếp tục phát động phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực đời sống xã hội, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Chung tay xây dựng Nông thôn mới”, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

- Trên cơ sở các nội dung và nhiệm vụ giải pháp mà Chương trình số 127/CTr-UBND huyện đã đề ra, Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể xã; các xã, thị trấn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức phát động các phong trào thi đua bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị, địa phương lập thành tích góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng huyện Xín Mần lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC        

TỪ THÁNG 7 NĂM 2020

* Quy định mới về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải: Nghị định 53/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/05/2020 của Chính phủquy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; trong đó có những điểm mới về đối tượng chịu phí cũng như mức phí. Nghị định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016.

* Mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định rõ tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ban hành ngày 27/05/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.

Theo Nghị định, người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, theo một trong các mức sau:

a- Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

b- Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu bảo đảm các điều kiện sau:

- Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và BHXH.

- Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.

Nghị định quy định người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội (Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí).

* Nghị định mới về vị trí việc làm và biên chế công chức: Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ban hành ngày 01/06/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức có hiệu lực từ 20/7/2020.

Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức xác định vị trí việc làm cho công chức phải căn cứ vào: 1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; 2- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc; theo tính chất, nội dung công việc.

Cơ quan, tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương) căn cứ vào quy định trên và văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm để xây dựng đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình, gửi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ của bộ, ngành, địa phương thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định.

* Tăng số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn loại II: Có hiệu lực từ 1/7/2020, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/06/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.

Cụ thể, Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 7 về số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND ở các đơn vị hành chính của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP. Theo đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND ở đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau:

- Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn: Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện quy định xã loại II chỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); xã loại III có 1 Phó Chủ tịch UBND;

- Đối với đơn vị hành chính ở đô thị: Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND (hiện hành quy định phường, thị trấn loại IIchỉ được có 01 Phó Chủ tịch UBND); phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.

* Giảm 50% phí xử lý vụ việc cạnh tranh: Theo Thông tư số 58/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh, kể từ ngày 27/7/2020 tới hết ngày 31/12/2020, người có yêu cầu độc lập tham gia trong các vụ việc cạnh tranh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (theo quy định tại Điều 72 Luật Cạnh tranh); và người nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm (theo quy định tại Điều 16 Luật Cạnh tranh) sẽ được giảm tới 50% mức thu theo Điều 4 quy định tại Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

Cụ thể: Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ là 5 triệu đồng/vụ việc thay cho mức hiện hành 10 triệu đồng/vụ việc; phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh sẽ là 25 triệu đồng/hồ sơ thay cho mức 50 triệu đồng/hồ sơ hiện nay. Như vậy mức thu theo Thông tư mới này đã được giảm 50% so với mức thu theo quy định tại Thông tư số 251/2016/TT-BTC.

Kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thu trên sẽ trở lại quy định theo Điều 4 Thông tư số 251/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016.

Bộ Tài chính cho biết việc ban hành quy định này nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

 

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

“Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là phải sống với dân”

 

90 năm qua, công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc..

Suốt trong thế kỷ 20 và cho đến nay, trên thế giới đã và vẫn còn nhiều kiểu CNXH rất khác nhau, kể cả giả danh, giả mạo, lừa mị và xấu độc. Hiểu và diễn đạt cho đúng về CNXH và con đường đi đến đó là công việc quan trọng hàng đầu của tuyên giáo.

CNXH phải thể hiện ở bản chất chứ không phải nặng khẩu hiệu và tên gọi. CNXH như thế nào đó thì đáng ủng hộ, và như thế nào khác thì không đáng ủng hộ. Lâu nay ta hiểu cũng không nhất quán, dù đã có những điều chỉnh quan trọng, nhưng cho đến nay vẫn còn không ít mơ hồ, chưa rõ về CNXH. Ta nêu mục tiêu XHCN nhưng lại chưa rõ về nó và chính điều ấy đã làm mất lòng tin, chập choạng trong từng bước đi.

Tại Việt Nam trong thời kỳ đầu của cách mạng cũng có nói đến mục tiêu XHCN, nhưng là mới nói thoáng qua, không rõ như mục tiêu dân tộc và dân chủ, nhưng trong nhân dân ngày ấy (và sau này) đã hiểu khái quát rằng đó là một xã hội tốt đẹp. Như vậy, cái XHCN mà nhân dân ta ủng hộ ngày ấy tức là một xã hội tốt đẹp, phải tốt đẹp. Và theo nghĩa đó, khi nào đạt được sự tốt đẹp thì mới là XHCN, còn xây dựng CNXH là phải tạo ra cái tốt đẹp. Trước đây đã có một thời kỳ ta hiểu kinh tế kế hoạch hóa tập trung là CNXH, ai nói đến kinh tế thị trường bị coi là xét lại và sai lầm chệch hướng, sau đó ta đã đổi lại tư duy, coi kinh tế thị trường mới có thể tiến lên và đó là cuộc cải cách và đổi mới cho đến ngày nay. Kinh tế thị trường là vấn đề khách quan và nền kinh tế nào rồi cũng phải có vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước chứ không phải thị trường tự do hoàn toàn như các trường phái nào đó ở phương Tây thường nhấn mạnh.

Phát triển phải là mục tiêu quan trọng nhất

Không có mục tiêu nào có thể quan trọng hơn mục tiêu phát triển. Trước đây nước ta nhiều lần bị xâm lăng, nhiều nhất là từ phương Bắc, nguyên nhân chủ yếu không phải do ta thiếu anh hùng mà là do ta không phát triển, bị lạc hậu so với thiên hạ. Mất nước rồi thì người VN bằng sự anh hùng đã chiến đấu lấy lại nước. Lấy lại được nước rồi, nhưng lại tiếp tục không phát triển được, nguyên nhân mất nước vẫn chưa được giải quyết, và lại mất nước lần nữa. Cứ thế, lịch sử đã lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Cho nên, muốn giữ được nước nhất định phải phát triển. Ngày nay thế giới đã khác xưa, nếu lạc hậu thì sẽ mất độc lập dân tộc, cũng là mất nước, có thể bằng một cách khác, không hẳn là phải có sự thắng thua của một cuộc chiến tranh như ngày xưa, mà có khi chỉ bằng con đường hòa bình, không tốn súng đạn, không cần đổ máu, mà chỉ bằng cạnh tranh kinh tế. Lệ thuộc kinh tế rồi dần dần lệ thuộc chính trị, bởi chính trị là sự tập trung của kinh tế.

Đối với mục tiêu phát triển thì quan trọng nhất là sự phát triển của con người. Các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội, chính trị, ngoại giao... đều do con người thực hiện, là sản phẩm của con người. Khi con người phát triển thì mọi thứ sẽ phát triển theo. Khi con người chậm phát triển thì mọi thứ cũng sẽ tụt hậu. Tất nhiên sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế xã hội cũng sẽ tác động trở lại đối với sự phát triển của con người, nhưng đó là mặt thứ 2 của mối quan hệ con người và công việc.

Cần làm gì để cho con người phát triển? Giáo dục, văn hóa, khoa học là loại hoạt động thúc đẩy trực tiếp sự phát triển của con người. Tất nhiên đó là nền giáo dục mở, khai sáng, chứ không phải bảo thủ hay nhồi sọ; là văn hóa nhân bản và phát triển, chứ không phải cổ hủ; khoa học xã hội và nhân văn về con người; khoa học chính trị về tự do, dân chủ và nhà nước pháp quyền… Sự tự do ấy đem lại sự độc lập và phát triển của tư duy - phần quan trọng nhất trong sự phát triển của con người, đồng thời từ đó mà xây dựng tính trung thực, lòng nhân ái và sự cầu thị - những đức tính quý giá nhất trong hệ giá trị về nhân cách.

Lãnh đạo bằng các giá trị văn hóa

Khi chưa có chính quyền, Đảng lãnh đạo bằng các giá trị văn hóa. Đề ra mục tiêu cách mạng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và truyền thống văn hóa của dân tộc, thuyết phục bằng lẽ phải và đạo lý, nêu gương bằng nhân cách và sự hy sinh. Với phương thức lãnh đạo như vậy, Đảng đã tập hợp được cả dân tộc đứng lên giành độc lập và liền sau đó là các cuộc chiến tranh vệ quốc gian lao và ác liệt. Vậy là Đảng đã trở thành một đảng lãnh đạo dân tộc bằng các giá trị văn hóa và phương thức thuyết phục, chứ không phải bằng mệnh lệnh và quyền lực hành chính. Cần phải đổi mới căn bản phương thức lãnh đạo theo hướng phát huy kinh nghiệm của ngày xưa, lãnh đạo bằng thuyết phục, bằng các giá trị văn hóa là chính, và chăm lo xây dựng nhà nước thật sự của dân, để nhà nước ấy sử dụng pháp luật mà quản lý đất nước.

Phương châm “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và dân làm chủ” xét về mặt từ ngữ thì không có gì sai, nhưng lãnh đạo như thế nào, quản lý như thế nào và làm chủ như thế nào thì còn nhiều vấn đề chưa rõ, phải bàn tiếp. Ta yêu cầu cán bộ phải học Hồ Chí Minh là đúng, nhưng cách làm nào cho hiệu quả, không lan man và hình thức thì cần phải tiếp tục suy nghĩ. Tư tưởng Hồ Chí Minh tựu trung lại một điểm quan trọng nhất là “Dân là gốc”. Trước Hồ Chí Minh, từ thời nhà Trần, nhà Lê đã có tư tưởng “Dân vi bản”. Cũng dân là gốc nhưng khác nhau cơ bản ở chỗ đó là thần dân, dân của trẫm, còn chỉ có vua mới là chủ. Tư tưởng Hồ Chí Minh coi dân là người chủ, làm chủ, nắm mọi quyền lực.

Đạo đức Hồ Chí Minh là vì dân. Người nói: “Tôi hiến dâng đời tôi cho dân tộc tôi” và suốt đời Người đã phấn đấu để làm như vậy. Phong cách Hồ Chí Minh là trọng dân. Người bảo phải kính trọng và lễ phép với nhân dân (chứ không phải cai trị, ức hiếp hay quan liêu hách dịch). Vậy học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tựu trung lại là sống với dân. Một chữ DÂN viết hoa và in đậm. Học tập Hồ Chí Minh không nên theo kiểu một phong trào chính trị rộng lớn và mạnh mẽ, mà phải là một loại hoạt động văn hóa chiều sâu. Không cần phải nói nhiều dễ gây nhàm chán, mà phải chuyển tải và làm lan tỏa các giá trị gây xúc động lòng người, còn chủ yếu là làm - bằng hành động thực tế.

Nhân cách quan trọng nhất của người cán bộ là tính trung thực. Không có trung thực thì không có trung thành và dễ chuyển thành kẻ cơ hội. Có trung thực sẽ có tự trọng. Có tự trọng sẽ ít tham nhũng và suy thoái.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

 THÁNG 8 NĂM 2020

 

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong tháng 8/2020, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đại hội đảng các cấp (theo Kế hoạch số 240-KH/HU, ngày 30/10/2019 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tuyên truyền đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Xín Mần lần thứ XVIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

2. Tuyên truyền hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang lần thứ VI, năm 2020 (theo Kế hoạch số 02-KH/TBTT-KTTL, ngày 04/5/2020 của Tiểu ban tuyên truyền, khánh tiết, triển lãm Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang về tuyên truyền Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hà Giang, lần thứ VI, năm 2020), trong đó chú trọng phát hiện, biểu dương những điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

3. Tuyên truyền Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó chú trọng tuyên truyền các nội dung trọng tâm, như: Ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

4. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Tập trung thông tin tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của tỉnh, địa phương trong tháng 8/2020. Tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới, trong đó chú trọng các nội dung: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và sự quan tâm của xã hội trong xây dựng Nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện và xử lý rác thải nông thôn, nâng cấp cơ sở vật chất trạm y tế, trường học, nhà văn hóa thôn... Tuyên truyền thực hiện sản xuất các cây trồng vụ Mùa theo đúng khung thời vụ gắn với theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh để thực hiện các biện pháp phòng trừ sớm. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, huyện. Tuyên truyền về thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế...

5. Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Công văn số 2356/UBND-VHXH, ngày 26/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh “V/v tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sau khi xuất hiện bệnh nhân số 416 tại Đà Nẵng”, Công văn số 2433/UBND-VHXH, ngày 30/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh “V/v tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19”; Công văn số 7569-CV/TU, ngày 31/7/2020 của Tỉnh ủy về chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2205-CV/BTGTU, ngày 27/7/2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh” và Công văn số 3158-CV/HU, ngày 03/8/2020 của Ban Thường vụ huyện ủy “Về việc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và quản lý cán bộ CC,VC, người lao động trên địa bàn huyện”; không lơ là, chủ quan khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở trên thế giới, khu vực và trong nước. Đồng thời, tuyên truyền người dân không chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật về dịch Covid-19, gây hoang mang trong dư luận; không thực hiện hoặc tiếp tay cho các hành vi vượt biên, nhập cảnh trái pháp luật hoặc trốn cách ly theo quy định, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm phải báo ngay cho lực lượng chức năng; khai báo y tế bắt buộc, tự cách ly theo quy định nếu có liên quan đến những nơi, trường hợp đã được Bộ Y tế công bố mắc dịch Covid-19; tăng cường thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch, trong đó điểm nhấn là trình độ y khoa, sự tận tâm, trách nhiệm cao của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam trong điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc dịch bệnh...

6. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân chủ động thực hiện, nhất là bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, chân tay miệng...; tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng, nhất là các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan diện rộng, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi có đủ điều kiện thực hiện các biện pháp đảm bảo tái đàn lợn thành công, không để dịch bệnh tái phát; tuyên truyền công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, vận chuyển kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

7. Tuyên truyền việc chuẩn bị đảm bảo các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. Công tác tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện tổ chức tốt năm học mới 2020-2021 của các trường học trên địa bàn huyện; tuyên truyền, vận động đảm bảo duy trì sĩ số học sinh đến trường học.

8. Tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên; việc triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” gắn với xây dựng thực hiện cộng đồng an toàn…

9. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, về những danh lam thắng cảnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hà Giang đến bạn bè trong nước, quốc tế thông qua nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, hướng tới tuyên truyền, quảng bá Chương trình du lịch "Qua những miền di sản ruộng bậc thang"; Thác Tiên Đèo Gió, Bãi đá cổ Nắm Dẩn; Lễ hội "Hoa Tam giác mạch" tỉnh Hà Giang năm 2020. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ, giữ gìn giá trị di sản, cảnh quan thiên nhiên địa phương, nhất là vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

10. Tuyên truyền tình hình Biển Đông, về chủ trương, lập trường nhất quán của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là thông qua biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế; về cơ sở pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo của Tổ quốc; tránh đưa những thông tin chưa được kiểm chứng, gây phức tạp tình hình, gây bất lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

11. Tuyên truyền các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn diễn ra trong tháng 8 và đầu tháng 9/2020 như: Kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020); 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2020); 129 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang (20/8/1891 – 20/8/2020); phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2020)...; tuyên truyền hưởng ứng Cuộc thi tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo năm 2020 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức...

Ngoài những nội dung trọng tâm nêu trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các cơ quan, địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn địa phương để lựa chọn, bổ sung các nội dung tuyên truyền cần thiết, phù hợp, đảm bảo có chất lượng và hiệu quả.

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

                                                                     *

 CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Hoàng Tiến Chủ

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy – Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện – Trưởng ban biên tập.

 

* PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

Đ/c Trần Văn Hòa

Phó Trưởng ban TT Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

* BIÊN TẬP NỘI DUNG

             Đ/c Hoàng Xuân Trường – Chuyên viên.

  Đ/c Hoàng Thị Hằng – Chuyên viên.

Đ/c Lý Mạnh Hồng – Chuyên viên


Tin khác

Liên kết website