Di tích lịch sử văn hóa

Di tích lịch sử văn hóa huyện Xín Mần

17/12/2018 00:00 2895 lượt xem

        Từ bao đời nay nhân dân các dân tộc Xín Mần vốn có truyền thống yêu nước cao đẹp. Những chiến công của nhân dân các dân tộc Xín Mần đã góp thêm những trang sử vẻ vang vào lịch sử huy hoàng của dân tộc. Chính những điều đó đã tạo cho Xín Mần có những điểm di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và đấu tranh bảo vệ quê hương của các dân tộc nơi đây.

        1. Bốt Gác Đèo gió.

         Tại đỉnh Đèo Gió với độ cao 1.247m, Thực dân Pháp đã cho xây dựng Bốt Gác để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm chiếm Viêt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX thuộc địa phận thôn Ngam Lâm, xã Nấm Dẩn.  Bốt gác nằm cách trục đường tỉnh lộ 178 khoảng 30m, Bốt Gác có hình cánh cung được tạo bởi những giao thông hào và các điểm lô cốt, có tất cả 7 lỗ châu mai để quan sát được các hướng. Các đường giao thông hào có chiều cao trung bình 50cm, dài gần 100m. Hai đầu Bốt Gác là những bức thành được xếp bằng những phiến đá xít có độ dày mỏng và kích thước khác nhau. Hiện nay, rễ của các cây rừng đã che phủ một phần các bức tường thành đá, điều đó càng làm nổi bật thêm dấu ấn thời gian lịch sử của Bốt Gác.


        2. Di tích lịch sử Nàn Ma.
        Di tích Đội văn công Trung đoàn 148 nằm ở lưng chừng sườn núi đất, cuối thôn Nàn là nơi đã ghi dấu sự kiện đoàn văn công Trung đoàn 148, trong nhiệm vụ phục vụ bộ đội và nhân dân ở Hà Giang vào năm 1952, trên đường về Lào Cai, đoàn dừng chân nghỉ tại thôn Nàn Ma thì bị Phỉ đánh úp. Với một khẩu tiểu liên, 3 khẩu súng trường và dao dài trên tay, toàn đội đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và xông ra đánh giáp lá cà trước khi hy sinh.

Di tích lịch sử Nàn Ma là nơi ghi dấu tội ác của Phỉ (thế lực phản cách mạng do Pháp dựng lên hòng để tiếp tay và kích động để chống phá cách mạng của nước ta). Đồng thời phản ánh cuộc đấu tranh gian khổ, tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Tinh thần phục vụ nhân dân và gương chiến đấu hy sinh anh dũng của đội văn công Trung đoàn 148 là truyền thống quý báu đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đến với Nàn Ma hôm nay chúng ta vẫn thấy còn đó nền ngôi nhà ông Giàng Seo Dìn (nơi đoàn văn công đã nghỉ qua đêm và bị Phỉ giết hại). Vẫn còn đó cái hố sâu hình phễu và còn được nghe những câu chuyện không bao giờ dứt của nhân dân về tội ác của Phỉ, về một đội văn công giàu lòng dũng cảm- đội văn công Trung đoàn 148. Năm 2005 nơi đây đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Tỉnh.

        3. Bãi đá cổ Nấm Dẩn.
        Cuối năm 2004, Bảo Tàng tỉnh Hà Giang kết hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức đợt điều tra khảo cổ học trên địa bàn huyện Xín Mần, đã phát hiện được một số phiến đá có hình khắc vẽ cổ ở xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần. Di tích Bãi đá cổ Xín Mần nằm ở thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang (Nấm Dẩn theo tiếng Nùng nghĩa là khu vực nguồn nước).

Một góc thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần

Quần thể di tích Quốc gia bãi đá cổ Nấm Dẩn có tới 8 di tích chạm khắc cổ, 2 di tích cự thạch cổ và nhiều tảng đá có hiện tượng lạ trong tổng diện tích 52.567m2 tại thôn Nấm Dẩn xã Nấm Dẩn huyện Xín Mần.
Bãi đá cổ Xín Mần với những hình khắc vẽ còn mang đầy tính biểu tượng, ước lệ nhưng đó là sáng tạo nghệ thuật tạo hình thời Tiền-Sơ sử. Như chúng ta đã biết, từ nhận thức cái đẹp đến sáng tạo nghệ thuật là một quá trình nghệ thuật lâu dài trong lịch sử nhân loại. Chủ nhân của những hình khắc vẽ Xín Mần đã có khái niệm thẩm mỹ về cái đẹp bản năng trong đời sống thiên nhiên, trong sinh hoạt cộng đồng và đã thể hiện chúng trên trang sử nghệ thuật bằng đá. 

Trên bề mặt của tấm đá còn giữ nguyên trạng thái phong hóa tự nhiên

Cho đến nay, ở Việt Nam những dấu tích nghệ thuật bích họa thời Tiền- Sơ sử còn tìm thấy khá ít. Bãi đá cổ Xín Mần là di tích có giá trị lớn về nghệ thuật tạo hình thời Tiền- Sơ sử của tổ tiên ta, là di sản văn hóa của nhân dân ta. Ngày 21 tháng 2 năm 2008 Bãi đá cổ Xín Mần đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia.

Đến với Xín Mần, với thiên nhiên hùng vĩ, danh lam thắng cảnh tươi đẹp, Quần thể di sản văn hoá. Di tích lịch sử ghi lại truyền thống yêu nước đấu  tranh anh dũng của nhân dân các dân tộc nơi đây. Cùng với các nét đẹp truyền thống văn hoá vật thể và phi vật thể đa dạng  phong phú, đã tô điểm thêm cho Xín Mần trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. 


Tin khác

Liên kết website