Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM

Người giữ hồn cho dân tộc

16/03/2015 00:00 550 lượt xem

Nằm trên đỉnh núi Nàn Ma, đứng sau lũy tre ngà là ngôi nhà nhỏ xinh xắn, tôi đến đây khi tiết trời se lạnh, không khí thật trong lành. Thật may mắn đã gặp được bác đang trên nương để đi thu hoạch đậu tương sau nhà. Đó chính là bác Thào Seo Lừ người dân tộc Mông ở thôn Nàn Ma xã Nàn Ma là phó chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian huyện Xín Mần và cũng là người nghệ nhân mà đã bao thế hệ qua luôn giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
        Thôn Nàn Ma xã Nàn Ma có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trước sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, trong xu thế mở cửa hội nhập, nhưng đồng bào Mông ở đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa của riêng mình với những nét đẹp riêng có mà các thế hệ cha ông họ đã tạo nên và lưu truyền lại.
        Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nàn Ma, nơi được mệnh danh nổi tiếng khắp vùng với trái mận hậu ngọt lịm cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Từ nhỏ, bác Thào Seo Lừ được bố mẹ cho đi ăn học, đến năm 1986, bác là Chủ tịch UBND xã Nàn Ma, năm 1995 Bác vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm bầu bác giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Nàn Ma. Là người con địa phương lại nhanh nhẹn, hoạt bát cũng như đầy nhiệt huyết, đến năm 2005 theo quyết định của huyện bác xuống huyện làm cán bộ Ban dân vận Huyện ủy; năm 2007, bác Lừ  được Nhà nước cho về nghỉ chế độ.
        Là một người con trên quê hương Nàn Ma, bác luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình như hát dân ca Mông, hát giao duyên, múa khèn, múa gậy đồng xu, thổi sáo Mông, kèn pí lè, kèn lá, kèn môi.... các nhạc cụ của dân tộc Mông, bác đều biết sử dụng và bác là một nghệ nhân rất giỏi không chỉ của riêng xã Nàn Ma, mà đối với huyện Xín Mần rất cần có những người nghệ nhân như bác, để giữ gìn và phát huy các nét văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ con cháu sau này. Trong năm 2011, huyện đã tổ chức tập huấn nhạc cụ dân tộc Mông cho nhân dân các xã trong huyện tổ chức tại xã Nàn Ma, với tổng số gần 50 học viên của các xã trong huyện về tham gia lớp học và ông đã là người thầy chính truyền dậy cho các học viên. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về việc bảo tồn giá trị và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Xín Mần giai đoạn 2013-2020, hiện nay văn hóa truyền thống các dân tộc trong huyện đã được đưa vào truyền dạy trong các trường học, đối với xã Nàn Ma thì nghệ nhân Thào Seo Lừ đã trực tiếp tham gia giảng dạy cho các em học sinh ở các cấp học tiểu học và trung học cơ sở, qua các giờ học về văn hóa truyền thống các em rất háo hức và sôi nổi tham gia. 
        Ngoài những giờ lên nương làm việc thì những khi rảnh rỗi, bác Lừ thường gọi các con cháu bà con trong thôn đến để dạy cách thổi khèn, múa gậy, vì bác luôn trăn trở một điều, chỉ lo thế hệ con cháu sau này không giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Với tấm lòng nhân hậu, nụ cười hiền dịu, ai ai cũng yêu mến, bọn trẻ trong làng đều thích được bác Lừ truyền dạy cho cách thổi khèn, múa gậy, hát dân ca. Bác còn là một nghệ nhân dân gian của xã, trong làng ngoài xã ai có việc gì như đám cưới, đám hỏi, người trong thôn đều nhờ bác giúp, về đám ma của dân tộc Mông cũng đều do bác đứng ra làm thủ tục trong dòng họ và giúp bà con trong xã và những dịp lễ hội, tết của đồng bào cũng do bác đứng ra làm lễ chính như: Đồng bào dân tộc Mông ở xã Nàn Ma hàng năm đều tổ chức cúng thần rừng vào ngày 30 tháng 1 âm lịch với ý nghĩa cúng thần rừng để mang tính chất giáo dục cho con cháu trồng rừng và bảo vệ rừng, cấm chăn thả gia súc đến phá mùa màng, và Lễ hội gầu tào được tổ chức vào dịp tết nguyên đán, với ý nghĩa giáo dục cho thế hệ con cháu về những phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông... Các lễ hội này đã được đông đảo bà con biết đến, được đi tham gia trình diễn tại huyện và tỉnh. Năm 2014 bác Lừ vinh dự được đại diện cho bà con nhân dân huyện Xín Mần đi dự Lễ hội khèn Mông tổ chức tại huyện Đồng Văn – Hà Giang.
        Với vai trò là phó chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian của huyện hiện nay, xác định được nhiệm vụ cao cả của mình đã được Nhà nước và nhân dân tin tưởng gửi gắm, bác Lừ đã không ngừng trau dồi kinh nghiệm học tập và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc như các làn điệu dân ca, điệu múa của đồng bào dân tộc, trang phục, tiếng nói, chữ viết, những bài thuốc dân gian, các trò chơi dân gian, đặc biệt là tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, đùm bọc thương yêu nhau được bác Lừ và bà con nơi đây luôn quan tâm gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
        Với phẩm chất tốt đẹp và lòng tận tụy, nhiệt huyết với công việc, gia đình bác đã lưu truyền lại những nét đẹp văn hóa và đã có những đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Mông ở Nàn Ma. Trong gia đình, bác Lừ luôn khuyên bảo các con cháu phải nhớ về cội nguồn, giữ gìn văn hóa truyền thống của cha ông, trong giao tiếp hàng ngày hai vợ chồng Bác Lừ luôn nói bằng tiếng dân tộc Mông, luôn mặc trang phục của dân tộc mình và hướng dẫn, khuyến khích các con, cháu cùng thực hiện. Bác vẫn dạy các con cháu trong dòng họ là "Dù mình có nghèo khó đến đâu cũng phải cố gắng học tập", gia đình bác là gia đình hiếu học nhất ở xã, bác dạy con cháu làm ăn phát triển kinh tế để không còn bị cái nghèo, cái đói nó theo nữa, mà dù có kinh tế khá giả cũng phải thực hành tiết kiệm, không lãng phí, học tập theo lời Bác Hồ đã dạy, bà con ta cần cố gắng làm ăn để không còn đói nghèo. Ngoài thu nhập từ tiền lương hưu, thì gia đình Bác Lừ là một tấm gương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ về phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no. Hàng ngày vợ chồng bác phát triển chăn nuôi và trồng trọt để tăng thu nhập cho gia đình, mỗi vụ đậu tương gia đình ông đều thu được gần 5 tạ và còn trồng cây ngô, lúa, trồng cây ăn quả như cây mận hậu, cây lê, phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà.... Hiện nay gia đình bác có một đàn lợn đen 10 con, 1 con trâu, và 50 con gà đẻ trứng, đồng thời cung cấp nguồn rau sạch chính như rau cải, su su, bí, bắp cải .... cho học sinh ở tại Trường THCS Nàn Ma góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình bác Lừ mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
        Là một cán bộ lão thành cách mạng, người già làng gương mẫu, uy tín nhất vùng, bác Lừ luôn đi đầu trong các công việc của thôn, của xã và kêu gọi bà con nhân dân trong thôn cùng tham gia vào các công trình đại đoàn kết chung của thôn và xã mình. Trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bác đã là một tấm gương điển hình gương mẫu với bà con nhân dân trong việc tập hợp bà con trong làng trong xã luôn biết sống yêu thương đoàn kết, gắn bó nhau như con cháu một nhà, các gia đình trong thôn thường có chuyện say rượu cãi chửi nhau, ông luôn là người đứng ra tuyên truyền để bà con hiểu được, vợ chồng không nên to tiếng với nhau, cuộc sống phải hạnh phúc thì mới yên tâm mà làm ăn, không nên làm những việc xấu để ảnh hưởng đến gia đình, làng xã. Trong gia đình, bác thường xuyên vận động các con cháu trong gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không làm việc vi phạm pháp luật. Dòng họ nhà Bác Lừ đã 5 thế hệ trôi qua sống trên quê hương Nàn Ma. Giờ đây, bác cùng vợ  đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, gian khổ để cùng nuôi các con khôn lớn và trưởng thành có ích cho gia đình và xã hội: anh con trai Thào A Vần hiện nay đang làm cán bộ tại Công an huyện, anh Thào Seo Sáng hiện là phó chủ tịch Ủy Ban mặt trận Tổ quốc xã, cô con gái út hiện đang theo học tại Trường trung cấp Y Hà Giang, các con cháu đều học hành đầy đủ, xây dựng gia đình và làm ăn phát triển kinh tế khá giả.
        Ngoài việc tạo điều kiện cho các con được học hành đến nơi, đến chốn, Bác rất chú trọng đến việc dạy các con cháu hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình, tạo cơ hội để các con cháu được tiếp xúc với các nghi lễ, phong tục, tập quán, tốt đẹp của địa phương. Gia đình bác Thào Seo Lừ còn là một tấm gương sáng đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới, bác Lừ thường xuyên truyên truyền vận động bà con trong thôn mình: “Bà con ạ, đường bẩn chúng ta phải cùng nhau dọn cho sạch, hàng ngày trong nhà cũng phải ăn ở vệ sinh mới không bị mắc bệnh, nhà sạch, vườn sạch”, bà con trong thôn luôn tự giác noi gương bác làm theo. Bác Lừ tâm sự:“Bản thân bác cùng gia đình và người dân trong thôn nhận thấy việc phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước ta là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với mong muốn của nhân dân, làm cho gia đình, làng bản ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn”.
       Chính từ sự gương mẫu trong cuộc sống và những việc làm bình dị nhưng giàu ý nghĩa của bác, khi nói về người già làng gương mẫu, có uy tín nhất vùng này, bà con ở đây ai cũng yêu mến và phấn khởi khi có một người con như vậy của quê hương, vì bác chính là người giúp bà con đồng bào dân tộc Mông giữ gìn được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, với những tình cảm yêu mến, kính trọng của bà con trong vùng dành cho bác Lừ thì bác luôn được bà con trong vùng gọi mình là “Người giữ hồn cho dân tộc” – một “tấm gương sống” sinh động trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được mọi người dân trong huyện Xín Mần quý trọng, tự hào.
        Bản thân tôi nhận biết rằng là một người cán bộ văn hóa, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết, với những lần được làm việc và tiếp xúc với bác Lừ tôi đã được bác truyền dạy cho những bài học quí báu về các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, tôi nhận thấy ở bác đúng là một người nghệ nhân giàu tâm huyết.
        Chúc cho Bác Thào Seo Lừ luôn luôn mạnh khỏe và cống hiến những tài năng của mình cho dân tộc và mãi mãi là tấm gương sáng ngời để các thế hệ con cháu học tập và noi theo./.


Tin khác

Liên kết website