Phóng sự

Tâm huyết với hạt gạo nếp Quảng Nguyên

13/07/2020 00:00 100 lượt xem

Xuất thân từ một gia đình làm nông nơi thung lũng dưới chân Đèo Gió, năm 2017 chàng thanh niên người Tày Nguyễn Trọng Quế ở thôn Quảng Hạ, xã Quảng Nguyên (Xín Mần) đã mạnh dạn đầu tư, thành lập HTX Thanh Tâm với mục đích liên kết sản xuất thu mua sản phẩm gạo nếp Quảng Nguyên cho người dân và từng bước đưa đặc sản của địa phương quảng bá rộng lớn trên thị trường trong nước.

Nhìn bề ngoài, anh Nguyễn Trọng Quế có dáng vẻ thư sinh, dáng người mảnh khảnh, cách nói chuyện nhỏ nhẹ và đặc điểm dễ nhận biết nhất về anh là đôi kính cận. Qua trò chuyện với chúng tôi, chàng thanh niên sinh năm 1988 có vẻ hơi nhút nhát, nhưng khi được hỏi về chuyện khởi nghiệp, chúng tôi bắt gặp được ánh mắt, tâm tư cũng như ước mơ rực sáng trong suy nghĩ và tâm huyết xây dựng HTX ở Quảng Nguyên. Anh Quế chia sẻ: Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ khi còn nhỏ đã quen mùi lúa chín, rơm vàng và cả bùn đất quê hương, nên thấu hiểu được sự quý giá của những hạt lúa thấm đượm mồ hôi trên những cánh đồng. Ở Quảng Nguyên, lúa nếp được người dân trồng là giống lúa thuần và được lưu giữ từ đời này sang đời khác qua công tác phục tráng, chọn lọc. Đặc tính của gạo nếp Quảng Nguyên rất dễ nhận biết, hạt to tròn có màu trắng đục và mùi thơm đặc trưng, khi sử dụng để đồ xôi thì cho hạt cơm dẻo và có lớp nhựa bóng bám bên ngoài rất ngon. Chính vì vậy, gạo nếp Quảng Nguyên là sản phẩm nổi tiếng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân chưa có quy mô, số lượng lớn, chất lượng không đồng đều, mặt khác sản phẩm chưa được đăng ký nhãn hiệu, chưa có bao, bì đóng gói, đặc biệt chưa có đơn vị, tổ chức làm đầu mối thu mua và bán sản phẩm với số lượng lớn cho người dân.

Đoàn viên Nguyễn Trọng Quế khởi nghiệp từ HTX sản xuất gạo nếp Quảng Nguyên.

Anh Nguyễn Trọng Quế cho biết: Dẫu biết, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề cực kỳ khó và tinh thần, nhiệt huyết thực sự rất cần thiết nhưng từng đó là chưa đủ để triển khai thành công được, bởi còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Ngoài ra, việc xác định được mục tiêu, ý tưởng khởi nghiệp, nhưng trên thực tế để biến ý tưởng đó trở thành hiện thực lại là điều không hề dễ dàng. Lúc mới thành lập, HTX Thanh Tâm có 12 xã viên. Quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn về mọi mặt, trong đó nguồn vốn đóng góp của xã viên ít với gần 100 triệu đồng còn lại chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ngoài ra, các vấn đề nảy sinh như: Kinh nghiệm kinh doanh, quảng bá sản phẩm còn hạn chế, trang thiết bị máy móc, nhà xưởng chưa có kinh phí đầu tư, chất lượng sản phẩm không đồng đều do khâu bảo quản sau thu hoạch chưa đảm bảo… Mặc dù vậy, qua kiến thức đã được tích lũy học tập và tìm hiểu tình hình thực tế, anh Quế cùng các thành viên quyết tâm đưa HTX đi vào hoạt động, đảm bảo việc thu mua, chế biến sản phẩm gạo nếp. Bên cạnh đó, HTX thường xuyên được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn về các thủ tục hành chính để bước đầu thực hiện đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ các thủ tục vay vốn kinh doanh, tuyên truyền đến người dân trong xã về kỹ thuật trồng và thu hoạch lúa nếp…

Vượt qua những tháng ngày khó khăn khi mới thành lập, HTX Thanh Tâm đã có sự phát triển rõ nét qua từng năm. Đến nay, HTX đã xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm gạo nếp Quảng Nguyên do Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hoá (CPRP) tỉnh hỗ trợ, được đầu tự hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, chế biến như: Máy xay xát, máy hút chân không, máy sấy thóc... Nhờ đó, chất lượng sản phẩm gạo nếp Quảng Nguyên từng bước được nâng lên, cùng với đó vùng nguyên liệu ngày càng được mở rộng, người dân biết cách bảo quản sản phẩm sau thu hoạch đúng kỹ thuật dẫn đến sản phẩm có mẫu mã và chất lượng tốt hơn. Từ năm 2018 - 2019, HTX Thanh Tâm đã liên kết với hơn 200 hộ dân để trồng lúa nếp với diện tích trên 70 ha tại 9 thôn, bản trên địa bàn xã và bao tiêu sản phẩm thóc nếp hơn 300 tấn. Trong năm 2019, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh HTX đạt hơn 1,3 tỷ đồng. Tại cuộc thi phân hạng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2019, sản phẩm gạo nếp Quảng Nguyễn đã đạt 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, sản phẩm gạo nếp Quảng Nguyễn đã có bao bì đóng gói, có mã số, mã vạch và tem truy suất nguồn gốc sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ với các đại lý bán hàng ở thành phố Hà Giang, Hà Nội và một số địa phương.

Nói về HTX Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Nguyên Nguyễn Thế Hệ cho biết: Hiện trên địa bàn xã có một số HTX sản xuất, chế biến về chè, tuy nhiên về sản phẩm lúa gạo thì mới duy nhất có HTX Thanh Tâm. HTX được thành lập đã tạo sự kết nối giữa người nông dân với việc phát triển HTX trên địa bàn, tạo nên quy trình khép kín trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, an toàn, mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, đây là mô hình khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên, mặc dù đang trên đường xây dựng và phát triển nhưng đó cũng thể hiện ước vọng của tuổi trẻ làm giàu chính đáng trên quê hương.

Hiện tại, HTX Thanh Tâm đã trang bị cơ bản các trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biên. Tuy nhiên, sản phẩm gạo nếp chưa được chế biến chuyên sâu với nhiều sản phẩm, giá thị còn thấp, thị trường tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương cũng như mong muốn của người dân. Vì vậy, HTX vẫn mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện, xã và nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án liên quan để tiếp tục có nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ... 


Tin khác

Liên kết website