Gương điển hình

Chặng đường 10 năm gắn với điểm trường của cô giáo Tuyết

19/11/2014 00:00 196 lượt xem

Được trải nghiệm từ chính những cung đường khúc khuỷu để đến với xã Pà Vầy Sủ, mới thấy được khó khăn và tấm lòng yêu trò của các thầy cô giáo nơi đây. Đường đến các điểm trường hầu hết phải đi bộ và men theo đường mòn đi nương của đồng bào người Mông. Vào những ngày mưa và sương mù đoạn đường đi lại càng khó khăn hơn, không có điện, không có nước.. thế nhưng cô giáo mầm non có tên Mai Thị Tuyết vẫn cần mẫn đi lại trên những con đường ấy trong suốt 10 năm qua để đem cái chữ đến với các em nhỏ sống trên triền núi này.
        Sinh ra và lớn lên tại Xuân Bắc- Xuân Trường- Nam Định, năm 20 tuổi chị xây dựng gia đình và theo chồng về quê Vĩnh Phúc- Bắc Quang- Hà Giang cùng làm ăn và sinh sống. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chồng chị đã động viên chị đi dạy lớp Mầm Non cắm bản tại xã Vĩnh Phúc ( từ năm 1997 - 2003) trong quãng thời gian đó chị vừa đi làm, vừa nuôi con và theo học lớp Bổ túc văn hóa tại TTGDTX huyện Bắc Quang. Chung sống với nhau chưa đầy 10 năm thì chồng chị đã rời bỏ cuộc sống, ra đi vĩnh viễn để lại chị với cô con gái mới chỉ hơn 7 tuổi. Nỗi đau lớn là vậy, sự vất vả gồng gánh trên đôi vai chị là thế, nhưng chị vẫn quyết tâm hoàn thành việc học và nuôi con khôn lớn.
 
        Năm 2005 chị đến nhận công tác tại trường Mầm Non Pà Vầy Sủ theo sự phân công, điều động của Phòng GD&ĐT huyện Xín Mần. Đến nay chị đã có khoàng thời gian 10 năm gắn bó với Pà Vầy Sủ, 10 năm cõng niềm đam mê nghề nghiệp và tình yêu thương con trẻ.
 
        Tâm sự với chúng tôi trong những giọt nước mắt ngắn dài khi nhớ lại quãng thời gian của những ngày đầu đến Pà Vầy Sủ. Chị nói rằng chị đã khóc rất nhiều, gửi lại cô con gái nhỏ cho ông bà nội ở quê, chị quyết tâm lên đường đi nhận công tác, một phần xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, một phần mong có đủ điều kiện để nuôi dạy con cho tốt. Đến xã Pà Vầy Sủ, ban đầu chị được phân công dạy ở điểm trường Khấu Xỉn, sau đó sang điểm Sì Khà Lá, về trường chính rồi lại đi điểm  Seo Lử Thận...Ban đầu với những khó khăn chồng chất, các điểm trường đường giao thông đi lại hết sức khó khăn ( hầu hết đều phải đi bộ men theo dường mòn của người dân đi làm nương), thiếu nước, không có điện, cơ sở vật chất của các điểm trường thiếu thốn từ phòng học chật hẹp cho tới khuôn viên, có những điểm trường phải mượn tạm đất vườn của người dân để làm sân vui chơi cho các cháu. Khó khăn là thế, thêm vào đó là việc không nghe và hiểu được tiếng địa phương...đã làm chị gặp không ít khó khăn trong việc lên lớp và truyền đạt thông tin với các cháu, những lúc đó chị nói rằng chị chỉ biết khóc, vì chị không hiểu được các cháu nói gì và muốn thể hiện điều gì cả...Nhưng với quyết tâm và bằng tình yêu người, yêu nghề, chị đã tìm cách để học được tiếng Mông, ngoài thời gian lên lớp cùng các cháu vào ban ngày, buổi tối đến chị cắp sách đến nhà người già trong bản để học tiếng Mông, quyển vở được chia đôi, một bên tiếng Mông, một bên tiếng phổ thông, chị bắt đầu học và viết những từ ngữ giao tiếp cơ bản...dần dần chị đã bắt đầu hiểu và có thể giao tiếp với học sinh của mình. Vượt qua những khó khăn ban đầu bằng sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân bằng sự giúp đỡ, động viên của gia đình, đồng nghiệp, bằng những tình cảm chân chất, mộc mạc của các em học sinh và của người dân nơi đây và trên hết là tấm lòng thương yêu con trẻ của chị, chị giống như một người mẹ hiền thứ hai gắn bó với các em học sinh và điểm trường của mình. Yêu quý chị không thể hiện bằng lời nói mà bằng những cử chỉ thân thương như vuốt tóc, chải đầu cho cô giáo, ngồi vào lòng cô để được cắt móng tay và vệ sinh cá nhân, cùng hát múa và vui đùa với cô giáo...Các cháu học sinh đã yêu mến cô bằng chính những tình cảm trong sáng ngây thơ của mình, tình cảm  gắn bó giữa cô- trò ấy đã xua tan đi cái nhọc nhằn, cái giá rét của những ngày đông lạnh cóng. 
 
        Nhìn những đứa trẻ vui đùa hay trò chuyện cùng nhau về cuộc sống hàng ngày, chị không kìm nổi nước mắt khi nhớ về cô con gái bé bỏng mồ côi cha, đang chung sống cùng ông bà nội, cách xa mẹ đến hàng trăm cây số. Lần đầu tiên về thăm con  sau 3 tháng nhận công tác cũng là một chặng đường đầy vất vả. Chị phải đi nhờ xe máy của đồng nghiệp xuống trung tâm huyện, sau đó bắt xe khách từ Xín Mần ra Hà Giang, đến ngã ba Tân Quang lại bắt thêm một chuyến xe khách nữa để về đến Vĩnh Phúc- Bắc Quang...Chặng đường để về thăm con gái kéo dài từ 11 giờ trưa thứ 6 đến 21 giờ tối cùng ngày. Đến sáng sớm chủ nhật chị lại bắt đầu cuộc  hành trình ngược lên núi với các cháu học sinh ở Pà Vầy Sủ. Tôi nhớ như in khi nghe chị kể lần đầu tiên về thăm nhà, lúc lên đường con gái chị đã vừa chạy, vừa gào khóc đuổi theo mẹ và gọi “ Bố ơi bảo mẹ cho con đi với”, không kìm được lòng mình, nước măt ai cũng rưng rưng, chị đã phải xuống xe giữa đường và ôm con khóc...Tưởng chừng thế là đủ với một đứa bé mồ côi cha từ sớm và sống xa mẹ, thêm vào đó con gái của chị lại không được khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ khác, điều đó càng làm chị thấy thương con hơn. Thời gian cứ thế trôi đi, đến nay cô con gái Vũ Thị Kiều Oanh của chị ngày nào đã tròn 18 tuổi, và là một học sinh giỏi văn của trường THPT Đồng Yên, năm lớp 9 cháu Oanh đạt giải nhì học sinh giỏi văn cấp tỉnh và ngày 28/11/2014 tới đây, cháu sẽ tham gia kì thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh của khối trường THPT. Đó cũng là một niềm động viên, một động lực lớn giúp chị Tuyết vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
 
        Quay lại với những chia sẻ của chị Tuyết về quãng thời gian gắn bó với các cháu học sinh ở Pà Vầy Sủ, kỷ niệm mà chị nhớ nhất đó là khi vào bản, đến từng nhà để vận động học sinh đi học, chị đã khóc khi nhìn những bát rượu đầy mà phụ huynh học sinh mời cô giáo uống. Dở khóc, dở cười, chị cũng đã nhắm mắt nuốt một ngụm để mong sao các cháu sẽ được đi học như lời hứa của phụ huynh “cô giáo uống hết bát rượu này thì chúng tôi mới cho cháu đi học”. Thêm vào đó là kỷ niệm khi chị về đón con gái lên thăm trường và chỗ ở của chị vào dịp nghỉ hè, ( lúc đó cháu mới học lớp 3) khi về nhà cháu đã kể lại với ông bà nội rằng, “trường của mẹ cháu leo tít lên ngọn cây rồi lại leo từ ngọn cây xuống gốc cây, trường của mẹ cháu ở đó”. Cách miêu tả ngây ngô của con trẻ là vậy, nhưng điểm trường Seo Lử Thận chỉ có thể đi bộ, cách trung tâm xã 4 cây số, Seo Lử Thận không điện, thiếu nước, cuộc sống tù mù với ngọn nến leo lắt giữa đêm, đó cũng là ánh sáng duy nhất để chị ngồi soạn bài bên những trang giáo án, gió mùa về đêm thường thổi tắt nến, một buổi tối phải thắp lại nến đến mấy lần...Dù vậy thì chị vẫn quyết tâm, vẫn gắn bó, vẫn thương yêu học trò của mình bằng cả tấm lòng của cô nuôi dạy trẻ.
 
        Mới đó mà cũng đã 10 năm, 10 năm chị đi lại giữa các điểm trường của xã Pà Vầy Sủ, và gắn bó sâu sắc nhất với điểm trường Seo Lử Thận. Khi được hỏi về ngày 20/11 các cô giáo sẽ nhận được những món quà gì từ học sinh của mình, chị cười hiền và trả lời: Ở đây các em không biết ngày 20/11 là ngày gì cũng giống như các ngày lễ khác, có lẽ món quà lớn nhất với các thầy cô giáo ở những điểm trường là mong sao các cấp. ngành, quan, tâm đầu tư cho điểm trường có lớp học và khuôn viên vui chơi cho các cháu, có nguồn điện để mang văn minh, văn hóa đến với bà con và các cháu học sinh trên từng thôn, bản. Và có lẽ món quà đặc biệt nhất mà chị nhận được, đó là những tấm lòng, sự tin yêu và tình cảm nồng hậu của các cháu học sinh và các bậc phụ huynh dành cho cô giáo, là những ngày lễ, tết được mời đến nhà với món ăn truyền thống Mèn Mén và những bó rau cải trên nương...
 
        Trong những ngày mà các thế hệ học sinh trên khắp mọi miền của Tổ quốc cùng dành tặng đến các thầy cô giáo kính mến của mình những tình cảm và lòng biết ơn vô hạn. Tôi gửi tới chị lời tri ân bằng cả tấm lòng mến phục với một cô giáo bằng tình yêu nghề, yêu người đã không quản ngại khó khăn, vượt lên hoàn cảnh sống, ngày ngày gắn bó với điểm trường và các cháu học sinh. Nhờ có chị mà những điểm trường như Seo Lử Thận vẫn được thắp sáng, vẫn vang tiếng cười ấm áp của trẻ thơ trong cái lạnh buốt của sương mai.../.
 

Tin khác

Liên kết website