Tin địa phương

Kỳ vĩ Xín Mần (bài 2)

02/05/2024 08:54 1200 lượt xem

Bên cạnh thắng cảnh Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang còn có nhiều địa danh đẹp vẫn còn “ẩn mình trong rừng vắng” tại mảnh đất Xín Mần. Đó là chuỗi thắng cảnh thác Tiên, đèo Gió, là bãi đá cổ Nấm Dẩn từ ngàn năm trước, hay thảo nguyên Suôi Thầu, nơi ngàn hoa đang nở trên những chiến hào xưa. Nơi vùng đất hội tụ của những cao nguyên bát ngát, xanh thẳm giữa lòng núi rừng uy nghi, trùng điệp.

Bài 2: “Nàng công chúa” ẩn mình trong rừng vắng

Bãi đá cổ Nấm Dẩn

Sau khi thỏa thích khám phá thị trấn Cốc Pài, chúng tôi được anh Vương Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện dẫn đi thăm bãi đá cổ Nấm Dẩn. Cách Cốc Pải 16km, bãi đá được biết đến là di tích cấp quốc gia với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa và cả du lịch nằm trong chuỗi du lịch Thác Tiên, đèo Gió. Nấm Dẩn theo nghĩa tiếng Nùng là "nước lạnh", là dòng suối mát từ trong lòng núi và hai bên sườn dốc dồn về.

Bãi đá cổ Nấm Dẩn. Ảnh: Thanh Hội

Bãi đá dài khoảng 1km, nằm bên con suối Nậm Khoòng, được phát hiện vào năm 2004. Nhiều tảng đá trầm tích lớn nằm dọc bờ suối với hình thù đa dạng và độc đáo. Ngơ ngẩn trước vẻ đẹp nơi đây, bỗng anh Nguyễn Đức Uyên trầm trồ khi thấy những viên đá ở đây đều óng ánh ánh kim và phản sáng li ti khi gặp nguồn sáng. Leo dọc bãi đá lên đến lưng chừng núi, qua những đám vầu cao và mát rượi là các tảng đá lớn được bảo vệ bằng những hàng rào nhỏ bên những tấm bia giới thiệu với du khách, bề mặt và ở các rìa cạnh của tấm đá vẫn giữ được nguyên trạng. Các hình khắc vẽ rất đa dạng, mang vẻ đẹp riêng. Mỗi tảng đá là một điều bí ẩn, vừa mang dấu ấn lịch sử, vừa gắn với những câu chuyện ly kỳ mang dấu ấn tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng.

Bãi đá còn lưu lại nhiều dấu tích văn hóa cổ, tại đây đã phát hiện tám phiến đá lớn có nhiều hình khắc cổ, nằm rải rác trên diện tích gần chục ha. Đặc biệt, bãi đá có phiến đá lớn mang hình một con rùa. Tại phần mai rùa, các nhà khoa học đã phát hiện 79 hình vẽ, trong đó có 40 hình tròn, 2 hình chữ nhật, 1 hình vuông, 6 hình hồi văn, 5 hình biểu tượng sinh thực khí phụ nữ, 2 hình chân người... Theo giới thiệu của các nhà khoa học, những nét chạm khắc trên có niên đại hơn 1.000 năm. Việc giải mã vẫn còn là điều bí ẩn. Anh Vương Thanh Nguyên giới thiệu: Từ nhiều đời nay, người dân ở đây vẫn gọi khu này là "Nà phẩu lai shử" (khu ruộng đá có nhiều chữ). Hằng năm, vào ngày 1/6 âm lịch, đồng bào làm lễ cúng Thần đá ngay tại di tích.

Những “quái xế” trên đỉnh cao

Chia tay bãi đá cổ Nấm Dẩn, chúng tôi lại mềm lòng với lời mời đầy quyến rũ của anh cán bộ người bản địa Nguyễn Hữu Tình, tiếp tục ngược đèo để lên thảo nguyên Suôi Thầu. Từ thị trấn Cốc Pài, tiếp tục leo đèo chừng 7 cây số, đây là một địa danh mà theo anh Tình không ai có thể bỏ quên mỗi khi đến Xín Mần.

Đón chúng tôi tại thôn La Chí Chải, xã Nàn Ma là một “tiểu đội” người dân bản địa khoảng trên 30 “phượt thủ” do anh Hầu Seo Lùng làm đội trưởng. Ở cái tuổi 48, nhưng trông anh Lùng nhỏ và nhanh nhẹn như con sóc trong rừng. Các “phượt thủ” đã ngồi sẵn trên xe để sẵn sàng nhận “lệnh điều động” từ đội trưởng. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trong đám đông những “phượt thủ” này có không ít phụ nữ người Mông trong những bộ váy màu sặc sỡ. Đoàn xe lần lượt bò theo lối mòn theo sườn núi, xuyên qua rừng cây rậm rạp, có chỗ chỉ rộng vừa cái xe máy. Lối đi tạo thành những rãnh sâu hoắm, lái xe thường liên tục xoạc 2 chân để chống cho xe khỏi bị đổ rồi cứ thế kéo ga cho xe chạy, nhiều chỗ xóc nảy đom đóm mắt. Tôi ngồi sau nữ “quái xế” Giàng Thị Dính, nay ở tuổi 36, nhưng đã có kinh nghiệm gần chục năm cầm lái. Vừa đi, chị vừa tâm sự: "Mùa này vắng khách lắm. Mùa hoa đông khách, mỗi ngày cũng kiếm được dăm trăm, có ngày gặp “khách xộp”, họ xởi lởi thì có thêm chút đỉnh".

Đồng chí Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần tặng cho đoàn công tác các sản phẩm đặc sản của huyện Xín Mần (mướp đắng và củ cải sấy). Ảnh: Thanh Hội

Hoa nở giữa những chiến hào

Quả không sai với những câu ví vùng đất này như một "Thụy Sĩ thu nhỏ" của những người đam mê "xê dịch" bởi vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng và hùng vĩ. Nằm ở độ cao gần 1.300m so với mặt nước biển, Suôi Thầu có thời tiết mát mẻ ngay cả giữa mùa hè. Độ cuối Xuân nên cũng chưa tới mùa hoa đua nở, thảo nguyên trở về với những nguyên sơ, bình lặng vốn có của một vùng thắng cảnh đặc sắc của Hà Giang. Không lúa, không hoa tam giác mạch và thưa vắng cả du khách để lại trong mỗi người cảm nhận riêng về nét đẹp của thảo nguyên. Theo đội trưởng Hầu Seo Lùng, mùa này bình yên, còn mùa thu, khách đổ về đây đông như trảy hội, bởi là thời điểm tam giác mạch đầu mùa hoa nở, tạo cảm giác nên thơ, nhẹ nhàng và lãng mạn đầy quyến rũ.

Thảo nguyên có diện tích quy hoạch khoảng 140ha, không chỉ đẹp về những thảm hoa trải dài mênh mông, được điểm xuyết những hàng sa mộc thẳng tắp như phong cảnh trời Âu, mà còn đẹp ở những góc nhìn khác. Đứng trên thảo nguyên mênh mông rộng lớn, nhìn xung quanh ai cũng cảm thấy niềm tự hào dân tộc, tự hào trước giang sơn hùng vĩ, ngay tuyến đầu biên giới. Thảo nguyên Suôi Thầu có địa hình và ở một vị thế đắc địa, phóng tầm nhìn xung quanh là các xã: Pà Vầy Sủ, Chí Cà, Thèn Phàng, Cốc Rế và toàn cảnh thị trấn Cốc Pài.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thảo nguyên, chỉ tay về phía Bắc, anh Tình giới thiệu: Bên kia dãy núi là địa phận Trung Quốc, bên dưới thung lũng là xã Pà Vầy Sủ. Cách đây 45 năm về trước, quân và dân ta đã kiên cường, quyết tâm bám trụ giữ từng mét đất của Tổ quốc. Ngày nay, hoa đua nở trên chính mảnh đất này, mỗi ngày, thảo nguyên đón hàng ngàn du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng. Mặc dù đã được đầu tư thành khu du lịch, nhưng những chiến hào bộ đội ta đào trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm ấy vẫn còn được gìn giữ khá vẹn nguyên, là dấu tích như nhắc nhở cho các thế hệ sau truyền thống đấu tranh giữ nước của ông cha ta.

Chia tay thảo nguyên Suôi Thầu và Xín Mần trong một chiều cuối Xuân nhẹ nắng. Bên đường, những hàng sa mộc vẫn hiên ngang vươn lên giữa mây trời xứ lạnh vùng biên, như những người con Xín Mần kiên trì trong nghèo khó để bám trụ giữ rừng, quyết tâm xây dựng mảnh đất vùng biên ngày càng giàu đẹp. Vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của núi rừng đã được đánh thức bởi tấm lòng thân thiện, sự năng động, bứt phá của những con người nơi đây.

Xín Mần, mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng đang ngày một khởi sắc, ấm no đã hiện hữu trên từng bản làng.

Nguồn: Thanh Hội (bienphong.com.vn)

Tin khác

Liên kết website