Tin địa phương

Kỳ vĩ Xín Mần

02/05/2024 08:46 1427 lượt xem

Khi nhắc tới Hà Giang, ai cũng nghĩ ngay đến những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh của Hoàng Su Phì, hay sự kì vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc... mà ít nhớ rằng, Hà Giang còn có một “nàng công chúa ngủ quên trong rừng” - một Xín Mần xa xôi rất yên bình và thơ mộng. Xín Mần, nơi núi non hùng vĩ còn giữ vẹn nguyên những “sắc màu bản địa” với tình người trong trẻo như những giọt sương ở những cánh rừng nguyên sinh lung linh trong nắng sớm.

Bài 1: Khắc khoải đường đến Cốc Pài

Nằm giáp biên giới với Trung Quốc và huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Xín Mần là huyện phía Tây của tỉnh Hà Giang và dải Tây Côn Lĩnh. Đây là huyện vùng cao có độ dốc lớn, địa hình cách trở và dường như bị biệt lập với các địa phương lân cận. Có đến với Xín Mần mới thấu hiểu về những khó khăn, vất vả của một huyện mà các bản làng đều nằm treo leo bên sườn núi dốc.

Đường lên Xín Mần. Ảnh: CTV

Chuyện ở một cung đèo “không tên tuổi”

“Tứ đại đỉnh đèo” (Ô Quý Hồ, Pha Đin, Khau Phạ và Mã Pí Lèng) tôi đã đi qua, nhưng dường như không thấy những hiểm nguy như sự nổi tiếng của nó, nhưng khi đi cung đường từ xã Lùng Cải (Bắc Hà, Lào Cai) theo huyện lộ 17 đến thị trấn Cốc Pài (Xín Mần, Hà Giang) đã để lại cho tôi những trải nghiệm khó quên của một cung đèo... “không tên tuổi”. Tuy nhiên, trong quy hoạch du lịch vùng Tây Bắc mở rộng, tuyến đường này được Tổng cục Du lịch xếp vào một trong những cung đường đẹp nhất Đông Nam Á.

Từ ngã ba Lùng Phình rẽ đi Cốc Pài là con đường nhỏ hẹp, đi luồn lách qua những khe núi. Càng đi, dốc càng lớn và độ cua càng hẹp, nhất là vào huyện lộ 17 thuộc địa phận huyện Xín Mần. Khí trời lạnh dần, tai ù đặc và điều anh em trong đoàn lo ngại nhất cũng đã xảy ra. Nhìn về phía trước, dốc dường như dựng ốp sát vào kính xe, không gian đông đặc, những tán sa mộc bên đường mờ ảo bởi từng khối sương mù dày đặc bao phủ. Chiếc xe nhả ra những làn khói đen xì, ì ạch, nhọc nhằn lăn từng vòng bánh. Đã đi qua nhiều cung đèo ở Tây Bắc, nhưng đây là lần đầu thấy những lời nhắc nhở an toàn từ những cổng chào được dựng ngang đường: “Đường đèo dốc, lái xe đi số thấp”! Điều đáng ghi nhận ở đây là văn hóa nhường đường, khi gặp xe ngược chiều, các xe tải trọng thấp nhường xe tải trọng cao và xe xuống dốc sẽ nhường xe leo đèo. Chốc chốc, lại thấy những tốp xe máy phân khối lớn máy nổ inh ỏi của những tay “phượt thủ” rong ruổi. Để đến thị trấn Cốc Pài, có lẽ, đây là con đường độc đạo ngắn nhất. Và cũng vậy nên các giao dịch hàng hóa, giao thông với miền xuôi, đồng bào dân tộc Xín Mần chủ yếu đi theo cung đường này.

Rồi xe cũng đã lên tới đỉnh đèo. Gió thổi thông thống như dông lốc. Cung đường trở thành nỗi ám ảnh với cánh lái xe mỗi khi “bò” qua đây, bởi cung đèo phía Xín Mần độ dốc lớn hơn nhiều so với phía Lào Cai. Chốc chốc, lại thấy nhưng tấm biển báo hiệu: “Độ dốc 14%”, trong khi mặt đường lại không rộng hơn khổ xe là mấy. Tiếng máy gầm rú liên hồi. Chiếc xe chao đảo, liên tục hết quay phải rồi lại quay trái để qua các “góc cua chết chóc”, nhiều cua gấp, lái xe phải cho xe lùi qua lùi lại mới có thể bám đường.

Sương tan dần, lấp ló trong màn sương bàng bạc là những ngôi nhà của người Mông, người Nùng, những vạt váy đầy màu sắc tựa những cánh bướm rực rỡ phần nào trấn an tinh thần vốn đang hoang mang của chúng tôi. Nhìn xuống phía dưới, phố núi Cốc Pài hiện dần ra là những ngôi nhà lợp tôn đỏ nhỏ như đốm lửa. Thị trấn nằm gọn trong một thung lũng nhỏ, xung quanh là rừng xanh với những dãy núi sừng sững đến ngang trời. Những bản làng, trường học nằm lưng chừng núi được nối với nhau bằng những con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng lý thú.

Phố núi bên dòng sông chảy ngược

Sau một bữa sáng no nê tại chợ Cốc Pài, anh Nguyễn Hữu Tình, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Xín Mần giới thiệu với đoàn như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Được thành lập từ năm 2009, Cốc Pài là thị trấn nhỏ, đơn sơ với một con phố chính nhỏ xíu dài chừng 2km, một đầu là đường đi thung lũng Nàn Ma, đầu kia là cây cầu Cốc Pài. Cầu cao sừng sững vắt ngang dòng sông Chảy, một dòng sông khác lạ. Khác lạ không hẳn bởi vẻ đẹp hoang sơ, mà sự khác lạ bởi dòng sông chảy ngược từ đất nước ta sang Trung Quốc theo hướng từ Đông sang Tây Bắc. Thượng nguồn của sông Chảy từ dòng suối Nậm Má trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Vị Xuyên) đến cầu Cốc Pài dài khoảng 80km. Đoạn này còn có tên là sông Cốc. Từ cầu Cốc Pài, con sông luồn lách qua những khe núi chảy ngược lên phía Bắc, tạo thành ranh giới Việt Nam-Trung Quốc và tiếp tục chảy vòng về nước ta tại mốc giới 170, đổ vào hồ Thác Bà ở Yên Bái, cung cấp cho thủy điện nguồn năng lượng trắng dồi dào.

Chợ phiên Cốc Pài. Ảnh: CTV

Nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, Cốc Pài có thời tiết mát lạnh và được ví như Sa Pa của Hà Giang. Mới thành lập, nhưng Cốc Pài lại ẩn chứa những điều tuyệt diệu mà bất cứ “thần dân xê dịch” nào cùng muốn một lần được đặt chân bởi địa hình kỳ vĩ và sự độc đáo riêng của sắc màu văn hóa. Những con đường ở thị trấn Cốc Pài nhỏ hẹp và liên tục dốc. Có lẽ, Xín Mần có địa hình phức tạp, độ dốc lớn, nên khó tìm được một vị trí làm trung tâm huyện tốt hơn Cốc Pải. Theo bà Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần: Trước đó, trung tâm huyện lỵ ở Cốc Pài, nhưng năm 1980 đã chuyển về xã Nà Chì. Tuy nhiên, đến năm 1989, trung tâm huyện lỵ lại được chuyển về xã Cốc Pài. Các cơ quan hành chính của huyện đều nằm trên một vị trí rất nhỏ hẹp và ở độ cao khác nhau. Anh Nguyễn Hữu Tình cho biết thêm, Cốc Pài nằm trên thế sạt trượt, trước đó, các cơ quan chuyên môn ở trung ương đã về đo đạc, khảo sát và có đề án chống sạt trượt cho Cốc Pài. Độ dốc lớn nên Cốc Pài khó có thể tìm được một mặt bằng đủ tiêu chuẩn cho một sân bóng.

Thị trấn Cốc Pài nhộn nhịp hẳn khi vào phiên họp chợ. Chợ bán các loại nông sản, như: mật ong rừng, măng đắng, tam thất, củ mài, sa nhân, cải ngồng..., gia súc, gia cầm và hàng tiêu dùng, thổ cẩm thủ công của người dân bản địa. Những vạt váy đầy màu sắc của người Mông, màu xanh trầm, màu chàm của người Dao, Nùng, màu đen của người Tày, Cao Lan, những dải vải hoa sặc sỡ của người La Chí... như những cánh bướm rực rỡ tô điểm cho thị trấn mỗi buổi chợ phiên.

Sau khi chạy một vòng quanh chợ, anh Nguyễn Hữu Tình dẫn tôi vào một cửa hàng bán nông sản uy tín nhất phố huyện. Cửa hàng do một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện quản lý với nhiều đặc sản của Xín Mần, đặc biệt là mướp đắng sấy, gạo Già Dui và củ cải, bởi theo anh Tình, khi đến với Xín Mần mà không nhắc tới những đặc sản này là một thiếu sót rất lớn. Đặc biệt, sản phẩm củ cải trồng tại đây được chế biến dạng sấy và muối đang mở ra cho Xín Mần một hướng đi rất lớn về tiềm năng phát triển kinh tế. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thị Hòa: Xín Mần đang đầu tư trồng cây củ cải để chế biến xuất khẩu, năm 2023, đã xuất khẩu vào Nhật Bản gần 100 tấn củ cải muối. Mặc dù giá trị xuất khẩu chưa lớn, nhưng lại có nhiều ý nghĩa, bởi Nhật Bản vốn là thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Đây là một hướng đi mới mở ra cho Xín Mần tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế.

Gần trưa, chúng tôi rời phố núi Cốc Pài để đi bãi đá cổ Nấm Dẩn theo lời mời khó khước từ của anh Vương Thanh Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Trong tâm khảm mỗi thành viên trong đoàn vẫn còn lắng đọng những trăn trở xen lẫn niềm vui về một Xín Mần nghèo khó đang khởi đầu một hướng đi với nhiều hứa hẹn mới. Nhớ lại lời của Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thị Hòa: Chương trình liên kết đưa các loại cây trồng có giá trị cao vào Xín Mần sẽ góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân ở huyện biên giới khó khăn này.

Bài 2: "Nàng công chúa" ẩn mình trong rừng vắng

Nguồn: Thanh Hội (bienphong.com.vn)

Tin khác

Liên kết website