Gương điển hình

Nàn Xỉn: Mùa nắng!

20/07/2015 00:00 305 lượt xem

        Bước vào lối rẽ phải, trên con đường ra cửa khẩu Mốc 5, chân tôi đã chạm vào thôn Ma Rì Vảng(Nàn Xỉn). Một màu xanh bao la của ngô đậu, của cây rừng. Và màu áo tràm nâu của ai đó thấp thoáng trên các thửa ruộng bậc thang đầy nắng gió biên thùy…
Thôn Ma Rì Vảng có 57 hộ đồng bào Mông sinh sống. Đã có trên 50 ha ngô được trồng trong vụ này bắt đầu đơm hạt. Có 3 giống ngô trồng tại thôn là: Ngô lai của Trung Quốc, ngô lai NVL 885 trong nước và ngô thuần chủng giống địa phương. Đồng bào cho biết: Cả 3 giống ngô trên có mức độ sinh trưởng không khác nhau là mấy. Giống ngô lai Trung Quốc và ngô lai NVL 885 có thời gian sinh trưởng gần giống nhau. Cây to, lá thẳng, cứng, có độ cao trung bình khoảng 1,5 m. Thời gian sinh trưởng từ 100 đến 105 ngày là cho thu hoạch. Đối với cây ngô thuần địa phương do người dân tự chọn lọc để giống thì thân cao khoảng 2 m, lá mềm.
        Thực tiễn cho thấy rõ: Sau quá trình trồng 3 loại giống ngô trên cùng diện tích trồng, thì cây ngô lai nói chung, “ăn” nhiều phận Đạm, Lân, NPK hơn cây ngô thuần. Khả năng chống chịu hạn và sâu bệnh của cây ngô thuần tốt hơn hẳn 2 loại giống ngô lai. Kết quả sau thu hoạch cũng cho kết quả rõ: Cây ngô lai Trung Quốc có tỷ lệ hạt phơi khô(lượng tinh bột) “ít” nhất. Còn đối với tỷ lệ hạt khô của cây ngô thuần vẫn “trội” hơn ngô lai NVL885. Hơn nữa, ngô thuần khi thu hoạch chỉ cần khô vỏ bao ngoài là có thể an tâm vứt lên gác nhà cho đến mùa sau. Còn ngô lai, sơ sểnh sau thu hoạch không tách kịp hạt, phơi không khô kiệt, thì chỉ thời gian ngắn là mọt ăn hết. Tổng kết cả 3 loại giống ngô được trồng tại đây, thì chỉ có cây ngô thuần vẫn là cây trồng “tốt” hơn hẳn cây ngô lai. Và trên thực tế, vụ trồng ngô này tôi cũng nhận thấy, hơn 50 ha ngô trồng tại Ma Rì Vảng, cây ngô thuần vẫn chiếm ưu thế về diện tích. Bên cạnh cây ngô là lúa mùa đã được cấy trên 10 ha, lúa lai giống San ưu, Nhị ưu chiếm trên 90% diện tích. Còn lại, cây đậu tương trồng được 16 ha cùng nhiều rau đậu các loại. Đồng bào đánh giá, tại Ma Rì Vảng, cây đậu tương Thuần chủng DT84 đưa vào phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương. Bởi thế nên, giống đậu tương Thuần chủng DT 84 đã được trồng thay thế hoàn toàn giống đậu tương địa phương. Năng suất đậu tương DT 84 vụ này ước đạt bình quân trên 13,6 tạ/ha, cao hơn giống cũ khoảng 3, đến 3,5 tạ/ha.
Nằm trên độ cao trên 1.600 m đi qua Ma Rì Vảng là đường vào xã Nàn Xỉn mở thành 2 cánh cung lớn. Cánh cung dọc biên giới phía Bắc Việt - Trung dài gần 4 km là thôn Péo Suối Ngài. Hai thôn: Ma Rì Vảng và Péo Suối Ngài kết thành một vành đai biên giới gần 7 km ôm lấy Đất Mẹ. Péo Suối Ngài có 93 hộ đồng bào Mông. Vụ này, đồng bào đã trồng 80 ha ngô, 25 ha lúa, gần 20 ha đậu tương. Còn lại, người dân trong thôn trồng rừng, giữ rừng, trồng gần 40 ha cây thảo quả, trồng cỏ chăn nuôi trâu bò và lợn đen. Đồng bào cho rằng, trồng rừng mới giữ được nước và mới trồng được thảo quả cho giá trị kinh tế cao. Còn lại, đồng bào cũng chuyển dần diện tích đất trồng ngô, lúa ít hiệu quả sang trồng cỏ để nuôi trâu bò, nuôi dê. Hiện nay, đồng bào Péo Suối Ngài chỉ trồng ngô lúa đảm bảo an ninh lương thực, còn lại, lấy chăn nuôi để làm giàu ? Trong thôn đã có rất nhiều gia đình đã bỏ trồng lúa, chuyển trồng cỏ, vừa nuôi trâu, lại vừa bán cỏ cho các gia đình trong thôn chăn nuôi mang lại thu nhập ổn định hơn cả trồng cây lương thực.
 

Thảo quả tại rừng Péo Suối Ngài.
        Trên cánh cung phía Nam là đường vào trung tâm xã Nàn Xỉn. Nắng Hạ tỏa rộng trên các thửa ruộng bậc thang đẹp như bức Bích họa Pha lê. Chủ tịch UBND xã Nàn Xỉn, Lý Quốc Hưng cho biết; vụ mùa năm nay toàn xã cấy 220 ha lúa. Diện tích lúa lai giống San ưu, Nhị ưu chiếm trên 90% diện tích. Đã trồng 286 ha ngô, 110 ha đậu tương và hàng trăm ha rau màu các loại. Ngoài cây lương thực, Nàn Xỉn tập trung trồng cỏ, phát triển chăn nuôi. Hiện tại, Nàn Xỉn có đàn trâu 1.500 con, đàn bò 250 con, đàn dê gần 2.000 con, đàn lợn trên 4.000 con. Đã có 25 mô hình Nhóm hộ chăn nuôi lợn đen quy mô từ 50 đến trăn con/lứa, 15 Nhóm hộ nuôi trâu bò tập trung và 47 hộ phát triển nuôi cá. Cả 4 con được xác định: Trâu, bò, dê và nuôi lợn đen được thị trường yêu thích và được bán với giá rất cao. Bình quân, mỗi gia đình trong xã đang nuôi ít nhất 10 con gia súc. Vì vậy, Đảng bộ xã quyết tâm chỉ đạo bà con đưa chăn nuôi làm mũi nhọn để xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Thành quả lớn nhất Nàn Xỉn đạt được trong công tác xóa nghèo bền vững là sắp xếp lại sản xuất. Áp dụng thành công việc đưa trên 90% diện tích cấy bằng giống lúa lai vào sản xuất. Trồng rừng mới 150 ha, để trồng dưới tán rừng 40 ha thảo quả. Chuyển gần 20 ha diện tích đất sản xuất cây lương thực, chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu bò. Thực hiện hiệu quả vốn đầu tư Nghị quyết 47/HĐND/2012 và Quyết định 352/UBND tỉnh về việc hỗ trợ dân vay vốn mua trâu bò nuôi sinh sản. Áp dụng thành công: Các tổ Tự quản an ninh biên giới do người dân làm chủ; Câu lạc bộ Pháp luật thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; Câu lạc bộ không sinh con thứ 3; Câu lạc bộ chung tay xóa nghèo… và các mô hình chăn nuôi đại gia xúc để xóa nghèo bền vững.
        Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, nhân dân Nàn Xỉn rất rõ: Trước nhất, là đảm bảo an ninh biên giới, gìn giữ tốt môi trường hòa bình, hữu nghị với nhân dân nước bạn để xây dựng đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế để xây dựng Nông thôn mới, phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người lao động để xóa nghèo bền vững./.

Tin khác

Liên kết website