Tự nhiên xã hội

Điều kiện tự nhiên và tiềm năng kinh tế

12/12/2018 00:00 1925 lượt xem

         Điều kiện tự nhiên:
         Vị trí địa lý
 
 
Thị trấn Cốc Pài huyện Xín Mần

          Huyện Xín Mần nằm cách Thành phố Hà Giang 150km về phía Tây, phía Bắc giáp Mã Quan, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Nam giáp huyện Quang Bình, Phía Đông giáp huyện Hoàng Su Phì, phía Tây giáp huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà (Lào Cai). Xín Mần có diện tích tự nhiên là 58.702,22 ha, chia thành 19 đơn vị hành chính bao gồm 18 xã và 1 thị trấn: Pà Vầy Sủ, Chí cà, Xín Mần, Nàn Xỉn, Thèn Phàng, Bản Díu, Bản Ngò, Nàn Ma, Nấm Dẩn, Tả Nhìu, Cốc Rế, Chế Là, Ngán Chiên, Trung Thịnh, Thu Tà, Nà Chì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên, Thị trấn Cốc Pài. Toàn huyện có 16 dân tộc anh em cùng chung sống (Nùng, Mông, Tày, Dao, La Chí, Kinh, Phù Lá, Hoa, Pà Thẻn, Cao Lan, Mường, Ngạn, Bố Y, Khmer, Giấy, Cơ Lao, Sán Dìu, Sán Chay). Trong đó có một số dân tộc là người bản địa như Nùng, Mông, La Chí, Phù Lá, Tày, Dao…Huyện có 4 xã biên giới giáp với huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (Pà Vầy Sủ, Chí cà, Xín Mần, Nàn Xỉn) với chiều dài đường biên giới 31km. 
        
          Địa hình


          Địa hình Xín Mần được cấu tạo khá đa dạng và phức tạp, đặt trong khu vực của khối núi thượng nguồn sông Chảy. Đây là khối núi granít lớn nhất và cổ nhất Bắc Bộ nằm ở phía tây thành phố Hà Giang, được cấu tạo cách đây ít nhất 500 triệu năm. Khối núi rộng đến 2.500km2 này xuyên qua phiến tuổi nguyên sinh tạo cho Xín Mần có độ cao trung bình từ 1.200 -1.600 m với dãy Hoàng Vần Thùng đỉnh cao trên 2.000 m chạy suốt từ Lao Chải (Vị Xuyên) đến Pà Vầy Sủ tạo nên bức tường thành ở phía dưới ngăn cách giữa Việt Nam và Trung Quốc; Dãy Chiêu Lầu Thi chạy suốt từ Tây Côn Lĩnh đến Bắc Hà (Lào Cai) có đỉnh cao 2.402 m, ngăn cách giữa Xín Mần và Bắc Quang ở phía đông với một chiều dài kéo từ Ma Lì Sán (Pà Vầy Sủ) đến suối Nậm Tìn (Trung Thịnh) trên một đoạn 26,5 km.

          Thủy văn
 

          Sông Chảy qua Xín Mần 40 km, là con sông phát nguyên từ dãy Tây Côn Lĩnh, được giới hạn khá rõ bởi vùng núi cao ở phía bắc và đường sông núi ở Đông-Đông Nam. Địa hình lưu vực sông Chảy thấp dần từ Bắc- Tây Bắc xuống Đông Nam. Có nhiều suối nhỏ, khe rạch đổ vào sông Chảy, trong đó đáng kể là suối Đỏ, suối Bản Ngò, suối Nấm Dẩn. Trên địa bàn của huyện còn có nhiều sông nhỏ chảy qua Nà Chì, Khuôn Lùng, Tân Nam xuôi về Bắc Quang, đáng kể hơn là các sông nhỏ Nậm Lỳ và Nậm Pú.
         

 
Suối khoáng thôn Nậm Choong xã Quảng Nguyên huyện Xín Mần

           
          Khí hậu
 
 
Mùa đông trên Đỉnh Chiêu Lầu Thi, xã Thu Tà huyện Xín Mần

          Khí hậu của Xín Mần chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, oi bức bất thường, mưa gió đột ngột. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, khô hanh giá buốt; vào khoảng tháng 2, tháng 3 hay có mưa đá, mưa tuyết, sương muối và rét đậm. Sách Đại Nam nhất thống chí đã mô tả khí hậu ở vùng này là: Mùa hè và mùa thu thường mưa nhiều; mùa đông và mùa xuân thường âm u, mỗi khi mưa lâu tiếp đến ngày nắng thì khí nóng khác thường. Đến tiết Sương Giáng thường có gió rét; tháng 3 và tháng 9 khí nóng nung nấu. Sự khắc nghiệt của khí hậu đã gây nên nhiều khó khăn cho nhân dân trong lĩnh vực sinh hoạt, sản xuất, an ninh và giao lưu văn hóa.
 
 
Sương muối phủ đầy lên hoa màu tại xã Thu Tà huyện Xín Mần


         Tài nguyên thiên nhiên:
         Tài nguyên đất
 
 
Đất đai của huyện phổ biến là đất feralít đỏ vàng có mùn trên núi.

         Tính đến năm 2018, Xín Mần có 53.967,92 ha đất nông nghiệp; 27.268,64ha đất lâm nghiệp, đất ở 541,56ha; Đất chuyên dùng 805,51ha; đất chưa sử dụng 3.045,90 ha.
 
 
Canh tác nông nghiệp của đồng bào chủ yếu trên những làn ruộng bậc thang

        Về mặt thổ nhưỡng đất đai của huyện phổ biến là đất feralít đỏ vàng có mùn trên núi. Do địa hình cao, dốc lớn nên phẫu diện đất ở đây mỏng, khả năng phát triển nông nghiệp kém.

         Tài nguyên rừng
 
 
Cánh rừng đại ngàn bên sườn Đèo Gió

          Xưa nay, rừng của Xín Mần cung cấp cho con người lâm sản quý giá như cây Đao, cây Báng cung cấp chất bột; Các loại gỗ quý như Sến,Vàng Tâm, Đinh, Lim, Nghiến, Lát, Ngọc Am, Gù Hương; Các dược liệu như Xuyên Khung, Tam Thất, Củ Mài, Sa Nhân, Hà Thủ Ô, Phục Linh; Các cây lấy nhựa, dầu như Xa Mộc, Thông, Trẩu; Các loại hoa quả như Lê, Đào, Mận; Các giống chim muông như Phượng Hoàng, Hổ, Báo, Hươu, Nai... Đặc biệt khu rừng nguyên sinh Đèo Gió lưu trữ một lượng lớn về tài nguyên rừng với các loại cây gỗ quý hiếm.

         Tài nguyên khoáng sản:
          Về mặt khoáng sản, chưa phát hiện được mỏ nào đáng kể.
 
          Tiềm năng kinh tế:
          Những lĩnh vực kinh tế lợi thế:
          Xín Mần có 3 điểm khu kinh tế chính là Thị trấn Cốc Pài, Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam)- Đô Long (Trung Quốc). Đất đai ở Xín Mần thích hợp cho việc trồng và phát triển các loại cây lương thực có hạt, cây lấy củ có chất bột, cây có hạt chứa dầu, cây gia vị, dược liệu hàng năm, rau các loại... Phát triển mô hình kinh tế Nông lâm nghiệp; Phát triển rừng; Phát triển Thương mại - Du lịch; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; Xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm.
 

          Ngoài trồng trọt, Xín Mần là địa phương phát triển lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc như: trâu, ngựa, dê, bò, lợn hoặc gia cầm như gà hay nuôi ong lấy mật. Ở Xín Mần có các địa phương phát triển nghề nuôi cá trên chân ruộng bậc thang như: Thèn Phàng, Nấm Dẩn, Tả Nhìu, Cốc Rế, Nàn Xỉn, Ngán Chiên.
 
 
Cánh đồng gạo Già Dui nổi tiếng của Xín Mần tại thôn Lùng Cháng xã Thèn Phàng

          Tính đến năm 2018, giá trị thu nhập bình quân đầu người là 14,8 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 41.797,2 tấn; Toàn huyện giảm 989 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 47,62% cuối năm 2017 xuống còn 39,88% cuối năm 2018 (giảm 7,74% tỷ lệ hộ nghèo, vượt chỉ tiêu NQ 1,74%).
   
          Tiềm năng du lịch:

        Thác Tiên đêò gió, nơi dừng chân lý tưởng trong những ngày nắng nóng.
        Hang Thiên Thủy, thuộc địa phận xã Nàn Ma, huyện Xín Mần.
 
       Xín Mần được thiên nhiên ưu đãi nên thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái; du lịch tham quan nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao... huyện có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, có nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động như: Lễ hội Khu Cù Tê (người La Chí); Lễ hội Gầu Tào (người Mông); Lễ hội Đình Mường; Lễ hội Đền Thần Hoàng...cùng với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như thêu thùa, đan lát kết hợp với nét văn hóa ẩm thực đa sắc màu của các dân tộc trên địa bàn sẽ là những địa điểm du lịch lý tưởng, hấp dẫn du khách đến tham quan. Đặc biệt huyện có các điểm du lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia như: Bãi đá cổ Nấm Dẩn, Thác tiên Đèo gió, Hang Thiên Thủy... Trong tương lai, hứa hẹn sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế và góp phần quảng bá thương hiệu du lịch địa phương.
 
 
Xã Xín Mần, huyện Xín Mần trong màu hoa Tam giác mạch

        Trải qua hơn 53 năm xây dựng và trưởng thành, huyện Xín Mần đã từng bước thay đổi. Phát huy kết quả của những năm đầu xây dựng và phát triển, với truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước, đoàn kết một lòng quyết tâm xây dựng huyện Xín Mần giàu đẹp, văn minh, nhất định huyện Xín Mần sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng góp phần tạo đà vững chắc cho sự phát triển đi lên của huyện, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
 

Tin khác

Liên kết website