Nghề và làng nghề

Từng bước phát triển Nghề trạm bạc tại Xã Ngán Chiên huyện Xín Mần

10/07/2014 00:00 575 lượt xem

Nghề trạm bạc tại thôn Đông Chứ xã Ngán Chiên đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ gia đình làm nghề, người dân nơi đây cũng mong muốn nghề truyền thống sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
        Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa truyền thống riêng, đối với dân tộc Nùng cũng vậy khi nói đến trang phục của người phụ nữ thì không thể không nói đến những họa tiết, những đồ trang sức bằng bạc được chế tác một cách tỷ mỷ công phu dưới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân thôn Đông Chứ xã Ngán Chiên huyện Xín Mần với nghề trạm bạc.
 
       Thôn Đông Chứ của xã Ngán Chiên là một trong những thôn vẫn duy trì và phát huy truyền thống nghề trạm bạc. Tổng số hộ trong thôn là 125 hộ, trong đó có13 hộ gia đình tham gia làm nghề trạm bạc. Sản phẩm làm ra chủ yếu là các đồ trang sức bằng bạc như nhẫn, cúc áo, dây xích ( dây chuyền ), ghim cài tóc... mang đậm nét truyền thống của dân tộc Nùng xã Ngán Chiên mà không nơi nào có được. Qua trao đổi với bác Lù Sào Tin một nghệ nhân đã có kinh nghiệm 50 năm trong nghề, được biết nghề trạm bạc tại thôn đã xuất hiện từ rất lâu, được truyền từ đời này sang đời khác có lẽ cũng phải mấy trăm năm rồi. Để có thể làm ra một sản phẩm ưng ý không những cần công sức, thời gian mà phải thật sự có lòng yêu nghề, sự tâm huyết, niềm đam mê, thậm chí có những sản phẩm làm ra phải mất đến cả tuần mới có thể hoàn thành.
 
 
Bác Lù Sào Tin đang thực hiện làm sản phẩm

        Quan sát quá trình làm ra sản phẩm mới biết thật không hề đơn giản chút nào: Từ bước đầu tiên là những mảnh bạc vụn, bỏ vào chiếc chén được làm từ đất sét và đưa lên lò than hồng đang rực lửa để nung, sau khi những mảnh bạc vụn bị nung nóng chảy thành dạng lỏng thì được đổ vào một viên gạch đã được khoét rãnh tạo thành một thanh bạc có chiều dài khoảng 20cm. Theo như bác Tin nói thì từ thanh bạc này có thể tạo thành rất nhiều sản phẩm khác nhau. Tiếp đó thanh bạc được đưa vào một chiếc máy để cán ra thành thanh bạc có kích thước to, nhỏ, dài, ngắn tùy vào ý tưởng sản phẩm muốn tạo thành. Bước tiếp theo là quá trình cắt, hàn và tạo hoa văn cho sản phẩm, bước này rất quan trọng đòi hỏi người thợ phải thật tập trung, tỷ mỉ và sáng tạo.

 
 
Công đoạn cắt, hàn tạo hoa văn cho sản phẩm

        Sau khi sản phẩm đã được hoàn thành, tiếp đó là công đoạn làm trắng. Những sản phẩm được tẩy trắng bằng nước lá chua, đây là loại lá được lấy từ trên rừng về, sau đó được rửa lại bằng xà phòng. Sản phẩm làm ra được rất nhiều bà con nhân dân trong vùng đến mua và đặt hàng. Trong đám cưới của người Nùng nơi đây không thể thiếu những trang sức bằng bạc, đó là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc, giàu sang, phú quý. Từ những nét độc đáo, tinh tế của các sản phẩm do chính bàn tay khéo léo của các nghệ nhân của thôn Đông Chứ xã Ngán Chiên làm ra đã thu hút được lòng tin của nhiều người tiêu dùng. Đã có những khách hàng từ Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái cũng tìm đến đặt mua hàng. Bác Tin cho biết tùy từng sản phẩm làm ra, trừ chi phí mỗi sản phẩm cũng đem lại lợi nhuận cho gia đình bác từ 50-500 nghìn đồng, mỗi năm gia đình bác thu nhập thêm từ nghề trạm bạc được trên 40 triệu đồng. 
 
 
Sản phẩm đã được hoàn thành

        Nghề trạm bạc tại thôn Đông Chứ xã Ngán Chiên đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ gia đình làm nghề, người dân nơi đây cũng mong muốn nghề truyền thống sẽ  tiếp tục được mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Nguồn vốn, thị trường tiêu thụ... Cấp ủy, chính quyền xã Ngán Chiên coi việc phát triển nghề truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã và sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để nghề trạm bạc ngày một phát triển, góp phần đắc lực trong việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương gắn với xây dựng Nông thôn mới .
      Đồng chí  Lý Đức  Kim- Bí thư Đảng ủy xã Ngán Chiên cho biết. “Nghề trạm bạc tại thôn Đông Chứ đã xuất hiện từ lâu, tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân trong thôn. Đảng bộ xã coi việc phát triển nghề trạm bạc là một nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm của xã gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Chính quyền xã sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho nghề trạm bạc của thôn trong xã tiếp tục được mở rộng và phát triển hơn nữa, góp phần đắc lực trong việc thúc đẩy nền kinh tế địa phương".

         Nghề trạm bạc và các sản phẩm làm ra của bà con nhân dân trong thôn không chỉ tạo ra công ăn việc làm, thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ đói nghèo mà đó còn là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong huyện nói chung và dân tộc Nùng nói riêng. Việc đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống cũng là việc giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần đang hướng tới./.
 

Tin khác

Liên kết website