Gương điển hình

Giàng Thị Gánh – Bông hoa vượt khó nơi biên cương Pà Vầy Sủ

09/03/2024 12:36 69 lượt xem

Mảnh đất Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần nơi những “bông hoa biên cương” đang ngày ngày miệt mài vượt khó, vượt khổ để vươn lên trở thành những bông hoa thơm ngát nơi núi rừng. Chị Giàng Thị Gánh - một bông hoa, cũng là một tấm gương sáng, vượt lên khó khăn để làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, ổn định cuộc sống.

Giàng Thị Gánh – Bông hoa vượt khó nơi biên cương Pà Vầy Sủ
Chị gánh truyền dạy thêu hoa văn truyền thống các em học sinh THCS.

Sinh năm 1986 tại thôn Thèn Ván, xã Pà Vầy Sủ, chị Giàng Thị Gánh lớn lên trên mảnh đất quê hương mình, hơn ai hết chị thấu hiểu những khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc nơi đây nên từ khi còn nhỏ chị đã cố gắng tìm tòi, học hỏi để kiếm thêm thu nhập với mong muốn vươn lên thoát nghèo. Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống còn vất vả, khi chồng chị đi lính về với số lương không lớn, nên còn khó khăn trong việc chăm lo gia đình. Áp lực khi đó đã tạo thành động lực để chị Gánh bắt đầu với công việc may trang phục truyền thống dân tộc Mông.

Chị Giàng Thị Gánh bông hoa vượt khó nơi biên cương Pà Vầy Sủ.

Được mẹ truyền dạy cộng với sự nỗ lực của bản thân, sản phẩm đầu tiên của chị là những chiếc yếm với giá 50 nghìn đồng, dần dần những sản phẩm ấy thu hút rất nhiều khách hàng nên hi vọng phát triển đã đến gần hơn với chị. Thời gian đầu, bản thân chị nhiều lúc thấy nản chí, nhưng với bản tính chịu thương chịu khó, cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn và nỗ lực để làm giàu, chị đã dần nhận được sự ủng hộ từ gia đình, và sau những nỗ lực đó, sự cố gắng của chị đã đem lại thành quả xứng đáng, nhờ đó mà gia đình chị Gánh đã thoát nghèo, có điều kiện hơn để chăm lo cho cuộc sống gia đình đầy đủ. Bộ trang phục truyền thống dân tộc Mông được chị thêu tay, tỉ mỉ trong từng đường khâu, mũi chỉ, sự khéo léo của người con gái ấy đã làm ra những bộ trang phục chất lượng, đẹp về màu sắc, họa tiết, và thu hút rất nhiều khách hàng. Thêu tay từ những chi tiết nhỏ đó nên mỗi bộ váy áo chị hoàn thành trong thời gian từ 1 - 2 tháng, giá trung bình mỗi bộ từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng. Bằng sự nỗ lực không ngừng của mình, trung bình một năm chị Gánh làm khoảng 600-700 bộ trang phục từ dễ đến khó, thu nhập 1 năm gần 150 triệu đồng.

Căn phòng nhỏ với ba máy khâu, may lên những trang phục truyền thống dân tộc Mông.

Song song với công việc của mình, chị Gánh cũng là một người vợ, người mẹ chịu thương chịu khó, mỗi năm gia đình chị đều nuôi duy trì từ 4 - 5 con bò. Là hội viên phụ nữ, không những biết cách làm giàu cho bản thân, gia đình, chị Gánh còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ chị em trong xã có hoàn cảnh khó khăn cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Vào thời điểm cuối năm nhu cầu nhiều, chị còn tạo việc làm cho nhiều chị em và các em học sinh thường xuyên thêu hoa văn với chi tiết nhỏ. Lúc rảnh rỗi chị còn là người hướng dẫn truyền dạy nghề truyền thống, tạo điều kiện giúp đỡ các em nên nhiều em học sinh rất thích thú với công việc này. Ngoài ra, bản thân và gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia sinh hoạt Chi hội phụ nữ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một người hội viên, rèn luyện tốt phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang". Chị Gánh luôn được mọi người đánh giá cao về mọi mặt, đặc biệt là trong lao động sản xuất cũng như công tác hội, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ các hội viên khác cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Với những thành quả đạt được hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự động viên, chia sẻ và đồng hành của Hội LHPN các cấp, chị Giàng Thị Gánh xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo về tinh thần cần cù, sáng tạo, năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất biên cương Pà Vầy Sủ.

Cao Cường – Thuý Hậu

Tin khác

Liên kết website