Phóng sự

Chắp cánh cho nông sản Xín Mần xuất ngoại

21/07/2022 14:32 60 lượt xem

Nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua huyện Xín Mần đã triển khai nhiều giải pháp, tạo cơ chế, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong đó, huyện đã đạt được kết quả tích cực khi thực hiện liên kết với Công ty TNHH Việt Nam Misaki để xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản, qua đó giúp cho ngành nông nghiệp có hướng đi bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Chắp cánh cho nông sản Xín Mần xuất ngoại
1. Người dân xã Xín Mần chăm sóc củ cải theo mô hình liên kết với Công ty Misaki.

Chưa khi nào nông sản ở Xín Mần lại có niềm hy vọng phát triển một cách bền vững như hiện nay. Mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều từ tác động của dịch Covid-19 nhưng người dân phía tây của tỉnh không những không gặp khó khăn mà còn có nền tảng trong sản xuất nông nghiệp nhờ chuỗi liên kết sản xuất. Ngay ở xã Xín Mần, một trong 4 xã vùng biên giới của huyện, nơi đây ngoài chăn nuôi sản xuất, người dân cũng ít lựa chọn ngành nghề có thu nhập, khi mà Cửa khẩu quốc gia Xín Mần – Đô Long bị “đóng băng” xuất nhập khẩu hàng hóa và lao động trong thời gian dài. Trong khi đó, nông sản địa phương gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm nên chưa thể trở thành hàng hóa. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt và nỗ lực của huyện Xín Mần và các ngành chức năng, sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giúp nông sản Xín Mần vươn xa ra thị trường thế giới. Năm 2021, qua sự liên kết của lãnh đạo huyện, Công ty Việt Nam Misaki đã trồng thử nghiệm diện tích củ cải tại xã Xín Mần với hơn 4ha tại thôn Xín Mần của xã. Qua đó, nhằm đánh giá thực chất về mức độ phù hợp, thích nghi khí hậu và thổ nhưỡng cũng như đạt chuẩn về độ dinh dưỡng của sản phẩm, từng bước tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản với mục tiêu ổn định, lâu dài, qua đó tạo thu nhập ổn định cho nhân dân vùng biên giới. Trưởng Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Xín Mần Cháng Văn Kinh cho biết: Thị trường Nhật Bản là thị trường luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và kiểm định khắt khe trong quá trình từ chăm sóc đến thu hoạch. Vì vậy, từ khi có chủ trương của Công ty TNHH Việt Nam Misaki, huyện cũng đã chỉ đạo ngành chuyên môn cũng như tuyên truyền người dân thực hiện đúng quy trình tiêu chuẩn hướng dẫn.

Để triển khai dự án, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã hỗ trợ phân bón, giống cây trồng cho người dân, đồng thời cắt cử cán bộ của công ty phối hợp với cán bộ chuyên môn của huyện và xã để hỗ trợ nhân dân trồng thử nghiệm cây củ cải xuất khẩu. Trên thực tế, cây củ cải vốn đã được người dân địa phương canh tác từ bao đời nay và là nguồn thực phẩm hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, việc chỉ tự cung tự cấp, nên số lượng diện tích củ cải trồng không được tập trung và mang ý nghĩa tự phát, chưa có quy hoạch bền vững. Sau 3 tháng đầu tiên trồng thử nghiệm, cây củ cải đã cho thấy sự thích hợp với môi trường, cây phát triển tốt, củ to. Mặt khác, do hướng dẫn trồng theo quy trình hữu cơ nên chất lượng và độ dinh dưỡng qua đánh giá đạt theo yêu cầu của công ty đặt ra. Chủ tịch UBND xã Xín Mần Tải Minh Cường cho biết: Củ cải được trồng thử nghiệm ở 14 hộ dân. Sau 3 tháng thu hoạch cho sản lượng 120 tấn/4ha, cho thu nhập hơn 80 triệu/ha, cao gấp 4 lần so với trồng ngô.  

Công ty TNHH Việt Nam Misaki là doanh nghiệp đầu tiên có thể sản xuất và chế biến các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Xín Mần ngày 22.6 vừa qua, phía công ty đã giới thiệu khái quát các sản phẩm, nhu cầu thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản. Năm 2021, công ty đã trồng khảo nghiệm 4ha củ cải tại xã Xín Mần và cho kết quả khả quan. Đợt 1 năm 2022 công ty tiếp tục liên kết với nông dân trồng 5ha củ cải và đợt 2 là 8ha. Công ty tiếp tục liên kết mở rộng diện tích vùng nguyên liệu củ cải, củ kiệu, gừng trâu, ra một số xã thị trấn như: Nàn Ma, Tả Nhìu, thị trấn Cốc Pài. Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki cho biết: Qua 2 năm trồng thử nghiệm, công ty chúng tôi nhận thấy Xín Mần là một địa phương rất có tiềm năng để phát triển các loại cây trồng có thể xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài những điều kiện tốt về khí hậu, đất đai thì người nông dân Xín Mần cũng rất cần cù lao động, tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn đối với việc phát triển các loại cây trồng này. Thời gian tới, công ty định hướng phối hợp với chính quyền, các HTX và người dân phát triển mạnh một số loại cây trồng chủ lực để hình thành vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, sơ chế, chế biến, xuất khẩu tại chỗ với mục tiêu nâng cao chất lượng, sản lượng, giá thành cạnh tranh được với các vùng nguyên liệu của các nước trong khu vực.

Cùng với định hướng phát triển mở rộng vùng nguyên liệu trong chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm nông sản hữu cơ trên địa bàn huyện Xín Mần giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng có giá trị của huyện theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tạo ra sản phẩm hàng hóa hướng đến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các quốc gia khác. Theo lãnh đạo huyện Xín Mần, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm nông sản xuất khẩu tại xã Nàn Ma và xã Xín Mần. qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tạo bước phát triển tốt trong liên kết, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản của huyện. Trên cơ sở đó, huyện Xín Mần và Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã cùng thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về liên kết phát triển vùng nguyên liệu củ cải, củ gừng, củ kiệu, dưa chuột, tre măng Bát Độ và một số loại rau, củ, quả khác với tổng diện tích triển khai hơn 400ha tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đặc biệt, 2 bên sẽ hợp tác phát triển, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm các đối tượng cây trồng thế mạnh của huyện đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện tại, toàn huyện Xín Mần có 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Bên cạnh liên kết với Công ty TNHH Việt Nam Misaki, huyện Xín Mần cũng đang tăng cương liên kết với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện.

Văn Long

Tin khác

Liên kết website