Phóng sự

Xín Mần khống chế dịch tả lợn châu Phi

26/10/2022 09:16 44 lượt xem

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện và gây nhiều tổn thất cho người chăn nuôi ở Xín Mần. Ngay sau khi phát hiện ca dịch đầu tiên, huyện đã kịp thời triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, hỗ trợ người dân qua đó khống chế được các ổ dịch, giảm thiểu tối đa thiệt hại do DTLCP gây ra.

Xín Mần khống chế dịch tả lợn châu Phi
- Người dân xã Chế Là vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.

Ngày 4/7, DTLCP xuất hiện tại hộ ông Vàng Văn Cương, thôn Táo Thượng, xã bản Ngò sau đó lây lan ra 2 hộ cùng thôn. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 75 con/3 hộ, trọng lượng 3.286 kg. Ngày 18/7, dịch bệnh phát sinh tại hộ ông Cháng Văn Thắng, thôn Nắm Ngà, xã Cốc Rế, lây lan ra 2 hộ cùng thôn của xã. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 22 con/3 hộ, trọng lượng 681 kg. Trong tháng 8, DTLCP xuất hiện tại hộ ông Xin Văn Nghiêm, thôn Na Sai, xã Thèn Phàng, lây lan ra các hộ cùng thôn và một số hộ dân ở xã Chí Cà. Ngày 1/9, dịch bệnh tiếp tục phát sinh tại hộ ông Thèn Văn Sinh, thôn Cốc Độ, xã Chế Là với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 7 con, trọng lượng 457 kg. Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Xín Mần, từ tháng 7 đến nay DTLCP đã xuất hiện tại 24 hộ dân ở 6 thôn thuộc 5 xã, tiêu hủy gần 7.000 kg lợn.

Sau khi phát hiện các ca bệnh dịch, UBND huyện Xín Mần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn Phòng Nông nghiệp, Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các xã Bản Ngò, Cốc Rế, Thèn Phàng, Chí Cà và Chế Là để khoanh vùng dập dịch. Hướng dẫn các biện pháp như: Tiêu hủy lợn mắc bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, kiểm soát việc buôn bán vận chuyển, giết mổ lợn. Bên cạnh đó, phát động tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn huyện. Chỉ đạo đoàn liên ngành của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn huyện. Ngành chuyên môn kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gia súc nghi ngờ mắc bệnh DTLCP và lấy mẫu kiểm soát giết mổ đối với lợn.

Công tác phòng, chống DTLCP được chỉ đạo thực hiện quyết liệt từ huyện xuống xã, thôn và từng gia đình. Đặc biệt, các xã tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch. Thành lập các tổ công tác: Tổ tiêu hủy gia súc; tổ giám sát dịch bệnh, thống kê đàn lợn; tuyên truyền; tiêu độc khử trùng để thực hiện các biện pháp chống dịch. Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc có mắc bệnh. Đồng thời, tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi. Các thôn, bản phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền bằng nhiều hình thức thông qua hệ thống loa phát thành, lưu động, phát tờ rơi… để nhân dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, Trạm Chăn nuôi và Thú y triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, huyện trích ngân sách để mua hóa chất, các thiết bị phòng, chống dịch cấp cho các xã xuất hiện DTLCP. Trong đó, tiến hành cấp cho xã Cốc Rế 57 lít hóa chất, Chế Là 51 lít, Thèn Phàng 51 lít, Chí Cà 60 lít xã Bản Ngò 99 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng…

Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân trong quá trình thực hiện, kịp thời ngăn chặn và khống chế dịch bệnh không cho lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Đến ngày 11/10, các xã xuất hiện DTLCP đã công bố hết dịch và không phát sinh ổ dịch bệnh mới trên địa bàn huyện. Cùng với việc phòng, chống dịch, công tác tái đàn cũng đã được ngành chuyên môn hướng dẫn người dân. Do đó, để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, người dân được khuyến cáo theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, không thực hiện tái đàn ngay mà tập trung vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại và thời gian tái đàn tối thiểu sau 30 ngày kể từ khi phát hiện ca dịch cuối cùng tại hộ dân. Anh Vàng Văn Cương, thôn Táo Thượng, xã Bản Ngò cho biết: Mặc dù bị thiệt hại nặng nề, nhưng gia đình vẫn chưa vội tái đàn, để thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Xín Mần có gần 65 nghìn con tăng hơn 4 nghìn con so với năm 2021. Mặc dù đã khống chế DTLCP, tuy nhiên nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn, vì nhiều ổ dịch không xác định được nguồn lây nhiễm. Do đó, ngành chuyên môn của huyện và các địa phương đang tích cực tuyên truyền người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi./.

Bài, ảnh: Văn Long

Tin khác

Liên kết website