Phóng sự

Hiệu quả Nhóm sở thích nuôi trâu vỗ béo ở Na Van

18/12/2019 00:00 282 lượt xem

Sau 4 năm tiếp cận với nguồn hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP), đến nay Nhóm sở thích (NST) nuôi trâu vỗ béo thôn Na Van, xã Tả Nhìu (Xín Mần) đã mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước hỗ trợ người dân nâng cao đời sống.

        Nhóm sở thích nuôi trâu thôn Na Van được thành lập vào năm 2016, gồm 10 thành viên, trong đó có 2 thành viên nữ, 4 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo và 4 hộ trung bình. Sau khi được hỗ trợ từ Chương trình CPRP với nguồn vốn 110 triệu đồng, các thành viên trong nhóm đã tiến hành họp bàn và thống nhất thực hiện các mô hình nuôi trâu vỗ béo hàng hóa, đồng thời thống nhất phương án sử dụng nguồn vốn cho vay luân chuyển. Đầu tiên nhóm sẽ cho vay với 5 thành viên có điều kiện kinh tế khó khăn, sau 1 năm sẽ luân chuyển nguồn vốn vay cho các thành viên khác. Với nguồn vốn vay không lãi suất, mỗi thành viên được vay 20 triệu để mua con giống. Trong quá trình triển khai, nhóm quán triệt các thành viên nghiêm túc công tác vệ sinh chuồng trại, thực hiện cùng mua con giống và cùng xuất bán. Anh Cháng Văn An, trưởng nhóm cho biết: Để nhóm hoạt động tốt, vào ngày 28 hàng tháng nhóm sẽ triển khai họp vưới các thành viên. Trong các buổi sinh hoạt, nhóm sẽ báo các tổng quát hoạt động; thông báo lịch tiêm phòng; công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống đói rét cho gia súc; thống kê tổng đàn trâu và diện tích trồng cỏ... Bên cạnh đó, các thành viên cũng mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong chăn nuôi. Trên cơ sở thông tin được chia sẻ để các thành viên hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

      Thôn Na Van nằm cách trung tâm xã khoảng hơn 3km, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thôn có 80 hộ dân, trong đó có 44 hộ nghèo chiếm tỷ lệ hơn 50%. Sau hơn 3 năm được hỗ trợ, nguồn vốn từ Chương trình CPRP đã thực sự giúp cho người dân phát triển kinh tế, tạo nên mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa rõ rệt. Chị Cháng Thị Túy chia sẻ: Năm 2016, từ nguồn vay 20 triệu đồng, gia đình đã mua trâu để nuôi vỗ béo. Theo mô hình này, mỗi năm gia đình bán được 2 – 3 con trâu, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm. Còn đối với gia đình anh Cháng Văn An, từ đầu năm đến nay đã bán được 4 con trâu, thu về hơn 40 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập đó, gia đình có thêm nguồn vốn để mở rộng thêm chăn nuôi dê, gà và trang trải chi tiêu, học hành cho con cái. Anh An cho biết thêm, ngoài phổ biến các nội dung kế hoạch hoạt động, nhóm cũng tích cực tuyên truyền vận động các thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi để đảm bảo thức ăn cho đàn trâu. Hiện tại, trung bình mỗi thành viên có từ 2 – 3 con trâu, 0,6 ha cỏ, hộ nhiều nhất hiện có 5 con trâu, trung bình thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/năm.

         Anh Hoàng Tuấn Anh, cán bộ chuyên trách Chương trình CPRP xã Tả Nhìu cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 20 NST, trong đó có 15 NST chăn nuôi trâu vỗ béo. Qua theo dõi, NST chăn nuôi trâu vỗ béo thôn Na Van là một trong những nhóm hoạt động hiệu quả nhất ở xã Tả Nhìu. Để duy trì hoạt động tốt, ngoài việc quyết liệt thực hiện của các thành viên, cán bộ của Chương trình CPRP thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động của nhóm, đồng thời cùng với các ngành chức năng của xã hỗ trợ các thành viên về quy trình cũng như kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh... Đến nay, các thành viên trong nhóm đã thoát nghèo và từng bước nâng cao thu nhập. Từ hiệu quả mang lại, NST chăn nuôi trâu vỗ béo thôn Na Van là điểm đến học tập kinh nghiệm, cách làm và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ cho các NST khác trên địa bàn. 


Tin khác

Liên kết website