Phóng sự

Khôi phục Làng nghề mây tre đan truyền thống xã Khuôn Lùng

09/12/2017 00:00 157 lượt xem

Cứ như thường lệ, từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, bà con nhân dân thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần) lại tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tập trung tại nhà ông Lèn Đức Quân trong thôn để nghe thầy giáo dạy nghề truyền đạt về kỹ năng đan lát và thực hành đan các đồ dùng, vật dụng hàng ngày bằng mây, tre...

        Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, huyện về việc xây dựng "Mỗi làng một sản phẩm" nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển nét văn hóa truyền thống, phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Đầu tháng 11, huyện Xín Mần đã triển khai mở lớp dạy nghề mây tre đan cho người dân thôn Nà Ràng. Lớp học đã nhận được nhiều sự quan tâm của bà con trong thôn và thu hút được 60 học viên tham gia học tập. Ông Hoàng Minh Cát, Phó Chủ tịch Hội nghệ nhân dân gian xã Khuôn Lùng cho biết: Nghề mây tre đan là nghề truyền thống của thôn Nà Ràng. Với nguyên liệu mây, tre phong phú sẵn có tại địa phương, nghề mây tre đan trước đây đã trở nên quen thuộc với bà con nhân dân. Từ cụ già, lão làng, phụ nữ hay trẻ em đều biết và thành thạo đan lát bằng mây, tre. Các sản phẩm làm ra chủ yếu là các đồ dùng, vật dụng phục vụ trong gia đình. Tuy nhiên, trải qua thời gian với nhiều lý do khác nhau nên nghề mây tre đan thôn Nà Ràng đã bị mai một...

         Trước tình hình đó, để thực hiện công tác khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống của Làng nghề mây tre đan, huyện Xín Mần đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt phát huy vai trò của Hội nghệ nhân dân gian, trưởng thôn, già làng và người có uy tín trong thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Với nhiều hình thức tuyên truyền như: Lồng ghép với các cuộc họp thôn, các hoạt động xã hội của thôn và phân công cán bộ xuống các hộ dân để tuyên truyền, phổ biến. Huyện đã triển khai mở lớp dạy nghề mây tre đan ở các xã Khuôn Lùng và xã Quảng Nguyên. Đồng thời, liên kết với các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong việc cắt cử thầy giáo dạy nghề mây tre đan có kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy cho bà con nhân dân. Anh Nguyễn Văn Cần, thầy giáo dạy nghề của Làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (thành phố Hà Nội) cho biết: Nghề mây tre đan đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì của người thợ, nhiều công đoạn như: Chọn nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, kỹ thuật chẻ nan, đan lát và công đoạn hoàn thiện... Vì thế, bước đầu học viên cần phải học những thao tác đơn giản, đan những vật dụng hàng ngày. Sau khi thành thạo mới làm những sản phẩm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Qua thời gian hơn 1 tháng trực tiếp truyền dạy, bà con nhân dân thôn Nà Ràng đều rất tích cực tham gia và đến nay tất cả các học viên đã biết được những kỹ năng để tạo ra một sản phẩm mây tre đan.

        Đến tham quan lớp học nghề mây tre đan vào buổi chiều cuối tháng 11, trên những chiếc chiếu cói trải xuống nền nhà, các học viên vẫn đang tích cực, say mê với những que nan, sợi mây trong không khí vui tươi hiện trên nét mặt và từng lời nói. Những sản phẩm do học viên làm ra cũng được sắp xếp gọn gàng trên một tủ đựng sẵn sàng để giới thiệu cho du khách thập phương. Chị Nông Thị Vân chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học, đến nay em đã làm tự tay làm được các vật dụng trong gia đình. Tùy vào từng sản phẩm mà thời gian hoàn thiện sẽ khác nhau. Đối với các vật dụng đơn giản như: Cơi trầu, khay, đĩa đựng hoa quả thì đan trong một ngày sẽ hoàn thiện được một sản phẩm. Đối với một số sản phẩm mang tính chất phức tạp thì khoảng 3 - 4 ngày mới làm xong một sản phẩm. Với giá bán ra thị trường từ 100 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/ 1 sản phẩm. Qua đó, đã giúp cho gia đình có thêm thu nhập.

        Ngoài việc để khôi phục Làng nghề truyền thống mây tre đan giúp tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm với Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nà Ràng. Đồng chí Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Sản phẩm mây tre đan thôn Nà Ràng được huyện chọn lựa giới thiệu ở không gian văn hóa huyện Xín Mần trong khuôn khổ các hoạt động diễn ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2017 và được nhiều du khách quan tâm. Để phát triển làng nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân, hiện tại huyện cũng đã hỗ trợ đầu tư cho lớp học các máy chẻ nan, máy chẻ mây. Mục tiêu của huyện là giúp cho học viên nâng cao kỹ năng đan lát và thành thạo hoàn thiện 20 sản phẩm bằng mây, tre trong thời gian tới nhằm đáp ứng tính thẩm mỹ và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Về định hướng lâu dài, huyện cũng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đồng thời liên kết với các làng nghề, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tạo đầu ra sản phẩm nhằm phát triển bền vững làng nghề mây tre đan truyền thống nâng cao thu nhập cho người dân.


Tin khác

Liên kết website