Kinh tế

Cửa đã mở trên cao nguyên đá

17/11/2014 00:00 115 lượt xem

Chuyện đói nghèo của người dân tỉnh Hà Giang hàng chục năm qua không chỉ huyện biết, tỉnh biết, Trung ương biết. Đã quen với cảnh những đoàn xe cứ đến mùa giáp hạt là ùn ùn chở hàng trăm, thậm chí có lúc là cả nghìn tấn gạo lên vùng cao để cứu đói cho dân, vì thế nên khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang công bố hai năm qua Hà Giang không xin gạo cứu đói, nhiều người đã giật mình... Chớp mắt, vậy mà...
        Ký ức gần
        Mọi hoài nghi đều xuất phát từ điều kiện tự nhiên của tỉnh Hà Giang quá khó, quá thiếu. Hà Giang, như lối nói ví von của một nhà văn hóa người Mông, thì sau khi nhào nặn khắp nơi, còn một ít xỉ quặng không dùng đến, đấng tạo hóa đã ném lên phía cực bắc, tạo thành chập chùng núi non, chỉ rặt đá núi với núi đá, đến nỗi, theo thống kê của Ban quản lý Cao nguyên đá Đồng Văn thì có tới hai phần ba diện tích của bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ là núi đá. Số còn lại là núi đất cao, độ dốc lớn, mà nếu chiếu theo tiêu chí của ngành nông nghiệp thì rõ là không thích hợp cho canh tác.
 
Huyện Yên Minh là một trong bốn huyện của cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang)
trong quần thể công viên địa chất toàn cầu.

        Không chỉ khó về đất, các đoàn khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang hàng chục năm nay vẫn cặm cụi lùng sục trên cao nguyên đá để tìm nguồn nước tưới, sinh hoạt, nhưng kết quả vẫn không đáng là bao. Không có nước, nhiều nơi mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ. Dân "khát" nước đến mức phải xách can đi bộ ròng rã nhiều cây số để mua nước. Ngân sách các huyện vùng cao hằng năm dù khó khăn đến mấy vẫn phải dành ra một khoản hỗ trợ dân mua nước. Chuyện thiếu nước của Hà Giang "nổi tiếng" đến mức, Chính phủ, các tổ chức quốc tế đã dành hẳn một chương trình đầu tư làm hồ treo trữ nước trên núi trải qua bao khó khăn về rủi ro địa chất, chi phí đầu tư, rút kinh nghiệm mô hình... để từng bước giải tỏa cơn khát cho người dân. Nhưng tất cả vẫn chỉ như muối bỏ biển.
        Trong câu chuyện với các nhà quản lý, có lúc nhiều người đã than thở rằng, trong nghề nông, ai cũng nói "nhất nước, nhì phân", vậy mà không thấy ai đề cập đến đất là sao? Mà ở Hà Giang, đất là cái thiếu nhất, thiếu kinh niên, thiếu quặn thắt. Không có đất, canh tác làm sao, làm nông nghiệp kiểu gì?
        Không chỉ riêng các huyện cao nguyên đá, mà ngay cả các huyện phía tây của tỉnh như Hoàng Su Phì, Xín Mần, hoặc phía đông như Bắc Mê, dù ít đá hơn, vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn.
        Thiếu đất, thiếu nước bởi địa hình núi cao, độ dốc lớn... cộng thêm khí hậu khắc nghiệt rét buốt, sương muối cho nên bao năm qua, cái đói, cái nghèo trở thành bạn đồng hành như hình với bóng với hầu hết người dân Hà Giang. Mãi những năm gần đây, tỷ lệ hộ đói đã được giảm xuống, nhưng với tốc độ rất chậm. Tính từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ hộ đói trong toàn tỉnh vẫn vào khoảng 30%.
        Ông Vừ Tẩn Lai, người dân xã Ma Lé, huyện Đồng Văn giấu mặt vào bức tường đất kể về những mùa đói quay đói quắt như sợ cái bóng ma đói sẽ quay trở lại. Nhẹ nhàng nhưng quyết liệt, khó mà bẻ được cái lý kiểu người Mông: "Không phải do lười đâu! Đồng bào vẫn trồng ngô vào các hốc đất, nhưng đất ít quá. Đất ít thì ít cây. Cây ít thì ít quả! Quả ít là mình đói thôi! Gần đến thu hoạch thì mưa đá, thế là ngô gãy hết. Những năm đấy là đói nặng.
        Mấy năm trước, nhà này còn đói đấy.
        Đến mùa cây ngô ra hoa là hết đồ ăn.
        Chính phủ cho gạo thì có cái ăn, còn không thì chịu đói!".
        Bức "chân dung đói" quá khứ được vẽ bằng lời, gân guốc từng nét: "Ngày đói, bà con không làm gì được! Trời rét, nhà không có chăn ấm. Bụng lại đói nữa cho nên cứ ngồi ở nhà. Vì thế càng đói thêm!".
        Nhắc đến đói, ông Giàng Seo Páo, người xã Sũng Là, Đồng Văn xoắn tay vào nhau: "Mình cũng đi làm quần quật đấy! Cả nhà đi làm, cày đất trên đá.
        Cũng nhặt đất cho vào hốc trồng ngô, bí vậy mà vẫn không đủ ăn đâu! Không có ăn thì lấy đâu ra tiền cho con học?
        Nó cũng phải ở nhà để làm, để tìm cái ăn chứ".
        Ông Dương Minh Hòa, Bí thư Huyện ủy Xín Mần kể rất chi tiết như sợ người đối diện không hình dung được những ngày khó khăn. Hằng năm có khoảng 30 đến 40% dân số trong huyện bị đói, đó là chưa kể số bị đứt bữa. Trong ba tháng đói ấy thường rơi vào thời kỳ giáp hạt (tháng 7, 8, 9), người dân gõ cửa họ hàng, bán lúa non để tồn tại. Chính quyền lúc ấy cũng phải nỗ lực cân đối, khắc phục tại chỗ, giật chỗ này, đắp chỗ kia để chống đói, thiếu đâu lại thống kê báo cáo tỉnh, Trung ương xin chi viện... Vì cái đói, cái nghèo, nhiều gia đình đành "trói chân" không cho trẻ đến trường, nói gì đến chăm sóc sức khỏe bản thân và cho thế hệ tương lai?
        Cánh cửa đã mở
        Nhắc đến thời khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông trong một lần chia sẻ với người viết đã chua xót cho biết: "Nghèo, đói luôn dẫn đến nhiều hệ luỵ. Nó tác động tiêu cực đến trình độ dân trí, nhận thức. Nó gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của tỉnh. Chương trình cử tuyển hay đến thế, nhưng mấy năm trước, đếm cả huyện cũng chỉ được vài ba người học xong cấp ba! Đấy chú xem, thế thì lấy đâu ra bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhà quản lý...? Bởi vậy, trong lúc chưa cải thiện được tình hình thì mỗi năm phải xin Trung ương từ vài trăm đến một nghìn tấn gạo".
        Thực tế nghiệt ngã buộc lãnh đạo tỉnh Hà Giang, từ nhiều nhiệm kỳ trước phải xác định đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để chủ động an ninh lương thực.
        Hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đồ sộ ở đâu không biết, chứ ở đất này, người dân phải thấy "con bò, bể nước, mái nhà". Đó là tiêu chí "an sinh xã hội", là cái bảo đảm cho đồng bào nhìn thấy, để "ăn yên, ở yên" ổn định, phát triển kinh tế. Dẫu xác định đúng hướng, nhưng với nguồn lực của tỉnh nghèo, nói vậy cũng không dễ thay đổi cục diện một sớm một chiều.
       Từ đầu nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã đề ra 15 chương trình hành động, trong đó tập trung phát huy nội lực, giúp nhau thoát nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng nắm bắt, tranh thủ kịp thời các chương trình của Chính phủ như: hỗ trợ gạo cho người dân giữ rừng, hỗ trợ gạo cho học sinh vùng cao... cho nên đã tạo thêm nguồn lương thực, khuyến khích người dân tập trung thực hiện các chương trình cải cách nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ du lịch.
        Sau gần bốn năm triển khai, tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông tự tin, phấn khởi báo cáo với Tổng Bí thư rằng, sau rất nhiều năm xin gạo cứu đói của Chính phủ, "từ năm 2013 và sang 2014, Hà Giang cơ bản đã chủ động bảo đảm an ninh lương thực, không còn xin gạo cứu đói". Vậy là những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Hà Giang đã có kết quả. Thông tin sốt dẻo ấy đã được Tổng Bí thư hoan nghênh.
        Tôi tìm Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông chỉ để hỏi thêm, đại loại, thực tế có một số địa phương xin rút không hưởng Chương trình 135 nữa, để rồi một hai năm sau, lại tiếp tục xin vào 135, liệu tỉnh Hà Giang có lặp lại vết xe đổ này không? Nghe chưa dứt câu hỏi, Chủ tịch Đàm Văn Bông xua tay: "Làm thế khác gì bắt người dân chịu đói để mình lấy thành tích? Đó là việc làm vô cảm! Chúng tôi nhất quyết không làm, không bao giờ làm!".
        "Không xin gạo cứu đói", đó là đoạn cuối của một quá trình, là cái lý sau một chuỗi nỗ lực cải thiện, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, đưa đất sản xuất một vụ thành hai vụ. Các huyện vùng thấp, có điều kiện sản xuất thêm vụ ba.
        Những vùng không có điều kiện thì tận dụng đất, trồng thêm một vụ ngô. Tại các huyện vùng cao, ngoài việc tăng vụ ngô, người dân được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi của Ngân hàng Chính sách xã hội cho nên đã tập trung nuôi, vỗ béo bò để bán. Tiền bán gia súc quay lại mua lương thực cho nên đời sống người dân cũng đã được bảo đảm. Tỉnh cũng đã mở rộng chương trình "đầu tư có thu hồi" để quay vòng vốn, giúp người dân thu lợi ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn...
        Bà Lò Thị Páo, người dân xã Bản Ngò, huyện Xín Mần nghe tôi hỏi chuyện no ấm hôm nay cười rạng rỡ: "Không còn đói nữa đâu! Nhà ta đã trồng ngô hàng hóa ba năm rồi. Ngô trồng xong thì bán lấy tiền mua gà, lợn để nuôi. Tiền vẫn mua ngô, thóc ăn dần được mà. Có ăn thì có sức để làm tiếp.
        Năm ngoái hạn hán, ngô mất mùa, vậy mà nhà không bị đói đâu á! ". Ông Vương Mí Thành, xã Pà Vầy Sủ, Xín Mần nghe chuyện cũng "ầy dà" rõ to: "Cơ bản bây giờ bà con có cái ăn rồi.
         Vấn đề là cố gắng phát triển sản xuất để tăng thu nhập nữa thôi".
        Những dịch chuyển về nông nghiệp tích cực của tỉnh Hà Giang không đứng một mình. Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, năm 2015 sẽ khởi công, hoàn thành nâng cấp quốc lộ 2, quốc lộ 4C nối TP Hà Giang với các huyện vùng cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Giang phát triển du lịch. Người Hà Giang nghe tin này mừng lắm. Bởi theo như Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, mặc dù giao thông còn khó khăn, song những năm gần đây, khách du lịch đã đến với Hà Giang ngày càng cao, năm sau tăng hơn 30% so với năm trước.
         Khách du lịch đến nhiều, người dân tự tìm nguồn xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng... tham gia các hoạt động kết nối kinh doanh du lịch, phát triển kinh tế. Muốn kéo khách thì phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sạch; phải có đồ ăn sạch, kéo theo tư duy chăn nuôi trồng trọt hàng hóa, thân thiện với môi trường. Mới đây, tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát huy giá trị cao nguyên đá, kiểm soát để cân bằng giữa lợi ích kinh tế trước mắt và phát triển bền vững lâu dài, được Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu ghi nhận, tái công nhận   Cao nguyên đá Đồng Văn.
        Với biết bao nỗ lực và những chuyển động trước mắt, có thể nói cánh cửa chuyển mình của tỉnh Hà Giang đã mở...
 

Tin khác

Liên kết website