Kinh tế

Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030

19/04/2018 00:00 126 lượt xem

Chiều 18.4, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Các đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, hội đặc thù của tỉnh. Dự tại điểm cầu huyện Xín Mần có đồng chí Vàng Seo Cón, TUV, Bí thư huyện ủy; lãnh đạo Thường trực huyện ủy, HĐND, UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban liên quan…

        Tại hội nghị, các đại biểu nghe PGS - TS Trần Văn Ơn, đại diện Công ty DK Pharma, đơn vị tư vấn xây dựng Đề án OCOP tỉnh Hà Giang, giới thiệu những nội dung cơ bản trong đề án OCOP. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM). Trọng tâm của Đề án OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí Quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát triển xã hội khu vực nông thôn Hà Giang theo hướng bền vững. Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Giang” được triển khai thực hiện trên toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian thực hiện 36 tháng (từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2020), thực hiện tuân thủ trên 3 nguyên tắc: Hành động của địa phương hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực. Nội dung chủ yếu của Đề án gồm: Triển khai Chu trình OCOP; xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP; hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; đào tạonhân lực …

        Mục tiêu năm 2018, tỉnh Hà Giang thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành, thực hiện Chương trình OCOP các cấp (Tỉnh, huyện, xã) và bộ phận tham mưu, giúp việc chuyên trách OCOP. Lấy huyện Quản Bạ làm thí điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung theo đề án của tỉnh, cuối năm tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng… 

        Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình và đánh giá cao hiệu quả của đề án khi triển khai thực hiện thành công. Đồng thời tham gia ý kiến, định hướng thêm cho việc triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án; bổ sung ý kiến vào dự thảo Kế hoạch triển khai Đề án OCOP tỉnh Hà Giang năm 2018. 

         Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo: Thành lập ngay tổ tư vấn để tổ chức thực hiện từng nội dung trong kế hoạch theo lộ trình cụ thể; thành lập Trung tâm OCOP tại các địa phương. Các huyện, thành phố theo sát cách làm thí điểm ở Quản Bạ để có đánh giá sát thực, rút kinh nghiệm trong cách làm. Đối với huyện Quản Bạ là huyện làm điểm cần xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai thực hiện một cách chi tiết. Các huyện, thành phố còn lại tổ chức hội nghị triển khai, tiến hành lựa chọn các sản phẩm sẵn có để phát triển. Các ngành, địa phương hướng dẫn các tổ chức kinh tế, đơn vị kinh doanh, hộ gia đình đăng ký sản phẩm. Bố trí ngân sách từ nguồn xây dựng nông thôn mới và các nguồn sự nghiệp khác, kịp thời, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất. 


Tin khác

Liên kết website