Kinh tế

Sơ kết Chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng

18/09/2018 00:00 90 lượt xem

Chiều 17.9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với 7 huyện biên giới của tỉnh sơ kết Chương trình phát triển Kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực UBND và một số phòng, ban 7 huyện biên giới. Tại điểm cầu huyện Xín Mần do đồng chí Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì, tới dự có lãnh đạo 1 số ngành của huyện.

        Chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng là 1 trong 5 Chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Trong hơn 2 năm thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành 5 đề án, phương án, kế hoạch, trình HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết về phát triển kinh tế biên mậu (Nghị quyết 206 và 120); công bố mở chính thức Cửa khẩu song phương Xín Mần  - Đô Long (26.3.2018); xây dựng và ký kết chương trình hợp tác cửa khẩu, lối mở giữa tỉnh Hà Giang và châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); thống nhất với châu Văn Sơn duy trì 10 cặp lối mở trên tuyến biên giới, thúc đẩy khai thông khu vực 4 mốc trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc và sớm mở chính thức khu vực mốc 172 và 409. Triển khai thực hiện 21 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu, lối mở, giao thông với tổng mức đầu tư trên 1.467 tỷ đồng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và các cửa khẩu song phương, lối mở chính thức. Thu hút trên 40 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; cấp chứng nhận đầu tư cho 44 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.000 tỷ đồng… Chương trình phát triển kinh tế biên mậu đã góp phần thúc đẩy phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khu vực biên giới theo quy hoạch; tăng thu cho ngân sách và tạo điều kiện cho các dịch vụ hỗ trợ xuất, nhập khẩu hàng hóa khu vực biên giới phát triển; giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho cư dân biên giới; giữ vững tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cửa khẩu, lối mởi còn hạn chế, khó thu hút các doanh nghiệp; hạ tầng bên ngoài các cửa khẩu, lối mở chưa được đầu tư đồng bộ; cơ chế phối hợp giữa các ngành, lực lượng ở khu vực biên giới có lúc chưa chặt chẽ; các chính sách phát triển biên mậu thiếu linh hoạt, chưa thống nhất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư, hoạt động và chưa tương quan với cơ chế quản lý thương mại biên giới của nước có chung đường biên…Đại diện một số huyện biên giới và các ngành cho rằng kết quả phát triển kinh tế biên mậu chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự điều tiết của Trung Quốc; giá trị hàng xuất khẩu hạn chế, hàng nội tỉnh chiếm số ít…

         Các đại biểu đã tập trung phân tích các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải khi thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biên mậu; những điểm chưa phù hợp trong các chính sách thu hút đầu tư, trong Nghị quyết 206, 120; đề xuất các kiến nghị đầu tư cơ sở hạ tầng chợ biên giới và nâng cấp hệ thống giao thông đến các cửa khẩu, lối mở biên giới; điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư vào khu vực cửa khẩu, lối mới và hoạt động thương mại biên giới… Đối với huyện Xín Mần, trong thời gian qua hoạt động kinh tế biên mậu đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2,2 triệu USD tăng 241% so với cùng kỳ năm 2017.

        Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh yêu cầu Sở Công thương tiếp thu ý kiến của các huyện và sở, ngành hoàn thiện Dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đồng thời cho rằng việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biên mậu chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các sở, ngành chức năng phối hợp rà soát lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu chương trình đặt ra; rà soát hoạt động của các chợ biên giới; tham mưu cho UBND tỉnh lộ trình nâng cấp các tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế biên mậu và trao đổi với cơ quan hữu quan phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ đấu nối cầu Nà La tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; kiến nghị Trung ương đầu tư hạ tầng giao thông biên giới phục vụ tuần tra đường biên mốc giới; tham mưu cho tỉnh ban hành định mức thu phí và lệ phí tại các cửa khẩu; xây dựng cơ chế kết nối thông tin, nắm bắt các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu của Trung Quốc để tham mưu cho tỉnh điều chỉnh các chính sách phù hợp; kiến nghị các bộ, ngành T.Ư những vướng mắc liên quan đến sự chồng chéo trong công tác quản lý một số vấn đề trên tuyến biên giới và khu kinh tế cửa khẩu; tiếp tục duy trì và xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới, trong các khu kinh tế cửa khẩu; cân đối ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biên mậu; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biên mậu. Đối với các huyện biên giới, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư hạ tầng biên giới do huyện làm chủ đầu tư… 


Tin khác

Liên kết website