Bản tin thông báo nội bộ

BẢN TIN THỐNG BÁO NỘI BỘ (Tháng 3 năm 2019)

23/04/2019 00:00 157 lượt xem

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 15-3-2019, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 205-KH/HU về tập huấn thực hiện Hướng dẫn số 07-HD/TU ngày 24-11-2018; Đề án số 18-ĐA/TU ngày 12-9-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và công tác Đảng

-     Kế hoạch số 205-KH/HU được ban hành với mục đích nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện nội dung Hướng dẫn số 07-HD/TU ngày 24-11-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ”; Đề án số 18-ĐA/TU ngày 12-9-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng cấp cơ sở trong toàn Đảng bộ tỉnh” và công tác Tuyên giáo. Góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ; công tác kiểm tra, giám sát và công tác Tuyên giáo trong toàn Đảng bộ huyện.

-   Đồng thời việc tập huấn phải đảm bảo các nội dung trong Hướng dẫn số 07-HD/TU, Đề án số 18-ĐA/TU và công tác Đảng cho phù hợp với tình hình thực tế các loại hình tổ chức Đảng trong Đảng bộ huyện

-     Các Chi bộ tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung sau khi đã được tập huấn mà Kế hoạch số 205-KH/HU đã đề ra.

                                                       Ban Biên tập Bản tin nội bộ điện tử

 

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH

 HỒ CHÍ MINH VỀ NHẬN DIỆN BẤT LIÊM ĐỂ “XÂY” ĐỨC LIÊM

I- BIỂU HIỆN CỦA BẤT LIÊM

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam”; liêm ngày nay rộng hơn ngày xưa, không chỉ gồm những người làm quan không đục khoét dân mà “mọi người đều phải Liêm”. Người cán bộ, người buôn bán, người có tiền, người cày ruộng,… đều phải có đức liêm. 

Trái với đức liêm là bất liêm. “Tham địa vị, tham tiền của, tham danh tiếng, tham ăn ngon là BẤT LIÊM”. Người buôn bán mà mua gian, bán lận là bất liêm; người có tiền mà cho vay cắt cổ, bóp họng đồng bào là bất liêm; người làm nghề mà nhân lúc khó khăn bắt chẹt đồng bào là bất liêm; người làm ruộng mà lấy cắp nước của láng giềng là bất liêm;…

Đối với người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, trộm của công làm của tư là bất liêm; dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình, gặp việc phải mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm đều trái với LIÊM. Như thế, bất LIÊM của người cán bộ, theo tư tưởng Hồ Chí Minh có nội dung rộng, nó không chỉ là hành vi “đục khoét dân”, “ăn của đút lót”, “trộm của công” mà còn bao gồm các hành vi “lộng quyền”, “dìm người giỏi”, “háo danh”, “ngại khó ngại khổ” trong công việc. Hành vi bất liêm của người cán bộ là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thói quan liêu, hách dịch, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái. Xem thế, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên là trái với liêm; sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là bất liêm. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Do BẤT LIÊM mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”. Người dẫn lời Khổng Tử: “Người mà không liêm, không bằng súc vật” và dẫn lời Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Những cán bộ dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm để có dịp là đục khoét, ăn của đút, lộng quyền, “dĩ công vi tư” sẽ có hại cho Đảng, cho dân, cho nước. Hành vi của những cán bộ bất liêm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với chế độ mà nhân dân ta đang xây dựng, theo đó việc khơi dựng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bị suy giảm.

Những cán bộ đục khoét của dân, tham ô, tham nhũng rất khó nhận diện nhưng không khó để vạch mặt chỉ tên, nếu thanh tra, kiểm tra được tiến hành tốt. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua đã cho thấy rõ điều đó. Song những cán bộ ngại khó ngại khổ, thiếu trách nhiệm trong thực thi chức trách, tham danh tiếng (háo danh), không minh bạch trong công tác cán bộ,… sẽ khó nhận diện dẫn đến khó xử lý. “Ăn của đút lót” là một hành vi mà cho đến nay việc nhận diện, xử lý chưa cho kết quả nhiều. Cần nhận rõ rằng, những hành vi đó trái với đức LIÊM, những cán bộ đó là BẤT LIÊM nên cần phải đấu tranh như đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng và nên xác định nó là một nội dung quan trọng trong đấu tranh phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. 

Để làm trong sạch đội ngũ, để làm lành mạnh nền hành chính quốc gia, để cho người dân “bớt khổ” trong quá trình làm ăn, sinh sống của mình. cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống “ăn của đút lót” - “tham nhũng vặt” Một nền hành chính minh bạch, với đội ngũ cán bộ thanh liêm, “không đòi bôi trơn” sẽ tạo ra môi trường xã hội thuận lợi cho việc phát huy mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nếu “tham nhũng vặt” không được đấu tranh, ngăn chặn sẽ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

II- XÂY ĐỨC LIÊM, ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BẤT LIÊM

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, để xây dựng đức liêm, phòng chống bất liêm, “cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. 

Nghĩa là, cán bộ phải gương mẫu, đi đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện và phát huy đức liêm ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc. Cán bộ luôn liêm khiết sẽ là tấm gương sáng để mọi người noi theo tu dưỡng, rèn luyện đức liêm để cả xã hội đều liêm. “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”. Lời chỉ dạy của Người về nêu gương trong thực hành đức liêm càng làm cho thấy tầm quan trọng của việc nêu gương đối với cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đang khơi dựng hiện nay. Cán bộ, đảng viên cần nhận rõ trọng trách chính trị xã hội của mình để chú tâm gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện đức liêm.

          Nhưng cũng có khi “quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, nêu cao liêm chính, không chịu đút lót, thì quan “dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM”. Như thế, góp phần để cán bộ liêm chính thì mỗi công dân phải thực hành chữ LIÊM, thực hành liêm chính trong thực hiện chức phận công dân, trong các quan hệ xã hội của mình, nhất là trong quan hệ với những người có chức quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “mọi người đều phải Liêm”, người buôn bán, người có tiền, người cày ruộng, người làm nghề, người cờ bạc,… đều phải có đức liêm. Người không tham lam thì mới có thể ngăn chặn người khác không tham, mình không liêm sao có thể đòi hỏi người khác phải liêm. Nếu mọi người làm việc gì cũng dùng phong bì, phong bao để nhanh được việc thì khó có thể loại bỏ được sự bất liêm trong cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, để cuộc đấu tranh phòng chống sự tha hóa về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên đạt hiệu quả cao, cần phải loại bỏ hành vi “đút lót”, “chạy chọt” trong đời sống xã hội nước ta hiện nay. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp bởi vì đút lót, bôi trơn đang như là một “thói quen” trong đời sống xã hội và những cán bộ suy thoái về đạo đức, lối sống đã, đang lợi dụng thói quen xã hội này để trục lợi, làm giàu. Người dân không đút lót sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính và cán bộ thực hành liêm chính sẽ loại bỏ thói quen đút lót của người dân. Một nhà nước của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân, một chính phủ kiến tạo phải là một nhà nước, một chính phủ mà tất thảy mọi cán bộ, công chức phải liêm chính.

“Để xây dựng đức LIÊM, đấu tranh phòng chống BẤT LIÊM, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra bốn biện pháp: Một là, cán bộ phải gương mẫu, tự mình liêm khiết để làm gương cho nhân dân noi theo. Hai là, nhân dân biết phát huy quyền hạn của mình để giúp cán bộ thực hiện đức liêm. Ba là, thực hành tuyên truyền giáo dục để mọi người nhận thức rằng bất liêm là điều xấu, có tội với dân với nước, từ đó mà tu dưỡng đức liêm. Bốn là, xử lý nghiêm minh với những con người bất liêm”.

Để đấu tranh phòng chống sự bất liêm trong cán bộ, đảng viên phải dựa vào dân, phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát, “phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”. Muốn thế, cần không ngừng nâng cao ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, bồi dưỡng và phát huy năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội, ý thức dân chủ xã hội của nhân dân để trên cơ sở đó mà tổ chức và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đức liêm cho cán bộ. Để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đức liêm cho cán bộ, đội ngũ cán bộ phải tin dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, trước hết cấp ủy đảng phải có những biện pháp cụ thể, phù hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến của mình. Gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân về đức liêm của đội ngũ cán bộ là quán triệt quan điểm “dân là gốc”. 

Bên cạnh đó, chú trọng xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi, những con người bất liêm, cho dù họ là ai. Qua đó, cảnh tỉnh mọi người tránh xa hành vi bất liêm, đồng thời tạo dựng niềm tin xã hội. Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian gần đây đã làm gia tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý xã hội của Nhà nước. Khi niềm tin được củng cố thì đồng thuận xã hội gia tăng, đó là một trong những điều kiện phát huy sức mạnh của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, để mọi người đều liêm, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người nhận thức rõ rằng bất liêm là “ăn cắp”, là xấu, để mà tránh xa nó. Bằng mọi cách làm cho mọi người dân, trong đó có cả cán bộ hiểu rõ rằng lòng tự hào, tự tôn dân tộc phải thể hiện ở sự liêm chính. Quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình từng bước loại bỏ hành vi trái với liêm, đấu tranh không khoan nhượng với những con người bất liêm như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. 

                           Trích nguồn dẫn tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA BAN THƯỜNG VỤ

HUYỆN ỦY XÍN MẦN THÁNG4/2019

- Chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy tháng 03-2019.

- Chỉ đạo tổ chức Lễ hội Văn hóa Dân tộc Nùng huyện Xín Mần lần thứ Nhất, năm 2019.

- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai việc thực hiện đột phá tăng tỷ trọng chăn nuôi đạt 36,5% giá trị sản xuất nông nghiệp.

- Tiếp tục duy trì các hoạt động đối ngoại, hợp tác trên các lĩnh vực với huyện Mã Quan - Trung Quốc; Phối hợp tổ chức các hoạt động sau Lễ ký kết nghĩa giữa hai huyện Xín Mần - Mã Quan.

- Chỉ đạo đánh giá kết quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo huyện quý I; triển khai nhiệm vụ quý II năm 2019.

- Chỉ đạo chuẩn bị các nội dung Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 20 (mở rộng).

- Chỉ đạo tổ chức thành công Đại Hội Mặt trận Tổ quốc huyện khóa XVI, nhiệm kỳ 2019 - 2024.

 - Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ diễn tập ứng phó lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện Xín Mần năm 2019.

- Tham dự các cuộc họp, Hội nghị do Tỉnh tổ chức; chủ trì các cuộc họp thường kỳ, đột xuất của Huyện.

                                                             Ban Biên tập Bản tin nội bộ điện tử

 

 

ĐỊNH HƯỚNG

Công tác Tuyên truyền tháng 4 năm 2019

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Xín Mần Định hướng những nội dung trọng tâm tuyên truyền tháng 4 năm 2019 như sau:  

1. Tập trung tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 gắn với nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị; kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I, phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2019 của Huyện.

2. Tiếp tục phổ biến quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với tuyên truyền việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương và văn bản cụ thể hóa của Tỉnh, Huyện về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần chỉ đạo tại công văn số 5361, ngày 26-02-2019; Quy định số 16-QĐi/TU, ngày 8-03-2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của Huyện.

3. Tuyên truyền các nội dung liên quan đến các dự án lớn của Trung ương, của Tỉnh, huyện đang được triển khai trên địa bàn. Trong đó trọng tâm vào việc tuyên truyền giải phóng mặt bằng đối với việc thực hiện các dự án lớn của Trung ương, Tỉnh, Huyện để nhân dân hiểu rõ được ý nghĩa của việc thực hiện dự án và các chế độ, chính sách của Nhà nước.

4. Tập trung tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh Xín Mần: công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian các dân tộc huyện Xín Mần; đặc biệt tuyên truyền công tác chuẩn bị trước, trong và sâu Lễ Hội văn hóa dân gian dân tộc Nùng Huyện Xín Mần lần thứ nhất năm 2019; tuyên tuyền về công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Xín Mần, khóa XVI nhiệm kỳ 2019 – 2024; tuyên truyền về công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai cấp Huyện năm 2019.

5. Tập trung tuyên truyền về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó trọng tâm tuyên truyền thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn, các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; hàng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ tỉnh, các huyện lân cận vào huyện ta.

6. Tiếp tục tuyên truyền về kết quả triển khai học tập, quán triệt và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, trọng tâm là: Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10-01-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21-01-2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 22-01-2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Quy định số 11-Qđi/TW, ngày 18-02-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân...

Đồng thời, tuyên truyền việc sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên địa bàn, ngành, lĩnh vực. Trọng tâm trong tháng là: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01-7-2014 của Bộ Chính trị, khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 07-9-2009 của Ban Bí thư, khóa X về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới... Thông qua tuyên truyền việc sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn ở các cấp, các ngành, cơ sở về đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.  

7. Tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung tuyên truyền điển hình tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả, bài học kinh nghiệm trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương... Mục đích, ý nghĩa việc tổ chức Hội thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

8. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, Huyện về công tác giáo dục, trong đó tập trung tuyên truyền về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; tuyên truyền các biện pháp ngăn chặn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không để thực phẩm bẩn, ôi thui, thực phẩm nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc vào các bếp ăn trong trường học và khẩu phần ăn của các học sinh...

9. Thông tin kịp thời về thời tiết nông vụ gắn với tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng trong gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ sản xuất vụ mùa năm 2019.

10. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông các dịp nghỉ lễ; công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, phòng, chống đuối nước, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất, đá...

 11. Tuyên truyền các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh diễn ra trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5 năm 2019, như: tuyên truyền đậm nét kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019); 133 năm ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 – 01/5/2019); 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2019); Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 âm lịch).

* Đối với công tác tuyên truyền Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10 tháng 03 âm lịch): Tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của Ngày giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng, qua đó nêu bật về truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân – những người đã có công lao, đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước. Khẳng định “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và thực tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Qua đó cổ vũ các tầng lớp Nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, dâu chủ, công bằng, văn minh. Tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng về Đại đoàn kết toàn dân tộc; mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.  

* Đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019): Tuyên truyền giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; đường lối cách mạng Việt Nam, đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng ta; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện, đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nêu bật sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của quân và dân ta; sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của Nhân dân ta; những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; những bài học kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo chiến lược, các phương thức, biện pháp để tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình. Tôn vinh và chi ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh tính mạng, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ và của cải làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Tuyên truyền những thành tựu của đất nước sau 44 năm thống nhất, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay; khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần “Quyết thắng” và chủ động nắm bắt thời cơ trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975 để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tầng lớp Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

 * Đối với công tác tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2019): Nêu bật thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược; khẳng định ý nghĩa to lớn và sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc Việt Nam, với quốc tế và thời đại tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và quân dân cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôn vinh những đóng góp to lớn của các tầng lớp Nhân dân Việt Nam, trong đó có sự tham gia của Nhân dân các dân tộc Tỉnh Hà Giang và sự đóng góp của bạn bè quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tuyên truyền những thành tựu to lớn của đất nước sau 65 năm, kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ; những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng Điện Biên Phủ, qua đó khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Ngoài những nội dung định hướng trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các xã, thị trấn bám sát tình hình thực tế lựa chọn nội dung, bổ sung các nội dung tuyên truyền cần thiết, đảm bảo triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả.  

                                                              Ban Biên tập Bản tin nội bộ điện tử

 

 

  


Tin khác

Liên kết website