Bản tin thông báo nội bộ

BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ THÁNG 1 NĂM 2023

08/02/2023 22:06 1022 lượt xem

BẢN TIN THÔNG BÁO NỘI BỘ THÁNG 1 NĂM 2023

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 11/01/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Xín Mần ban hành Kế hoạch số 150-KH/HU về công tác lý luận chính trị trên địa bàn huyện Xín Mần năm 2023 .

Kế hoạch ban hành nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học viên, học sinh về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; gắn lý luận với thực tiễn, gắn việc học tập lý luận chính trị với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đồng thời góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luạt của Nhà nước.

* Ngày 11/01/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Xín Mần ban hành Kế hoạch số 151-KH/HU về triển khai thực hiện công tác khoa giáo năm 2023

Kế hoạch ban hành với mục địch nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác khoa giáo trong năm 2023. Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của tỉnh về giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; y tế, dân số, thể dục thể thao, gia đình, trẻ em, an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thông qua hoạt động khoa giáo, cấp ủy các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ, xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

* Ngày 05/01/2023, UBND huyện Xín Mần ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn huyện Xín Mần

Nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Tỉnh về Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh, sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

* Ngày 10/01/2023, UBND huyện Xín Mần ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND về thực hiện chuyển đổi số huyện Xín Mần năm 2023

Kế hoạch ban hành nhằm mục đích xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ nhằm kết nối các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, tạo nền tảng phát triển chính quyền số; thực hiện chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; kết nối, chia sẻ, phân tích, mở dữ liệu cung cấp và cải tiến các dịch vụ công phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; trọng tâm là kết nối các hệ thống thông tin của huyện, tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tập trung nguồn lực phát triển chính quyền số, trọng tâm là phát triển và quản lý dữ liệu số. Duy trì và nâng cao chỉ số xếp hạng chuyển đổi số của huyện lên mức tốp đầu của tỉnh.

* Ngày 31/01/2023, UBND huyện Xín Mần ban hành Chương trình số 19/CTr-UBND về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Chương trình ban hành gồm 04 nội dung thi đua, bao gồm: (1) Thi đua hoàn thành và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023; (2) Các cơ quan, đơn vị; các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII và Nghị quyết của chi, đảng bộ mình nhiệm kỳ 2020-2025. (3) Đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. (4) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; các mô hình điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; chủ động phát hiện, xây dựng, phổ biến kinh nghiệm với những cách làm hay, sáng tạo để nêu gương, học tập, làm theo. Mỗi xã, thị trấn phát hiện, bồi dưỡng từ 10 điển hình trở lên để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; các cơ quan, đơn vị cấp huyện xây dựng từ 2 đến 3 điển hình để nhân rộng theo lĩnh vực ngành, phạm vi phụ trách.

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 01 NĂM 2023

1. Nghị định số 104/2022/NĐ-CP, ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).

Nghị định số 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Quyết định số 2081/QĐ-NHNN, ngày 12/12/2022 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về mức lãi suất của các Ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở ttheo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, ngày 15/5/2013; Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023).

 Quyết định số 2081/QĐ-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã tăng mức lãi suất áp dụng trong năm 2023 của các ngân hàng thương mại đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở.

Mức lãi suất áp dụng cho năm 2023 là 5%, đã tăng 0,2% so với mức lãi năm 2022 được ghi nhận tại Quyết định số 1956/QĐ-NHNN năm 2021. Sang năm 2023, các đối tượng được hỗ trợ vay vốn để mua, thuê nhà ở sẽ phải chịu mức lãi mới cao hơn.

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG “DÂN VẬN KHÉO” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Dân vận, đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949. Ngắn gọn và súc tích, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa cô đọng, sâu sắc tư tưởng của Người về công tác dân vận, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tác phẩm "Dân vận" đăng trên báo Sự Thật ngày 15/10/1949.

DÂN VẬN LÀ “VẬN ĐỘNG TẤT CẢ LỰC LƯỢNG CỦA MỖI MỘT NGƯỜI DÂN”

Nhận thức sâu sắc rằng “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin về vận động quần chúng kiểu mới để tiến hành công tác dân vận. Trong tác phẩm Dân vận, Người khẳng định bản chất của “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Thấm nhuần lời của cổ nhân “chở thuyền cũng là dân”, “lật thuyền cũng là dân”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, muốn tuyên truyền, vận động và phát huy nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng và cả hệ thống chính trị phải gắn bó mật thiết với nhân dân; phải tốt công tác dân vận. Vì, “trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước”, cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Cũng theo lời Người, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dù đúng đắn, nhưng nếu không được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân thì rất khó đi vào hiện thực cuộc sống; nhưng muốn được nhân dân ủng hộ thì phải thực hiện tốt công tác dân vận, “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Nghĩa là, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gần dân, hết lòng yêu dân, kính dân, hiểu dân, phải: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”; cán bộ từ Chủ tịch nước trở xuống đều phải là đày tớ trung thành của nhân dân, vì “dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, uỷ viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.

Muốn đạt được như vậy, mọi cán bộ, đảng viên đều phải làm dân vận, đều phải biết: 1) “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”, để đem tài dân, sức dân, của dân mà làm lợi cho dân. 2) Phải khắc phục kiểu suy nghĩ và làm việc từ “trên dội xuống”, chỉ thích lãnh đạo, “thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác”; “làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo”. 3) Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, với bất cứ việc to, việc nhỏ, thì “sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.

Cụ thể, để dân vận đúng và hiệu quả, mỗi người khi tiến hành dân vận “không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị”, mà phải chú trọng thực hiện sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, các đoàn thể chính trị với công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, lợi ích, quyền lợi của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trên tinh thần đó, người làm dân vận phải: Một là, “tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Hai là, “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”. Ba là, “trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”. Bốn là, “khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.

CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ ĐỀU PHẢI LÀM DÂN VẬN

Một trong những nội dung quan trọng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dân vận không phải là việc riêng của một hai người, một hai ban, ngành, không chỉ là công tác của các đoàn thể vận động quần chúng mà phải là của cả hệ thống chính trị, là “tất cả cán bộ chính quyền. Tất cả cán bộ đoàn thể. Tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,v.v.) đều phải phụ trách dân vận”. Cụ thể, theo Người, cán bộ chính quyền và các Đoàn thể địa phương là những người trước tiên phải làm/phụ trách dân vận, phải phối hợp chặt chẽ, “cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức phân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn…”; “các cán bộ canh nông thì hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, đi sát với dân”; “hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”.

Để làm dân vận đúng và tốt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Đó phải là những người luôn tự mình làm gương thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng” và “phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy”,v.v.. để nhân dân noi theo. Hơn nữa, vì “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”, cho nên, “muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”, rồi “phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành”... Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên cũng phải khắc phục “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”.

Giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận chính là: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, tấm gương làm dân vận mẫu mực của Người đã được Đảng ta thấm nhuần và thực hiện.

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, đã có nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường công tác dân vận được ban hành. Theo đó, cấp ủy, các cấp chính quyền, đoàn thể một mặt đã chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, tôn trọng; mặt khác, tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc... góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Phong trào “Dân vận khéo” và việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cụ thể, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế ở các địa phương đã góp phần từng bước tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong nhân dân. Việc chỉ đạo đăng ký các mô hình “Dân vận khéo” gắn với đấu tranh phòng, chống lãng phí, quan liêu, tham ô, tham nhũng và thực hành tiết kiệm góp phần thiết thực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

TIẾP TỤC THỰC HIỆN TƯ TƯỞNG “DÂN VẬN KHÉO” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác dân vận cũng còn những hạn chế, cần phải khắc phục, đó là, việc thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời, nhất là cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức, chưa trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Trong khi đó, một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác dân vận; ở một số địa bàn cơ sở, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội giảm sút vai trò lãnh đạo, thiếu sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Thực trạng này đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa XI ngày 3/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

 Thấm nhuần những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương mẫu mực của Người về dân vận, nhất là để “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân… Phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong thời gian tới, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, mục đích, nội dung, phương thức tiến hành công tác dân vận trong tình hình mới. Cụ thể, gắn thực hiện công tác dân vận với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.

Thứ hai, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đa dạng các phương pháp, hình thức dân vận phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương, mỗi địa bàn cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; đồng thời, thông qua các hình thức, biện pháp sinh động, phong phú tuyền truyền, giáo dục để nâng cao giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng, hiểu biết pháp luật cho nhân dân, để nhân dân thực hiện tốt vai trò “là chủ”, “làm chủ” của mình. Gắn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

Thứ ba, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận, để các tầng lớp nhân dân đều có thể thông qua diễn đàn Mặt trận bày tỏ chính kiến của mình. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động và kịp thời nắm bắt nhanh tình hình, tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân để tham mưu Đảng, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Thông qua đó, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho nhân dân, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nhân nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; trong đó, chú trọng nâng cao trình độ và tinh thần, trách nhiệm của người làm dân vận trên tinh thần “không để sót một người dân nào” và “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện về vật chất, tinh thần và cơ chế để các tổ chức và người làm công tác dân vận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; xây dựng phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, nâng cao trách nhiệm với dân và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình, điển hình đã có và tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình mới. Chú trọng xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo”, mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn cơ sở, từng đối tượng gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước./.

                                                 Ban Tuyên giáo Trung ương

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 02 NĂM 2023

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình, tập trung tuyên truyền tốt một số nội dung trọng tâm trong tháng 02/2023:

1. Tiếp tục tuyên truyền việc học tập, quán triệt các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tuyên truyền các Luật, Nghị quyết… được thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVIII và kỳ họp thứ sáu Hội đồng nhân dân huyện khóa XX.

2. Tuyên truyền Quy định số 07-QĐ/TU, ngày 05/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó nhấn mạnh tới phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử, điều động và biệt phái cán bộ; Quy định số 09-QĐ/TU, ngày 16/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng; Nghị quyết số 30-NQ/TU, ngày 02/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và nghị quyết số 16-NQ/HU, ngày 22/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023. 

3. Tuyên truyền Chương trình số 29-CTr/HU, ngày 26/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Xín Mần về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 307/KH-UBND, ngày 27/12/2022 của Ủy ban nhân dân huyện Xín Mần về triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

4. Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới gắn với việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương nhằm đưa văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuyên truyền về kết quả Hội chợ việc làm tổ chức tại huyện Xín Mần; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi lao động tham gia chương trình xuất khẩu lao động và hỗ trợ tư vấn đào tạo nghề, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo với người lao động năm 2023.  

5. Thông tin, tuyên truyền về những kết quả nổi bật trong công tác thu thuế năm 2022; biểu dương người nộp thuế tiêu biểu; hiệu quả của việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử của ngành Thuế đến nhân dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Thông tin, tuyên truyền kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2022, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. 

6. Tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh trong các nhà trường thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá; đặc biệt, chú trọng nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại to lớn của thuốc lá thế hệ mới. Khuyến khích tổ chức các buổi nói chuyện sức khỏe chuyên đề “Phòng chống tác hại của thuốc lá” với các nội dung về thành phần độc hại trong khói thuốc, tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người hút thuốc, tác hại đối với người hút thuốc thụ động.

7. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhấn mạnh giá trị, lợi ích của việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; việc triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các cấp, các ngành, đơn vị; tuyên truyền về những mô hình hay, việc làm thiết thực của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, tổ công nghệ cộng đồng về chuyển đổi số; phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng số cơ bản cho người dân như truy cập và sử dụng Internet, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cá nhân...  

8. Tiếp tục tuyên truyền các hoạt động đối ngoại, việc tham dự hội nghị quốc tế quan trọng của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Tập trung tuyên truyền nhấn mạnh nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên của hoạt động đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước.  

9. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định, quy chế khu vực biên giới, không xuất, nhập cảnh trái pháp luật; tích cực tham gia các phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Cùng với đó, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam với những cơ sở, chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.     

10. Tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913-15/02/2023) - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCHVN, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Trong đó tập trung làm nổi bật những đóng góp to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.  

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Nguyễn Ngọc Khuyên

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy,

Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm

Chính trị huyện - Trưởng ban biên tập.

PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

1. Đ/c Trần Văn Hòa

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện,

Phó Trưởng ban TTr Ban Tuyên giáo Huyện ủy

2. Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

BIÊN TẬP NỘI DUNG

1/ Đ/c Lý Mạnh Hồng - Chuyên viên BTG

2/ Đ/c Hoàng Thị Hằng - Chuyên viên BTG

3/ Đ/c Hoàng Văn Phong - Chuyên viên BTG


Tin khác

Liên kết website