Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin Thông báo nội bộ tháng 10 năm 2022

06/11/2022 20:52 1238 lượt xem

Bản tin Thông báo nội bộ tháng 10 năm 2022

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 20/10/2022, Huyện ủy Xín Mần ban hành Nghị quyết số 11-NQ/HU về phát triển giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025

Nghị quyết ban hành nhằm tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo, trong đó xác định:

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Phát triển và đầu tư cho giáo dục trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển giáo dục của tỉnh, của huyện giai đoạn 2021-2025.

Tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học; xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và viên chức quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học; duy trì và từng bước nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

* Ngày 20/10/2022, Huyện ủy Xín Mần ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025

Nghị quyết ban hành nhằm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn, là cơ hội phát triển kinh tế-xã hội; phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nội lực địa phương, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng kết cấu cơ sở hạ tầng; đảm bảo quốc phòng-an ninh. Được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng; sự chỉ đạo sát sao, cụ thể và đồng bộ của Chính quyền; sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, minh bạch.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Đảng bộ tỉnh vào hoạt động thực tiễn; thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia đạt hiệu quả cao. Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc. Xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an ninh, quốc phòng; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2025 huyện Xín Mần giảm nghèo nhanh, bền vững.

* Ngày 20/10/2022, Huyện ủy Xín Mần ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Nghị quyết ban hành nhằm vận dụng và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025. Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội; cần có sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp đồng bộ, thống nhất của các cơ quan ban ngành từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân.

Phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử và giá trị văn hóa các dân tộc để tạo ra các sản phẩm du lịch bền vững, hấp dẫn mang tính đặc trưng của địa phương.

Từng bước đưa ngành du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển đổi hình thức lao động nông nghiệp sang hoạt động du lịch, dịch vụ góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

 * Ngày 20/10/2022, Huyện ủy Xín Mần ban hành Nghị quyết số 14-NQ/HU về lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện phải tạo được sự đồng thuận, tham gia tích cực, chủ động, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của thị trường, gắn với giải quyết việc làm tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Chủ động huy động, kết hợp, lồng ghép các nguồn lực đầu tư; quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho mục tiêu đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các chính sách của tỉnh một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả.

Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, đào tạo tay nghề cao, có chứng chỉ đạt chuẩn và tạo điều kiện thuận lợi để lao động tham gia học nghề theo nhu cầu, phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế gia đình và yêu cầu của thị trường lao động. Tăng cường việc kết nối với các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, cải thiện đời sống cho người lao động.

Tổ chức các phiên giao dịch, hội chợ việc làm tạo điều kiện cho người lao động lựa chọn tham gia thị trường lao động trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

* Ngày 20/10/2022, Huyện ủy Xín Mần ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU về thu hút đầu tư lĩnh vực Nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030

 Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là chính, thu hút các Doanh nghiệp, Hợp tác xã vào các lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nông nghiệp xanh vietgap, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, đặc trưng, đặc sản, chất lượng cao theo chuỗi giá trị bền vững; tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã vào sản xuất kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, gắn với phát triển Du lịch; kết hợp với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, là giải pháp đột phá để chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy sự tham gia của các chủ thể hạt nhân là các doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Phát triển kinh tế nông nghiệp trọng tâm, trọng điểm vào các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc sản, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của huyện, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vào tìm hiểu và đầu tư phát triển lĩnh vực Nông nghiệp; phấn đấu thu hút các Công ty, Hợp tác xã đầu tư thực hiện các dự án về lĩnh vực nông sản, chăn nuôi, thủy sản, dược liệu.

 

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 10 NĂM 2022

1. Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 01/10/2022)

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trường hợp áp dụng biện pháp xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật, gồm:

+ Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật.

+ Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin.

+ Các thông tin trên không gian mạng khác có nội dung được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng theo quy định của pháp luật.

2. Nghị định số 55/2022/NĐ-CP, ngày 23/8/2022 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (có hiệu lực từ ngày 10/10/2022)

Theo Nghị định số 55/2022/NĐ-CP cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Thực hiện lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang về văn hoá - xã hội

I- NỘI DUNG LỜI CĂN DẶN CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TỈNH HÀ GIANG VỀ VĂN HOÁ - XÃ HỘI

Giai đoạn trước năm 1961, ở Hà Giang trình độ văn hóa của người dân còn rất thấp, nạn mù chữ còn rất nghiêm trọng (năm 1960 toàn tỉnh còn 77% người mù chữ trong hạn tuổi thuộc diện phải thanh toán nạn mù chữ; riêng Đồng Văn và Hoàng Su Phì là 84,32%). Mê tín dị đoan còn rất nặng; tình trạng thiếu vệ sinh rất phổ biến; ốm đau, bệnh tật nhiều, nhất là ở các xã vùng cao, xa xôi, hẻo lánh. Tháng 3/1961, khi đến thăm tỉnh Hà Giang, Bác Hồ đã có những lời căn dặn ân cần với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về giữ gìn vệ sinh, xoá mù chữ và chăm lo đời sống nhân dân, cụ thể:

Đồng bào phải chú ý giữ gìn vệ sinh. Để giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, có sức khỏe thì lao động sản xuất mới tốt (lời căn dặn thứ Sáu). Theo Người việc phải chú ý giữ gìn vệ sinh là một biện pháp đơn giản, phổ cập và quan trọng của hoạt động y tế theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bác nói: Mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ ? Sạch sẽ là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Người rất chú ý tới việc nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe cho mọi người: Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân... làm cho đồng bào hiểu rõ: Phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch thì mới khỏe; sức càng khỏe thì lao động sản xuất càng tốt.

Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ (lời căn dặn thứ Bảy). Bác căn dặn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội sản xuất tỉnh Hà Giang “Có hai đời sống: Đời sống vật chất có cơm ăn áo mặc, hai là đời sống văn hóa, phải làm xóa nạn mù chữ”, Bác chỉ ra: Tỉnh ta có 2.000 đảng viên, có hơn 200 đảng viên còn mù chữ, đó là một khuyết điểm. Do vậy, Bác căn dặn: Phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ được. Người mong muốn mỗi người dân đều “Biết học, biết chữ quốc ngữ” để “Nâng cao dân trí”, “Giữ vững nền độc lập” và làm cho dân giàu nước mạnh.

Đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, còn phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa (lời căn dặn thứ Tám). Thời điểm Bác Hồ đến thăm, cũng là khi tỉnh ta đang mở đường Hà Giang - Đồng Văn (đường Hạnh Phúc) nhằm thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh, quốc phòng của các huyện vùng cao biên giới phía Bắc. Bác đã có lời khen ngợi thanh niên 6 tỉnh Việt Bắc xung phong xây dựng con đường góp phần đem lại ấm no, hạnh phúc tới đồng bào các dân tộc vùng cao. Bác dặn dò “Từ hồi đế quốc, phong kiến đồng bào rẻo cao khổ hơn tất cả mọi dân tộc. Vì thế cán bộ phải hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào rẻo cao về kinh tế, chính trị, văn hóa” để làm sao cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần.

Những lời căn dặn của Bác về phát triển văn hoá - xã hội không chỉ là nhiệm vụ của tỉnh tại thời điểm Người đến thăm mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là mục tiêu, động lực để tỉnh tiếp tục vận dụng sáng tạo, đề ra những chủ trương, giải pháp nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề văn hóa - xã hội, trọng tâm là phát triển y tế, giáo dục, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đại hội XIII của Đảng xác định: Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ và tầm vóc người Việt Nam, bảo đảm toàn dân đều được quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hoá giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản.

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận: Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn… Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định tăng cường công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó:

Về giáo dục: Phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang nằm trong tổng thể chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của cả nước; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo: Đầu tư cơ sở vật chất các trường, lớp học; kiện toàn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về văn hóa: Bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững, trên nguyên tắc tuân thủ thực hiện đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được triển khai đồng bộ, quyết liệt; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh để nêu gương cho quần chúng làm theo; xây dựng nếp sống văn minh cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn xã hội.

Về y tế: Tập trung các giải pháp duy trì tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao năng lực đội ngũ y bác sĩ ở các trạm y tế xã, phòng khám khu vực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phát triển mô hình khám chữa bệnh từ xa, kết nối khám chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến Trung ương tổ chức hội chẩn, khám chữa bệnh và tư vấn cho các bệnh viện trong tỉnh. Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng nhằm nâng cao tầm vóc và sức khỏe trẻ em dân tộc thiểu số…

Về an sinh xã hội: Tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu cốt lõi, từ đó thu hẹp nhanh hơn khoảng cách chênh lệch về phát triển giữa các vùng trong tỉnh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân; phát huy vai trò chủ thể của chính cộng đồng, người dân và tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp trung tâm để triển khai thực hiện.

III- KẾT QUẢ THỰC HIỆN LỜI CĂN DẶN CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC TỈNH HÀ GIANG VỀ VĂN HOÁ - XÃ HỘI

Những năm qua, việc phát triển văn hóa - xã hội đã được Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả và đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác giáo dục tiếp tục được phát triển. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt được ngành giáo dục hưởng ứng sôi nổi, rộng khắp, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tháng 10/1999, tỉnh Hà Giang đư­ợc công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Đến tháng 12/2007 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác y tế đ­ược củng cố một bước, mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân được nâng lên, đến năm 2018 toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đây là những thành tích đánh dấu sự phát triển của sự nghiệp giáo dục, y tế ở một tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc, còn nhiều khó khăn. Văn hoá - thông tin từng b­ước được đổi mới về nội dung và hình thức, hư­ớng về cơ sở tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho nhân dân. Chú trọng khơi dậy và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, tiến tới xoá bỏ các hủ tục trong nhân dân góp phần phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Công tác chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc được quan tâm coi trọng. Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Bước vào năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đảng bộ tỉnh tiếp tục chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quan tâm rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc, giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Thực hiện có hiệu quả đề án phổ cập trung học cơ sở, trung học phổ thông và chuyển học sinh từ các điểm trường về trường chính. Quy mô trường, lớp học được củng cố theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Thành lập quỹ khuyến học, khuyến tài với kinh phí ban đầu do các tổ chức, cá nhân đóng góp được trên 22 tỷ đồng, qua đó kịp thời hỗ trợ, khuyến khích nhiều học sinh có thành tích và vượt khó trong học tập. Toàn tỉnh có 822 cơ sở giáo dục với trên 258 nghìn học sinh, 259/617 trường đạt chuẩn Quốc gia; có 13 trường Phổ thông dân tộc nội trú và 182 trường Phổ thông dân tộc bán trú; có 07 trung tâm Ngoại ngữ; 06 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và 03 trung tâm tư vấn dịch vụ du học trên địa bàn toàn tỉnh. Rà soát sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, đáp ứng công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức chuyển học sinh tiểu học từ điểm trường về học tại trường chính đối với các địa phương đảm bảo các điều kiện.

Mạng lưới y tế thường xuyên được quan tâm củng cố, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Toàn tỉnh có trên 200 cơ sở khám chữa bệnh, 10,5 bác sĩ/vạn dân, 40 giường bệnh/vạn dân, đạt trên mức bình quân chung cả nước. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,2%. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho các đối tượng, kịp thời triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh phù hợp, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid - 19. Các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế - dân số được thực hiện tốt. Bước đầu triển khai hiệu quả việc liên kết với các bệnh viện tuyến Trung ương để hội chẩn khám chữa bệnh từ xa. Một số bệnh viện tuyến huyện tích cực ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng điều trị và hạn chế tối đa tình trạng chuyển tuyến, triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình ở những khu vực có điều kiện. 

Công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc được triển khai có hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng cho hộ nghèo và hộ chính sách. Huy động sự vào cuộc, tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân cùng với sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18,54%. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.428 lao động; thực hiện cho vay hỗ trợ, tạo việc làm với tổng số tiền 120 tỷ đồng; tổ chức 154 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm cho 11.809 người. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ xã hội được duy trì thường xuyên, thực hiện đầy đủ chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công, đã huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ triển khai xây dựng được trên 5.000 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở đảm bảo 3 cứng, bền vững, lâu dài; từng bước nâng cao đời sống, ổn định dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai thực hiện hiệu quả, kết hợp chặt chẽ với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Toàn tỉnh có 70% gia đình văn hóa, 67,2% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư xây dựng, đến nay có 137 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, chiếm 70,25%; 19 xã có sân vận động; 1.332 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao. Chú trọng thực hiện việc phát triển nền văn hóa tiên tiến gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Quan tâm công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao từng bước phát triển. Hoạt động quảng bá về văn hoá truyền thống, hình ảnh con người Hà Giang được quan tâm đẩy mạnh, góp phần mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Chất lượng giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu ngày một cao của xã hội, đặc biệt là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh chưa hiệu quả. Tỷ lệ người mù chữ và tái mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao. Chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tuyến cơ sở còn thấp; ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn khá cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được khắc phục hiệu quả. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ tái nghèo và số hộ cận nghèo còn cao; sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền còn lớn, chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, vẫn còn tồn tại không ít hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, về khách quan là tỉnh vùng cao, miền núi, biên giới, nhân dân chủ yếu là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao. Các phương tiện thông tin trực tiếp tác động đa chiều, ngày càng phức tạp nhưng có lúc chưa được định hướng kịp thời đã tác động đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới. Về chủ quan, do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của một số cấp ủy đảng, người đứng đầu thiếu sâu sát, kịp thời, chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên, toàn diện. Phương thức tập hợp, tuyên truyền, vận động quần chúng chưa có nhiều đổi mới, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa tự vươn lên để thoát nghèo.

Trích nguồn dẫn:  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang

 

GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

Hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng

Những năm gần đây, phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế gia đình được nhiều chị em trên địa bàn huyện Xín Mần tích cực hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực. Có nhiều tấm gương hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhiều chị đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Chị Nông Thị Xá, sinh năm 1984, dân tộc La Chí, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Đông Chứ, xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần là một trong những điển hình ấy.

Chị Xá sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình không hỗ trợ được gì cho chị khi đi lấy chồng. Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn, rồi chị sinh lần lượt 3 đứa con nên cuộc sống gia đình lại càng chồng chất thêm khó khăn khi các con đến tuổi ăn học. Với suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo, để con cái có cuộc sống no đủ, chị đã trăn trở, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế nhằm cải thiện cuộc sống. Nhận thấy chăn nuôi lợn vẫn là phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của gia đình nên vợ chồng chị đã cùng nhau bắt tay vào xây dựng chuồng trại, lựa chọn con giống, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ khác để phát triển chăn nuôi lợn thịt. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi lợn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình nhưng chị Xá không nản chí, chị đã cùng chồng tiếp tục nghiên cứu học hỏi, tham khảo thêm các kiến thức về chăn nuôi. Nhờ sự cần cù chăm chỉ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, vợ chồng chị đã thành công trong mô hình chăn nuôi lợn thịt. Mỗi năm gia đình chị cho xuất chuồng từ 2-3 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 15- 20 con. Bên cạnh việc chăn nuôi lợn thịt gia đình chị còn trồng các loại rau xanh để cung cấp cho các trường học trên địa bàn xã, mở thêm gian hàng tạp hóa phục vụ các mặt hàng thiết yếu cho bà con nhân dân trong xã. Hàng năm tổng thu nhập của gia đình chị từ 200-250 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt của chị Nông Thị Xá

 Niềm vui lớn nhất đối với gia đình chị đó chính là sau nhiều năm chịu khó làm ăn, tích lũy, gia đình chị đã xây được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, nuôi các con chăm ngoan, học giỏi, gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Ngôi nhà khang trang của gia đình chị Xá

Dù tất bật với công việc gia đình, thế nhưng chị Xá vẫn luôn tích cực tham gia các phong trào do chi hội Phụ nữ thôn và Hội LHPN xã tổ chức. Bản thân chị cũng là một hội viên phụ nữ rất nhiệt tình với công tác hội, tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi hội và là hội viên tích cực đi đầu trong mọi phong trào của hội phát động, có ý thức xây dựng chi hội vững mạnh. Cùng với đó, vận động chị em phụ nữ tham gia các hoạt động hội, thực hiện tương trợ giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn học tập và làm theo./.

 NGƯỜI VIẾT BÀI

Hoàng Thị Hằng

 Ban Tuyên giáo Huyện ủy Xín Mần.

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 11 NĂM 2022

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình, tập trung tuyên truyền tốt một số nội dung trọng tâm trong tháng 11/2022:

1. Tuyên truyền Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, trọng tâm là: Thông tin về các nội dung chính của Kỳ họp, hoạt động của đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang tại Kỳ họp và kết quả Kỳ họp.

Tiếp tục tuyên truyền về kết quả Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trọng tâm là: Tuyên truyền sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa, mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu các nghị quyết được Hội nghị thảo luận, thống nhất ban hành; khẳng định Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành và tổ chức thực hiện Kết luận Quy hoạch tổng thể quốc gia là cần thiết, đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng và có ý nghĩa chiến lược cơ bản, lâu dài với những mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng cần phấn đấu, cần đạt được để phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

2. Tuyên truyền kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tiếp tục tuyên truyền những nội dung cốt lõi, việc cụ thể hóa triển khai thực hiện đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống; tuyên truyền cách làm sáng tạo, hiệu quả, tập thể, cá nhân điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương và thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang.  

3. Tuyên truyền Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 20/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 12-NQ/HU, ngày 20/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 20/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 14-NQ/HU, ngày 20/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 20/10/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thu hút đầu tư lĩnh vực Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 137-KH/HU, ngày 21/10/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Chương trình số 26-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 240/KH-UBND, ngày 19/10/2022 của Ủy ban nhân dân huyện về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982-20/11/2022; Kế hoạch số 249/KH-UBND, ngày 25/10/2022 của Ủy ban nhân dân huyện về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

4. Tuyên truyền nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 29-CTr/TU, ngày 03/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát  triển có thu nhập cao; Chương trình số 28-CTr/TU, ngày 12/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 36-KL/TW, ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đối với Kế hoạch số 283-KH/TU, ngày 08/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chú trọng tuyên truyền các nội dung thực hiện, điển hình tiên tiến, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, phản bác, xử lý nghiêm những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, những thông tin bịa đặt của các thế lực thù địch, phần tử xấu, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ. 

5. Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện từ đầu năm 2022 đến nay, nhấn mạnh đó là kết quả của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần đã nỗ lực khắc phục khó khăn bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, qua đó tạo niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, đồng thời nêu rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2022 của huyện nói chung và các địa phương nói riêng. Chú trọng thông tin cơ chế, chính sách của tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi  cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại huyện theo đúng quy định của pháp luật; kết quả thực hiện đối với một  số mô hình sản xuất điển hình. 

6. Tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; việc thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và của tỉnh năm 2022, nhất là kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của tỉnh Hà Giang; tuyên truyền về thuế và chính sách, pháp luật thuế, trong đó trọng tâm tuyên truyền về các chính sách giảm thuế của Chính phủ (Nghị định số 34-2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, ngày 28/1/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội…); việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử và lợi ích của người mua hàng hóa khi sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; kết quả giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người dân và chi phí hỗ trợ người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp của ngành Bảo hiểm xã hội nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng; tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…

7. Thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, thời gian, chủ đề Lễ hội, địa điểm và quy mô tổ chức Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ VIII năm 2022. Tăng cường giới thiệu, quảng bá về hình ảnh và sản phẩm du lịch Hà Giang, thương hiệu Lễ hội Hoa Tam giác mạch gắn với bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, các hoạt động có tính chất điểm mới, điểm nhấn, điểm khác biệt so với các năm trước nhằm tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân và du khách khi đến với Hà Giang. Tuyên truyền nổi bật các hoạt động trong chuỗi sự kiện, như: Không gian giới thiệu Sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của tỉnh gắn với công bố kết quả chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Hà Giang năm 2022; Giải đua xe ô tô, mô tô mạo hiểm “Tinh thần Đá” tỉnh Hà Giang lần thứ III năm 2022; Giải Quần vợt “Cúp Cao nguyên đá Hà Giang mở rộng lần thứ V”; hoạt động du lịch trải nghiệm: Trình diễn giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc…    

8. Bám sát thực tiễn, đẩy mạnh tuyên truyền việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, các dịch bệnh thường phát sinh trong thời tiết giao mùa, tuyên truyền phòng, chống bệnh cúm, cúm A, B, bệnh lao, sốt xuất huyết; tuyên truyền cho người dân nuôi gia súc chủ động phòng, chống đói, rét và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa Đông.

9. Tuyên truyền biển, đảo Việt Nam, bảo vệ biên giới đất liền Việt Nam -Trung Quốc, trong đó chú trọng phát hiện, biểu dương những mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, những tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

10. Tuyên truyền hướng tới Hội nghị biểu dương đại biểu Lao động giỏi điển hình lần thứ VII trong cán bộ, công chức, viên chức, lao động tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2017-2022, trong đó trọng tâm tuyên truyền về kết quả thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi” trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cấp công đoàn Hà Giang (dự kiến tổ chức vào  trung  tuần  tháng  11/2022). Tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; tuyên truyền khích lệ truyền thống tốt đẹp, gương sáng trong ngành Giáo dục để các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động trong ngành tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Động viên, khích lệ học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của ông cha, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt. 

11. Tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo thành phong trào thi đua trong thực hiện Chuyển đổi số. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện trên các báo chí, tích cực truy cập, tuyên truyền kết quả nổi bật, mô hình điển hình, gương người tốt, việc tốt, bản sắc văn hoá các dân tộc…trên trang thông tin điện tử, fanpage, mạng xã hội. Nhấn mạnh giá trị, lợi ích của việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mang lại; việc triển khai thực hiện chuyển đổi số ở các cấp, các ngành, đơn vị; tuyên truyền về những mô hình hay, việc làm thiết thực của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương; phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng số cơ bản cho người dân như truy cập và sử dụng Internet, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến; kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cá nhân... 

12. Tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902-2022), nhấn mạnh những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội  - Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2022), trong đó nêu bật tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972… 

13. Tuyên truyền các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn diễn ra trong tháng 11 và đầu tháng 12/2022 như: Kỷ niệm 202 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2022); kỷ niệm 105 năm Cách mạng tháng Mười  Nga (07/11/1917 - 07/11/2022); kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022) gắn với tuyên truyền các hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra trên địa bàn; 82 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940-23/11/2022); kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2022); tuyên truyền đậm nét Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam (09/11) và các hoạt động của tỉnh, huyện hưởng ứng, thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2022; kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1956 - 23/11/2022); Ngày Di sản Văn hóaViệt Nam (23/11/2005 - 23/11/2022)…

 

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Nguyễn Ngọc Khuyên

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy,

Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm

Chính trị huyện - Trưởng ban biên tập.

PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

1. Đ/c Trần Văn Hòa

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện,

Phó Trưởng ban TTr Ban Tuyên giáo Huyện ủy

2. Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

BIÊN TẬP NỘI DUNG

1/ Đ/c Lý Mạnh Hồng - Chuyên viên BTG

2/ Đ/c Hoàng Thị Hằng - Chuyên viên BTG

 3/ Đ/c Hoàng Văn Phong - Chuyên viên BTG

 


Tin khác

Liên kết website