Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin nội bộ tháng 7 năm 2022

04/08/2022 03:01 55 lượt xem

* Ngày 18/7/2022, Huyện ủy Xín Mần ban hành Kế hoạch số 125-KH/HU về phát động thi đua chào mừng Đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2022-2025 và công tác phát triển đảng viên mới năm 2022

Bản tin nội bộ tháng 7 năm 2022

Thông qua phong trào thi đua góp phần thiết thực vào thành công của Đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2022-2025, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đưa nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp đi vào cuộc sống.

Tổ chức phong trào thi đua, lập thành tích trong công tác phát triển đảng viên mới bằng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng ngày càng vững mạnh. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phối hợp với các Ban xây dựng Đảng Huyện ủy triển khai, tổ chức thực hiện tốt nội dung thi đua tạo được sự quan tâm, hưởng ứng thực hiện phong trào của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân trên địa bàn huyện. Thông qua phong trào thi đua để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt; những tập thể, cá nhân làm chưa tốt để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hạn chế.

* Ngày 28/7/2022, Huyện ủy Xín Mần ban hành Kế hoạch số 127-KH/HU về thực hiện chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Kế hoạch ban hành nhằm mục đích quán triệt, cụ thể hóa việc triển khai thực hiên nghiêm túc Nghị quyết số 12- NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình số 22-CTr/TU, ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địạ bàn huyện Xín Mần. Tạo sự thống nhất về quan điểm, chủ trương, hành động, đề ra các giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 12-NQ/TW.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị bám sát mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 12-NQ/TW, đảm bảo phù hợp với thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện trong tình hình mới.

* Ngày 21/7/2022, UBND huyện Xín Mần ban hành kế hoạch số 175/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Chương trình Phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình trên địa bàn huyện Xín Mần đến năm 2030

Kế hoạch ban hành nhằm tuyên truyền, phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; chú trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Chương trình Phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình đến năm 2030.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cá nhân, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác gia đình góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội.

 

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC

TỪ THÁNG 7 NĂM 2022

1. Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Quốc phòng, cơ yếu, quản lý, bảo vệ biên giới Quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 22/7/2022).

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính về quốc phòng, cơ yếu trong lãnh thổ Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung Điều 6 vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể: phạt tiền từ 10.000.000 -12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng (quy định cũ phạt tiền từ 800.000-1.200.000 đồng).

2. Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022).

 Nghị định này áp dụng đối với người lao động làm việc hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, bao gồm:

+ Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

+ Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

+ Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Quy định mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo 4 vùng như sau:

+ Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.

+ Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.

+ Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.

+ Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Quy định mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo 4 vùng như sau:

+ Vùng I là 22.500 đồng/giờ.

+ Vùng II là 20.000 đồng/giờ.

+ Vùng III là 17.500 đồng/giờ.

+ Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

3. Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (có hiệu lực từ ngày 01/7/2022).

Nghị định và Thông tư đã quy định cụ thể lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử như sau:

- Trước ngày 11/7/2022, chỉ bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử đối với các cơ sở kinh doanh được cơ quan thuế thông báo chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử mà đã đáp ứng được điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin (theo Điều 60 Nghị định 123/2020/NĐ-CP), đồng thời khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng hóa đơn điện tử (khoản 1, Điều 11 Thông tư 78/2021/TT-BTC).

- Từ 01/7/2022, bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, trừ một số trường hợp như doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hệ thống phần mềm kế toán...

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,

ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương

I- TƯ TƯỞNG , ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHONG CÁCH NÊU GƯƠNG

Theo Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt.

Trước hết, cần nêu gương trên ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người, đối với việc.

Đối với mình, phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày.

Ngày 07/9/1958, Bác Hồ đến thăm Trường Cán bộ Hậu cần. Sau khi thăm khu nhà bếp, khu chăn nuôi, Bác hỏi một đồng chí cán bộ: “Các chú nuôi được bao nhiêu con lợn, trồng được bao nhiêu rau?”. Đồng chí thưa: “Thưa Bác, chúng cháu nuôi được hơn 100 con lợn, còn rau thì nhiều lắm, đủ ăn cho toàn đơn vị ạ”. Bác nghe xong, liền nói: “Như thế chưa đủ, các chú còn phải nuôi nhiều hơn nữa, không được tự mãn. Xung quanh các chú còn có các đơn vị bạn, các chú tăng gia được, nếu quý thì đem biếu, đem cho, cũng có thể đem bán”. Lời căn dặn gần gũi, ân cần của Bác về tinh thần khiêm tốn, luôn cầu tiến bộ, không được tự cao, tự đại, tự mãn đã được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mãi khắc ghi để tiếp tục nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất.

Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng.

Bác Hồ là một tấm gương về tinh thần khiêm tốn, trong buổi tiếp thân mật Chủ tịch nước Ba Lan Ða-vát-xki vào sáng 23/7/1957. Khi Chủ tịch nước Ba Lan hỏi Bác: “Thưa Chủ tịch, đồng chí là một người rất nổi tiếng về khiêm tốn. Vậy theo đồng chí, khiêm tốn phải thế nào?”. Bác trả lời rằng: “Khiêm tốn là nền tảng đạo đức của cả dân tộc Việt Nam. Ðối với bản thân thì bao giờ cũng nhìn ra điều kém cỏi của mình. Ðối với đồng chí, bạn bè thì ai cũng là thầy học của mình, tìm cho được điều mình phải học tập. Ðối với kẻ thù, cần biết cái mạnh của địch, cái yếu của ta”. Quan điểm về sự khiêm tốn thật là bao trùm, khoa học, thấu lý đạt tình của Người không chỉ thể hiện trong lời nói mà còn hiện hữu trong mọi hành động thực tiễn.

 Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ nguyên tắc “Dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư). Người luôn giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải “chí công vô tư”, nghĩa là phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.

Là tấm gương mẫu mực tiêu biểu cho sự hy sinh cá nhân, đặt việc chung lên trên việc riêng. Sau 30 năm bôn ba cho đến khi làm Chủ tịch nước và đến lúc mất, Bác Hồ chỉ về thăm quê hương, thăm ngôi nhà nơi mình sinh ra có hai lần. Tháng 4/1949, Người viết thư nói không phải vô tình với quê hương mà là trong lúc cả nước đuổi giặc Pháp thì bổn phận mỗi người là “vì nước quên nhà, vì công quên tư”. Khi Chiến dịch Biên giới bước vào giai đoạn quyết định, anh cả của Bác (ông Nguyễn Sinh Khiêm) qua đời. Bác không thể về nên đã gửi bức điện tới họ Nguyễn Sinh nói hoàn cảnh, tâm trạng xin chịu tội bất kính “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Những dòng chữ ấy vừa thật đậm tình người, vừa cho thấy tinh thần hy sinh cao cả của vị Chủ tịch nước vì việc chung phải nén tình riêng.

Thứ hai, muốn nêu gương thì phải nói đi đôi với làm

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Hồ Chí Minh càng ra sức tự hoàn thiện bản thân mình. Người cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Bởi cán bộ, đảng viên là những người nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vì thế phải đi trước, lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ để dẫn dắt quần chúng, tạo ra phong trào hành động cách mạng rộng lớn.

Hồ Chí Minh cho rằng con người nói chung, đặc biệt là người phương Đông coi trọng thực tiễn hơn lý thuyết. Chính vì thế, Người nhắc nhở đảng viên: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ hy sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo.

Khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang đến gần, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” và chính Người đã làm gương thực hiện trước bằng hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói. Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc, nâng lên thành triết lý hành động cách mạng vì dân, vì nước trong mỗi con người.

Không chỉ đề cao nêu gương về nói đi đôi với làm của bản thân, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người căn dặn lực lượng thanh niên: “Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết. Như thế thì ai cũng phải yêu mến kính phục thanh niên và phong trào thanh niên nhất định sẽ ăn sâu lan rộng”. 

Thứ ba, để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt từ những việc làm của cuộc sống hàng ngày. Người từng nói: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Mỗi khi đọc báo, bản tin hay nghe đài, thấy có gương người tốt, việc tốt, Người thường đánh dấu lại, yêu cầu xác minh và thưởng Huy hiệu cho những gương người tốt đó. Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

Bác từng phê bình việc viết gương người tốt chưa chính xác, hợp lý của báo chí: “Khi đồng chí Hà Huy Giáp đọc chuyện một anh bộ đội, chiến đấu bị thương nặng, thủng bụng. Khi phẫu thuật (Bác nhắc: Sao không viết là mổ), chiến sỹ nọ vẫn ngẩng đầu động viên bác sỹ… Bác nhận xét: Bị thương nặng thủng bụng còn ngẩng đầu lên động viên bác sỹ thì có đúng thế không? Có lẽ hư cấu hoặc chưa đến nỗi thủng bụng, nói tố lên? Phải nói sao cho chính xác, hợp lý thì người ta mới tin, mới có tác dụng giáo dục. Còn cái đoạn anh bộ đội phất cờ để ra hiệu bắn, khi anh bị thương tay nọ sao không phất cờ bằng tay kia mà lại buộc cờ vào tay gãy, có vẻ vô lý đấy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc nhân rộng điển hình tiên tiến.

Người khẳng định vai trò quan trọng của việc nhân rộng điển hình tiên tiến và cho rằng nhân rộng, tuyên truyền điển hình tiên tiến là một phương pháp có hiệu lực, là đòn bẩy để động viên tinh thần trách nhiệm, phát huy được tài năng, trí sáng tạo của quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội Thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc (tháng 2/1965), Người chỉ rõ phải “Bồi dưỡng và phát huy tác dụng của điển hình, rút kinh nghiệm của điển hình mà chỉ đạo phong trào chung để tiến bộ đều”.

Người đã từng nhắc nhở về việc quan tâm nhân rộng điển hình tiên tiến: “Hai cô gái đi đường thấy cái hố nhỏ ở vỉa hè đã rủ nhau đi lấy đất lấp lại cho đồng bào đi khỏi vấp ngã. Một người nông dân đi giữa trời mưa thấy bao gạo của Nhà nước không có gì che phủ, đã cởi tấm ni lông của mình ra đậy gạo. Cụ già Việt kiều trở về Tổ quốc để cùng chia sẻ những khó khăn, cùng gánh vác công việc đánh Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội…Tất cả những việc làm như vậy đều nói lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta đánh thắng giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn vẻ của hàng chục triệu con người như thế chứ không phải chỉ bằng một vài việc làm nổi bật và vang dội của một số cá nhân anh hùng”.

Có thể khẳng định, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương đã trở thành triết lý hành động cho mỗi cán bộ, đảng viên. Tư tưởng, đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Hồ Chí Minh, Người lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam, Người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị, Người mà cả cuộc đời là một tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu mãi mãi dõi theo.

II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG VỀ VIỆC THỰC HIỆN NÊU GƯƠNG

Đảng ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan toả, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước Nhân dân; trách nhiệm nêu gương phải được thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương

Quy định số 16-QĐ/TU, ngày 08/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh có nêu: Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời và nhất quán; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động.

Mỗi cấp ủy viên, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong tỉnh phải gương mẫu xây dựng và thực hiện tốt chương trình hành động cá nhân theo chức trách, nhiệm vụ được giao, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm.

Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định: Đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về phát huy trách nhiệm nêu gương trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.

III- KẾT QUẢ VIỆC THỰC HIỆN VỀ PHONG CÁCH NÊU GƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, với phương châm “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”, “trên trước, dưới sau”, ”trong trước, ngoài sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương gắn với việc thực hiện các quy định về nêu gương của Trung ương, của tỉnh và đạt được kết quả quan trọng.  

- Về tư tưởng chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tích cực nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Đảng, tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị. Trong giai đoạn 2015 đến nay, đã có 860.427 lượt cán bộ, đảng viên tham gia 10.521 hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; hơn 658.000 lượt cán bộ, đảng viên tham gia 812 hội nghị cập nhật kiến thức cho cán bộ, quản lý các cấp; 1.971 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị…Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tích cực thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tích cực đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Về đạo đức, lối sống, đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; tích cực trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy tắc ứng xử, các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ được các cấp ủy quan tâm triển khai thực hiện. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh được chú trọng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trở thành nội dung thường xuyên trong các kỳ sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng; qua triển khai thực hiện đã có nhiều tập thể, cá nhân là cán bộ, đảng viên tiêu biểu ở cơ sở được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng.

- Về tự phê bình, phê bình, với tinh thần phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, công tâm, không né tránh, thời gian qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh đã căn cứ vào tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các hình thức như: Sinh hoạt chi bộ định kỳ, đột xuất, kiểm điểm đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ chức vụ ở các cấp… Tính riêng năm 2021, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp loại chất lượng 67.259 đảng viên, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 10.379 đảng viên, chiếm 15,43%; hoàn thành tốt nhiệm vụ 51.577 đảng viên, chiếm 76,7%, hoàn thành nhiệm vụ 5.028 đảng viên, chiếm 7,47%, không hoàn thành nhiệm vụ 275 đảng viên, chiếm 0,4%. Qua việc đánh giá, phân loại, nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình đã từng bước khắc phục tình trạng không tự giác, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, trù dập người phê bình, đồng thời nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” theo phương châm tự soi, tự sửa chữa, tự khắc phục.

- Về quan hệ với nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã chú trọng nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực trong thực hiện việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, đối thoại và kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiêu biểu như: Thành phố Hà Giang tiếp tục duy trì hiệu quả diễn đàn “Chiều thứ 6 nghe dân nói”; Công an tỉnh Hà Giang tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân”; huyện Quản Bạ với diễn đàn “Nghe dân nói, nói dân nghe” và hội nghị “Đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân ở cơ sở”... Từ đó, góp phần giải quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Về trách nhiệm trong công tác, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm. Tỉnh đã triển khai thực hiện chủ trương tăng cường đi công tác cơ sở để sâu sát, nắm bắt tình hình nhân dân, qua đó tạo mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ với nhân dân, đồng thời kiên quyết xử lý sai phạm đối với cán bộ, đảng viên khi phát hiện vi phạm. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Quyết định 575-QĐ/TU, ngày 25/3/2022 về kiện toàn các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với Đảng bộ huyện, thành phố trực thuộc Tỉnh ủy, qua đó đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nêu gương của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ủy viên BCH đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đối với địa bàn các huyện, xã trên địa bàn tỉnh.

 - Về ý thức tổ chức kỷ luật, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức, cơ quan, đơn vị; gương mẫu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Các cấp uỷ đều đã ban hành chương trình làm việc toàn khoá nhằm nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, hiệu quả công việc phục vụ nhân dân, đồng thời chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 08/11/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức.

- Về đoàn kết nội bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tích cực tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình, phê bình và kiên quyết chống bệnh quan liêu, độc đoán chuyên quyền, cá nhân chủ nghĩa, tư tưởng cục bộ, địa phương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của Đảng; củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng.            

Tuy nhiên, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm, thái độ thực hiện trách nhiệm nêu gương của một số ít cán bộ, đảng viên, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở một số cơ sở chưa cao, chưa gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ và trong đạo đức, lối sống. Cá biệt vẫn còn cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, cụ thể là: Lười học tập nghị quyết; trong tự phê bình, phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm; thiếu gương mẫu trong thực hiện và tham gia bài trừ các hủ tục lạc hậu, chưa sâu sát cơ sở, vi phạm đạo đức công vụ, pháp luật, quy định của Đảng (trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 1.064 đảng viên, trong đó có 06 cấp ủy viên cấp tỉnh).

Nguyên nhân của hạn chế, về chủ quan là do một số ít cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là về nêu gương; chưa tích cực tìm tòi cách làm hay, mô hình hiệu quả phù hợp với đơn vị, địa phương để triển khai nhân rộng. Về khách quan là do chưa kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một số ít cán bộ, đảng viên.

IV- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, trước hết là người đứng đầu về thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương

- Triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI, XII, XIII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đến đội ngũ cán bộ, đảng viên với nhiều hình thức linh hoạt: Sinh hoạt chi bộ, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 12/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc công tác học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng theo Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy Hà Giang; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo Kế hoạch số 343-KH/TU, ngày 02/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị; việc học tập, quán triệt và sơ kết, tổng kết nghị quyết của Đảng; bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

- Thực hiện nghiêm Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tư dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Chủ động việc nắm tình hình và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các nội dung nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động việc thực hiện các nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên trước nhân dân; coi trọng việc giải quyết các vấn đề mà nhân dân phản ánh, nắm bắt kịp thời để tập trung tham mưu, đề xuất cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tăng cường công tác đối thoại, tiếp dân, hòa giải cơ sở, không để khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Hai là, triển khai thực hiện có hiệu quả trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các quy định của Trung ương với phương châm “chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu”

- Triển khai thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các quy định của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 16-QĐ/TU, ngày 08/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh.

- Phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng về các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... 

Ba là, đề cao trách nhiệm nêu gương và ý thức tự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cấp uỷ, tổ chức đảng

- Mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm nêu gương và ý thức tự nêu gương về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; tự giác đăng ký học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

+ Đối với đảng viên đang công tác trong hệ thống chính trị: Nêu gương về ý thức, trách nhiệm trong công tác, hoạt động thực thi công vụ, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, “gần dân, trọng dân, chăm lo đời sống nhân dân”, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân; thực hiện tốt việc “Nói đi đôi với làm”, “hướng về cơ sở”, sâu sát thực tiễn, không cục bộ địa phương; tích cực hưởng ứng, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, chương trình an sinh xã hội, xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; người đứng đầu cấp ủy các cấp nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ theo Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị…

+ Đối với đảng viên ở nông thôn, tổ dân phố: Nêu gương trong việc nêu cao tinh thần xây dựng gia đình văn hóa, đoàn kết ở nơi cư trú, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo, gạt bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu…

- Các chi, đảng bộ cơ sở tích cực quán triệt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương, các quy định về nêu gương của Trung ương, của tỉnh đến cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ.

Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết; biểu dương, khen thưởng và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

- Thường xuyên đánh giá, sơ kết, tổng kết các quy định về việc thực hiện nội dung nêu gương gắn với các đợt kiểm điểm cán bộ, đảng viên hàng năm; định kỳ sơ kết, tổng kết các nội dung nêu gương theo Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và các quy định khác của Trung ương, của tỉnh; kịp thời đánh giá, phát huy kết quả đạt được và đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém.

- Biểu dương, khen thưởng kịp thời và khuyến khích cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh” theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

- Các cấp uỷ, tổ chức đảng định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm trong việc thiếu gương mẫu trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ.

- Tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Người đứng đầu phải gương mẫu, quyết liệt và chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi né tránh, dung túng, bao che tham nhũng.

     Trích nguồn dẫn:  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang

GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

HỌC VÀ LÀM THEO BÁC Ở CHI BỘ THÔN VINH QUANG

XÃ QUẢNG NGUYÊN

        

         Thời gian qua, Chi bộ thôn Vinh Quang, xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

          Ông Phượng Chòi Chiêm, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Chi ủy thường xuyên quán triệt đảng viên và hội viên các đoàn thể nắm chắc nội dung Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi đảng viên và người dân hiểu được ý nghĩa của việc học tập và làm theo Bác. Hàng năm, Chi ủy triển khai lấy ý kiến của đảng viên về xây dựng mô hình học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện các nhiệm vụ của Chi bộ, của thôn. Triển khai cho từng đảng viên đăng ký việc học tập và làm theo Bác gắn với nhiệm vụ của từng cá nhân làm căn cứ hàng tháng, hàng quý để chi ủy nhận xét, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu và là cơ sở đánh giá, phân loại đảng viên cuối năm. Nhờ vậy, việc học tập và làm theo Bác của cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Vinh Quang những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực.

          Chi bộ thôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh, được các cấp biểu dương, khen thưởng.

          Một trong những kết quả nổi bật là nhận thức chính trị của từng đảng viên trong Chi bộ được nâng lên; nếp sống văn hóa được thể hiện rõ trong sinh hoạt đời sống thường ngày và trong các hoạt động cộng đồng. Hàng năm hầu hết gia đình đảng viên đều được công nhận gia đình văn hóa. Nhiều đảng viên đã gương mẫu tham gia xây dựng nông thôn mới với việc làm “ Nhà sạch, khuôn viên đẹp”, thực hiện chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp đồ dùng, vật dụng trong nhà, bếp gọn gàng sạch đẹp; di chuyển chuồng trại ra xa nhà để đảm bảo vệ sinh; làm công trình bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh, làm đường liên thôn, liên hộ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đi lại cho người dân, điển hình như là hộ gia đình đảng viên Phượng Chòi Mềnh đã đầu tư 318 triệu đồng để làm đường, làm nhà, bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại ra xa nhà.

           Từ sự gương mẫu của đảng viên, nhân dân trong thôn đã đồng thuận góp ngày công, đóng góp 255 triệu đồng để xây nhà văn hóa thôn rộng 120m2; xây bếp ăn tập thể của thôn rộng 40m2 với số tiền 83 triệu đồng; xây dựng 01 trường lớp học Mầm non quy mô 03 gian với số tiền 320 triệu đồng; vận động nhân dân mở mới được 4,6 km đường giao thông nông thôn, tu sửa được 3,2 km đường giao thông nông thôn, bê tông hóa được 940m; vận động 08 hộ hiến đất làm công trình phúc lợi với diện tích 0,8ha…

Đường bê tông liên thôn

Để nâng cao thu nhập cho người dân, Chi bộ thôn tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề.

Mô hình trồng cây quế của hộ dân trong thôn

Tổng diện tích gieo trồng hàng năm của thôn đạt 203 ha, kinh tế hộ gia đình phát triển với đa dạng các ngành nghề từ chăn nuôi phát triển gia trại, dịch vụ, vận động nhân dân thành lập các tổ, nhóm sở thích… Thu nhập của người dân trong thôn nhờ vậy không ngừng được nâng lên. Ngoài ra, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư luôn được gữi vững; ý thức chấp hành pháp luật đã và đang trở thành thói quen của mọi người, mọi nhà. Hiện nay, thôn duy trì hiệu quả các tổ tự quản về an ninh trật tự, phong trào xây dựng quỹ khuyến học, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… được nhân dân tích cực thực hiện.

Dưới sự lãnh đạo của tập thể chi bộ, năm 2020 thôn Vinh Quang xã Quảng Nguyên đã vinh dự được chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

                                                                      Hà Trúc

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

THÁNG 8 NĂM 2022

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình, tập trung tuyên truyền tốt một số nội dung trọng tâm trong tháng 8/2022:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cốt lõi các nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. 

2. Tuyên truyền nội dung cốt lõi các văn bản chỉ đạo của Trung ương: Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên ...

3. Tuyên truyền kết quả Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Trong tuyên truyền khẳng định: Đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt đẹp, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ cao, bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền  các nhiệm vụ giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó chú trọng tuyên truyền từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để  “không  thể”, “không  dám”,  “không  muốn”, “không cần” tham nhũng.       

4. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về đại hội chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025, trong đó trọng tâm tuyên truyền các nội dung như: vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chi bộ cơ sở; các ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo văn kiện đại hội; các hoạt động chào mừng đại hội; công tác chuẩn bị đại hội; tiêu chuẩn cấp ủy viên; cơ cấu cấp ủy khóa mới; kết quả đại hội…

Tuyên truyền đậm nét Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Giang lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027, Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hà Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027. Trọng tâm là các hoạt động hướng tới Đại hội, công tác chuẩn bị Đại hội, kết quả nổi bật đạt được trong nhiệm kỳ qua, các phong trào thi đua chào mừng Đại hội... 

5. Tuyên truyền Kế hoạch số 125-KH/HU, ngày 18/7/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát động thi đua chào mừng Đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, nhiệm kỳ 2022-2025 và công tác phát triển đảng viên mới năm 2022; Kế hoạch số 126-KH/HU, ngày 27/7/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về quán triệt, học tập chuyên đề năm 2022 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương và thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”; Kế hoạch số 175/KH-UBND, ngày 21/7/2022 của UBND huyện về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; Chương trình Phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình trên địa bàn huyện Xín Mần đến năm 2030.  

6. Tiếp tục tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trọng tâm tuyên truyền phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Thực tiễn cho thấy vắc xin vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tuyên truyền nhấn mạnh việc tiêm vắc xin Covid-19 là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên là những người gương mẫu trong việc tiêm chủng vắc xin Covid-19. 

7. Tuyên truyền đậm nét kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2022) và chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022; chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022.

8. Tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, của tỉnh, địa phương tháng 7/2022. Trọng tâm tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; việc chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính; từng bước đẩy lùi và xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh…

9. Tuyên truyền công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 của các trường học trên địa bàn. Tuyên truyền, thông tin, cảnh báo, hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ năng trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống các loại dịch bệnh như cúm A, sốt xuất huyết…; phòng, chống đuối nước, nhất là cho trẻ em; phòng chống ngộ độc thực phẩm… Tuyên truyền về thuế và chính sách, pháp luật thuế; việc thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và của tỉnh.

10. Tuyên truyền biển, đảo Việt Nam, bảo vệ biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, trong đó chú trọng phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, những tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Tuyên truyền công tác nhân quyền, tôn giáo, trong đó tập trung làm nổi bật các nội dung: Kết quả phát triển kinh tế -xã hội, nâng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; việc triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; quan tâm giải quyết tốt các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của  người dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật…; tuyên truyền cảnh giác, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng tình hình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc.

11. Tuyên truyền đậm nét kỷ niệm một số ngày lễ, sự kiện quan trọng diễn ra trong tháng 8, đầu tháng 9/2022 như: Kỷ niệm 92 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2022); 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (07/8/1912 - 07/8/2022); 101 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩaViệt Nam (08/8/1921 - 08/8/2022); kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ  nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022); tuyên truyền phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2022); kỷ niệm 131 năm ngày thành lập tỉnh Hà Giang (20/8/1891 - 20/8/2022); 111 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2022)...

* Đối với kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (07/8/1912 - 07/8/2022)

 Tập trung tuyên truyền: (1) Cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng và công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; nêu bật vai trò, đóng góp của đồng chí trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tham gia xây dựng đường lối đổi mới đất  nước; (2) Những phẩm chất đạo đức cao đẹp của đồng chí Võ Chí Công - luôn thể hiện phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, giữ gìn, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; luôn gần gũi, quý trọng nhân dân; sống giản dị, khiêm tốn, đặt lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân lên trên hết. (3) Những thành tựu và kết quả sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng; sự nỗ lực, sáng tạo của các cấp, các ngành và vai trò đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân. (4) Đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Võ Chí Công.

* Đối với Kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022) 

Nội dung tuyên truyền: (1) Bối cảnh, diễn  biến,  nguyên  nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945; khẳng định tầm vóc thời đại của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); sự vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. (2) Những thắng lợi vĩ đại và thành tựu to lớn của đất nước gần tám thập kỷ qua, nhất là sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; nêu bật công lao, cống hiến to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế trong các giai đoạn cách mạng. (3) Lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay. (4) Đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cách mạng tháng Tám, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

* Đối với kỷ niệm 131 năm Ngày thành lập tỉnh Hà Giang (20/8/1891  - 20/8/2022)

Tuyên truyền sâu rộng về lịch sử hình thành của tỉnh và truyền thống của Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Nêu bật kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Hà Giang đạt được trong suốt 131 năm qua, nhất là sau 31 năm tái lập tỉnh; nhấn mạnh những thành quả trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, bảo vệ biên cương Tổ quốc... dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hà Giang trong suốt 77 năm qua.

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Nguyễn Ngọc Khuyên

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy,

Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện - Trưởng ban biên tập.

PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

1. Đ/c Trần Văn Hòa

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện,

Phó Trưởng ban TTr Ban Tuyên giáo Huyện ủy

2. Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

BIÊN TẬP NỘI DUNG

1/ Đ/c Lý Mạnh Hồng - Chuyên viên BTG

2/ Đ/c Hoàng Thị Hằng - Chuyên viên BTG

3/ Đ/c Hoàng Văn Phong - Chuyên viên BTG

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Tin khác

Liên kết website