Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 10 năm 2019

06/11/2019 00:00 281 lượt xem

 

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 30-10-2019, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 240-KH/HU Về tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Xín Mần lần thứ XVIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Kế hoạch 240-KH/HU được ban hành với mục đích nhằm tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội và những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn nêu tại các Vãn kiện Đại hội Đáng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; từ đó góp phần tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đế tổ chức thành công Đại hội và đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020- 2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

- Đồng thời cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thấng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu:

+ Công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội cần phải bảo đảm đúng sự chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của cấp ủy đảng, bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, thiết thực, cụ thể, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng vào Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ huyện lần thử XVIII.

+ Các hoạt động tuyên truyền cần đảm bảo sâu rộng, có hệ thống và hiệu quả; tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

- Để từ đó cấp ủy các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện căn cứ tổ chức thực hiện tốt các nội dung mà Kế hoạch số 240-KH/HU đã đề ra.

 

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC        

TỪ THÁNG 10 NĂM 2019

* Tốc độ tối đa của ô tô, xe máy khi tham gia giao thông: Một trong những văn bản đáng chú ý nhất có hiệu lực trong tháng 10/2019 là Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về tốc độ của xe khi tham gia giao thông. Cụ thể như sau:

- Ở trong khu vực đông dân cư:

+ 60km/giờ nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có từ 2 làn trở lên.

+ 50km/giờ nếu là đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 01 làn xe.

- Nếu ở ngoài khu vực dân cư:

+ 90km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 70km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường đôi hoặc đường một chiều có 2 làn trở lên;

+ 80km/giờ đối với ô tô con, ô tô đến 30 chỗ ngồi; 60km/giờ đối với xe máy nếu chạy trên đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe. Riêng với xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối), tốc độ tối đa là 40km/giờ, bất kể trên đoạn đường nào và trong khu vực nào.

- Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

* Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi: Đây là tinh thần của Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành; áp dụng từ ngày 25/10/2019.

Theo đó, những người lao động tại các huyện nghèo được vay đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài mà không cần phải đặt cọc, thế chấp, cầm cố tài sản...

Tuy nhiên, để được vay số tiền này, người lao động phải có hộ khẩu thường trú tại huyện nghèo từ đủ 12 tháng trở lên; đã ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc.

Mức lãi suất vay ưu đãi như sau:

- Nếu thuộc hộ nghèo được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định;

- Nếu không thuộc hộ nghèo vẫn được vay vốn bằng mức lãi suất đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định.

* Lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân từ 30.000 đồng: Từ ngày 16/10/2019, áp dụng lệ phí cấp thẻ Căn cước công dân mới theo tinh thần của Thông tư 59/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

Cụ thể như sau:

- Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng;

-  Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không dùng được; khi có thay đổi thông tin cá nhân hoặc khi có sai sót về thông tin trên thẻ: 50.000 đồng

- Cấp lại thẻ Căn cước công dân do bị mất là 70.000 đồng.

Nếu người từ đủ 14 tuổi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu; Đổi thẻ khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý… không phải nộp lệ phí.

* Giáo viên mầm non được học cách quản lý cảm xúc bản thân: Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 12/2019/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 12/10/2019.

Chương trình bồi dưỡng này được tổ chức hàng năm với các nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học; Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non; Kỹ năng sơ cứu trẻ em… và đặc biệt là cách quản lý cảm xúc của bản thân.

Mỗi giáo viên phải tham gia Chương trình bồi dưỡng với thời lượng 120 tiết/năm học.

* Có 56 loại phụ gia phẩm màu được dùng trong thực phẩm: Nội dung này nằm trong Thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, áp dụng từ ngày 16/10/2019.

Cụ thể, tại Thông tư này, Bộ Y tế công nhận 56 loại phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm, như: Curcumin; các bon thực vật; màu ngô tím; màu bắp cải đỏ và hàng trăm phụ gia khác là chất bảo quản, chất điều vị, chất tạo ngọt…

Khi sử dụng phụ gia, phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định:

- Phụ gia thực phẩm phải là loại được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm;

- Không vượt quá mức sử dụng tối đa;

- Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn…

* Dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ không phải đăng ký hợp đồng theo mẫu: Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 25/2019/QĐ-TTg về việc sửa đổi Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Theo đó, bãi bỏ dịch vụ “Bảo hiểm nhân thọ” khỏi Danh mục nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.

* Bán thuốc diệt côn trùng chung với thực phẩm bị phạt đến 3 triệu: Từ ngày 15/10/2019, Nghị định 71/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp sẽ có hiệu lực.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau:

- Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm;

- Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn;

- Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, gây hại cho sức khỏe…

Ngoài bị phạt tiền, người nào vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 01 - 03 tháng.

 

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

“Gương điển hình nông dân sản xuất giỏi”

Hàng năm Hội nông dân xã Khuôn Lùng luôn phát động các phòng thi đua của Hội, đặc biệt là “Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, hội viên, nông dân hăng hái thi đua. Trong đó, có hội viên Hoàng Văn Lương - hội viên chi Hội thôn Thung Thành luôn gương mẫu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ góp phần nâng cao đời sống, vươn lên khá giàu, hàng năm luôn giúp đỡ những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn và tạo việc làm cho 3 - 5 lao động/năm, để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất xã Khuôn Lùng Ông Hoàng Văn Lương, luôn có ý chí kiên cường, cần cù, sáng tạo, chịu khó lấy công làm lãi, mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình và ông đã trở thành một tấm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Hội nông dân xã Khuôn Lùng - huyện Xín Mần - tỉnh Hà Giang.

          Ông Hoàng Văn Lương, sinh ngày 07/2/1968, năm nay được 51 tuổi, là Hội viên chi Hội thôn Trung Thành - xã Khuôn Lùng. Gia đình ông có 06 nhân khẩu với số lao động chính là 04 người, ngành nghề chủ yếu là trồng lúa, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi trâu, lợn, gà, vịt, gà và nuôi cá.

          Trong những năm qua ông đã từng tham gia công tại cơ quan quản lý đường bộ đóng trên địa bàn huyện Xín Mần trực thuộc tỉnh Hà Giang quản lý, đến năm 2011 ông đã nghỉ công tác. Sau khi nghỉ ông về làm kinh tế, mỗi vụ lúa chỉ thu về 1,5 đến 1,8 tấn/vụ, mỗi vụ quy ra tiền khoảng 9 - 10 triệu đồng/năm, không khá giàu được nên ông đã trăn trở, suy nghĩ tìm ra cách làm ăn mới cho bản thân và gia đình. Hội nông dân và các tổ chức Chính trị - xã hội xã Khuôn Lùng phối hợp tổ chức tuyên truyền về các chính sách của Đảng, Nhà nước và các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang, từ đó gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi, trồng rừng kinh tế (Cây keo) là 4,0ha, năm nay cây đã được 04 tuổi đang phát triển tốt, dự kiến trong vòng 2 đến 3 năm sẽ cho thu hoạch. Gia đình tích lũy được một ít vốn và vay thêm ít vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với 40 triệu đồng, năm 2018 ông mạnh dạn đầu tư xây dựng một chuồng nuôi lợn với tổng diện tích 240m2, quy mô nuôi trên 50 con bằng giống lợn đen địa phương; mô hình nuôi lợn giống và lợn thịt đen của gia đình hàng năm mang lại hiệu quả kinh tế và xuất chuồng 120 con lợn giống, 20 con lợn thịt trừ chi phí đi thu về 150 triệu đồng/năm.  Gia đình trồng Cỏ gắn với chăn nuôi, tổng diện tích Cỏ là 0,4 ha, số Trâu hiện tại là 03 con, đầu năm 2019 gia đình bán đi 02 con, mỗi con bán được 20 triệu đồng/con, tổng 2 con được 40 triệu đồng.

          Để tận dụng từ chăn nuôi lợn, gia đình thực hiện theo hình thức “Vườn, ao, chuồng”, quy hoạch một “Vườn rau dinh dưỡng” với tổng diện tích 1200m2, trong vườn trồng đủ các loại rau theo bốn mùa như: Rau đai, rau ngót, rau giềng, rau bí, rau cải, đậu… để phục vụ gia đình và cung cấp ra ngoài thị trường, bình quân mỗi năm thu từ bán rau được 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, đào được một ao cá diện tích trên 200m2, thả Cá, thả Vịt. Cá nuôi chủ yếu để phục vụ cho gia đình, còn Vịt thì mỗi năm xuất chuồng trên 150 con, trừ chi phí thức ăn đi thu về 10 - 12 triệu đồng/năm; ngoài chăn nuôi Vịt ra, gia đình ông còn chăn nuôi trên 100 con Gà địa phương, mỗi năm bán đi thu về 10- 12 triệu đồng/năm.

          Xuất phát từ nhu cầu của cán bộ, hội viên, nông dân trong vùng gia đình Ông Hoàng Văn Lương còn mở dịch vụ cơ khí, dịch vụ xay xát gạo; về cơ khí mỗi năm tạo việc làm cho từ 3 - 5 lao động, mỗi năm trừ chi phí vật liệu, công thợ đi thu về từ 35 - 40 triệu đồng/năm; về xay xát gạo chủ yếu phục gia đình và hàng xóm.

          Năm 2016, xã Khuôn Lùng vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có được sự thành công trên là phải kể đến lực lượng nòng cốt trong vai trò xây dựng nông thôn mới là của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn xã; trong đó, có gia đình Ông Hoàng Văn Lương, xuất phát từ luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp Luật của Nhà nước, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào do cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và Hội nông dân các cấp phát động, gia đình ông đã hiến 1.500m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; hàng năm gia đình ông luôn hỗ trợ từ 1 - 2 hộ nghèo (Hỗ trợ như: Xi măng, cát, sỏi) láng bó nền nhà, đổ đường bê tông vào xóm, ngõ, nhà của hộ dân. Ngoài ra ông còn hỗ trợ giống con, cây trồng cho từ 2 - 3 hộ; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên, nông dân trong chi Hội, mỗi năm ông luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã tặng giấy khen.

        Từ phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã lang tỏa trên địa bàn xã, thu hút đến sự chú ý thi đua giữa các chi Hội và giữa các hộ hội viên với nhau, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống Hội viên, nông dân xã Khuôn Lùng. Qua đó, giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất góp phần làm giàu cho bản thân, cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương./.

                                                                        Ly Văn Hào – Chủ tịch Hội nông dân xã Khuôn Lùng

 

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

 THÁNG 11 NĂM 2019

 

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc bám sát nội dung định hướng công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong tháng 11-2019, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV; nội dung cốt lõi của Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 478-KH/TU, ngày 22/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch số 493-KH/TU, ngày 07/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quy định 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quyết định số 2168-QĐ/TU, ngày 19/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế tiếp công dân, đối thoại và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân, của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; các nghị quyết, đề án của tỉnh…

2. Tiếp tục tuyên truyền gương điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo của tập thể, cá nhân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ” gắn với việc học tập và làm theo Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Hà Giang.

 3. Tuyên truyền triển khai gieo trồng và chăm sóc cây vụ Đông đảm bảo kế hoạch; công tác quy tụ dân cư năm 2019. Chú trọng thông tin cơ chế, chính sách của tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Hà Giang theo đúng quy định của pháp luật; các giải pháp thu ngân sách; kết quả thực hiện đối với một số mô hình sản xuất điển hình; việc triển khai thực hiện kế hoạch mỗi huyện 01 xã, mỗi xã 01 thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; về vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội.

4. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, huyện; tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới, trong đó ưu tiên tuyên truyền thực hiện các giải pháp nhằm đạt và giữ vững các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới, những giải pháp tích cực để công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; duy trì sản xuất, giữ vững thương hiệu các sản phẩm nông sản của địa phương gắn với tuyên truyền chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm Cam Sành Hà Giang...

5. Đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp phòng, chống, khống chế, dập bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các dịch bệnh phát sinh trong thời tiết giao mùa; công tác chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời thiết, phòng, tránh nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; phòng, chống cháy rừng; bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân có gia súc chủ động phòng, chống đói, rét và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa Đông...

6. Giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, huyện; nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia, bảo vệ, giữ gìn giá trị di sản, văn hóa truyền thống tốt đẹp, cảnh quan thiên nhiên của địa phương; tuyên truyền đậm nét về các Lễ hội. Chủ động, sáng tạo trong việc sử dụng các hình thức, xây dựng nội dung tuyên truyền để các hoạt động tuyên truyền về Lễ hội năm 2019 phong phú, sinh động, hấp dẫn, có sức lan tỏa rộng gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm, du lịch các địa phương trong tỉnh, huyện; tuyên truyền người dân ứng xử văn minh, lịch sự với du khách, không tăng giá, “chặt chém” khách du lịch…   

7. Tình hình Biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do đó cần tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân bình tĩnh, tỉnh táo trước các thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội, truyền miệng về vấn đề Biển Đông hiện nay. Chú trọng nêu rõ: Đảng và Nhà nước ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời giữ gìn môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì không bao giờ nhân nhượng. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta đã và đang nhận được sự đồng tình, chung sức của Nhân dân cả nước và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Do đó, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cần tin tưởng vào chủ trương và biện pháp xử lý của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề này.

8. Tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” tại tỉnh Hà Giang năm 2019. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa của sự kiện tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, những đau thương, mất mát do tai nạn giao thông; những địa chỉ cần được giúp đỡ và sự chia sẻ của xã hội. Cảnh báo các hậu quả 3 nghiêm trọng của tai nạn giao thông; nguy cơ, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đối với toàn xã hội, từ đó nâng cao trách nhiệm, ý thức của người tham gia giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông. Tuyên truyền pháp luật và các thông điệp về an toàn giao thông, văn hóa giao thông, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông.

9. Tuyên truyền về Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 (Từ 15/11-15/12/2019) với chủ đề “Chấm rứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, trong đó chú trọng tuyên truyền thực hiện các hoạt động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, các giải pháp giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, huyện.

10. Lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn diễn ra trong tháng 11/2019: Kỷ niệm 199 năm Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2019); 102 năm Cách mạng tháng Mười Nga (07/11/1917 - 07/11/2019); 89 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019) gắn với tuyên truyền các hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra trên địa bàn tỉnh; 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2019); kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1956 - 23/11/2019); Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2019)…Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2019).

Ngoài những nội dung định hướng trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các xã, thị trấn bám sát tình hình thực tế lựa chọn nội dung, bổ sung các nội dung tuyên truyền cần thiết, đảm bảo triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả.

                                              Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Hoàng Tiến Chủ

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy – Trưởng ban biên tập. 

* PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

Đ/c Hà Văn Nhạc

Phó Trưởng ban TT Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy 

* BIÊN TẬP NỘI DUNG.

                   Đ/c Lý Mạnh Hồng – Chuyên viên.

   Đ/c Hoàng Thị Hằng – Chuyên viên.

         Đ/c Hoàng Xuân Trường – Chuyên viên 


Tin khác

Liên kết website