Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 9 năm 2019

15/10/2019 00:00 194 lượt xem

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 11-9-2019, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 236-KH/HU về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, Nhiệm ky 2020 – 2025

- Kế hoạch 226-KH/HU được ban hành với mục đích nhằm tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp trong huyện, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch số 478-KH/TU, ngày 22/8/2019 của Tỉnh ủy Hà Giang về Kế hoạch Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu:

1.  Các cấp ủy đảng thực hiện nghiêm túc đầy đủ nội dung, quy trình về công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng; Chỉ thị của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Ban đảng Trung ương; Tỉnh ủy và Huyện ủy.

2.  Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp phải được thực hiện theo phương châm kế thừa, ổn định, đổi mới, sáng tạo và phát triển; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; coi ừọng chất lượng hiệu quả, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu; bảo đảm an toàn, thiết thực, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực.

3.  Việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng các cấp phải coi trọng lãnh đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị địa phương, cơ quan, đơn vị; tập trung giải quyết xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vẫn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh ủy về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân; gắn với các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2020.

4.  Tổ chức Đại hội Đảng các cấp phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững an ninh, chính trị , trật tự an toàn xã hội cả nước, trong và sau Đại hội.

Căn cứ Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy. Cấp ủy các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng Kế hoạch và lãnh đạo triển khai thực hiện ở các Chi, Đảng bộ cấp mình đảm bảo tổ chức Đại hội các cấp thành công tốt đẹp, đúng theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và của huyện.

* Ngày 4-9-2019, Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở thuộc UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-BCĐ về tổ chức lễ phát động chương trình “Chung tay hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Xín Mần.

 

- Kế hoạch số 145/KH-BCĐ được ban hành với mục đích nhằm huy động sự chung tay, vào cuộc của cả Hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện.

- Đồng thời tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa của chương trình là thể hiện rõ sự quan tâm thiết thực của Đảng, chính quyền và toàn thể xã hội đối với gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện để người dân nhận thức đầy đủ, tham gia giám sát, thực hiện chương trình và đồng hành cùng cộng đồng dân cư, hỗ trợ ngày công, sức lao động, nguồn kinh phí... Để từ đó các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tânhf lớp nhân dân trên địa bàn huyện triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, các nội dung nhiệm vụ trọng tâm mà Kế hoạch số 145-KH/BCĐ đã đề ra, góp phần giúp các hộ gia đình triển khai sớm hoàn thành xây dựng nhà ở.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC 

TỪ THÁNG 9 NĂM 2019

* Quán karaoke chỉ được mở cửa đến 0 giờ sáng: Đây là nội dung tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.

Trong khi các quán karaoke chỉ được hoạt động đến 0 giờ thì các vũ trường được hoạt động đến 2 giờ sáng. Cả hai dịch vụ này đều không được mở cửa trước 08 giờ sáng.

Cũng theo Nghị định này, để mở quán karaoke phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Diện tích phòng hát phải từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát.

Trong khi đó, vũ trường phải có diện tích từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ; Địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200m trở lên.

* Nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương: Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Theo đó, nguồn kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương gồm:

- Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính;

- Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể tiền sử dụng đất và tiền thu được từ xổ số kiến thiết thực hiện so với dự toán năm 2018 được giao;

- 50% phần ngân sách Nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/9/2019.

* Tăng 7,19% trợ cấp hàng tháng của quân nhân xuất ngũ: Theo Thông tư 106/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, từ ngày 01/7/2019, tăng 7,19% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng quân nhân đã phục viên, xuất ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ…

Tùy thuộc vào năm công tác, mức trợ cấp dao động từ 1,891 triệu đồng/tháng đến 2,235 triệu đồng/tháng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 08/9/2019.

* Săn bắn, giết động vật rừng trái phép bị phạt đến 400 triệu đồng: Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp sẽ được áp dụng từ ngày 10/6/2019.

Nghị định nêu rõ, hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định bị phạt tiền từ 05 - 400 triệu đồng; ngoài ra còn bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung.

Hành vi đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh có thể bị phạt từ 1,5 - 03 triệu đồng.

Các hành vi chặt, đốt, phát cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc… gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng.

Theo Nghị định này, mức phạt tiền cao nhất đối với cá nhân có các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp là 500 triệu đồng và với tổ chức có cùng hành vi vi phạm là 01 tỷ đồng.

* Lương nhân viên thí nghiệm trong trường trung học từ 3,1 triệu/tháng: Thông tư 08/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xếp lương nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong các trường trung học và trường chuyên biệt công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 17/6/2019.

Theo Thông tư này, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nhân viên thiết bị, thí nghiệm được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

Cụ thể, đối tượng viên chức này được xếp lương từ bậc 1 (hệ số 2,1) đến bậc 10 (hệ số 4,89). Nếu tính theo mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2019 thì mức lương dao động từ 3.129.000 đồng/tháng - 7.286.100 đồng/tháng.

* Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm: Đây là một trong những nội dung được điều chỉnh tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa.

Nghị định mới quy định rõ ràng về các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:

- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa…

- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã;

- Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.

* Tự ý cho thuê xe ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng: Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kể từ ngày 01/9/2019 sẽ được áp dụng theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định này nêu rõ, trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.

Trường hợp tự ý bán thanh lý xe ô tô khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt cũng bị phạt tới 20 triệu đồng.

Với hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị…. bằng kinh phí Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng.

* Tập trượt băng, leo núi bắt buộc phải có người hướng dẫn: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tại Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL.

Theo đó có 09 bộ môn thể thao bắt buộc phải có người hướng dẫn khi tập luyện, thi đấu, gồm: Leo núi nhân tạo; Trượt băng; Đua ngựa; Đấu kiếm thể thao; Bắn súng; Bắn cung; Thể dục dụng cụ; Thể dục nhào lộn và Đua thuyền.

Cũng tại Thông tư này, Bộ công bố Danh mục 10 hoạt động thể thao mạo hiểm, trong đó có: Dù lượn; Diều bay; Leo núi tự nhiên; Lặn biển thể thao giải trí; Mô tô nước trên biển…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.

* Làm lều, quán trong công trình thủy lợi, phạt đến 300.000 đồng: Ngày 09/09/2019, Nghị định 65/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; bảo vệ công trình thủy lợi có hiệu lực.

Nghị định này quy định một số mức phạt với người vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi như sau:

- Làm lều, quán, tường; xây dựng công trình tạm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi: Phạt 100.000 - 300.000 đồng;

- Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm trái phép: Phạt 05 - 10 triệu đồng (trước đây chỉ phạt 03 - 05 triệu đồng);

- Xây nhà ở, công trình phụ, cầu… và các công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:  Phạt 30 - 50 triệu đồng.

 

HỌC TẬP, LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

“CHỦ TRƯƠNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP VỀ XÂY DỰNG Ý THỨC TÔN TRỌNG NHÂN DÂN, PHÁT HUY DÂN CHỦ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY”

 

* Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật

Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ", nhất là nội dung Nhân dân làm chủ và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy chế bảo đảm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân, tôn trọng Nhân dân, chăm lo đời sống của Nhân dân.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt nhiều nội dung sau đây: “Tăng cường công tác dân vận của Đảng và của chính quyền; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trước mắt, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước phải theo đúng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện Quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp. Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có kết quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, quyết tâm thực hiện tốt nội dung: “Đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước để nêu gương của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm và cả nhiệm kỳ. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm "sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ”.

Tổ chức thực hiện Quy định 109-QĐ/TW, ngày 03/01/2018 của Ban Bí thư khóa XII về “công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên” (thay thế Quy định cùng tên số 55-QĐ/TW, ngày 10/01/2012 của Ban Bí thư khóa XI). Trong đó, có riêng một nội dung kiểm tra “về ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo chính đáng của Nhân dân; chống biểu hiện về sự vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân”.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định rõ các quan điểm: “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt”; “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu; “mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế”.

Một số đối tượng phải quan tâm chú trọng là: “bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp”. Các cấp, các ngành có liên quan tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hoá để lạm dụng các nguồn lực công phục vụ các "nhóm lợi ích", tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

 

Trích nguồn dẫn Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

“Ông Hoàng Văn Pẳn, người nông dân phát triển kinh tế từ mô hình VACR”

Trong số những điển hình tiêu biểu về phát triển kinh tế của Hội Nông dân xã Nà Chì, cán bộ và người dân ở đây thường nhắc đến ông Hoàng văn Pẳn, thôn Tân Sơn. Ông Pẳn là nông dân gương mẫu, là hội viên làm kinh tế giỏi nhiều năm của xã. Gia đình ông nhiều lần đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện, với mô hình trang trại tổng hợp VACR, cho thu nhập gần 2 trăm triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Pẳn, chăm sóc rừng quế của gia đình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, ông Pẳn chia sẻ:  Ngày trước cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, nhưng bản thân mình không cam chịu đói nghèo, luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế đưa gia đình thoát nghèo. Thấy quỹ đất của gia đình nhiều, thích hợp cho chăn nuôi gia súc, năm 2017, ông đã mạnh rạn vay vốn 100 triệu đồng của ngân hàng nông nghiệp huyện theo Nghị quyết 209 của Hội đồng nhân dân tỉnh để đầu tư trồng cỏ và mua trâu và mua dê, mua lợn về nuôi, do thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về kiến thức thú y, tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng có chọn lọc vào mô hình chăn nuôi của nhà mình, nhờ được chăm sóc tốt nên đàn gia súc của gia đình ông phát triển tốt, đến nay đã xuất bán được gần 200 triệu đồng, thu lãi về trên 80 triệu đồng.  Cùng với chăn nuôi gia súc, ông Pẳn cũng đã tập trung đầu tư và chăm sóc 4 ha Quế, 2 ha Keo, riêng đồi keo của gia đình năm 2017 đã cho thu hoạch 120 triệu, năm 2018 quế thu hoạch bán được 17 triệu đồng. Bên cạnh đó ông đã đào 2 ao thả cá rộng 3000 mét vuông, tận dụng thức ăn như lá sắn, cỏ…để chăn cá, mỗi năm xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 1 tấn cá thịt, thu lãi 60 triệu đồng.  Tổng thu nhập hàng năm từ vườn, ao, chuồng, rừng của gia đình sau khi trừ mọi chi phí đạt gần 200  triệu đồng.

Sau những nỗ lực không ngừng, gia đình ông Pẳn đã xây dựng thành công mô hình VACR đem lại hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững. Từ một hộ khó khăn, gia đình ông đã vươn lên thành hộ khá giả và đang tiếp tục làm giàu. Ông Pẳn cho biết thêm: thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, tập trung chăn nuôi gia súc để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Đạt nhiều thành công trong phát triển kinh tế gia đình, ông Pẳn được bà con trong thôn, trong xã tìm đến thăm trang trại và học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Lệ Tình – Trung tâm VH – TT và DL huyện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

 THÁNG 10 NĂM 2019

 

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc bám sát nội dung định hướng công tác tư tưởng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình tuyên truyền một số nội dung trọng tâm trong tháng 10-2019, cụ thể như sau:

1.    Tiếp tục tuyên truyền tốt nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019, của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch số 478-KH/TU, ngày 22/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Quy định 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và Kỳ họp thứ 9-Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021; Kế hoạch 465-KH/TU, ngày 01/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; Quyết định số 2168-QĐ/TU, ngày 19/9/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Quy chế tiếp công dân, đối thoại và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân, của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

2.    Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” theo Quyết định số 1190/QĐ-TLĐ ngày 22/7/2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gắn với tuyên truyền thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 24/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, vụ lợi, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo về mục tiêu, tác dụng và sự cần thiết thực hiện Cuộc vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

3.    Tiếp tục tập trung tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả việc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện theo Hướng dẫn số 28-HD/BTGTU, ngày 05/8/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; tuyên truyền về xây dựng Nông thôn mới, trong đó ưu tiên tuyên truyền thực hiện các giải pháp nhằm đạt các tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới; về thực hiện các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, giữ vững thương hiệu các sản phẩm nông sản của địa phương gắn với tuyên truyền chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND, ngày 19/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh...

4.    Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019; việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thu Ngân sách Nhà nước trong những tháng cuối năm tại Văn bản số 2990/UBND-KTTH, ngày 24/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; kết quả thực hiện đối với một số mô hình sản xuất điển hình; việc triển khai thực hiện kế hoạch mỗi huyện 01 xã, mỗi xã 01 thôn điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp; công tác xây dựng Nông thôn mới và quy tụ dân cư; tuyên truyền việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2019; việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được phê duyệt tại Kế hoạch số 48/KH-UBND, ngày 31/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

5.    Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh chân tay miệng, bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh thường phát sinh trong thời tiết giao mùa; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp phòng, chống, khống chế, dập bệnh dịch tả lợn Châu Phi; công tác chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời thiết, phòng, tránh nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; phòng, chống cháy rừng; bảo vệ môi trường... Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân có gia súc chủ động phòng, chống đói, rét và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa Đông, trong đó nhấn mạnh mỗi hộ gia đình cần phải dự trữ được từ 1-1,2 tấn thức ăn thô xanh, 30-50 kg thức ăn tinh và có chuồng trại được che chắn cẩn thận đảm bảo phòng chống đói, rét cho gia súc...

6.    Tiếp tục tuyên truyền đảm bảo sĩ số học sinh đến lớp; nội dung cốt lõi Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT, ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” và Công văn số 2410/UBND-VHXH, ngày 06/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang “về việc thực hiện một số nhiệm vụ chuẩn bị năm học mới 2019-2020”, trong đó có nội dung nghiêm cấm tình trạng lạm thu trong giáo dục, lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa, ban đại diện cha mẹ học sinh để tổ chức thu các khoản chi phí mang tính cào bằng, áp đặt, trái quy định pháp luật.

7.    Tuyên truyền kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang; hoạt động quản lý, giám sát kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh, cảnh báo người dân không nên tham gia các hoạt động tín dụng đen, kinh doanh đa cấp; tuyên truyền về Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ về “Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” (Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2019, thay thế Nghị định số 203/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ).

8.    Tiếp tục tuyên truyền tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về những vấn đề phức tạp ở phía Nam Biển Đông trong thời gian qua; chủ trương, biện pháp đấu tranh của Việt Nam; đồng thời vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân bình tĩnh, tỉnh táo trước các thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội, truyền miệng... nhằm gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách đối ngoại và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.

9.   Tập trung tuyên truyền, quảng bá mùa cao điểm du lịch năm 2019, quảng bá hình ảnh về du lịch Hà Giang, gắn với tuyên truyền bảo vệ các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường...

10.   Tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng các cuộc thi như: Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên mạng xã hội VCNET do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên tổ chức; Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần III do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học - Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng tổ chức; Cuộc thi “Viết về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế”...

11.   Tuyên truyền đậm nét các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn diễn ra trong thời gian tới như: Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10) và Ngày Vì người nghèo (17/10); Ngày truyền thống lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy (04/10); Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10); Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10); Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10); Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Ngoài những nội dung định hướng trên, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đề nghị các xã, thị trấn bám sát tình hình thực tế lựa chọn nội dung, bổ sung các nội dung tuyên truyền cần thiết, đảm bảo triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả. 

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Hoàng Tiến Chủ

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy – Trưởng ban biên tập.

 

* PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

Đ/c Hà Văn Nhạc

Phó Trưởng ban TT Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

 

* BIÊN TẬP NỘI DUNG.

                   Đ/c Lý Mạnh Hồng – Chuyên viên.

   Đ/c Hoàng Thị Hằng – Chuyên viên.

         Đ/c Hoàng Xuân Trường – Chuyên viên


Tin khác

Liên kết website