Bản tin thông báo nội bộ

Bản tin thông báo nội bộ tháng 11 năm 2021

07/12/2021 10:44 1619 lượt xem

VĂN BẢN CHỈ ĐẠO

* Ngày 22/11/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/HU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Chỉ thị ban hành nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế yếu kém như tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ ba trở lên; thách cưới cao; tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm gây lãng phí; xem ngày, giờ tốt mới chôn cất người chết, chôn cất người chết không có quy củ mà theo tập tục, ý thích của gia đình; mê tín dị đoan, bói toán, cúng lễ khi có người nhà bị đau ốm.

Công tác vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt là vệ sinh nguồn nước, thực phẩm; nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà và gần nơi ở; nhiều gia đình chưa có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều thói quen khác trong sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn có lúc, có nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng…

* Ngày 29/10/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 72-KH/HU về thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Kế hoạch ban hành nhằm triển khai đồng bộ Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn đảng bộ huyện. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư chi bộ và đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi ủy, chi bộ và chất lượng đội ngũ đảng viên, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ thôn, tổ dân phố. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đồng thời tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về sinh hoạt chi bộ; tăng cường lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trong đó chú trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.

* Ngày 05/11/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 74-KH/HU về Thực hiện Chương trình số 14-CTr/TU, ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

Kế hoạch ban hành nhằm tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt và tổ chức, quán triệt Chương trình số 14-CTr/TU, ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu săc vê đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những quan điêm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành; đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thông chính trị và sự tham gia tích cực của quần chúng Nhân dân.

* Ngày 05/11/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 75-KH/HU về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

          Kế hoạch ban hành nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đảm bảo việc học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trở thành công việc tự giác, thường xuyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội bám sát Kết luận số 01-KL/TW, Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy để xây dựng kế hoạch gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nội dung, phương thức, thời gian hoàn thành; triệt để khắc phục bệnh hình thức, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong học tập, làm theo Bác và thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

* Ngày 22/11/2021, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em huyện Xín Mần, giai đoạn 2021 – 2030

Bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

* Ngày 27/11/2021, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2030

 Kế hoạch ban hành nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể, gia đình và xã hội về tác hại, hậu quả trước mắt và lâu dài của việc trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em. Trang bị kiến thức, kỹ năng phát hiện và hòa nhập cho trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC

TỪ THÁNG 11 NĂM 2021

1. Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 30/8/2021 của Thanh tra chính phủ quy định quy trình tiếp công dân (có hiệu lực từ ngày 15/11/2021 và thay thế Thông tư  06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014).

Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân, nếu thuộc các trường hợp sau thì người tiếp công dân được quyền từ chối tiếp công dân và phải giải thích cho công dân lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân:

- Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

- Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài. Trường hợp này thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân sẽ ra Thông báo từ chối tiếp công dân:

2. Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT ngày 17/9/2021 của Bộ giáo dục và đào tạo, Quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 02/11/2021 và thay thế Thông tư số 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012).

Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT quy định trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như sau:

- Người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.

- Người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học thay vì trước đây chỉ quy định được tính giờ nghiên cứu khoa học.

Thông tư bổ sung trường hợp người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác.

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,

ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

TỔ CHỨC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH ĐỂ GÓP PHẦN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XII

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và trăn trở về những hiện tượng tiêu cực trong Đảng và xã hội, mà Người thường gọi là vấn nạn quan liêu, tham ô, lãng phí. Người đã để lại nhiều bài nói, bài viết về đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Việc nghiên cứu, học tập những tài liệu quý báu đó có ý nghĩa rất lớn trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

* Tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền, xây dựng tinh thần chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân

Để chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả cần coi trọng biện pháp phòng ngừa là chính. Vì vậy, công tác giáo dục có một vai trò quan trọng nhằm xây dựng tinh thần phòng và chống, tăng cường ý thức trách nhiệm, đề cao vai trò phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc của đội ngũ cán bộ… Trong phong trào này, “giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”.

Trước hết cần giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân: “Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm, thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra pháp luật vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công…”.

Nội dung giáo dục là cần phải phân tích cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy tác hại nghiêm trọng của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ đó tạo nên sự căm phẫn trong nhân dân về các hành vi này và sự cần thiết phải đấu tranh loại bỏ nó. “Các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên trên”; “Bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ gớm ghét nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu”.

Bên cạnh đó, cần giáo dục tinh thần phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức, những người có chức quyền, địa vị, có nhiều điều kiện và khả năng xuất hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng chính là một trong những biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả trong cuộc đấu tranh này.

Hồ chí Minh chỉ rõ: Về phương thức giáo dục, cần thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức… Giáo dục tinh thần trong sạch, liêm khiết cho toàn bộ cán bộ, công chức để giúp họ không vi phạm; đồng thời có kỷ luật thích đáng với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn, sửa chữa.

* Hoàn thiện các văn bản pháp luật về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế… Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm và tăng hình phạt xử lý kẻ tham nhũng một cách thích đáng, đủ sức răn đe. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu là thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức dưới quyền để sớm ngăn chặn những hành vi tiêu cực đang trong quá trình hình thành.

Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật cần phải tăng cường pháp chế, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên thực tế: “Cần có những pháp luật để trừng trị tệ tham ô, lãng phí, và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh…”. “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Về hình phạt, Bác Hồ nhắc lại lời của Lênin: “không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng”. Hình phạt đối với những kẻ tham nhũng, tiêu cực không chỉ là kết án, bị tước hết địa vị mà những tội lỗi ấy cần được công khai trong công luận để cho dư luận đánh giá. Hình phạt này nặng không kém những kết án của toà án.

* Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Nhà nước

Trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” các tổ chức đảng, chính quyền, đặc biệt bộ phận chuyên trách làm công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò quan trọng.

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các cơ quan không chỉ phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tiêu cực, mà còn phải phát hiện những kẽ hở trong chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để giúp Trung ương hoàn thiện, từ đó hạn chế những hành vi tiêu cực; giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra những biện pháp tích cực chống tiêu cực.

* Phát huy dân chủ, hoàn thiện cơ chế để huy động nhân dân tham gia phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Tăng cường công tác dân vận của Đảng và của chính quyền; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Xây dựng và thực hiện Quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; có hình thức xứ lý đối với những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp. Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Để nhân dân có thể kiểm soát được cán bộ thì phải xây dựng được cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trước hết là trong hoạt động tài chính. “Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai - Sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãng phí, tham ô”.

Theo Hồ Chí Minh: “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”.

* Tổ chức học tập, thảo luận, liên hệ và lựa chọn những việc làm theo của tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức

Việc tổ chức học tập, thảo luận, liên hệ và lựa chọn những việc làm theo của tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện theo Công văn số 1998-CV/BTGTW ngày 10-02-2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc sinh hoạt chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW (phần II).

Các cơ quan thông tấn, báo chí, các hội văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản ở Trung ương và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung chuyên đề của năm 2017; chú trọng biểu dương, nhân rộng gương điển hình, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, vận động nhân dân tích cực học tập và làm theo Bác, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở địa phương, cơ sở, tích cực phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh./.

                                             Ban Tuyên giáo Trung ương

GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT

Xã Quảng Nguyên tập trung đầu tư nguồn lực cải tạo vườn tạp, xây dựng nông thôn mới “Giai Đoạn 2021 - 2025” năm 2021

Xã Quảng Nguyên là xã nằm ở phía Nam của huyện cách trung tâm huyện 40 Km về phía Nam huyện Xín Mần. Phía Bắc giáp xã Nấm Dẩn, phía Đông giáp xã Thu tà, phía Nam giáp Khuôn Lùng và Phía Tây giáp xã Nà Chì.

Địa hình xã Quảng Nguyên tương đối phức tạp nhiều đồi núi, khe suối, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, dân trí còn thấp. Tổng diện tích tự nhiên là 9.766 ha; dân số toàn xã có 1.083 hộ với 5.583 nhân khẩu, là xã thuộc vùng III của huyện. Toàn xã có 15 thôn bản và có 8 dân tộc anh em cùng chung sống (gồm: Nùng, Mông, La Chí, Tày, Kinh, Dao, Ngạn, Hoa).. Nhân dân sống chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%.

        Những ngày này, về với địa bàn xã Quảng Nguyên, bất cứ ai cũng thấy ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” nơi đây. Đến đâu chúng ta cũng cảm nhận được sự đổi thay trên mỗi nếp nhà, mỗi thôn xóm. Đây chính là kết quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới, vườn mẫu nông thôn mới ở vùng núi là một trong những xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần.

 Cụ thể hóa Nghị Quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và Nghị Quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2021- 2025. Hiện nay Đảng Ủy, UBND xã Quảng Nguyên đang thực hiện triển khai Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế bền vững cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 là Nghị quyết đầu tiên của Đảng bộ tỉnh nhằm hiện thực hóa 1 trong 3 khâu đột phá, được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII là “tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân”. Bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thí điểm Đề án "Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững” tại thôn Tân Sơn được chọn làm thôn điểm.

Việc triển khai dựa trên tinh thần “Không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”, mục tiêu đến năm 2025. Xác định xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống, ngay từ khi bắt đầu triển khai thôn Tân Sơn xác định được vai trò nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng thôn thành thôn mẫu của xã Quảng Nguyên. Theo đó, đặt rõ mục tiêu nội dung cụ thể cần làm, lập kế hoạch chi tiết sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tuyên truyền làm chuyển biến tư duy, nhận thức cách nghĩ, cách làm của người dân phương thức tổ chức sản xuất, tăng thu nhập như cải tạo vườn tạp, quy hoạch vườn, trồng cây có hiệu quả kinh tế; tổ chức các đợt ra quân vệ sinh môi trường, xây dựng con đường bê tông nông thôn tạo thành thói quen, thành phong trào cho các hộ dân.

IMG_20210716_062123

                                                                                     Nhân dân làm đường bê tông nông thôn

Vận dụng nhiều giải pháp để tạo được sự đồng thuận của nhân dân, Chính quyền xã, lãnh đạo thường trực Ủy ban nhân dân xã trực tiếp đến thôn bản để đối thoại với nhân dân, lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó đề ra chủ trương giải pháp đúng đắn để triển khai các chương trình đến với người dân. Tập huấn cho cán bộ ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã, các thành viên ban quản lý phát triển thôn và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhân dân với cấp ủy, chính quyền xã. Tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân như trồng trọt,chăn nuôi, chú trọng phát triển những cây con thế mạnh của địa phương. Người dân trong thôn cũng cần đồng thuận và tự khẳng định được việc xây dựng Nông thôn mới chính là phục vụ mình, để cho mọi người tự giác tham gia từ việc chỉnh trang nhà ở, công trình phụ trợ, vườn hộ chăn nuôi, xây dựng bờ rào xanh, phát triển kinh tế hộ, vườn nhưng cũng phải bảo đảm vệ sinh môi trường.

Description: C:\Users\HT\Downloads\3b0db3e0fca2b0f3355eee1b1d8c1d93.jpg

Hướng dẫn bà con trong thôn Tân Sơn cải tạo vườn

Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của người dân, nghị quyết cải tạo vườn tạp, sẽ tạo ra sự thay đổi rõ nét trong việc đem lại hiệu quả kinh tế từ những khu vườn cằn cỗi cho người dân vùng kinh tế đặc biệt khó khăn như xã Quảng Nguyên.

                                             

                                                        Tác giả

                                       Hoàng Thị Toàn

                                           Trường PTDTBT TH Quảng Nguyên  

                                                       

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

       THÁNG 12 NĂM 2021

Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện bám sát nội dung định hướng công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Huyện ủy và tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị mình, tập trung tuyên truyền tốt một số nội dung trọng tâm trong tháng 12/2021, cụ thể:

1. Tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thông
tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thành công của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong đó nhấn mạnh những nội dung quan trọng đã được Quốc hội thông qua lần này, nhất là đối với những vấn đề có tính cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta trong thời gian tới. Thông tin, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đầy đủ nội dung của Quy định 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021, Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đặc biệt là những điểm mới của Quy định đối với vấn đề miễn nhiệm, từ chức của cán bộ để mọi người nắm chắc, tự giác thực hiện nghiêm, không vi phạm; Qui định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

2. Tiếp tục tuyên truyền và thực hiện Kế hoạch số 75-KH/HU, ngày 05/11/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/05/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ đến thăm Hà Giang; kết quả Cuộc thi “Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang”; kết quả Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2021.

3. Tuyên truyền kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021 của đất nước, của tỉnh, của huyện và địa phương; thông tin cơ chế, chính sách của tỉnh, của huyện hoạt động thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Hà Giang theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục tuyên truyền các nghị quyết, đề án của tỉnh; của huyện kết quả thực hiện đối với một số mô hình sản xuất điển hình; tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; tuyên truyền bảo vệ thương hiệu, quảng bá các sản phẩm địa phương.

4. Tuyên truyền thực hiện Kế hoạch số 245/KH-UBND, ngày 16/11/2021 của UBND huyện về thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới và Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện Xín Mần; Kế hoạch số 250/KH-UBND, ngày 22/11/2021 của UBND huyện về triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em huyện Xín Mần, giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 254/KH-UBND, ngày 27/11/2021 của UBND huyện về triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2030.

5. Tuyên truyền và triển khai thực hiện Kế hoạch số 257/KH-UBND, ngày 30/11/2021 của UBND huyện về triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi trên địa bàn huyện Xín Mần.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trọng tâm vào một số nội dung sau: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Chú trọng phân tích đầy đủ, toàn diện nội dung, mục đích của Quy định nhằm củng cố sự đồng thuận trong xã hội, tạo sự thống nhất, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả trong triển khai thực hiện; khẳng định đây là sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn, tích cực nhằm thích nghi với bối cảnh, điều kiện mới, phù hợp với tình hình Việt Nam; nêu bật nỗ lực, quyết tâm của Nhà nước, cả hệ thống chính trị trong việc vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, vừa sớm phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. (2) Tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về những diễn biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước và của tỉnh, thành phố; các chính sách, giải pháp mới nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, sớm phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch Covid-19; tạo sự yên tâm, tin tưởng nhưng không chủ quan, lơ là của người dân và người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam. Đồng thời, cân nhắc, thận trọng khi thông tin về những sơ suất, sai sót cá biệt, không để các thế lực cơ hội, thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá. (3) Tuyên truyền các vấn đề trong phòng, chống dịch gắn với phục hồi kinh tế - xã hội theo góc nhìn tích cực, truyền cảm hứng, củng cố niềm tin tưởng, lạc quan cho xã hội. (4) Tăng cường tuyên truyền về chiến lược tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là nỗ lực triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuyên truyền khẳng định việc thực hiện tiêm chủng cho trẻ em được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học với loại vaccine được nhiều quốc gia trên thế giới phê chuẩn và đưa vào chương trình tiêm chủng tránh các thông tin thiếu căn cứ, chưa được kiểm chứng gây phân tâm trong dư luận, ảnh hưởng đến chiến lược tiêm chủng…

6. Tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đại hội đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đẩy mạnh, làm tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội đoàn cấp cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội trong việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, phát huy vai trò của thanh niên.

7. Tuyên truyền triển khai gieo trồng và chăm sóc cây vụ Đông đảm bảo kế hoạch, chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời thiết. Đặc biệt, tuyên truyền cho người dân có gia súc chủ động phòng, chống đói, rét và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa Đông.

8. Tuyên truyền, vận động giáo dân tổ chức Lễ Giáng sinh phù hợp với điều kiện và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo theo Kết luận số 156-KL/TU, ngày 02/8/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 02/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV về“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; cảnh giác trước những thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để trục lợi hoặc vì các mục đích khác.

9. Tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân cảnh giác trước các thủ đoạn đưa ma túy vào trường học dưới những hình thức khác nhau, trong đó cần trọng tâm vào một số nội dung sau: (1) Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thông tin thường xuyên đến các em học sinh ở các trường học về nguy cơ ma túy, các loại chất kích thích có thể được trà trộn vào các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các loại nước giải khát, kẹo mềm đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. (2) Tăng cường công tác tuyên truyền đối với các hộ kinh doanh gần trường học về việc chỉ mua bán các loại hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, không vì lợi ích kinh tế mà buôn bán các loại hàng hóa bị cấm, ma túy, chất kích thích trá hình, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của học sinh. Tuyên truyền sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh hoạt động của các cơ sở kinh doanh, nhất là kinh doanh gần trường học, kiên quyết ngăn chặn nguy cơ ma túy xâm nhập học đường. (3) Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc phối hợp chặt chẽ với nhà trường và gia đình để tuyên truyền, giáo dục, trang bị cho các em học sinh các kỹ năng cơ bản để nhận diện và chủ động phòng, tránh với loại ma túy mới núp bóng dưới hình thức nước giải khát và các dạng khác.

10. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình “tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030” theo Quyết định số 1895/QĐ- TTg, ngày 11/11/2021 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký. Trong đó tập trung tuyên truyền khẳng định mục tiêu của Chương trình nhằm tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao. Đồng thời, khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

11. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, tuyên truyền tập trung vào Mục tiêu của Chiến lược là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn đối với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng… Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người. Đồng thời tập trung tuyên truyền 11 nhóm giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu nói trên đã nêu trong Chiến lược.

12. Tuyên truyền về thuế và chính sách, pháp luật thuế; việc thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ và của tỉnh năm 2021. Tiếp tục tuyên truyền các giải pháp đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra; triển khai hỗ trợ khách hàng với các gói tín dụng...

13. Tuyên truyền các sự kiện, ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn diễn ra trong tháng 12/2021 và đầu tháng 01/2022 như: Tuyên truyền Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (01/12); Kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021); Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Giang (25/12/1945-25/12/2021); 32 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2021) và 77 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021)…

Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy

CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN

Đ/c Nguyễn Ngọc Khuyên

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy,

Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện - Trưởng ban biên tập.

PHỤ TRÁCH NỘI DUNG

1. Đ/c Trần Văn Hòa

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện,

Phó Trưởng ban TTr Ban Tuyên giáo Huyện ủy

2. Đ/c Lù Văn Lìn

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy

BIÊN TẬP NỘI DUNG

1/ Đ/c Lý Mạnh Hồng - Chuyên viên BTG

2/ Đ/c Hoàng Thị Hằng - Chuyên viên BTG

3/ Đ/c Hoàng Văn Phong - Chuyên viên BTG


Tin khác

Liên kết website