Quốc phòng - An ninh

Cảnh báo tình trạng xuất cảnh sang Trung Quốc lao động tự do

06/08/2014 00:00 220 lượt xem

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng lao động bên Trung Quốc gia tăng, giá thành thuê nhân công cao. Bên cạnh đó, nguồn lao động ở địa phương dồi dào nhưng lại thiếu việc làm, giá thành thuê nhân công lại thấp hơn phía Trung Quốc. Chính vì thế, tình trạng người Việt nam xuất cảnh sang Trung Quốc lao động tự do ngày một gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp…
        Xín Mần là một huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang, có đường biên giới dài 31km tiếp giáp với huyện Mã Quan, Vân Nam, Trung Quốc. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế- xã hội huyện Xín Mần có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng công dân của huyện xuất cảnh sang Trung Quốc lao động tự do vẫn diễn ra phức tạp. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, riêng trong 6 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn huyện có trên 985 lượt người xuất cảnh sang Trung Quốc lao động tự do, trong đó có trên 50 trường hợp bị phía Công an Trung Quốc bắt giữ và trao trả. Họ chủ yếu là người dân tộc thiểu số (Mông, Nùng, La Chí…) ở các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, có nguồn nhân công ở độ tuổi lao động nhiều nhưng thiếu công ăn, việc làm…

        Trào lưu “đi Tàu” và “Hồi ký” của những nhân chứng sống…
        Có lẽ cho đến bây giờ, anh Lù Văn T, SN 1986 ở xã Ngán Chiên vẫn chưa khỏi bàng hoàng và tin là mình đã được quay về nhà đoàn tụ với gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, anh T xúc động kể lại:  “Đầu năm 2013, thấy nhiều người trong thôn rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê, tôi cũng thấy hay hay. Rồi lại nghe theo một số người kháo nhau là sang Trung Quốc làm thuê được trả tiền công cao lắm. Trong lúc nông nhàn, tôi quyết định đi thử một lần xem sao. Mấy người cùng thôn có nhắc tôi rằng để tránh bị công an Trung Quốc bắt, thì xuống công an huyện Xín Mần làm thủ tục thông hành gì đó. Họ không quên chỉ cho tôi khi gặp cán bộ công an thì chỉ bảo là sang bên kia đi chợ mua mấy thứ đồ chứ đừng nói là đi làm thuê. Sau khi làm xong thông hành, tôi đi cùng một số người khác, sang đến bên kia chúng tôi được đưa lên ô tô và đi khoảng 2 ngày đường thì đến nơi. Điều đặc biệt là chúng tôi không phải mất chi phí tiền đi lại do đã có người thanh toán rồi. Chúng tôi trải qua 3 tháng làm việc tại xưỏng lao động tư nhân đất Quảng Đông, Trung Quốc với công việc chính là chăm sóc cây cao su và trồng chuối. Thoạt đầu nghe công việc có vẻ đơn giản lại được trả lương cao, trong đầu tôi đã nghĩ sẽ bỏ ruộng nương và đưa cả vợ cùng sang đây làm. Nhưng ai ngờ đâu, chúng tôi bị các ông chủ sử dụng lao động quản lý rất khắt khe về giờ giấc, chất lượng công việc, điều kiện sinh hoạt lại rất khó khăn. Chúng tôi phải làm việc cả ngày, phải ngủ trong những lán trại tuềnh toàng, gió rét mà thức ăn chủ yếu chỉ toàn rau cải, “sang” lắm mới có thêm vài miếng thịt. Ốm đau, tai nạn, thì phải tự lo. Nhiều khi cơ cực quá, chúng tôi muốn trốn về. Nhưng biết đi đâu, tiền lại không có, luôn phải sống chui sống lủi thấp thỏm, lo sợ. Khi các ông chủ thấy chất lượng công việc của chúng tôi không hiệu quả  nữa thì họ tìm mọi cách báo cho Công an Trung Quốc đến bắt giữ chúng tôi và đương nhiên là chúng tôi bị “ quỵt” tiền công. Khi công an Trung Quốc nói là chúng tôi đi quá địa giới hành chính cho phép của giấy thông hành, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng mình đã bị lừa. Chúng tôi bị giam ở bên đó chừng 3 tháng nữa rồi được trả về qua cửa khẩu. Toàn bộ tài sản của chúng tôi đều bị giữ lại… Thôi, về được đến nhà là may mắn rồi, giờ cho tôi thêm tiền tôi cũng chẳng dám đi nữa”. Anh T cười tâm sự.
        Đó là một trong số những người may mắn đã trở về đoàn tụ với gia đình và yên tâm lao động sản xuất. Hiện nay vẫn còn đó những căn nhà hầu như cả ngày không bóng người bởi họ đã đi lao động tự do ở Trung Quốc, nhà cửa, ruộng nương, con cái thì gửi ông bà, anh em họ tộc... Có những gia đình, vợ hoặc chồng đi, nhiều thời gian dài không tin tức, đôi khi mới có cú điện thoại từ nước ngoài tới người thân hứa hẹn nhiều lần với điệp khúc muôn thủa “sắp về”…. Cá biệt, có trường hợp không thể về đoàn tụ với gia đình nữa, thậm trí còn bỏ xác nơi đất khách quê người ví dụ như trường hợp anh Thào Seo Sùng, sinh năm 1983, dân tộc Mông ở xã Nàn Ma tháng 2 năm 2014 đi Trung Quốc lao động tự do, bị tai nạn rủi do rồi chết, hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể đưa thi thể  anh Sùng về được đành phải mai táng bên đó…

        Nguyên nhân do đâu?
        Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Sin Đức Nam- Phó trưởng Công an huyện cho biết: “ Trong vài năm gần đây, tình trạng xuất cảnh sang Trung Quốc lao động diễn ra khá phức tạp. Tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao, vùng sâu xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chính dẫn tới việc họ chấp nhận bỏ nhà cửa, thậm chí cả con cái sang đất khách quê người chịu cảnh làm thuê vất vả cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo, tranh thủ kiếm thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn. Với các công việc đào hố trồng cây, trông nom làm cỏ, thu hoạch sản phẩm từ các loại cây công nghiệp, kể cả bốc vác, phụ xây… số tiền kiếm được dao động trong khoảng từ 70- 80 NDT/ngày (tương đương với khoảng 250 ngàn đồng Việt Nam)… Đây là số tiền không nhỏ, nhất là trong điều kiện mảnh ruộng, miếng nương của những người dân vùng cao ngày một bạc màu và cuộc sống vất vả. Nhưng trên đất khách họ gặp hàng loạt khó khăn, rủi ro luôn rình rập, họ có thể bị các cơ quan quản lý địa bàn của phía Trung Quốc bắt giữ xử lý, đẩy đuổi, trục xuất bất cứ lúc nào mà quyền lợi không được bảo vệ. Kể cả khi được phía Trung Quốc trao trả công khai, họ có khai báo về việc đồ vật, tài sản bị thu giữ không được trả lại, tiền công chưa được chủ sử dụng lao động thanh toán thì các cơ quan chức năng cũng như các cấp chính quyền của chúng ta cũng khó có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Bởi một lẽ, Nhà nước ta và Chính phủ Trung Quốc chưa ký kết thỏa thuận cấp cao về vấn đề bảo hộ lao động phổ thông cho công dân hai nước... Đáng buồn hơn, trong số những người sang lao động làm thuê, không ít người là phụ nữ vô hình chung trở thành nạn nhân trong các ổ chứa mại dâm, tệ nạn xã hội…

        Bảo vệ nhân dân, cần sự chung tay của các cấp, các ngành…
        Thời gian qua, các cấp ủy chính quyền cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh sang Trung Quốc lao động tự do và quản lý lao động phổ thông vùng biên giới với Trung Quốc. Lực lượng Công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng đã tăng cường biện pháp tuần tra, kiểm soát biên giới, điều tra. thu thập tài liệu, xử lý hình sự với một số đối tượng tổ chức người trốn đi nước ngoài cùng hoạt động mua bán người qua biên giới. Điển hình như vừa qua, cơ quan chức năng huyện Xín Mần đã phát hiện, điều tra và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, đối với bị cáo Sùng Đức Liêm, sinh năm 1984, ở thôn Na Van, xã Tả Nhìu về hành vi tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép…Song song với đó là các cấp hội, đoàn thể cũng đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền với hàng nghìn lượt người tham dự. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giảm thiểu tình trạng “bỏ nương, bỏ rẫy”…

        Với những giải pháp kịp thời đó, tình hình công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động tự do đã có phần hạn chế hơn. Song thiết nghĩ, đó mới chỉ là những biện pháp giải quyết tình huống. Để giải quyết triệt để vấn đề, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tới việc đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục kết hợp với hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội bền vững./.
 

Tin khác

Liên kết website