Thông tin tuyên truyền

Hội thảo chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị đặc sản và nông – công nghiệp dược liệu Hà Giang

23/03/2015 00:00 159 lượt xem

Nằm trong khuôn khổ “Hội thảo phát triển KT – XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc”, sáng ngày 20.3, Tỉnh Hà Giang phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc và Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Hội thảo chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị đặc sản và nông – công nghiệp dược liệu Hà Giang.
        Các đồng chí: Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Quang Trung, Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Hoàng Đình Vinh, Vụ Phó Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế T.Ư đồng chủ trì Hội thảo. Dự có các đồng chí: Trần Văn Tùng, Thứ Trưởng Bộ KH&CN; Hoàng Xuân Lương, Thứ Trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo và chuyên viên các Bộ, ngành T.Ư. Về phía tỉnh, có các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng lãnh đạo các huyện, thành phố; các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu…
        Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông cho biết: Tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách đầu tư vào vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng cơ chế, chính sách thu hút thu hút các doanh nghiệp, HTX để phát triển nông nghiệp. Hình thành liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ theo chuỗi giá trị… Tỷ lệ vốn đầu tư doanh nghiệp nông nghiệp tăng bình quân từ 1 – 1,5% trong tổng vốn đầu tư các doanh nghiệp hàng năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 934, hỗ trợ 100% giống, phân bón để trồng các cây dược liệu đối với các huyện 30a; hỗ trợ 30 triệu đồng cho một HTX thành lập mới… Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT – XH còn yếu kém; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp vẫn chủ yếu; chưa khai thác thế mạnh về dược liệu. Liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị chưa phát triển; đời sống của người nông dân còn ở mức thấp và ngày càng chênh lệch giữa các vùng có lợi thế khác nhau…
        Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham luận tập trung vào các nội dung, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thị trường. Đặc biệt, các ý kiến tham luận đã tập trung đưa ra các giải pháp phát triển cây dược liệu, đưa Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu. Theo Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Nguyên Viện Trưởng Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam nhận định: Cây dược liệu là một sản phẩm của ngành trồng trọt đòi hỏi phải áp dụng kỹ thuật tiên tiến cao hơn hẳn kỹ thuật trồng trọt các cây lương thực và thực phẩm. Do đó, cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng là thành phần quan trọng của nền tảng phát triển dược liệu.
        Ở một khía cạnh khác, Thứ Trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương cho rằng: Hà Giang không nên mở rộng diện tích cây cam, cây chè mà cần quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh; nghiên cứu kỹ và xác định phát triển cây dược liệu là trọng yếu. Chú trọng phát triển chăn nuôi, nhất là phát triển con bò vàng vùng cao thành hàng hóa. Theo Thứ trưởng, CNĐ Đồng Văn là tài sản vô giá của nhân loại. Vì vậy, ở vùng thiếu đất sản xuất nông nghiệp, sẽ đề nghị Trung ương cung cấp lương thực để người dân bảo vệ biên giới, bảo vệ CNĐ. Đồng thời, tiến hành trồng cây cảnh quan để phát triển du lịch, tạo điều kiện giúp đồng bào giảm nghèo bền vững…
        Kết thúc Hội thảo, đã có 14 ý kiến trực tiếp của các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo một số doanh nghiệp đóng góp nhiều giải pháp cho tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang. Các đại biểu đánh giá cao kết quả phát triển nông – công nghiệp dược liệu của tỉnh Hà Giang và cơ bản thống nhất một số nội dung về sự cần thiết và điều kiện để Hà Giang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị đặc sản và nông – công nghiệp dược liệu. Đồng thời, thống nhất kiến nghị Bộ Chính trị cho chủ trương về phát triển KT – XH kết hợp với AN – QP vùng biên giới Hà Giang; ban hành các cơ chế đặc thù cho Hà Giang…


Tin khác

Liên kết website