Thông tin tuyên truyền

Huyện Xín Mần 50 năm xây dựng và phát triển (01/4/1965 - 01/4/2015)

19/03/2015 00:00 171 lượt xem

Xín Mần là một Huyện vùng cao biên giới, cách thành phố Hà Giang 150 km về phía Tây, có 18 dân tộc cùng chung sống. Nhân dân các dân tộc của Huyện vốn có tinh thần đấu tranh cách mạng, giàu lòng yêu nước, cần cù lao động, kiên cường bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc. Từ khi có Đảng lãnh đạo, tinh thần kiên trung ấy không ngừng được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ, đã trở thành truyền thống cực kỳ quý báu. Đồng bào các dân tộc trong Huyện luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tiến hành, xây dựng sự nghiệp cách mạng của Đảng, đã góp phần viết lên những trang sử hào hùng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
         I. HUYỆN XÍN MẦN TỪ KHI THÀNH LẬP ĐẾN TRƯỚC THỀM CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC (1965-1986)
       1. Bước ngoặt quan trọng của việc thành lập Huyện
       Ngày 01/04/1965, Chính phủ ra Quyết định số 49/CP về chia tách Huyện Hoàng Su Phì thành 2 Huyện, gồm: Huyện Hoàng Su Phì và Huyện Xín Mần. Điều đó, đã tạo ra bước ngoặt quan trọng mang tính lịch sử của Huyện. Việc thành lập Huyện Xín Mần đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết của nhiệm vụ cách mạng và phù hợp với điều kiện địa lý, tự nhiên, trình độ phát triển của mỗi vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Lúc mới thành lập, Huyện Xín Mần bao gồm 18 xã, với 3.960 hộ, có 23.745 nhân khẩu của 8 dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Hán, La Chí, Phù Lá, Kinh.
        2. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa tích cực tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975)
       Sau khi thành lập, tình hình kinh tế-xã hội của Huyện đã có bước ổn định, đời sống nhân dân các dân tộc có phần được khá hơn. Quốc phòng-An ninh được quan tâm, chú trọng và từng bước vững chắc. Song, Huyện cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Cơ sở vật chất hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu; trình độ dân trí, văn hoá còn thấp kém; nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp, đại đa số hộ dân thuộc diện đói nghèo; công tác giáo dục, y tế, giao thông liên lạc còn hạn chế; công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc Việt Nam đang diễn ra khốc liệt, cả nước chi viện và hướng về Miền Nam ruột thịt....
        Trước thực trạng đó, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần phải đoàn kết, nỗ lực đề ra các giải pháp lớn, những mục tiêu cụ thể để từng bước xây dựng và phát triển Huyện góp phần trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam; phải xây dựng Huyện giàu có về kinh tế, vững chắc về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh. Những mục tiêu, giải pháp cụ thể đó được cụ thể hoá thông qua các kỳ Đại hội Đảng bộ Huyện: Đại hội I, nhiệm kỳ (1966-1969); Đại hội II nhiệm kỳ (1969-1971); Đại hội III, nhiệm kỳ (1971-1973); Đại hội IV, nhiệm kỳ (1973-1974) và Đại hội V, nhiệm kỳ (1974-1975). Ở mỗi kỳ Đại hội đều xác định những nhiệm vụ cụ thể cho từng nhiệm kỳ, nhiệm vụ xuyên suốt trong giai đoạn này là phát triển kinh tế, tập trung vào phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi và nghề rừng. Xác định rõ cơ cấu kinh tế của Huyện theo hướng Nông - Lâm nghiệp là chính. Đồng thời coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng vững mạnh các tổ chức đoàn thể quần chúng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, góp phần cùng cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần I (1965-1968), lần II (1969-1972) của Đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho Miền Nam thân yêu.
        Có thể nói, trong giai đoạn vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho tiền tuyến và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975), Đảng bộ Huyện Xín Mần đã lãnh đạo nhân dân Xín Mần tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN, cung cấp của cải, lương thực cho tiền tuyến đánh Mỹ. Nhiều con em các dân tộc Xín Mần đã hăng hái xung phong nhập ngũ ra tiền tuyến đánh giặc bảo vệ quê hương, giải phóng đất nước. Nhiều người con đã hy sinh ở chiến trường, hoặc bỏ lại một phần cơ thể, xương máu ngoài mặt trận góp phần giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
        3. Đảng bộ và nhân dân Huyện Xín Mần vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ vùng biên cương của Tổ Quốc (1975-1986)
        Ngày 30/4/1975, đất nước được độc lập, thống nhất và cả nước đi lên xây dựng CNXH. Giai đoạn 1975-1985, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện, chiến tranh biên giới ác liệt, nước ta lại bị Đế quốc Mỹ bao vây, cấm vận. Vì vậy đất nước gặp muôn vàn khó khăn và thử thách: kinh tế - văn hoá khủng hoảng và xuống cấp, lạm phát tăng cao, đời sống cán bộ và nhân dân khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhân dân vẫn tin vào Đảng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Đảng bộ Tỉnh Hà Tuyên (Giai đoạn này, Hà Giang được sáp nhập vào Tuyên Quang thành Tỉnh Hà Tuyên), Đảng bộ Huyện Xín Mần đã lãnh đạo các dân tộc trong Huyện vừa xây dựng CNXH, vừa sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc.
        Trong nhiệm vụ xây dựng CNXH, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tập trung sức lực và trí tuệ vào tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống nhân dân, chi viện đắc lực cho cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc.
        Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần đã không ngại khó khăn, gian khổ và hy sinh, kiên cường bám trụ nơi biên giới bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời”. Nhân dân tuyến sau tích cực ủng hộ và chi viện cho tuyến trước, đóng góp ngày công, của cải, lương thực, thực phẩm cho các chiến sỹ đang cầm chắc tay súng nơi biên cương. Thành lập các Ban chỉ huy quân sự, các đơn vị tự vệ và lực lượng vũ trang, các tuyến phòng thủ biên giới, tạo thành pháo đài quân sự vững chắc, giữ vững trật tự an ninh xã hội.
        Với những đóng góp to lớn đó của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần cùng với sự chi viện và giúp đỡ của Tỉnh và đồng bào cả nước, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân dân biên giới Xín Mần đã giành được thắng lợi, chủ quyền của Tổ quốc được giữ vững.
        Để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng và phát triển đi lên, tháng 12/1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đây là con đường đi đúng đắn, hợp lòng dân, hợp với quy luật phát triển của kinh tế - xã hội. Sự nghiệp đổi mới của Đảng đã được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần đón nhận với niềm tin tưởng, hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước.
        II. HUYỆN XÍN MẦN TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC (1986 Đến nay)
        1. Bước đầu trong công cuộc đổi mới (1986-1990)
        Bắt nhịp với công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Huyện, nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần đã hăng hái thi đua phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Từ đó, cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, đóng góp cho Nhà nước ngày càng nhiều, xã hội ngày càng phát triển. Trong giai đoạn này, Đảng bộ Huyện đã tiến hành 2 kỳ Đại hội, từ Đại hội X đến Đại hội XI. Trên cơ sở phân tích kỹ tình hình, đặc điểm của địa phương, những cơ hội, thách thức, Đảng bộ Huyện đã đề ra những quan điểm, đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: Về kinh tế, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nhằm giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm; từng bước xoá phương thức phân phối bán hàng theo định lượng, chuyển sang bán hàng theo sức mua của đồng tiền và khả năng trao đổi hàng hoá trong nhân dân; đẩy mạnh chính sách khoán 10 vào HTX nông nghiệp và chuyển các tổ chức kinh tế, một số cơ quan sự nghiệp sang hạch toán kinh tế, xoá bỏ bao cấp; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng: mương dẫn nước, xây dựng chợ, mở rộng đường giao thông ở các tuyến chính, phục hồi cầu treo và tiến hành xây dựng thuỷ điện Nà Chì. Về văn hoá, phấn đấu giảm tỷ lệ mù chữ, nâng cao số lượng, chất lượng các trường học tập trung; đẩy mạnh việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; giữ gìn vẻ đẹp của văn hoá, bản sắc dân tộc; phá bỏ các hủ tục lạc hậu; hạ tỷ lệ tăng tự nhiên dân số xuống còn 2,2%. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, tiếp tục xếp lại bộ máy hành chính theo yêu cầu mới, tạo sự chuyển biến về các hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
        Với những quan điểm, chủ trương đúng đắn, đến năm 1990, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần đã đạt được những thành tựu khả quan, tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, tạo điều kiện cho phát triển các mặt đời sống kinh tế - xã hội trong Huyện. Thời gian này, Huyện lỵ Xín Mần chuyển từ xã Nà Chì về Cốc Pài (01/1990). Công tác xây dựng Đảng được củng cố và phát triển cả về chất và lượng (Thời điểm này, toàn Đảng bộ có tổng số 706 đảng viên).
        Có thể nói trên bước đường đầu trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần đã trải qua không ít thử thách, khó khăn và mất mát. Đó chính là những bài học hết sức cần thiết để bước vào thời kỳ mới còn khó khăn và gian khổ hơn nhiều nhưng cũng hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
        2. Thời kỳ tiến mạnh vào công cuộc đổi mới (1990-2000)
        Bước vào thời kỳ tiến mạnh vào công cuộc đổi mới, đặc biệt là ngay sau khi có Nghị quyết 10, các quan hệ sở hữu, quản lý và phân phối đã được điều chỉnh cho phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó, đã tạo điều kiện cho các hộ xã viên không chỉ mua sắm thêm tư liệu sản xuất để mở rộng sản xuất, thâm canh ruộng khoán mà nó còn có tác dụng khôi phục lại quyền làm chủ ruộng đất của nông dân, gắn đất đai với lao động và sản phẩm cuối cùng, từ đó nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng... Đồng thời, đây là yếu tố quan trọng kích thích các hộ xã viên đầu tư vật tư vào lao động nhằm tăng thu nhập.
        Song song với nghị quyết 10 là các chính sách vĩ mô của Nhà nước về một giá, lưu thông tự do; xuất khẩu gạo, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đầu tư cho nông nghiệp, tín dụng nông thôn, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước... đã có tác dụng hỗ trợ kinh tế hộ, làm cho nó trở thành đơn vị sản xuất cơ bản của nông thôn trong cơ chế mới.
        Trước những chuyển động có tính chất cơ bản trên, ngày 28/11/1991, Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện Xín Mần lần thứ XII đã khai mạc. Đại hội đã kiểm điểm nghiêm túc những công việc đã làm, vạch ra các tồn tại và đề ra các quan điểm chi đạo cụ thể: Tiến tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, chú trọng sản sản xuất lương thực và chăn nuôi gia súc; phát triển rừng phòng hộ và cây chè; phấn đấu trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học; từng bước giải quyết có hiệu quả các vấn đề văn hoá - xã hội; làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ Huyện đến cơ sở. với những chủ trương, đường lối đúng đắn của Trung ương Đảng và sự lãnh chỉ, đạo của Đảng bộ Huyện, tình hình kinh tế - xã hội của Huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, Huyện còn không ít khuyết điểm, tồn tại: việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thấp; công tác khuyến nông, khuyến lâm còn nhiều hạn chế; tốc độ tăng trưởng kinh tế không đáng kể; việc thực hiện các chương trình, dự án còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; các điển hình hộ gia đình làm kinh tế giỏi không nhiều...
        Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trên, Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ (1996-2000) đã tập trung đề ra các quan điểm, đường lối cụ thể cho 5 năm là phải tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức Quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội; chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế hàng hoá; thực hiện xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân; thường xuyên đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính quyền và tổ chức đoàn thể.
        Bám sát chủ trương của Đảng, vận dụng linh hoạt phù hợp với thực tiễn địa phương, qua chặng đường 10 năm, từ 1990-2000, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần đã có bước phát triển quan trọng: giải quyết cơ bản vấn đề an ninh lương thực; đảm bảo sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội... góp phần khẳng định đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng là đúng đắn và hợp lòng dân để từ đó kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
        3. Thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá
       Năm 2001, cùng với cả nước tiến mạnh vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại hội XIV của Đảng bộ Huyện với chủ đề “Ổn định, đoàn kết, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, phát triển vững chắc” tiếp theo đó Đại hội XV của Đảng bộ Huyện với chủ đề xuyên suốt “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát huy nội lực, phát triển bền vững” đã đề ra đường lối phát triển toàn diện, trên tinh thần phát huy đại đoàn kết toàn dân, khai thác tối đa nội lực, kết hợp tranh thủ sự đầu tư giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và các địa phương trong và ngoài tỉnh, tập trung đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, nhiều chương trình hành động, nhiều dự án, đề án được triển khai đạt hiệu quả thiết thực, nổi bật trong giai đoạn này là việc xây dựng, triển khai và cụ thể hoá Chương trình, mục tiêu “5 không, 7 việc” vào cuộc sống, đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhất là chương trình “Đại đoàn kết” xây dựng cơ sở hạ tầng...
        Nhiệm kỳ đại hội XVI của Đảng bộ huyện với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạp - Phát huy nội lực - Xóa đói giảm nghèo nhanh - Phát triển bền vững”, đã đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập bình quân đầu người gấp đôi so với năm 2009; thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Xây dựng và hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng nông thôn. Phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch tương xứng với tiềm năng của huyện. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học. Đến năm 2015 có 32% số cháu đi nhà trẻ, 88% số cháu ở độ tuổi mẫu giáo đến lớp, trên 98% số cháu trong độ tuổi từ 6-14 tuổi đến trường, trên 34% lao động qua đào tạo. Phát triển lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vệ sinh an toàn thực phẩm; củng cố kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, giữ vững chuẩn quốc gia về y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; thực hiện có hiệu quả các chính sách về lao động, việc làm và giải quyết tốt các vấn đề xã hội; đảm bảo tình hình chính trị ổn định, giữ vững trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng vai trò lãnh đạo trong tình hình mới.
        Đến nay, Huyện Xín Mần đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc so với những năm đầu thành lập Huyện, đó là những thành tựu rất đáng tự hào đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần…
        Năm 2014, với tinh thần tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong xu thế đổi mới, hội nhập quốc tế; cơ chế chính sách, thực hiện phân cấp trên một số lĩnh vực đã phát huy tính chủ động và năng động của các cấp, các ngành trong huyện. Các chương trình, dự án tiếp tục được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Huyện. Tuy nhiên, trong điều kiện là một huyện nghèo đặc biệt khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho phát triển tiếp tục gặp khó khăn, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển Đông đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, tình hình thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân... đã phần nào ảnh hưởng lớn đến tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Song, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với tinh thần chủ động, phát huy nội lực và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết, nỗ lực trong công tác triển khai tích cực, đồng bộ, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tạo được sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Nổi bật là trong năm 2014 huyện ta tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản phẩm xã hội 702 tỷ đồng (đạt mục tiêu NQ). Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 45,028 tỷ đồng (vượt Nghị quyết 7,15%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 11,05 triệu đồng (Tăng 1,05 triệu đồng so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 31,53% (giảm vượt Nghị quyết 3,24%). Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng khá so với năm 2013 và phần lớn mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện còn đạt thấp, trên cơ sở xây dựng, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án, phát triển các mô hình sản xuất, đưa giống cây trồng mới (Cây chè, dược liệu…) vào sản xuất; Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư thông qua các nguồn vốn thu hút từ các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng điểm di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, hiện có 4 di tích cấp Quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh. Chất lượng công tác giáo dục, đào tạo tiếp tục được nâng cao,  duy trì, ổn định sỹ số học sinh các cấp học; nâng cao chất lượng dạy và học, chỉ đạo hoàn thành và tổ chức công bố 08 trường học của huyện đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, bước đầu thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng. Mạng lưới y tế cơ sở, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tiếp tục được cải thiện; 06 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới diễn ra sôi nổi; chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục thu được nhiều kết quả, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững. Hoạt động đối ngoại tiếp tục tăng cường và mang lại hiệu quả tích cực. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp theo hướng tập trung, trọng điểm, quyết liệt và bám sát cơ sở; chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, các khó khăn vướng mắc, đơn thư tố cáo không xảy ra biến động, bất ngờ. Tập trung chỉ đạo kiểm tra, tổng kết đánh giá toàn diện kết quả thực hiện 4 đổi mới, 8 đột phá, 15 chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh; chỉ đạo triển khai toàn diện kế hoạch chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đải biểu Đảng bộ huyện lần thứ 17 đúng chủ trương, quan điểm, tiến độ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chú trọng đổi mới trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

           III. MỘT SỐ BÀI HỌC LỚN QUA 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HUYỆN
        - Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, gắn với thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng, Chính quyền, Đoàn thể và quần chúng nhân dân; tập trung chăm lo củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể vững mạnh.
        - Vận dụng sáng tạo các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hoá phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương, đảm bảo đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời phải đảm bảo sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ Huyện và mỗi tổ chức cơ sở Đảng; tạo sự đồng thuận trong nhân dân; khuyến khích mọi thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân để tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển. Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; xử lý kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc đặt ra.
        - Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ có triển vọng để tạo nguồn lâu dài; thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, đáp ứng tình hình thực tiễn đặt ra.

           IV. MỤC TIÊU CHỦ YẾU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2015
       Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ (2010-2015) và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVI, nhiệm kỳ (2010-2015). Phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm khắc phục những khó khăn, hạn chế, năm 2015 Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Xín Mần quyết tâm thực hiện thắng lợi 22 chỉ tiêu chủ yếu cụ thể như sau:
        1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 10%.
       2. Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp chiếm 45,3%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 17,4%; Thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 37,3%.
        3. Tổng sản phẩm xã hội 889 tỷ đồng.
        4. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm.
        5. Sản lượng lương thực có hạt đạt 39.643 tấn.
        6. Lương thực bình quân đầu người 615 kg.
        7. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 47,5 tỷ đồng
        8. Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu 4 triệu USD.
        9.  Tỷ lệ độ che phủ rừng 51%.
        10. Tỷ lệ hộ có điện lưới sử dụng 74%.
        11. Tỷ lệ huy động học sinh từ 6 - 14 tuổi đến trường 98%.
        12. Xây dựng trường học đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia 03 trường.
        13. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,85%.
        14.Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 25,09% (giảm 1,11%).
        15. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 26,53% (giảm 5%).
        16. Xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới 01 Làng.
        17. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 27%.
        18. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 75%.
        19. Tỷ lệ số hộ được xem truyền hình 96%.
        20. Thực hiện tốt nhiệm vụ Quốc phòng - An ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
        21. Kết nạp 250 đảng viên mới.
        22. Xây dựng Đảng bộ huyện TSVM; không có chi, Đảng bộ cơ sở yếu kém
 
        Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ Huyện Xín Mần đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Huyện Xín Mần giành được nhiều thắng lợi. Đặc biệt là trong công cuộc đổi mới ngày nay, bộ mặt của Huyện đã từng bước thay đổi, kinh tế tăng trưởng khá nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân dần được cải thiện và nâng cao. Phát huy kết quả của 50 năm xây dựng và phát triển, với truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước, đoàn kết “quyết tâm không cam chịu đói nghèo, biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, năm 2015 nhất định huyện Xín Mần sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng góp phần tạo đà vững chắc cho sự phát triển đi lên của huyện, của tỉnh, của đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
 

Tin khác

Liên kết website