Thông tin tuyên truyền

Kế hoạch phối hợp giữa Tỉnh uỷ Hà Giang và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc

17/03/2015 00:00 250 lượt xem

        Được sự nhất trí của Thường trực Ban Bí thư, Tỉnh ủy Hà Giang phối hợp Ban Kinh tế Trung ương xây dựng kế hoạch tổ chức Hội  thảo: “Phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc” tại tỉnh Hà Giang, cụ thể như sau:
        I. Mục đích, yêu cầu
        1. Mục đích
        - Nhằm triển khai có hiệu quả Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV và một số chủ trương phát triển tỉnh Hà Giang đến năm 2020; Thông báo số 94-TB/VPTW ngày 06/9/2014 của Văn phòng Trung ương về thông báo kết quả chuyến thăm, làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại tỉnh Hà Giang; Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 21/01/2013 của Văn phòng Chính Phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang; các kết luận, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ đối với tỉnh Hà Giang; Kết luận của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trong chuyến thăm và làm việc ở Hà Giang tại Thông báo số 195-TB/BKTTW ngày 30/12/2014.
        - Làm sáng tỏ các căn cứ khoa học, thực tiễn một số đề án, dự án về phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang theo Kết luận của Ban Bí thư, Tổng bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương để trình Trung ương.
        - Đề xuất được những chủ trương và cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm việc thực hiện ba đột phá chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phân cấp, lồng ghép nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội cho Hà Giang và một số tỉnh miền núi phía bắc.
        - Làm cơ sở để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Hà Giang; chuẩn bị cho tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tỉnh Hà Giang.
        2. Yêu cầu
       - Đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh Hà Giang; vị trí, vai trò của Tỉnh trong kết nối phát triển kinh tế với vùng Đông Bắc và Tây Bắc - Việt Nam và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
        - Đề xuất được các chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù; có nội dung phong phú, có giá trị về khoa học và thực tiễn, bảo đảm đúng đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Chính phủ xin chủ trương, cơ chế để triển khai thực hiện.
        - Bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.
        II. Tên gọi, quy mô hội thảo 
        1. Tên gọi: Hội thảo về phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc.
        2. Quy mô Hội thảo: Cấp vùng (Khu vực Đông Bắc và Tây Bắc), mời tham gia: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng và các ban, bộ, ngành Trung ương liên quan.
        III. Cơ quan chủ trì và tổ chức thực hiện
        1. Cơ quan đồng chủ trì: Ban Kinh tế Trung ương, Tỉnh ủy Hà Giang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng nhà nước.
        2. Cơ quan phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế.
        IV. Nội dung và các công việc chuẩn bị cho Hội thảo
        1. Nội dung
Hội thảo tập trung bàn, thống nhất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hà Giang, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính:
        (1) Các chuyên đề về định hướng xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước, trên cơ sở liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc.
        (2) Các chuyên đề định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, trọng tâm là phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm đặc sản, tự nhiên có thế mạnh để trở thành hàng hóa; xây dựng Hà Giang thành vùng trọng điểm quốc gia về  trồng và chế biến cây dược liệu (nông - công nghiệp dược liệu), trên cơ sở thống nhất chung chủ trương liên kết vùng với một số tỉnh trong khu vực.
        (3) Các chuyên đề về định hướng phát triển kinh tế biên mậu Hà Giang gắn với thị trường tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; cơ chế, chính sách gắn phát triển kinh tế biên mậu với đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
        2. Sản phẩm hội thảo
        - Trên cơ sở kết luận Hội thảo, hoàn thiện Kế hoạch hoặc Đề án tổng thể về phát triển tỉnh Hà Giang, trong đó xác định rõ định hướng phát triển và các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Hà Giang để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
       - Có ý kiến thống nhất của các bộ về đề án, dự án phát triển du lịch và cơ chế, chính sách xây dựng Khu du lịch trọng điểm quốc gia Cao Nguyên đá Đồng Văn; định hướng các giải pháp phát triển du lịch Hà Giang mang tính bền vững; có sản phẩm du lịch đặc sắc...
        - Đề xuất thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông - công nghiệp dược liệu của tỉnh và mở rộng ra các tỉnh xung quanh tạo thành vùng dược liệu quốc gia (trong đó Hà Giang là trung tâm); đề xuất được hướng phát triển công nghiệp chế biến dược liệu và thị trường cho sản phẩm dược liệu.
        - Đề xuất được các giải pháp cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
        - Có ý kiến ủng hộ của các bộ, ngành trung ương về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho Hà Giang; đề xuất được số lượng cơ chế cần để phát triển kinh tế biên mậu trong đó có tính đến phân cấp, giao quyền cho các tỉnh biên giới phía Bắc trong một số lĩnh vực để phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh
        - Đề xuất Trung ương kết luận cho tỉnh Hà Giang được thí điểm cơ chế tích hợp giữa chính sách phát triển kinh tế với chính sách an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
         3. Các công việc chuẩn bị phục vụ Hội thảo
        - Xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức Hội thảo, dự thảo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Hội thảo của tỉnh: Hoàn thành trước ngày 25/01/2015 để xin ý kiến Ban Kinh tế Trung ương.
       - Quyết định thành lập Ban Tổ chức, Tổ thư ký Hội thảo, giúp chuẩn bị nội dung, chương trình Hội thảo: Hoàn thành trước ngày 30/1/2015.
        - Xác lập nội dung Hội thảo, dự kiến mời các chuyên gia, nhà khoa học, các ban, bộ, ngành, địa phương tham gia hội thảo và tham luận tại hội thảo: Hoàn thành trước ngày 30/01/2015.
        - Liên hệ đặt bài hội thảo cho các nhà khoa học, quản lý: Hoàn thành trước ngày 01/02/2015.
       - Tổ chức cho các nhà nghiên cứu (tổ chức và cá nhân) đi thực tế tại tỉnh phục vụ cho việc viết các chuyên đề: Từ ngày 05/2 đến ngày 10/2/2015 (có kế hoạch chi tiết riêng, giao Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu).
        - Tập hợp thống kê, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Kinh tế Trung ương về kết quả các bài nghiên cứu: Hoàn thành trước ngày 10/3/2014.
       - Viết báo cáo đề dẫn hội thảo (báo cáo tổng thể và báo cáo tóm tắt để trình bày tại hội thảo): Hoàn thành trước ngày 10/3/2015.
        - Hoàn thành kỷ yếu, các tài liệu khác phục vụ Hội thảo: Hoàn thành trước ngày 15/3/2015.
       - Tổ chức Hội thảo có trưng bày hình ảnh về du lịch, văn hoá, con người Hà Giang; sản phẩm dược liệu và các sản phẩm đặc sản của tỉnh (giao Uỷ ban nhân dân tỉnh có kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện).
        V. Thành phần tham gia
        1. Chủ trì hội thảo
        - Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
        - Đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương.
        - Đồng chí Triệu Tài Vinh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang.
        - Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
        - Đồng chí Đàm Văn Bông - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
        2. Thành phần đại biểu mời dự
        2.1. Cơ quan Đảng:
       - Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng Trung ương.
       - Ban Kinh tế Trung ương: Lãnh đạo các vụ, đơn vị và một số cán bộ Vụ Địa phương - Ban Kinh tế Trung ương.
       2.2. Các bộ, ngành Trung ương: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao (Vụ Trung Quốc), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận Tải, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban tài chính ngân sách Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Du lịch.
       2.3. Các trường Đại học: Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội và một số viện nghiên cứu của các bộ.
       2.4. Các tỉnh trong vùng miền núi phía bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đồng; thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
       2.5. Các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan đến hội thảo
      2.6. Các ngân hàng, doanh nghiệp: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (tỉnh Hà Giang mời); khoảng 30 Doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch (Tổng cục Du lịch giúp mời); các doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu (Tỉnh Hà Giang mời); các doanh nghiệp có uy tín đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, kinh doanh siêu thị.
      2.7. Các cơ quan truyền thông: Đài truyền hình Việt Nam (VTV); Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam (VTC); Đài truyền hình Hà Nội; Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; Báo Nhân dân, Thời báo Kinh tế; Tạp chí Kinh tế; Tạp chí Nông nghiệp Nông thôn; Tạp chí Du lịch; một số Báo điện tử (Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ, Vietnamnet, Vnexpress...).
      2.8. Tỉnh Hà Giang: Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban đảng, đoàn thể; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; các sở, ngành có liên quan; các huyện, thành uỷ và UBND các huyện, thành phố; một số doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh.
        3. Thành phần mời phát biểu và viết chuyên đề tham luận
        - Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Băc (Chỉ đạo).
        - Đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương.
        - Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ biên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
       - Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng một số bộ, ngành, dự kiến: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao Thông Vận tải; Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
        - Đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
        - Đại diện lãnh đạo 01 hoặc 02 tỉnh.
        - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, một số doanh nghiệp lớn, có uy tín trong lĩnh vực du lịch.
        - Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
        - Đại diện trường Đại học Quốc Gia Hà nội.
        - Các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu tham luận đóng góp, phản biện trong từng lĩnh vực.
     * Các tham luận gửi cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh uỷ) trước ngày 10/3/2015 và gửi qua địa chỉ email: kinhte.tinhuyhagiang@gmail.com
        4. Tổng số đại biểu: Dự kiến khoảng 200 - 250 đại biểu.
        VI. Thời gian, địa điểm và chương trình Hội thảo
        1. Thời gian: 01 ngày, ngày 20/3/2015.
        2. Địa điểm: Tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
        3. Chương trình Hội thảo
        3.1. Sáng ngày 20/3/2015: Hội thảo chuyên gia.
       - Nhóm 01: Hội thảo về lĩnh vực Du lịch (Thành phần gồm: Thường trực Tỉnh uỷ, một số đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các đại biểu khách mời, chuyên gia có liên quan; giao đồng chí Trần Đức Quý - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì và mời 01 đồng chí lãnh đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hoặc Tổng cục Du lịch đồng chủ trì)
       - Nhóm 02: Hội thảo về kinh tế biên mậu (Thành phần gồm: Thường trực Tỉnh uỷ, một số đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các đại biểu khách mời, chuyên gia có liên quan; giao đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì và mời 01 đồng chí lãnh đạo của Bộ Công thương hoặc Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì).
        - Nhóm 03: Hội thảo về cây dược liệu và tái cơ cấu nông nghiệp (Thành phần gồm: Thường trực Tỉnh uỷ, một số đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các đại biểu khách mời, chuyên gia có liên quan; giao đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì và mời 01 đồng chí lãnh đạo của Bộ Y tế, hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng chủ trì).
        3.2. Chiều ngày 20/03/2015: Hội thảo chính thức.
        - Khai mạc, phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh.
        - Trình bày cáo cáo đề dẫn hội thảo (báo cáo tóm tắt).
        - Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo trung ương.
        - Phát biểu tổng hợp kết quả hội thảo chuyên gia của 03 nhóm.
        - Các tham luận chuyên đề về đề xuất chủ trương, cơ chế, chính sách, định hướng cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế biên mậu, dược liệu và tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Hà Giang.
        - Ý kiến phát biểu của các đại biểu.
        -  Phát biểu chỉ đạo, kết luận của Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây bắc
        - Bế mạc Hội thảo (Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang).
        - Thường trực Tỉnh ủy tổ chức tiệc chiêu đãi.
        VII. Kinh phí
        Tổng kinh phí tổ chức Hội thảo: Từ nguồn ngân sách tỉnh và tài trợ của các tổ chức, cá nhân.
        VIII. Tổ chức thực hiện
        Thường trực Tỉnh ủy phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương: Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội thảo, nội dung, chương trình, thành phần tham dự, danh sách chuyên gia, thời gian, địa điểm tổ chức.
        1. Xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản; tham mưu quyết định thành lập Ban Tổ chức, các tiểu ban giúp việc Hội thảo; dự kiến thành phần khách mời trung ương, địa phương; lựa chọn chuyên gia, đặt hàng tham luận, hướng dẫn tham chiếu viết tham luận, tập hợp bài viết, đóng kỷ yếu; dự thảo báo cáo tổng hợp, kết luận hội thảo; dự trù kinh phí tổ chức: Văn phòng Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp, thống nhất với Vụ Địa phương, Vụ Kinh tế Tổng hợp, Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung ương thực hiện.
        2. Xây dựng kế hoạch đón tiếp, làm việc và đưa đón các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đi nghiên cứu, khảo sát thực tế để viết báo cáo, đề tài, tham luận phục vụ hội thảo: Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với Văn phòng Tỉnh uỷ tổ chức thực hiện.
        3. Xây dựng báo cáo đề dẫn hội thảo 5 - 10 trang (nêu rõ tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thách thức và định hướng phát triển của Hà Giang): Uỷ ban nhân nhân tỉnh thực hiện.
        4. Công tác vận động tài trợ,  xây dựng dự trù kinh phí tổ chức hội thảo: Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện.
        5. Hoạt động bên lề hội thảo (gặp gỡ các doanh nghiệp, tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm; trưng bày ảnh giới thiệu về văn hoá, du lịch, con người Hà Giang...): Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì, chỉ đạo các ngành liên quan tham mưu tổ chức thực hiện.
        6. Xây dựng phim tư liệu chiếu tại hội thảo,  xây dựng kế hoạch truyền thông trước, trong và sau hội thảo: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin Kinh tế - Ban Kinh tế Trung ương, sở Thông tin - Truyền thông và các cơ quan liên quan thực hiện.
       7. Xây dựng kế hoạch công tác hậu cần, lễ tân, phục vụ (thành lập tiểu ban hậu cần và xây dựng kế hoạch chi tiết của tiểu ban): Văn phòng Tỉnh uỷ chủ trì phối hợp với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện.
        8. Giao văn phòng Tỉnh uỷ tham mưu, giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cấp uỷ, các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh có liên quan thực hiện nghiêm túc kế hoạch này.  
       Trên đây là Kế hoạch phối hợp giữa Tỉnh uỷ Hà Giang và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông bắc và Tây bắc.
 

Tin khác

Liên kết website