Nông thôn mới

Tăng thu nhập: Giải pháp quan trọng nhất thúc đẩy xây dựng NTM ở Xín Mần

10/12/2014 00:00 152 lượt xem

Với 181 mô hình phát triển kinh tế được tổ chức lại sản xuất và 118 nhóm hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại và bán trang trại, 365 Nhóm sở thích làm ăn, mỗi năm đem lại cho đồng bào Xín Mần hàng chục tỷ đồng lợi nhuận. Tăng thu nhập, được lấy làm giải pháp tốt nhất để thúc đẩy xây dựng NTM thành công tại Xín Mần.
        Được giới thiệu làm mô hình vườn, ao, chuồng, rừng, mang lại thu nhập cao và có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng quê hương Nà Chì giàu mạnh, ông Hoàng Thanh Nghị, thôn Nậm Sái khiêm tốn: Tôi chỉ làm được đoạn đường để gia đình, bà con trong thôn đi lại đỡ vất vả mà thôi, đóng góp đó có đáng gì ? Biết ông Nghị bỏ tiền nhà 60 triệu đồng thuê máy mở gần 2 km đường để trẻ em đến trường, người già đi lại, hàng hóa lúa gạo, chè búp… trong thôn lưu thông, để tư thương đỡ ép giá đã làm cho bà con thôn Nậm Sái nể phục. Nằm cách xa trung tâm UBND xã Nà Chì gần chục km là thôn Bản Pó, một thôn khó khăn nhất xã Nà Chì có gia đình ông Hoàng Văn Hạ làm kinh tế giỏi, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thấy đường đi lại trong thôn khó khăn, hàng hóa bị kìm hãm do tư nhân ép giá. Mỗi năm, vào mùa mưa, đường mòn thì tắc, xe thì đẩy dắt, đi nửa ngày đường mới ra đến trung tâm xã mua được cân muối, chai nước mắm về đến nhà trời cũng đã tối. Thấy kinh tế gia đình rôi dư ông Hạ đã bỏ tiền thuê máy móc, mướn nhân công về mở hơn 2 km đường cho cả thôn đi lại. Việc làm của ông Hạ đã kích thích đồng bào trong thôn học ông Hạ để làm Nông thôn mới, làm kinh tế vườn, ao, rừng. Các anh trong Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Xín Mần cho biết: Giải pháp thúc đẩy xây dựng NTM nhanh, hiệu quả nhất, được quan tâm nhất, là phát triển kinh tế bằng các mô hình. Chọn những gia đình có kiến thức, chịu khó làm ăn, cùng sở thích làm giàu để hỗ trợ sản xuất. Trong các giải pháp hỗ trợ, Xín Mần đã chọn hỗ trợ kiến thức đặt lên hàng đầu. Nhờ vào đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm có từ thôn, đến huyện, tổ chức chuyển giao các tiến bộ KHKT. Kèm theo là tổ chức đưa các loại giống cây, con, có giá trị kinh tế cao đang được thị trường tiêu dùng chấp nhận vào sản xuất. Tiến hành tổ chức lại các Tổ, Nhóm cùng sản xuất để tạo ra lượng hàng “đủ” lớn để chiếm lĩnh thị trường... Sơ kết, trong năm 2013, cả huyện mới chỉ có 24 mô hình chăn nuôi lợn đã cung cấp cho thị trường trên 300 tấn lợn hơi/năm. Đến năm 2014, cả huyện đã có 118 mô hình chăn nuôi lợn tập trung, 365 Nhóm sở thích, 2 mô hình trồng rừng kết hợp trồng thảo quả và chăn nuôi trâu bò, dê, xây dựng 2 xã Điểm phát triển toàn diện… Tính toán chưa thật đầy đủ, lượng lợn hơi nuôi tại các mô hình năm nay cung cấp trên địa bàn huyện cho tiêu dùng đã chiếm ¾ sản lượng lợn giết mổ phục vụ nội tiêu và “đẩy lùi” lợn hơi mang từ bên ngoài vào tiêu thụ tại Xín Mần. Ngoài ra, đến hết tháng 11, toàn huyện có thêm 900 hộ gia đình nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua trâu, bò nuôi sinh sản. Ước tính, năm nay có khoảng trên 800 hộ nghèo thoát nghèo nhờ các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập nhờ các biện pháp sản xuất hàng hóa cả trồng cấy, chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây thảo dược. Đối với cây chè đặc sản, huyện đã xây dựng 3 xã phía Nam trở thành các xã trọng điểm có các làng nghề sản xuất, chế biến chè đặc sản. Tiến hành liên tục 2 năm liền(gần 300 ha) tổ chức trồng chè trang trại tập trung mỗi năm trồng 140 ha để tạo vùng nguyên liệu ổn định, đủ lớn cho doanh nghiệp, HTX đầu tư chiều sâu chế biến, tiêu thụ. Đến thời điểm hiện nay, giá thu mua chè tại Xín Mần dao động trên 10.000 – 15.000đ/kg. Cây thảo quả được tổ chức trồng trên 700 ha tập trung tại xã Nấm Dẩn, Quảng Nguyên, Nà Chì, Chế là… hiện đang tạo ra nguồn thu khá ổn định cho bà con nông dân với giá bán quả tươi trên 33.000đ/kg và quả khô là 135.000đ/kg. Quan trọng hơn được giá bán là tạo được cây “thế mạnh” trong vùng để kích thích sản xuất. Kèm theo đó là các biện pháp đồng bộ thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp cũng được áp dụng triệt để. Biện pháp phải kể đến trước nhất là biện pháp tăng vụ cây ngô lai và cây đậu tương thuần chủng DT 84, cây dong giềng trồng trên nương bãi tận dụng đất đai, sức lao động đã mang lại kết quả rất đáng ghi nhận. Sự Liên kết với doanh nghiệp, HTX trồng trên 1.500 ha ngô lai chịu hạn giống  NVL 885, trồng trên 500 ha cây dong giềng, trồng trên 300 ha lúa đặc sản Già Dui đã đem về cho ngông dân lãi dòng tới 35 – 40% lợi nhuận/vụ/năm. Sự liên kết trong sản xuất đã tạo cho bà con nông dân Xín Mần hoàn toàn yên tâm sản xuất, không lo ứ, ế các sản phẩm làm ra sau mỗi kỳ thu hoạch. Xin nói thêm, hiện nay tại Hà Giang chỉ có duy nhất ở Xín Mần đã tạo được “chuỗi” liên kết các giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Sự liên kết trên tuy chưa thật lớn, nhưng cũng đã mở ra hướng phát triển mới, bền vững cho nông dân, giúp họ tránh được rủi ro: Được mùa – Mất giá, và ngược lại. Theo báo cáo của UBND huyện, sản lượng lương thực năm 2014 đạt gần 38.000 tấn. Tổng đàn gia xúc trên 110.000 con, tăng khá so cùng kỳ, trồng cỏ lũy kế trên 2.000 ha, trồng chè 149 ha, thảo quả 250 ha, trồng rừng 350 ha… Nhờ có các giải pháp hỗ trợ sản xuất tạo ra thu nhập ổn đinh mà Xín Mần ngày càng có nhiều hộ, nhóm hộ cùng đầu tư, bỏ tiền của, hỗ trợ nhau làm ăn xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy làng xóm cùng làm, cùng hưởng lợi từ các phong trào xây dựng quê hương nói chung và xây dựng NTM nói riêng.
        Từ thực tiễn trên cho thấy: Thành công của Chương trình xây dựng NTM ở Xín Mần chính là tìm ra “điểm chốt” của bài toán xóa đói, giảm nghèo bền vững cho dân. Bài toán đem lại cho mọi người dân có thu nhập ổn định từ những mô hình sản xuất chất lượng cao. Thật đúng khi người ta khẳng định: Có bột mới gột nên hồ! Tin tưởng, trong thời gian tới Xín Mần sẽ đưa phong trào tăng gia sản xuất lên cao hơn nữa để đạt được mục tiêu xây dựng NTM mà Đảng, Chính phủ đã đề ra./.

Tin khác

Liên kết website