Tin địa phương

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp

17/09/2022 22:19 30 lượt xem

Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu huyện Xín Mần, dự Hội nghị có đồng chí Ngô Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các phòng, ban thuộc UBND huyện.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp
Hội nghị trực tuyến chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp tại điểm cầu huyện Xín Mần.

Thời gian qua, trước tình hình quốc tế và kinh tế - xã hội trong nước có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), chuyển đổi số quốc gia góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 09, bộ, cơ quan.

Đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 09 dự thảo văn bản QPPL và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.

Cả nước đã thành lập tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh được thành lập.

Hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh: Đến nay, đã có 53/63 địa phương thực hiện thống nhất 02 hệ thống này. Việc hợp nhất sẽ giảm đầu tư chồng chéo các phân hệ chức năng giữa hai hệ thống, tăng cường việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như đáp ứng yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định của Chính phủ.

Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành từ tháng 12 năm 2019, đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4; đã có hơn 2.8 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021); đã có hơn 720 triệu truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ (tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 129,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 2,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,78 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021); đã tiếp nhận, xử lý hơn 189 nghìn cuộc gọi tới tổng đài và hơn 46 nghìn phản ánh, kiến nghị…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hội nghị  toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp nhằm đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, sâu sắc các nhiệm vụ được triển khai về thúc đẩy cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua của Chính phủ và chính quyền các cấp; đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế;  chỉ rõ nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ thời gian tới có tính khả thi, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp, với tình hình thực tế. Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành là công cụ quan trọng trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; trụ cột quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này rất cần có đổi mới về nhận thức, tư duy lẫn hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả và tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với xây dựng CPĐT, chuyển đổi số. Nhiệm vụ đặt ra, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng CPĐT, chuyển đổi số quốc gia.   Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ. Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC, tổ chức thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết TTHC sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giai đoạn 2022-2025 để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.   Tập trung triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

Xuân Trường

Tin khác

Liên kết website