Nông thôn mới

Xã Nàn Sỉn - Xín Mần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

29/12/2014 00:00 216 lượt xem

Nàn Sỉn là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần, cách trung tâm huyện 42 km. Xã có tổng diện tích tự nhiên 2.508 ha, trong đó đất nông nghiệp chỉ chiếm gần 47%, còn lại là diện tích đất lâm nghiệp. Toàn xã có 632 hộ dân với 3.436 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính.
        Trong những năm gần đây, huyện Xín Mần đã chỉ đạo các phòng ban, nhất là phòng Nông nghiệp & PTNT trong việc tuyên truyền cho nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xóa nghèo bền vững.
        Từ các nguồn vốn đầu tư chương trình 135, vốn trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và vốn Trung tâm khuyến nông Quốc gia phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Xín Mần đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thành lập tổ chỉ đạo tại xã Nàn Sỉn để chuyển đổi diện tích đất nương bãi trồng cây lương thực ngắn ngày 1 vụ, năng suất thấp sang trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế và trồng cây dược liệu, trồng cỏ dưới tán để phát triển dược liệu và chăn nuôi trâu, bò…. Mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả. Huyện đã hỗ trợ cho 27 hộ dân của xã trồng rừng, chủ yếu là cây tống quán sủ với diện tích hơn 40 ha và trồng cây thảo quả dưới tán rừng được hơn 20 ha.
        Cùng với việc triển khai trồng cây dược liệu dưới tán rừng, xã Nàn Sỉn đã tận dụng diện tích khi rừng chưa khép tán để vận động nhân dân trồng cỏ, tập trung đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, dê… đây là những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhận thức và tập quán canh tác của người dân.
        Thấy được hiệu quả kinh tế, khai thác được tiềm năng, phát huy lợi thế của từng xã trên địa bàn huyện; cấp ủy, chính quyền các xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho các hộ nông dân tiếp cận vay các nguồn đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa để mang lại hiệu quả kinh tế. Các xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…. Đồng thời vận động bà con từ bỏ lối canh tác cũ lạc hậu, manh mún. Thu hút người dân tham gia các mô hình mới bằng cách hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp bà con hình thành phương pháp canh tác mới, hiệu quả hơn.
Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm huyện Xín Mần đã trồng mới rừng được từ 350 ha đến 500 ha, chủ yếu là các loại cây mỡ, keo, tống quán sủ, xoan... Theo đánh giá của ngành chuyên môn những năm gần đây người dân đã biết tận dụng triệt để diện tích đất đồi rừng để phát triển rừng kinh tế, dựa vào rừng để thoát nghèo bền vững.
        Qua kết quả cho thấy việc chuyển đổi những diện tích đất nương bãi trồng cây lương thực ngắn ngày 1 vụ, năng suất thấp sang trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế và trồng cây dược liệu, trồng cỏ dưới tán rừng để phát triển chăn nuôi trâu, bò ở xã Nàn Sỉn đang là hướng đi tích cực để góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo tại huyện Xín Mần theo hướng bền vững.

 

Tin khác

Liên kết website