Thông tin tuyên truyền

Xín Mần đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với cải tạo vườn tạp

23/11/2022 13:52 34 lượt xem

Với sự định hướng của các cấp và phối hợp chặt chẽ của các ngành, công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn ở huyện Xín Mần đã được triển khai đúng mục tiêu đề ra. Số học viên tham gia và số lớp đào tạo nghề tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, nâng dần tỷ lệ lao động được qua đào tạo ở nông thôn, số lao động được đào tạo bước đầu đã biết áp dụng kiến thức vào phát triển kinh tế gia đình như sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trị bệnh cho vật nuôi và cây trồng.

Xín Mần đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với cải tạo vườn tạp
Lớp học thực hành trồng rau an toàn ở xã Tả Nhìu thu hút được nhiều người dân tham gia.

Xác định công tác ĐTN cho lao động nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Xín Mần đã mở được 19 lớp ĐTN cho lao động nông thôn dưới 3 tháng. Trong đó, chủ yếu là các lớp dạy nghề lĩnh vực nông nghiệp như: Trồng rau an toàn; trồng cây ăn quả; chăn nuôi gia súc sinh sản, vỗ béo; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, dê… và một số lớp dạy nghề phi nông nghiệp lĩnh vực nấu ăn, xây dựng, du lịch. Công tác ĐTN luôn bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, huyện và nhu cầu thực tiễn của địa phương, nhất là chú trọng ĐTN gắn với Chương trình cải tạo vườn tạp, nâng cao thu nhập cho người dân. Để đảm bảo cho công tác ĐTN đúng định hướng, Trung tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, từ đó tư vấn, định hướng nghề nghiệp cụ thể cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện phát triển KT - XH của từng địa phương. Phối hợp tổ chức tư vấn, tuyên truyền cho người lao động tham gia các lớp học nghề và các lớp đào tạo tại các xã, thị trấn sau khi đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, trên cơ sở danh sách đăng ký của học viên, Trung tâm tiến hành mở các lớp ở tại các thôn, bản, tạo điều kiện cho người dân tham gia lớp học.

        Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác ĐTN, các giáo viên của Trung tâm GDNN – GDTX huyện luôn tận tình chỉ dạy, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao kỹ năng thực hành cho các học viên. Với hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ gắn với  “cầm tay chỉ việc” đến từng người lao động. Do đó, hầu hết học viên sau khi hoàn thành khóa học đều thực hành khá nhanh chóng và thành thạo. Học viên tham gia các lớp ĐTN đã phát huy được hiệu quả kiến thức áp dụng vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, nông dân ở huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nay được mở rộng ĐTN cơ bản đối với các ngành, nghề phù hợp với sự phát triển của địa phương và xã hội. Qua các lớp ĐTN cho thấy, tỷ lệ học viên nữ trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các lớp trồng trọt, chăn nuôi đạt từ 50 – 65%. Các xã có học viên tham gia nhiều như: Tả Nhìu, Pà Vầy Sủ, Nà Chì, Khuôn Lùng… Nhiều mô hình trồng rau sạch đã được triển khai có hiệu quả ở các xã, thị trấn gắn với mô hình “Từ cải tạo vườn tạp đến bếp ăn nội trú, bán trú” do huyện phát động, mô hình nuôi dê thương phẩm tại xã Pà Vầy Sủ, mô hình “Tổ đội xây dựng giúp nhau” ở xã Bản Díu…

          Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Xín Mần Nguyễn Thị Thanh Huyền,  cho biết: Công tác tuyên truyền được Trung tâm phối hợp với cơ sở thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Truyền thông lưu động, ban hành các văn bản, hệ thống loa phát thanh… Qua đó, người dân có thể nắm được và đăng ký theo nhu cầu. Các lớp học nghề mở đối với tất cả học viên trong độ tuổi lao động. Khi tham gia học nghề, học viên được hưởng chế độ 30 nghìn đồng/ngày theo quy định. Nhìn chung, các học viên sau khi được ĐTN, đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc rau sạch, an toàn, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm… Từ đó, giúp cho năng suất cây trồng và đàn vật nuôi cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng cải tạo vườn tạp tại địa phương./.

Văn Long - BHG

Tin khác

Liên kết website