Thông tin tuyên truyền

Xín Mần thắp sáng tri thức từ những lớp học xóa mù chữ

21/11/2022 14:49 72 lượt xem

Những lớp học xóa mù chữ rẻo cao huyện Xín Mần đã và đang giúp cho nhiều bà con nhân nâng cao tri thức, góp phần nâng cao dân trí trên địa bàn toàn huyện.

Xín Mần thắp sáng tri thức từ những lớp học xóa mù chữ
Buổi tối ở lớp học xóa mù chữ thôn Vai Lũng xã Tả Nhìu.

Đến xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần, chúng tôi lên thăm các lớp học buổi tối của đồng bào người Nùng, người Mông ở thôn Vai Lũng của thầy Sùng Văn Sinh, giáo viên Trường Tiểu học & THCS xã Tả Nhìu. Lớp học tiếng phổ thông đặc biệt với sự tham gia của người lớn cũng tầm khoảng 60 tuổi, nhỏ trên 20 tuổi. Điểm chung của tất cả học viên tại lớp xóa mù chữ (XMC) đều là những lao động chính trong gia đình, ban ngày họ phải tham gia lao động sản xuất, khi tối muộn về cùng nhau tranh thủ đến lớp để học chữ. Thầy giáo Nguyễn Văn Trịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS xã Tả Nhìu cho biết “Đối với học viên rất là đồng tình ủng hộ nhưng mà cũng có cái khó khăn là vì là học viên đa số là người lao động. Ban ngày đi lao động tối về lại còn hỗ trợ việc của gia đình nữa. Thời gian học thì giữa nhà trường, giáo viên, học viên được thống nhất, bố trí thời gian hợp lý nhất. Cũng có khả năng hôm học buổi tối, lúc học buổi chiều, để cái điều kiện thuận lợi nhất cho học viên vừa làm công việc của gia đình được và cũng tham gia được lớp học”.

Đồng bào vùng cao nơi đây được giáo viên dạy cách ghép chữ, đánh vần, ghép âm và đọc thành tiếng Việt. Giáo viên sử dụng song song ngôn ngữ là tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số; dùng cách ghép âm đánh vần đơn giản để bà con dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Chị Lù Thị Ỉnh, thôn Vai Lũng, xã Tả Nhìu theo học lớp đã bấy lâu, nay biết con chữ còn vui hơn bao giờ hết, “Bây giờ thì các thầy mở lớp thì học được một tuần, cũng không biết nhiều, biết ít thì mình biết được số điện thoại gia đình mình, có ai hỏi mình ở đâu thì biết nói, biết viết chữ, biết chữ con, chữ gia đình.

Mỗi buổi tối, hình ảnh người già, người trẻ cầm theo đèn pin rảo bước đến nhà văn hóa, điểm trường để tham gia lớp XMC tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp. Tiếng “ê, a” đánh vần học bài say sưa, ai cũng mong được biết chữ, biết đọc để sau này tiếp thu những kiến thức, truyền dạy văn hóa của dân tộc, vận dụng làm ăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Thầy giáo Sùng Văn Sinh, Trường Tiểu học & THCS xã Tả Nhìu cho biết thêm “Thôn ở đây bà con thì là mù chữ rất nhiều và cái tâm huyết muốn là lên lớp dạy bà con biết được con chữ, biết đọc viết và tính toán, để đỡ vất vả hơn. Từ đợt mở lớp ở Vai Lũng đến giờ, cảm nhận bản thân học viên là đi học đều và tiếp thu tương đối nhanh”.

Chia tay bà con nơi đây, chúng tôi về thôn Quán Dín Ngài, xã Xín Mần, thuộc vùng cao biên giới huyện Xín Mần để tận mắt chứng kiến các thầy cô giáo nơi đây đang truyền dạy con chữ cho đồng bào. Cô Bùi Thị Năm, Giáo viên trường Tiểu học xã Xín Mần cũng là người đứng nhiều lớp XMC ở vùng cao nơi đây và hiểu rõ văn hóa đồng bào dân tộc. Đa số học viên đều là người đã lớn tuổi mới được tiếp cận tiếng phổ thông nên khi truyền đạt rất khó khăn trong phát âm, cách viết. Khi mà mở cái lớp học này ra thì trưởng thôn cũng vận động học viên học viên cũng đến lớp đầy đủ. Và với cái nguyện vọng của cô giáo là khi lên lớp thì cũng tâm huyết của cô muốn học viên của mình biết đọc, biết viết để có cái chữ để phục vụ cho cuộc sống và bản thân. Trong quá trình học thì các học viên là rất chăm chỉ học.

Cô giáo Bùi Thị Năm cùng học viên đang rèn chữ viết

Lớp học có khoảng 20 học viên có độ tuổi từ 30 đến 60, họ là những lao động chất phác trong gia đình. Thường ngày những bàn tay chai sần dùng để trồng trọt, chăn nuôi thì lúc nào rảnh rỗi, nông nhàn, bất kể là chiều hay tối, họ lại tới lớp học cầm bút nắn nót từng con chữ. Một số bà con ở đây từ lâu luôn khao khát được biết viết, biết đọc tiếng phổ thông để tìm hiểu tài liệu qua sách báo, internet vận dụng cách làm ăn phát triển kinh tế. Chị Thào Thị Mắng, thôn Quán Dín Ngài, xã Xín Mần chia sẻ rằng “Lúc nhỏ thì không biết chữ, không được đi học, bây giờ già rồi thì mình cái tên của mình không viết được. Nên rất là muốn biết chữ, biết nói, sau này mình học được tính toán rồi thì mình muốn làm cái gì cũng dễ”.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hiện nay huyện đã đạt chuẩn XMC mức độ 1, tỷ lệ XMC mức độ 2 toàn huyện trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi trên 35.000 người đạt gần 80 %. Có được thành quả này chính là nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang trong việc chung tay xóa nạn mù chữ. Xác định công tác XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, bền bỉ, do đó, ngành Giáo dục đặc biệt là các đơn vị trường học đã cùng cấp ủy chính quyền địa phương tích cực phối hợp để mang “cái chữ”, tri thức đến với bà con.

Cùng với việc thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, Xín Mần xác định công tác xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng. Việc duy trì các lớp xóa mù chữ là một trong những giải pháp căn cơ giúp huyện nâng cao trình độ dân trí. Qua đó, nâng cao trình độ dân trí nhất là trong giao tiếp, trong sản xuất, dần dần cải thiện đời sống, góp phần phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ở huyện Xín Mần./.

Cao Cường

Tin khác

Liên kết website